Đối Tượng Nghiên Cứu của Kế Toán Trong Doanh Nghiệp – Kế Toán Minh Huy
Tài sản và sự vận động của tài sản trong quá trình hoạt động của các đơn vị là đối tượng nghiên cứu của kế toán.
1. Tài sản trong doanh nghiệp bao giờ cũng biểu hiện trên hai mặt: giá trị của tài sản (cho biết tài sản gồm những gì? Phản ánh cái đang có, đang tồn tại trong đơn vị ) và nguồn hình thành tài sản (cho biết tài sản do đâu mà có?) do vậy, đối tượng cụ thể kế toán được xác định dựa trên hai mặt này.
* Tài sản: là nguồn lực do đơn vị quản lý có khả năng mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai và giá trị của nó được xác định một cách đáng tin cậy.
Lợi ích kinh tế trong tương lai được thể hiện trong các trường hợp sau:
+ Được Sử dụng một cách đơn lẻ hoặc kết hợp với các tài sản khác trong sản xuất sản phẩm để bán hay cung cấp dich vụ cho khách hàng.
+ Có thể bán hoặc trao đổi lấy tài sản khác
+ Để thanh toán các khoản nợ phải trả.
+ Để phân phối cho chủ doanh nghiệp.
– Tài sản ngắn hạn là những tài sản có thời gian luân chuyển ngắn thường là trong một kỳ kinh doanh hay trong vòng 1 năm.
+ Vốn bằng tiền: bao gồm tiền mặt (tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý), tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển.
+ Đầu tư tài chính ngắn hạn là những khoản đầu tư tài chính với thời gian thu hồi vốn trong vòng 1 năm hoặc trong 1 chu kì hoạt động kinh doanh như mua cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư chứng khoán ngắn hạn…
+ Các khoản phải thu ngắn hạn: bao gồm các khoản tài sản của đơn vị nhưng do các đơn vị, cá nhân khác sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định (dưới 1 năm) như phải thu khách hàng, phải thu nội bộ, phải thu về thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
+ Hàng tồn kho là nhừng tài sản dùng để dự trữ cho quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa như nguyên liệu, vật liệu, công cụ dụng cụ, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, thành phẩm hàng hóa…
+ Tài sản ngắn hạn khác: bao gồm các khoản tạm ứng, trả trước ngắn hạn, ký cược, ký quỹ…
– Tài sản dài hạn bao gồm các khoản thu dài hạn, TSCĐ và bất động sản đầu tư, cá khoản đầu tư tài chính dài hạn và các khoản tài sản dài hạn khác.
+ TSCĐ và bất động sản đầu tư:
TSCĐ là nhừng tư liệu lao động có giá trị lớn thời gian sử dụng lâu dài bao gồm TSCĐ HH và TSCĐ vô hình.
TSCĐ HH là những tài sản có hình thái vật chất cụ thể: nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị…
TSCĐ VH là những tài sản cố định không có hình thái vật chất cụ thể, như bằng sáng chế, quyền sử dụng đất
Bất động sản đầu tư là những bất động sản bao gồm quyền sử dụng đất do chủ sở hữu hoặc người đi thuê tài sản theo hợp đồng thuê tài chính nhằm mục đích cho thuê hoặc chờ tăng giá
+ Phải thu dài hạn: Là những tài sản trong thanh toán có thời gian đáo hạn trên 1 năm như phải thu khách hàng dài hạn, trả trước dài hạn cho người bán…
+ Đầu tư tài chính dài hạn: là những khoản đầu tư vào haotj động tài chính có thời gian thu hồi trên 1 năm như đầu tư vào công ty con, đầu tư vào công ty liên kết, góp vốn liên doanh dài hạn, cho vay dài hạn….
+ Tài sản dài hạn khác: bao gồm chi phí trả trước dài hạn, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang và ký cược, ký quỹ dài hạn..
* Nguồn hình thành tài sản
– Nợ ngắn hạn: là các khoản nợ mà đơn vị có trách nhiệm phải thanh toán trong vòng 1 năm hoặc trong 1 chu kinh doanh như vay ngắn hạn, phải trả người bán, phải trả công nhân viên…
– Nợ dài hạn: là các khoản nợ mà đơn vị phải thanh toán trong thời gian hơn 1 năm như vay dài hạn, nợ dài hạn…
– Nguồn vốn chủ sở hữu: là nguồn vốn thuộc quyền sở hữu của đơn vị do các chủ sở hữu, các nhà đầu tư đóng góp hoặc hình thành từ kết quả hoạt động kinh doanh
+ Nguồn vốn kinh doanh: là nguồn vốn dùng vào các hoạt động kinh tế chủ yếu của đơn vị, đây là nguồn vốn chủ yếu hình thành nên tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn của đơn vị như vốn ngân sách cấp, vốn cổ phần…
+ Lợi nhuận chưa phân phối: là kết quả hoạt động của đơn vị kế toán trong khi chưa phân phối được sử dụng cho hoạt động của đơn vị
+ Nguồn vốn chủ sở hữu khác: bao gồm các nguồn vốn và các quỹ chuyên dùng của đơn vị được hình thành chủ yếu từ việc phân phối lợi nhuận như quỹ đầu tư phát triền, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng phúc lợi, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chênh lệch tỉ giá hối đoái..
Vậy giá trị tài sản và nguồn hình thành tài sản chỉ là 2 mặt khác nhau của một tài sản chứ không phải là 2 tài sản riêng biệt. Một tài sản có thể được tài trợ từ một hay nhiều nguồn khác nhau, ngược lại một nguồn vốn có thể là nguồn gốc của nhiều loại tài sản khác nhau. Về mặt giá trị tổng giá trị tài sản bao giờ cũng bằng tổng nguồn hình thành tài sản.
Tổng tài sản = tổng nguồn vốn
Tổng giá trị tài sản = Nguồn vốn chủ sở hữu + Nợ phải trả
Nguồn vốn chủ sở hữu = Tổng tài sản – nợ phải trả.
2. Sự vận động của tài sản trong quá trình hoạt động của đơn vị.
Trong quá trình hoạt động tài sản cảu đơn vị thường xuyên vận động qua các giai đoạn khác nhau, qua mỗi giai đoạn vận động tài sản thay đổi cả về hình thái hiện vật lần giá trị. Sự vận động của tài sản thể hiện qua các mô hình sau
Đối với doanh nghiệp sản xuất: T -> H -> SX -> H’ -> T’
Đối với kinh doanh thương mại: T -> H -> T’
Đối với kinh doanh tiền tệ tín dụng: T- T’
Các giai đoạn vận động của tài sản sẽ khác nhau với lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Số lượng các giai đoạn cũng như thời gian vận động của mỗi giai đoạn có thể khác nhau nhưng các lình vực kinh doanh đều giống nhau ở điểm ban đầu tài sản đều biểu hiện dưới thái giá trị và kết thúc cũng dưới hình thái giá trị. Như vậy tài sản trong doanh nghiệp vận động không ngừng và thường xuyên biến đổi cả về hình thái lần giá trị để đạt mục tiêu là lợi nhuận. Và để nâng cao hiệu quả của quá trình tái sản xuất cần thiết phải có thông tin và kiểm tra kịp thời, dầy đủ về quá trình vận động của tài sản