Điều kiện đưa hàng Việt vào siêu thị Thái Lan

Rộng đường đưa hàng vào siêu thị Thái Lan

Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 18,7 tỷ USD. Thái Lan xếp ở vị trí thứ 9 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn lũy kế tính đến hết tháng 2/2022 đạt hơn 13 tỷ USD.

Về bán lẻ, hai nhà bán lẻ lớn của Thái Lan đang có mặt tại Việt Nam hoạt động nhiều năm qua gồm Tập đoàn Central Retail (chủ sở hữu và quản lý hệ thống siêu thị Big C, Tops Market, GO!), và Tập đoàn TCC Group (chủ sở hữu và quản lý hệ thống siêu thị MM Mega Market).

Hàng Việt rộng đường vào siêu thị Thái Lan - Ảnh 1.

Hàng Việt bày bán tại siêu thị Big C miền Đông, quận 10, TP.HCM. Ảnh: Phúc Minh

Ngoài kinh doanh hàng Thái, hai “ông lớn” này cũng ưu tiên phân phối hàng Việt, kết nối với các nhà cung cấp Việt Nam, đưa hàng Việt vào siêu thị. Với số lượng điểm bán rộng và lượng khách hàng lớn, nhiều doanh nghiệp Việt cũng có nhu cầu đưa hàng Việt vào hệ thống này.

Tư vấn cho các nhà cung cấp Việt Nam tại hội thảo Xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Thái Lan – Kết nối sản phẩm vào chuỗi siêu thị GO! thông qua Tập đoàn Central Retail năm 2022, bà Trương Tố Uyên – Giám đốc bộ phận thu mua của Central Retail Việt Nam cho biết, nhà cung cấp cần phải trải qua 4 bước quan trọng để đưa hàng vào hệ thống này.

Bước 1 là duyệt hồ sơ nhà cung cấp. Nhà cung cấp cần gửi hồ sơ gồm giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm hồ sơ tự công bố, hàng mẫu, báo giá và các giấy chứng nhận khác cho bộ phận thu mua.

Bước 2 là đàm phán và ký kết hợp đồng. Doanh nghiệp được duyệt hồ sơ sẽ tiến hành đàm phán các điều khoản thương mại như thời hạn thanh toán, đơn hàng tối thiểu, tần suất đặt hàng… Sau khi hai bên thống nhất được các điều khoản trên thì sẽ tiến hành ký kết hợp đồng. 

Hàng Việt rộng đường vào siêu thị Thái Lan - Ảnh 2.

Doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối đưa hàng vào hệ thống siêu thị Big C, GO!, Tops Martket. Ảnh: Phúc Minh

Bước 3 là tạo dữ liệu nhà cung cấp và hàng hóa lên hệ thống. Bộ phận thu mua của Central Retail sẽ tạo dữ liệu trên hệ thống quản lý về nhà cung cấp. Đồng thời, bộ phận này sẽ gửi thông báo về mã nhà cung cấp và danh mục hàng hóa cho nhà cung cấp và các siêu thị.

Bước 4 là đặt và giao hàng. Các cửa hàng sẽ đặt hàng dựa trên danh mục hàng hóa đã tạo và sản lượng bán thực tế nhưng vẫn phải đảm bảo đủ đơn hàng tối thiểu đã thống nhất. Có hai hình thức giao hàng là giao hàng trực tiếp cho cửa hàng hoặc giao hàng thông qua tổng kho của hệ thống.

Về cơ bản, cách đưa hàng vào hệ thống siêu thị này tương tự quá khác biệt so với các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại theo mô hình siêu thị, đại siêu thị khác.

Xuất khẩu hàng Việt vào Thái Lan

Ông Bruno Jousselin, Tổng Giám Đốc Điều Hành MM Mega Market Việt Nam cho biết doanh nghiệp đang là cầu nối thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan, kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa giữa hai nước. 

“Bên cạnh việc mang đến cho người Việt cơ hội trải nghiệm các sản phẩm nhập khẩu của Thái Lan, từ năm 2019, chúng tôi còn xuất khẩu ra toàn cầu, đặc biệt là Thái Lan như rau quả, đồ đông lạnh, thực phẩm khô… để người dân từ khắp nơi trên thế giới có thể trải nghiệm hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam”, ông Bruno Jousselin nói.

Hàng Việt rộng đường vào siêu thị Thái Lan - Ảnh 3.

Nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đang tìm được chỗ đứng ở thị trường Thái Lan. Ảnh: MOIT.

Đại diện Central Retail Việt Nam cũng nhận định Thái Lan là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về chất lượng, giá cả, mẫu mã, phương thức kết nối… để có thể cạnh tranh với các nước khác cùng khu vực.

Theo vị này, xu hướng tiêu dùng tại Thái Lan có một số thay đổi sau hai năm Covid-19. Cụ thể, mua sắm qua hình thức trực tuyến ngày càng phát triển. Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, thể hiện sự quan tâm đến môi trường.

Đại diện Central Retail Việt Nam cũng cho biết thêm việc đưa hàng vào Thái Lan thông qua Central Retail có thể gặp khó khăn ở giai đoạn đầu, do trải qua quy trình khắt khe về kỹ thuật, quy chuẩn, nhu cầu của thị trường nhưng nếu đã vào được thì việc tiếp cận các hệ thống bán lẻ khác tại Thái sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Ông Trần Phú Lữ – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM cho biết hiện đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công sang thị trường Thái Lan. Điều này cho thấy thị trường Thái Lan không quá “khó tính” mà điều quan trọng là doanh nghiệp cần nắm bắt được đúng nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người Thái.

Theo ông, trên cơ sở quan hệ đối ngoại Việt Nam – Thái Lan được tăng cường và phát triển thuận lợi hơn trong thời gian qua, hai nước vừa kỷ niệm thành công 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2021 và đang hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước sẽ được tiếp tục mở rộng.