Đương Đầu Với Những Ngày Tồi Tệ

Bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ có lúc trải qua một hoặc vài ngày tồi tệ. Có thể đó là một buổi sáng thức dậy, chúng ta cảm thấy mọi thứ thật nặng nề và mệt mỏi, chẳng muốn làm thứ gì cả. Cũng có thể đó là một ngày ta bị “vận rủi” ám, chuyện xấu nối tiếp chuyện xấu. Hoặc chỉ đơn giản như làm cốc cà phê bị đổ, xe bị trễ chuyến cũng làm chúng ta khó chịu cả ngày. Vậy thì chúng ta có thể làm gì để những ngày tồi tệ ấy trở nên dễ chịu hơn? 

  1. Nhẹ nhàng và tử tế với bản thân.

Bạn đang có một ngày tồi tệ và “xui xẻo” thì trách mắng bản thân chỉ làm mọi thứ tệ hơn mà thôi. Thay vào đó hãy đặt mục tiêu tử tế với bản thân, và cho phép mình tự “nuông chiều” mình một chút sẽ khiến mọi thứ khá hơn đó! Tuy nhiên hãy nhớ chi tiêu hợp lý với túi tiền của mình nhé. Một số người khi stress thường hay mua sắm rất nhiều, vượt quá khả năng chi trả, đây không phải là một giải pháp tốt. Nó càng khiến bạn thêm stress sau đó mà thôi. Một số phương pháp hữu dụng với mình: 

  • Mua một món ăn bạn thích nhưng không thường xuyên mua (trà sữa có sức chữa lành vô biên, hãy tạm quên lượng đường có trong đó đi!). 
  • Chăm sóc bản thân như đặt hẹn spa/massage sau một ngày làm việc mệt mỏi.
  • Dành thời gian dạo quanh công viên, màu xanh của cây sẽ cho bạn cảm giác tươi mát dịu nhẹ và giải tỏa áp lực.
  1. Để ý đến cảm xúc của mình.

Điều đầu tiên bạn cần làm khi có một ngày tồi tệ là tạm dừng mọi việc bạn đang làm lại trong vài giây và tự hỏi “mình đang cảm thấy thế nào?”. Chúng ta luôn cần những khoảng dừng để “check-in” cảm xúc vài lần trong ngày. Đôi lúc chúng ta để cảm xúc cuốn lấy và chi phối hành động của mình mà không rõ lý do vì sao, ví dụ như bạn cảm thấy khó chịu gắt gỏng với những người xung quanh, hoặc như đau đầu và mệt mỏi. Gọi tên cảm xúc và vấn đề đằng sau, như “mình cảm thấy bực bội và áp lực vì sắp đến deadline”, giúp bạn nhận định rõ trạng thái hiện giờ của mình và nguyên nhân, đồng thời cho bạn mục tiêu để giải quyết. 

  1. Chọn một khoảnh khắc để biết ơn.

Một vài nghiên cứu về hình ảnh não bộ cho thấy chúng ta không thể nào ở trạng thái trầm uất và vui vẻ cùng một lúc được. Lòng biết ơn là một liều thuốc giải stress và cảm xúc bất lực hữu hiệu. Vậy nên khi bạn bắt đầu cảm thấy tiêu cực và mỏi mệt, bạn có thể phá vỡ chúng bằng câu hỏi “Ba điều tốt đẹp xảy ra trong cuộc sống của mình là gì?” hoặc “Ba điều tốt đẹp mà mình trông chờ sắp tới là gì?”. Đó có thể là những thứ nhỏ nhặt như một bữa ăn ngon ngày hôm qua, một cuộc hẹn sắp tới với bạn bè, hoặc một bữa cơm gia đình. Gợi nhớ hoặc chờ mong những khoảnh khắc này khiến kéo tâm trí bạn ra khỏi hố sâu đen tối của cảm xúc tiêu cực và giúp bạn có một góc nhìn khác. Đồng thời nó cũng giúp bạn nhận ra, ừ thì bạn có một ngày tồi tệ đấy, nhưng nó không đại diện cho tất cả những ngày tốt đẹp còn đang ở phía trước. 

