Dấu hiệu đặc trưng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại là?

Cách mạng khoa học công nghệ hiện nay là một trong những đặc điểm căn bản của thế giới từ những năm 1950 đến nay. Hãy cùng tìm hiểu về dấu hiệu đặc trưng của nó qua bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê nhé!

1. Cách mạng khoa học công nghệ hiện đại là gì?

Cách mạng khoa học công nghệ hiện đại là sự hòa nhập, kết hợp thành một quá trình duy nhất các quá trình cách mạng trong khoa học, trong kĩ thuật, trong công nghệ và tác động mạnh mẽ đến công nghiệp, trong đó quá trình cách mạng trong khoa học đi trước, giữ vai trò dẫn đường và quyết định các quá trình kĩ thuật, công nghệ, công nghiệp và do đó cũng có vai trò dẫn đường và quyết định định hướng, quy mô, tốc độ phát triển sản xuất. Nghiên cứu khoa học được công nghiệp hóa, tri thức khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, sản xuất trở thành nơi thực hiện thực tiễn các tri thức khoa học. Tri thức khoa học trở thành cơ sở lí luận cho sản xuất, quản lí và phát triển xã hội ở các cấp độ vi mô lẫn vĩ mô và cả ở quy mô toàn cầu. Chính nhờ đó tốc độ phát triển của công nghiệp, của sản xuất và xã hội ngày càng phát triển với quy mô và nhịp độ nhanh hơn.

Đặc điểm của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại:

Thế giới đã trải qua hai cuộc cách mạng kỹ thuật. Cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ nhất diễn ra đầu tiên ở nước Anh vào 30 năm cuối thế kỷ XVIII và hoàn thành vào những năm 50 đầu thế kỷ XX với nội dung chủ yếu là cơ khí hóa, thay thế lao động thủ công bằng lao động sử dụng máy móc. Cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ hai còn gọi là cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, xuất hiện vào những năm 50 của thế kỷ XX. Mới mấy thập niên trôi qua, nhất là thập niên gần đây, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã làm nên sự thay đổi to lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội. Cuộc cách mạng này có nhiều nội dung, song có 5 nội dung chủ yếu sau:

– Về tự động hóa: Sử dụng ngày càng nhiều máy tự động quá trình, máy công cụ điều khiển bằng số, rôbốt.

– Về năng lượng: Ngoài những dạng năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thuỷ điện) ngày nay đã và đang chuyển sang lấy dạng năng lượng nguyên tử là chủ yếu và các dạng năng lượng “sạch” như năng lượng mặt trời,…..

– Về vật liệu mới: Chỉ chưa đầy 40 năm trở lại đây các vật liệu mới đã xuất hiện với nhiều chủng loại rất phong phú và có nhiều tính chất đặc biệt mà vật liệu tự nhiên không có được. Ví dụ: vật liệu tổ hợp (composit); gốm zincôn hoặc cácbuasilích chịu nhiệt…..

– Về công nghệ sinh học: Được ứng dụng ngày càng nhiều trong công nghiệp, nông nghiệp, y tế, hóa chất, bảo vệ môi trường… như công nghệ vi sinh, kỹ thuật cuzin, kỹ thuật gen và nuôi cấy tế bào.

– Về điện tử và tin học: Đây là lĩnh vực vô cùng rộng lớn, hấp dẫn đang được loài người đặc biệt quan tâm, nhất là lĩnh vực máy tính diễn ra theo bốn hướng: nhanh (máy siêu tính); nhỏ (vi tính); máy tính có xử lý kiến thức (trí tuệ nhân tạo); máy tính nói từ xa (viễn tin học).

Từ nội dung của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ nêu trên, ta thấy có hai đặc điểm chủ yếu sau:

– Một là, khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp (bao gồm cả khoa học tự nhiên – kỹ thuật lẫn khoa học – xã hội, nhất là khoa học kinh tế) do con người tạo ra và thông qua con người đến lực lượng sản xuất. Nó đòi hỏi cần phải có chính sách đầu tư cho khoa học, kỹ thuật, công nghệ tương ứng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

– Hai là, thời gian cho một phát minh mới của khoa học ra đời thay thế cho phát minh cũ có xu hướng rút ngắn lại và phạm vi ứng dụng của một thành tựu khoa học vào sản xuất và đời sống ngày càng mở rộng. Nó đòi hỏi cần được kết hợp chặt chẽ giữa chiến lược khoa học và công nghệ với chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.

