Đe doạ giết người qua tin nhắn bị xử lý như thế nào?

Hiện nay, hành vi đe dọa giết người qua tin nhắn khá phổ biến. Bởi lẽ công nghệ ngày càng phát triển và các hành vi không chỉ trực tiếp thông thường mà nó còn được thực hiện thông qua hình thức nhắn tin. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hành vi đe dọa giết người này? Để tìm hiểu rõ hơn, trong nội dung bài viết này, NPLaw sẽ chia sẻ một số thông tin hữu ích tới bạn đọc.

I. Đe doạ giết người qua tin nhắn là gì?

Thực trạng đe dọa giết người qua tin nhắn hiện nay diễn ra như thế nào? Mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến và có tác động vô cùng lớn đến đời sống. Đồng thời cũng thấy được việc mất kiểm soát nội dung đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội của mỗi cá nhân cũng ngày càng nhiều. Đặc biệt là hành vi đe dọa người khác trên mạng xã hội, mà nguy hiểm hơn là hành vi đe dọa giết người. 

Có thể khẳng định rằng khi một lời đe dọa hướng tới một đối tượng nhất định, kể cả trong phần tin nhắn hay phần bình luận của người khác đều hướng đến một đối tượng cụ thể, làm cho họ tin và lo sợ hành vi đó có thể diễn ra thật thì những người này có thể bị xử lý về hành vi đe dọa giết người.

Vậy hiểu như nào về hành vi đe dọa giết người qua tin nhắn là đúng nhất? Trước hết, đe dọa giết người là hành vi làm cho người khác lo sợ rằng người đe dọa sẽ có hành vi giết người (căn cứ khoản 1 điều 133 Bộ luật Hình sự 2015). Theo đó có thể hiểu đe dọa giết người qua tin nhắn là khi một người thực hiện việc tin nhắn thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng của người nhận tin hoặc người thân thích của họ. 

Bên cạnh đó, mặc dù nội dung tin nhắn có thể không đề cập đến cách thức sẽ giết người như thế nào hoặc được mô tả cụ thể như sẽ phóng hỏa, gây tai nạn giao thông, bắn, đâm… song làm người bị đe dọa lo sợ rằng việc này sẽ được thực hiện. 

II. Luật quy định đe doạ giết người qua tin nhắn như thế nào?

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về hành vi đe dọa giết người qua tin nhắn. Tuy nhiên hành vi này đều được coi là đe dọa giết người. Theo đó, điều 133 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội đe doạ giết người như sau:

– Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

+ Đối với người dưới 16 tuổi;

+ Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

III. Đe doạ giết người qua tin nhắn bị xử phạt như thế nào?

Hành vi đe dọa người khác trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy từng mức hậu quả tính chất, mức độ mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi đe dọa giết người trên mạng xã hội chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. 

Mức phạt này áp dụng đối với tổ chức, nếu cá nhân có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt bằng 1/2 (Khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

IV. Làm gì nếu nhận được tin nhắn đe dọa giết người?

Nếu nhận được tin nhắn đe dọa giết người, để bảo đảm sự an toàn cho chính mình và người thân; công dân có thể tố cáo hành vi của người gửi tin nhắn đến cơ quan điều tra công an quận/huyện theo Khoản 1 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: Quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự;…

Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng.

(Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC)

Nếu hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, Cơ quan điều tra công an quận/huyện có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 42 Điều 1 Nghị định số 14/2022/NĐ-CP. Trong quá trình xử lý, người nhận tin nhắn cần cung cấp cho Cơ quan điều tra các tin nhắn đe dọa, và các chứng cứ liên quan khác để Cơ quan điều tra có thêm thông tin khi giải quyết vụ việc.

V. Tìm luật sư tư vấn về đe doạ giết người qua tin nhắn

Khi bị đe doạ giết người qua tin nhắn, có thể nhờ đến sự tư vấn của các luật sư. Các luật sư sẽ giúp bạn hiểu rõ các vấn đề pháp lý của hành vi này. Đồng thời phân tích giúp bạn nhận rõ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, các luật sư có thể thay mặt bạn tố cáo hành vi của người gửi tin nhắn đến cơ quan điều tra…

Hiện nay có khá nhiều văn phòng luật sư tư vấn. Vì vậy, nên tìm văn phòng luật uy tín, chất lượng và đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Trong đó, khách hàng có thể tin tưởng lựa chọn tư vấn từ NPLaw chúng tôi. 

Trên đây là một số thông tin về hành vi đe doạ giết người qua tin nhắn, quy định của pháp luật về hành vi này mà NPLaw muốn gửi đến bạn đọc. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho các bạn khi bị đe dọa giết người qua tin nhắn. Nếu có thắc mắc gì hay muốn tìm hiểu rõ hơn về các vấn đề, quý khách hàng hãy đến với NPLaw. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc của quý khách hàng!