Source: Liz Fosslien

  1. Làm điều gì đó.

Thường thì khi bạn cảm thấy tiêu cực và thất bại, bạn sẽ chẳng muốn làm gì cả. Nhưng không làm gì cả lại cung cấp nhiên liệu cho những cảm xúc tiêu cực và nó càng nhấn chìm bạn xuống hố sâu.  Hoàn thành một vài việc nằm trên danh sách của bạn, dù là nhỏ đến đâu, giúp cắt đứt nguồn nhiên liệu tiêu cực đó. Hồi âm email, trả lời điện thoại, nấu một bữa ăn ngon… và đừng quên tự thưởng bản thân sau khi hoàn thành nhé! Hiệu quả sẽ càng tốt hơn nếu hành động của bạn mang lại lợi ích cho người khác, ví dụ như gửi email cảm ơn hoặc khen ngợi ai đó, bạn sẽ cảm thấy khá hơn rất nhiều vì bạn biết hành động của mình tạo nên niềm vui cho người khác. 

  1. Thay đổi thói quen hằng ngày.

Nếu bạn đang có một ngày tồi tệ thì đừng nhốt mình ở bàn làm việc suốt một ngày. Thay đổi môi trường hay hoàn cảnh gửi tín hiệu đến não bộ giúp thay đổi cảm xúc của bạn. Đi dạo một vòng bên ngoài công ty, hoặc đơn giản là dạo quanh tầng lầu khác và khi bạn ở đó, hãy hít thở thật sâu vài lần. Bạn cũng có thể làm vài thứ mà bạn yêu thích, như nghe nhạc hoặc đọc tin tức. Nhưng hãy nhớ cẩn thận với những thứ bạn chọn đọc. Nếu bạn đã cảm thấy tiêu cực thì một bài báo với tin tức không hay sẽ chỉ khiến bạn càng cảm thấy tệ hơn mà thôi. Hãy chọn đọc những mẩu chuyện cười ngắn, hoặc những bài báo tập trung vào những giải pháp hay sáng kiến mang lại lợi ích cho để cân bằng.

  1. Rút ra bài học từ những ngày tồi tệ. 

 Khi bạn có một ngày tồi tệ, suy ngẫm và rút ra bài học về nó trước khi quăng nó ra sau đầu. Để ý những thứ khiến mọi việc tốt hơn hoặc tệ đi có thể giúp bạn xác định được những yếu tố kích thích và có sự chuẩn bị cho những lần sau. Đồng thời điều này khiến cho ngày tồi tệ đó trở nên có ý nghĩa và dễ chịu hơn. 

Sau khi bạn làm thử những điều trên, hãy chọn khoảng ba cách mà bạn thấy hữu dụng nhất, viết xuống và dán chúng ở những nơi bạn dễ thấy, và áp dụng chúng vào những lần bạn thấy áp lực hay có một ngày tồi tệ khác. 

Tổng hợp và viết: Hải Đường Tĩnh Nguyệt 

Tham khảo:    

Boyes, A. (2015, July 27). 4 ways to deal with a horrible, no-good, really Bad Day. Psychology Today. Retrieved August 30, 2022, from https://www.psychologytoday.com/us/blog/in-practice/201507/4-ways-deal-horrible-no-good-really-bad-day

Wilding, M. J. (2020, June 19). How to bounce back from a horrible day. The Muse. Retrieved August 30, 2022, from https://www.themuse.com/advice/5-ways-to-bounce-back-from-a-horrible-day 

How to turn a bad day around. Harvard Business Review. (2016, January 6). Retrieved August 30, 2022, from https://hbr.org/2015/10/how-to-turn-a-bad-day-around 

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…