Các cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại:
 

Cho đến nay nhân loại đã trải qua hai cuộc cách mạng công nghiệp và phần lớn các nước trên thế giới đang trải qua cuộc cách mạng lần thứ ba. Trong khi đó, một số nước phát triển đã bắt đầu triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (được gọi tắt là cách mạng công nghiệp 4.0). Việc tìm hiểu đặc điểm của các cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại và khả năng vận dụng nó để phát triển kinh tế Việt Nam có ý nghĩa thực tiễn to lớn.
 

– Cuộc cách mạng lần thứ nhất bắt đầu vào 30 năm cuối thế kỷ XVIII ở nước Anh, sau đó lan ra khắp thế giới và kết thúc ở phương Tây vào giữa thế kỷ XIX. Đặc điểm của cuộc cách mạng này là tập trung chuyên môn hóa sản xuất, với sự ra đời của máy móc, đã tạo ra mô hình tổ chức lao động bằng hệ thống máy móc, với ba bộ phận (máy phát lực, máy truyền lực và máy công tác). Và cùng với nó là sự ra đời các nhà máy, xí nghiệp với các quy mô khác nhau và ngày càng to lớn. Nội dung của cuộc cách mạng này là thay thế lao động thủ công bằng lao động máy móc. Biểu trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là máy hơi nước. Đây là cuộc cách mạng to lớn trong lịch sử nhân loại. Theo đánh giá của C.Mác về tác động của cuộc công nghiệp lần thứ nhất đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất, ông khẳng định: “Giai cấp tư sản trong quá trình thống trị giai cấp chưa đấy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lưởng sản xuất của tất cả các thế hệ trước gộp lại”. 
 

– Cuộc cách mạng lần thứ hai diễn ra và cuối thế kỷ XIX, kết thúc vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX, khi năng lực sản xuất bằng máy móc cơ khí đã đạt tới những giới hạn. Điểm sáng của cuộc cách mạng lần thứ hai là dựa trên những phát minh ra động cơ đốt trong, nguồn năng lượng mới là dầu mỏ, khí đốt và các nguyên liệu thép và kim loại màu, các hóa phẩm tổng hợp… Đặc điểm lớn nhất của cuộc cách mạng này là việc chuyển sang sản xuất trên cơ sở điện – cơ khí và tự động hóa cục bộ trong sản xuất tạo ra những ngành sản xuất mới, và việc sử dụng các nguyên liệu kim loại và hợp kim mới mà trước đây chưa từng được sử dụng.
 

– Cuộc cách mạng lần thứ ba bắt đầu từ thập niên 40 của thế kỷ XX đến nay, chia thanh hai giai đoạn kế tiếp nhau:

  • Cách mạng khoa học kỹ thuật (từ đầu thập niên 40 đến giữa thập niên 70);
  • Cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, diễn ra vào cuối thập niên 70 thế kỷ XX trở lại đây.

So với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật có nội dung phong phú, đa dạng và rộng hơn nhiều, Đó là sự phát triển vượt bậc không những diễn ra trong các ngành khoa học cơ bản (Toán, Vật lý, Sinh học, Hóa học) mà còn thể hiện ở nhiều ngành khoa học kỹ thuật mới như: khoa học vũ trụ, điều khiển học, mà còn hình thành nên các kỹ thuật, nguyên liệu, vật liệu, năng lượng mà các giai đoạn trước đó chưa từng có được. Cuộc cách mạng khoa hoc – công nghệ diễn ra đồng thời cả hai lĩnh vực khoa học và công nghệ, là quá trình biến đổi tận gốc lực lượng sản xuất của xã hội hiện đại, được thực hiện với vai trò dẫn đường của khoa học trong toàn bộ chu trình: khoa học – công nghệ – sản xuất và môi trường.

Cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại đã làm thay đổi nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội. Nội dung chủ yếu của nó là:

  • Sử dụng ngày càng nhiều máy móc tự động hóa, máy móc, công cụ điều khiển bằng số, rô bốt;
  • Cùng với việc sử dụng năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện) đã và đang sử dụng năng lượng nguyên tử an toàn và năng lượng sạch;
  • Phát triển các loại vật liệu mới như composite, gốm siêu dẫn, kim loại màu, hóa phẩm tổng hợp;
  • Công nghệ sinh học phát triển được ứng dụng ngày càng nhiều trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp như: công nghệ vi sinh, nuôi cấy tế bào…, công nghệ điện tử, tin học…

– Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại nhiều nước phát triển, ra đời trên cơ sở, nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Theo ông Claus Schwab – Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới khi định nghĩa về cuộc cách mạng 4.0, ông cho rằng: “Cuộc cách mạng lần thứ tư sinh ra từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Đặc trưng của cuộc cách mạng 4.0 là:

  • Trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật thông qua internet, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây;
  • Về lĩnh vực công nghệ sinh học tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo…;
  • Cuối cùng là vật lý – sự xuất hiện của rô bốt thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ nano….. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ sự thay đổi ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế các nước trên thế giới. Một mặt, nó tạo ra sự phát triển vượt bậc và kinh tế của các nước. Mặt khác, nó cũng tạo ra những thách thức lớn đối với các nền kinh tế về việc giảm đáng kể lao động phổ thông bị thay thế bởi các rô bốt thông minh. Từ đó, dẫn tới tình trạng thất nghiệp, bất ổn về đời sống và chính trị…….

 

2. Dấu hiệu đặc trưng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại là

Đặc trưng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại là sự xuất hiện và bùng nổ công nghệ cao, đó là công nghệ dựa vào những thành tựu khoa học với hàm lượng tri thức cao.
Tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại:

  • Làm xuất hiện nhiều ngành mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
  • Tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ trên thế giới và trong các quốc gia.
  • Làm nền kinh tế thế giới chuyển dần từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức.

Tác động:

=> Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại tác động ngày càng sâu sắc, làm xuất hiện nhiều ngành mới, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, làm cho kinh tế thế giới chuyển dần từ nền kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức (nền kinh tế dựa trên tri thức, kỹ thuật, công nghệ cao).

Vai trò của khoa học công nghệ hiện đại với vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nền kinh tế Việt Nam:

Cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiên đại, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã chỉ ra rằng: Khoa học đã đi trước một bước và giữ vai trò chủ đạo và định hướng trong phát triển công nghệ, sức sản xuất của mọi nền kinh tế. Trong điều kiện của nền kinh tế nước ta, nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân là trang bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại cho các ngành kinh tế, cùng với việc xây dựng cơ cấu kỹ thuật, công nghệ nhiều tầng, nhiều trình độ cho phù hợp với điều kiện của nền kinh tế Việt Nam. Quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Đảng ta xác định thông qua các Nghị quyết của Đại hội Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết Đại hội lần thứ X, XI, XII, đều khẳng định: Khoa học và công nghệ là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kết hợp công nghệ truyền thống và công nghệ hiện đại, tranh thủ đi nhanh vào hiện đại ở những khai quyết định. Với quan điểm của các Nghị quyết Đảng đã nêu, con đường trang bị kỹ thuật – công nghệ cho các ngành kinh tế quốc dân đối với nước ta hiện nay cần phải phát triển công nghệ nội sinh thông qua việc đẩy mạnh triển khai cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ 4.0. Trong quá trình đó, cần coi trọng việc ứng dụng những thành tựu mới, tiên tiến về khoa học của thế giới, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ để phục vụ các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời phải chú trọng việc sử dụng công nghệ mới gắn với yêu cầu tạo việc làm; kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiên đại; phát triển công nghệ ngoại sinh và nội sinh hóa công nghệ tiên tiến của các nước phát triển để sớm được công nghệ tiên tiến, qua đó rút ngắn khoảng cách tụt hậu về kinh tế so với các nước phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra những cơ hội để Việt Nam nắm bắt và vận dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế đất nước. Với sự xuất hiện của một lực lượng sản xuất mới như: Rô bốt có trí tuệ nhân tạo có khả năng làm việc, giao tiếp và học hỏi; kết nối vạn vật thông qua internet, bằng cách này đã giúp máy móc – rô bốt có thể giao tiếp với nhau và thay thế con người ở rất nhiều công việc trong các ngành kinh tế… Tuy nhiên, cuộc cách mạng 4.0 theo dự báo sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ đối với các nền kinh tế khi rô bốt có thể thay thế những lao động ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Các thách thức trên đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn về nhận thức và hành động của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp. Trong điều kiện của nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn dựa nhiều vào lao động trình độ thấp và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác, những yếu kém về quản trị ở tầm quốc gia cũng là một trở ngại trong quá trình tiếp cận và triển khai cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ở nước ta. Trong quá trình phát triển kinh tế đất nước trong những năm tới, khoa học công nghệ càng có vai trò to lớn như Văn kiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, làm cho khoa học công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trong nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh”. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thành tựu to lớn của cả nhân loại, sẽ là cơ hội cho những quốc gia, dân tộc biết nắm bắt thời cơ, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam.

Hy vọng bài viết trên của Luật Minh Khuê đã cung cấp cho quý bạn đọc những kiến thức hữu ích. Trân trọng cảm ơn.