Da giày đối mặt nhiều thách thức

Theo Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso), nửa đầu năm nay, xuất khẩu da giày ổn định về đơn hàng và kim ngạch xuất khẩu đạt gần 14 tỷ USD, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thách thức trong những tháng cuối năm là rất lớn khi giá nguyên liệu tăng trong khi các doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập ngoại. Theo đó, để đạt mục tiêu xuất khẩu 23 – 25 tỷ USD, các doanh nghiệp phải nỗ lực mở rộng thị trường, nhất là tận dụng tốt lợi thế từ các FTA.

Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, thời gian qua ngành giày dép trong nước đã tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vậy, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cấp C/O cao và tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA. Chính vì vậy trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành da giày có được sự tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu bất chấp nhiều bất lợi về thị trường.

Trên thực tế, trong hơn 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, sản xuất, xuất khẩu của nhiều ngành sụt giảm mạnh nhưng da giày vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định do tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại song phương, đa phương, trong đó có các hiệp định lớn như: CPTPP, EVFTA, RCEP.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, xuất khẩu giày dép 7 tháng của năm 2022 đạt gần 3,1 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu giày dép luôn chiếm gần 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đồng Nai đang là một trong 4 tỉnh, thành có xuất khẩu giày dép lớn nhất Việt Nam. Hiện giày dép sản xuất tại Đồng Nai đã xuất vào hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và là ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh có kim ngạch lớn nhất. Đa số các doanh nghiệp sản xuất giày dép trên địa bàn tỉnh làm theo đơn đặt hàng của những thương hiệu lớn trên thế giới như: Nike, Adidas, Vans, Reebok, Puma, New Balance, Converse…

Hơn 5 năm qua, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai và luôn giữ được mức tăng trưởng cao. Một số thị trường xuất khẩu giày dép lớn của Đồng Nai là: Hoa Kỳ với gần 1,2 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021; Bỉ 355 triệu USD, tăng 29%; Trung Quốc 284 triệu USD; Đức 92 triệu USD; Anh 85 triệu USD…

Để có được kết quả thuận lợi, các doanh nghiệp trong tỉnh đã không ngừng tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, nhất là tận dụng tốt những lợi thế và ưu đãi từ các FTA.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong ngành da giày, kết thúc năm 2021, doanh nghiệp nhận được nhiều đơn đặt hàng cho quý I và quý II/2022, do vậy trong 7 tháng đầu năm là thời gian mà hàng xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng dù vẫn gặp nhiều bất lợi. Tuy nhiên, những tháng gần đây, ảnh hưởng của việc xung đột Nga – Ukraine, Trung Quốc thắt chặt kiểm soát dịch bệnh… đã gây rất nhiều khó khăn hơn cho sự ổn định của cả nền kinh tế thế giới, kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ sụt giảm.

Bên cạnh đó, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng mạnh do giá xăng dầu tăng cao cũng gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Lo ngại hơn, trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với giá nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu tăng cao sẽ tác động đến giá hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Lefaso cho biết, từ diễn biến thực tế hiện nay có thể thấy, tình hình sản xuất và xuất khẩu những tháng cuối năm 2022 còn đối mặt với nhiều khó khăn.

Hiện nay, lạm phát tại các thị trường xuất khẩu, như Mỹ, Liên minh châu Âu… đang tăng cao khiến sức mua suy giảm, làm gia tăng lượng hàng tồn kho, nhất là với các mặt hàng da giày, túi xách thời trang theo mùa. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới số lượng đơn hàng từ nửa cuối năm 2022 cho đến đầu năm 2023.

Kết quả khảo sát từ doanh nghiệp và nhãn hàng, từ nay cho đến quý I/2023, nhiều khả năng các đơn hàng chững lại.

Để tận dụng tốt thế mạnh từ các Hiệp định FTA trong xuất khẩu, ngành da giày mong muốn được tạo điều kiện để tận dụng những cơ hội trong nhập khẩu nguyên phụ liệu từ quốc gia tham gia Hiệp định. Đặc biệt như thị trường EU có những nguồn nguyên phụ liệu giá trị cao để sản xuất các mặt hàng giày dép ở mức độ cao hơn, cũng như có thể nhập khẩu được những công nghệ thiết bị mới.

Đồng thời, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Hiệp hội cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối doanh nghiệp với các thị trường. Dự kiến Hiệp hội sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến xuất khẩu vào tháng 9/2022, hay tháng 11/2022 là triển lãm quốc tế ngành da giày, túi xách với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp và khách hàng nắm bắt thông tin, cập nhật tình hình sản xuất, nhu cầu thị trường, bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết thêm.