Độc đáo những phiên chợ Tết cầu may mỗi năm chỉ họp một lần

Mỗi dịp Tết đến xuân về các phiên chợ đầu năm nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Các phiên chợ đầu năm không giống những phiên chợ ngày thường, ở đây mọi người vui vẻ mua bán không quan trọng đắt rẻ mà chỉ lấy lộc đầu năm.

Cây giống, bonsai là mặt hàng không thể thiếu ở chợ Viềng. Cây giống, bonsai là mặt hàng không thể thiếu ở chợ Viềng.

Đối với người Việt Nam, chợ không chỉ là nơi buôn chốn bán mà còn là không gian văn hóa, nơi gắn bó mật thiết với đời sống của biết bao thế hệ. Đặc biệt, đi chợ ngày đầu xuân năm mới còn là một phong tục cổ truyền tốt đẹp của người Việt từ thời xa xưa, để cầu một năm mới bình an, may mắn. Những ngày này, một số địa phương có tục mở những phiên chợ độc đáo chỉ họp đúng một lần vào dịp Tết.

Trong những phiên chợ ấy, người bán không đặt nặng việc lời lãi, chỉ mong bán nhanh lấy cái may cho việc làm ăn năm mới. Còn người mua thì mong cầu được cái lộc đầu năm với những mong ước tốt lành.

Chợ Viềng, Nam Định

Chợ Viềng là phiên chợ cầu may nổi tiếng ở Nam Định. Ở đây có đến 4 phiên chợ Viềng nhưng nổi tiếng là là chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, họp từ đêm mùng 7 đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch.

Vì là phiên chợ cầu may có tiếng trong cả nước, chợ Viềng tập trung khách thập phương tứ xứ mỗi dịp Tết đến xuân về.

Tại chợ Viềng, người ta bán đủ loại mặt hàng, từ thịt trâu, thịt bò, dụng cụ sản xuất đến cây giống, đồ cúng lễ… một số đồ dùng cũ nhưng vẫn còn nguyên vẹn cũng được bày bán.

Ở phiên chợ này có tục không kì kèo mặc cả, như thể sự mua bán ở đây mang một ý thức tâm linh nào đó. Người bán không cần lời lãi, người mua chẳng cần được hơn. Dù chỉ trao đổi được một vật nhỏ thì người bán kẻ mua cùng đều hỉ hả vui mừng.

Chợ Chuộng, Thanh Hóa

Chợ Chuộng thuộc xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một phiên chợ độc đáo có một không hai. Hàng năm, cứ đến mùng 6 Tết, hàng ngàn người lại kéo nhau đến phiên chợ này cầu cho một năm thuận hòa, may mắn.

Điều đặc biệt ở phiên chợ này đó là người đến chợ không chỉ mua bán hay thưởng thức các món ăn như lệ thường, mà còn được chứng kiến ném… cà chua. Không biết chính xác phiên chợ cầu may độc lạ này có từ khi nào, nhưng từ lâu, người dân ở đây đã có quan niệm, ai đi chợ Chuộng mà được ném nhiều cà chua vào người thì sẽ gặp được nhiều may mắn, làm ăn thuận buồm xuôi gió.

Phiên chợ này quan trọng trong tiềm thức người xứ Thanh tới nỗi, ở đây vẫn có câu “Bỏ con bỏ cháu, không bỏ mùng 6 chợ Chuộng”.

Chợ Âm Dương, Bắc Ninh

Chợ Âm Dương còn được biết đến với cái tên chợ Gà được mở một lần duy nhất vào đêm ngày mùng 4, rạng ngày mùng 5 ở làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh.

Chợ Âm Dương đặc biệt từ cái tên đến nơi dựng chợ cũng như mặt hàng buôn bán. Gọi là chợ, nhưng chỉ là một bãi đất trống, không có lều, quán cũng không sử dụng đèn, nến, càng không có sự ồn ào, náo nhiệt đặc trưng của nơi buôn chốn bán. Chợ chỉ bán gà mái đen và vàng mã.

Người đi chợ chỉ để cầu may, trút bỏ muộn phiền chứ không nhằm mục đích mua bán. Ngày nay, chợ Âm Dương đã khác nhiều. Mặt hàng được bày bán đa dạng hơn, người đi chợ cũng tự do thoải mái hơn. Nhưng truyền thống tổ chức họp chợ vào ban đêm vẫn được duy trì.

Chợ đình Bích La, Quảng Trị

Chợ đình Bích La ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, thường họp một đêm duy nhất từ khuya mùng 2 đến rạng sáng mùng 3 Tết. Từ hàng trăm năm nay, chợ đình Bích La được coi như lễ hội truyền thống thu hút hàng ngàn lượt người dân và du khách đến đây cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng làm ăn phát đạt…

Chợ Đình Bích La họp đêm mùng 2- sáng mùng 3 Tết, bán hàng nông sản tinh túy nhất do chính người làng Bích La làm. Chợ Đình Bích La họp đêm mùng 2- sáng mùng 3 Tết, bán hàng nông sản tinh túy nhất do chính người làng Bích La làm.

