Đằng sau sự tàn nhẫn của nạn bạo lực học đường trên phim

Huyền Chi

  –  

Thứ hai, 09/01/2023 11:11 (GMT+7)

Hiện, “The Glory” trở thành tựa phim gây sốt mạng xã hội xoay quanh câu chuyện ám ảnh về hậu quả của bạo lực học đường. Phim của Song Hye Kyo không phải tác phẩm đầu tiên khai thác đề tài bắt nạt ở trường học.

Phim ảnh Hàn Quốc được biết đến là ngành công nghiệp phản ánh hiện thực con người và các vấn đề xã hội với nhiều góc tối khốc liệt.

Với bạo lực học đường, phim Hàn không chỉ khắc họa chân thực mà còn hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của công chúng về vấn nạn này.

Trong nhiều năm liền, các nhà làm phim lồng ghép các yếu tố bạo lực học đường và dũng cảm vạch trần sự thật đen tối ở nhiều ngôi trường khắp Hàn Quốc.

“School 2015”, “True Beauty”, “How to buy a friend” hay xa hơn là “Boys Over Flower”, “The Heirs”… từng gây chấn động vì những cảnh bắt nạt dã man, khiến nạn nhân suy sụp, thậm chọn hành động tiêu cực.

Tại Hàn Quốc, bạo lực học đường đã trở thành một tệ nạn xã hội. Ảnh: AFPTại Hàn Quốc, bạo lực học đường đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng. Ảnh: AFP

Nạn bắt nạt ở các trường học Hàn Quốc đã trở thành mối lo ngại lớn từ những năm 1990 khi hiện tượng này được đặt tên thật là wangtta trong tiếng Hàn.

Theo The Korea Times, số vụ bắt nạt ở Hàn Quốc tiếp tục gia tăng kể từ năm 2013. Năm 2013, có 11.749 trường hợp được báo cáo và đến năm 2019, con số này đã tăng hơn gấp đôi so với 10 năm trước.

Đáng nói, các hình thức bạo lực mới như bắt nạt tình dục, giam giữ, hành hạ, thậm chí tra tấn bạn học bằng nhiều cách về cả thể xác lẫn tinh thần… đã xuất hiện. Công nghệ đã mở rộng phạm vi bắt nạt, từ ngoài đời thành bạo lực mạng và cho phép những kẻ bắt nạt đăng tải tự do các nội dung nhạy cảm về cuộc sống của nạn nhân lên mạng xã hội.

Tại Hàn, bạo lực học đường nghiêm trọng đến mức phim ảnh có đủ chất liệu, có đủ “câu chuyện có thật” để khai thác. Liên tiếp nhiều tác phẩm phản ánh sự thật trần trụi về nạn tấn công tình dục, tội phạm vị thành niên và quấy rối trong trường học.

Trong “The Glory”, Moon Dong Eun (Song Hye Kyo thủ vai) bị nhóm bắt nạt dí máy ép tóc đang nóng lên da. Tình tiết này dựa trên sự kiện có thật ở Cheongju.

Trước đây, câu chuyện bắt nạt ở trường học được nói giảm nói tránh, xây dựng theo hướng tích cực khi học sinh gặp được giáo viên tốt. Nhưng với “The Glory” hay “Tòa án vị thành niên”, “Taxi Driver”, “I want to see your parent’s face”, hành vi bạo lực còn được “tiếp tay” và bao che bởi chính giáo viên, phụ huynh và cảnh sát.

Nhà phê bình văn hóa Kong Hee Jung cho rằng: “Các phim phát hành gần đây có xu hướng miêu tả bạo lực học đường một cách thẳng thắn chứ không né tránh như trước. Những câu chuyện cung cấp cái nhìn chân thực, quan trọng về xã hội ngày nay cho thanh thiếu niên, đồng thời cảnh báo người lớn rằng đây là vấn đề cần được quan tâm”.

Sự phân cấp ngay trong trường học khiến nạn bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng và phức tạp. Ảnh: NetflixSự phân cấp ngay trong trường học khiến nạn bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng và phức tạp. Ảnh: Netflix

Bà Han You Kyung, giám đốc Viện Phòng chống Bạo lực Học đường tại Đại học Phụ nữ Ewha cho biết, việc hỗ trợ các nạn nhân bị bắt nạt là rất quan trọng, do những thiệt hại lâu dài mà nạn nhân phải chịu đựng.

Ở xứ kim chi, hình phạt cho học sinh bạo lực học đường gồm 9 bậc: Cấp độ 1 là hình phạt nhẹ nhất – viết văn bản kiểm điểm và mức độ nặng nhất là buộc thôi học.

Tuy nhiên, hồ sơ về tất cả các vụ bắt nạt có thể bị xóa như một cách để giữ gìn danh tiếng cho học sinh. Kết quả là, các nạn nhân phải chịu nỗi đau và và sang chấn tâm lý vì bị bắt nạt, trong khi kẻ cầm đầu vụ việc lại nhởn nhơ.

Hình phạt không đủ sức răn đe, hệ thống luật pháp còn nhiều sơ hở, sự giáo dục của cha mẹ, sự vô cảm của nhà trường… được nhiều bộ phim “mượn” từ đời thực để khắc họa nỗi đau của bạo lực học đường.

Luật sư Noh Yoon-ho – người chuyên về các vụ việc bạo lực học đường tại Hàn Quốc khẳng định, khi những nhà làm phim có cách tiếp cận nghiêm túc, họ sẽ đẩy làn sóng phẫn nộ của công chúng lên đỉnh điểm, trong bối cảnh vấn nạn này vẫn đang bị phớt lờ ngay tại các trường học ở Hàn Quốc.