Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học

TMO – Thành phố Hồ Chí Minh đã ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng các công nghệ sinh học hiện đại, đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ sinh học đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn. 

Việc triển khai nghiên cứu, khoa học, phát triển, ứng dụng các công nghệ sinh học trên địa bàn thành phố đã được được nhiều kết quả nổi bật. Trong lĩnh vực nông nghiệp, chọn tạo các giống cây trồng là hướng nghiên cứu được đẩy mạnh. Trong đó, Trung tâm Công nghệ sinh học, Khu Nông nghiệp công nghệ cao cùng một số đơn vị nghiên cứu đã chọn tạo được nhiều giống lan mới, giống dưa lưới, cà chua bi, cà chua, khổ qua, dưa lưới, dưa leo, ớt cay. Đồng thời, xây dựng các quy trình nhân giống và canh tác rau, hoa kiểng, dược liệu.

Nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật và công nghệ nano trong trồng trọt đã tạo được nhiều chế phẩm sinh học ứng dụng thực tiễn. Trong lĩnh vực y dược, một số hoạt chất từ thực vật, cây thuốc hướng đến phát triển các chế phẩm ứng dụng trong điều trị bệnh bước đầu được triển khai hiệu quả trong sản xuất và thương mại như: curcumin từ nghệ, EGCG từ trà xanh; alfuzosin làm thuốc điều trị u xơ tuyến tiền liệt; vinblastin, vincristin, navelbin làm thuốc chống ung thư…

TP.HCM cũng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ sinh học đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Với những lợi thế, TP.HCM hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường phục vụ phát triên kinh tê nông nghiệp; nâng cao tiềm lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng và làm chủ công nghệ sinh học nông nghiệp hiện đại của Thành phố. Đưa thành phố có trình độ phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu trong cả nước và ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực.

Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 nghiên cứu, phát triển công nghệ tạo các chế phẩm sinh học (sản phẩm phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, chế phẩm bảo quản, xử lý môi trường, vắc xin thế hệ mới, kít thử…) trong trổng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tiến tới thay thế dần các sản phẩm nguồn gốc hóa học. Tiếp tục nghiên cứu phát triển, tiến tới làm chủ công nghệ tế bào thực vật trong nhân giống cây trồng (rau, hoa kiểng,…) sạch bệnh quy mô công nghiệp, giảm giá thành sản xuất cây trồng tối thiểu 30% so với công nghệ truyền thống.

TP.HCM đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ sinh học. Ảnh: ĐQ. 

Ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất ở quy mô công nghiệp; tạo và phát triển các giống cây, con mang tính cải tiến như chống chịu các sâu bệnh hại chính, các điều kiện bất thuận, sinh trưởng nhanh… bằng công nghệ chỉ thị phân tử, chỉnh sửa gen nhằm tạo ra các giống cây, con thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu của thành phố. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, ưu tiên nhóm sản phẩm giống cây, con chủ lực (rau, hoa kiểng, heo, bò sữa, bò thịt, tôm, cá cảnh,…); quy trình công nghệ nuôi cây mô tế bào, chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chế phẩm chẩn đoán, vắc xin phòng trị bệnh. Phấn đấu phát triển, tăng tối thiểu 30% số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Đến năm 2030 làm chủ được một số công nghệ sinh học thế hệ mới, tạo ra các sản phẩm ở quy mô công nghiệp ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Tiếp tục tạo ra được một số giống cây, con mang tính trạng tốt, kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, có năng suất, chất lượng cao. Nghiên cứu phát triển công nghệ mới, sản phẩm mới có tính năng tiến bộ, cải tiến ứng dụng vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp. Tiếp tục mở rộng chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, nâng cao tỷ lệ tự sản xuất nguyên liệu sản phẩm công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp…

Thành phố đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học cải tiến tính trạng quý trên các loại cây trồng chủ lực của thành phố (rau, hoa kiểng,…), tăng sức chống chịu sâu, bệnh mang lại giá trị kinh tế cao nhằm chuyển giao nhân rộng vào thực tiễn, sản xuất sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nghiên cứu cải tiến quy trình nhân giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô, tế bào thực vật ở quy mô công nghiệp đê nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất cây giống từ 20%-30% đáp ứng đủ nhu câu sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Hình thành cơ sở dữ liệu di truyền dựa trên chỉ thị phân tử AND đối với nguồn gen di truyền bản địa cho một số giống hoa lan có giá trị làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc, đánh giá và bảo tồn nguồn gen một cách hiệu quả; khai thác, phục tráng và phát triển, bảo hộ thương hiệu một cách hiệu quả. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra một số giống vật nuôi, thủy sản chủ lực (heo, bò sữa, bò thịt, tôm, cá cảnh) của thành phố tích hợp nhiều đặc tính mới, ưu việc (có năng suất, chất lượng tốt, sức chống chịu và kháng bệnh cao trước các điều kiện bất lợi của môi trường),

Đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng công nghệ sinh học nhân rộng trong sản xuất như ứng dụng công nghệ enzym, protein, vi sinh vật tạo sản phẩm nâng cao hiệu qua sử dụng dinh dưỡng vật nuôi, nâng cao sức đề kháng đối với các yếu tố sinh học, phi sinh học. Tập trung nghiên cứu các quy trình công nghệ sử dụng nguyên liệu là các phế phụ phẩm chế biến sau thu hoạch nông sản để tạo thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần hình thành và phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp không phát thải, nâng cao hiệu quả kinh tế và hạn chế ô nhiễm môi trường.

 

 

Hồng Nhung