Ở chợ đình Bích La, sản phẩm được bày bán đều do chính người nông dân làm ra… Ngoài ra, có các ông đồ khăn áo chỉnh tề ngồi mài mực cho chữ. Người dân tới xin chữ đầu năm, ông đồ chỉ cho không bán, đáp lại tình cảm đó, du khách có thể tặng may mắn cho người viết thư pháp bằng những bao lì xì.

Phần quan trọng nhất của lễ hội chợ đình Bích La là nghi lễ tôn nghiêm gọi thần Kim Quy – vị thần mang may mắn đến cho một năm thuận lợi, mùa màng bội thu, con cái, gia đình hạnh phúc, thuận hòa.

Chợ Gia Lạc, Huế

Chợ Gia Lạc có lịch sử từ rất lâu đời, cứ 3 ngày Tết là chợ lại họp một lần, với ý nghĩa để mua lộc đầu năm, mua sự may mắn, suôn sẻ.

Chợ Gia Lạc thu hút đông đảo người dân về tham gia mua sắm, giao lưu. Đến với chợ Gia Lạc, du khách có thể tìm thấy được rất nhiều mặt hàng từ hoa quả, trầu cau đến các đồ thực phẩm, các món đặc sản nổi tiếng của Huế hay đồ chơi con trẻ.

Lệ thường người đi phiên chợ Gia Lạc mùng 1 Tết sẽ mua một trái cau, một ngọn trầu với mong muốn bình an trong năm mới, sau đó mới mua đặc sản của chợ theo sở thích.

Đầu xuân, đi chợ tết Gia Lạc đã trở thành truyền thống lâu đời của người dân Huế, họ đi chợ cốt mong được cái lộc đầu năm, sự may mắn suôn sẻ, sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình, tham gia các trò chơi dân gian để thử vận đầu năm…

Chợ Gò, Bình Định

Phiên chợ Gò chỉ họp duy nhất vào mùng 1 Tết và mang đậm nét văn hóa miền “đất võ” Bình Định, có nguồn gốc từ thời anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa.

Khác với những phiên chợ họp thường ngày, chợ Gò như một lễ hội vui Xuân. Khi giao thừa đến, người dân các vùng phụ cận mang đến đây những sản vật địa phương của mình như gánh rau, các loại trái cây, thực phẩm, nhưng nhiều nhất vẫn là cau trầu. Ngoài ra, muối cũng là mặt hàng đắt khách trong chợ Gò, bởi “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi.”

Độc đáo những phiên chợ Tết cầu may mỗi năm chỉ họp một lần Phiên chợ Gò chỉ họp duy nhất vào mùng 1 Tết và mang đậm nét văn hóa miền “đất võ” Bình Định.

Có một điều thú vị nữa ở chợ Gò, đó là nhiều cặp trai gái đã nên vợ nên chồng từ phiên chợ này. Các đôi trai gái ở tuổi đôi mươi, họ khoác tay nhau đi chợ cùng mua vài quả cau, lá trầu và chút vôi để cho duyên thắm tình nồng lứa đôi.

Ngoài ra, người dân còn đến chợ Gò để “thưởng thức” các trò chơi vui Xuân mang màu sắc dân gian quy tụ nhiều “tài tử văn nhân” khắp vùng về đây thi thố…

Có thể thấy, mỗi phiên chợ đều có nét độc đáo riêng, nhưng tất cả cùng mang ý nghĩa cầu cho một Năm mới nhiều tài lộc, may mắn, bình an và thịnh vượng.

Chợ Đình Cả, Hải Dương

Hàng năm, vào sáng mùng 2 Tết Nguyên đán, tại xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, diễn ra phiên chợ đặc biệt họp duy nhất một lần trong năm trước khu vực Đình Cả, thu hút hàng ngàn người trong và ngoài xã. Đây cũng là phiên chợ tồn tại hàng trăm năm ở vùng đất xứ Đông.

Chợ có từ năm Thái Hòa (1676 – 1679) gắn liền với sự tích Đình Cả và sự tồn tại của làng Bói. Đặc biệt, tại phiên chợ này, người bán không bao giờ nói thách, và người mua cũng không mặc cả với ước vọng mua về sự may mắn cho một Năm mới thịnh vượng.

Không chỉ bán những mặt hàng quen thuộc phục vụ đời sống hàng ngày, chợ còn bán muối và trầu cau để những nam thanh nữ tú có cơ hội tìm được duyên lành trong Năm mới. Chính vì vậy, đây còn được coi là phiên chợ cầu duyên đầu Năm mới.

Sau khi đi chợ, mọi người thường vào Đình Cả dâng hương tưởng nhớ các anh hùng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, dựng làng lập ấp và mang lại ấm no cho dân làng.

T.Quang