Đà Nẵng thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu

Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 1.198 người là đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống, tập trung ở các xã Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang). Người đồng bào Cơ Tu vẫn lưu giữ, bảo tồn, phục dựng được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng  như: trang phục truyền thống, nhà Gươl, nghề dệt thổ cẩm, đan lát, múa tung tung da dá…

Huy động mọi nguồn lực để bảo tồn và phát triển văn hóa đồng bào dân tộc

Những năm qua, Đà Nẵng đã có những chủ trương, chính sách cụ thể nhằm đẩy mạnh, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số đã được ban hành. Trong đó, do ở địa bàn vùng sâu, đời sống kinh tế khó khăn, nhận thức chưa cao nên thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung chú trọng chăm lo đời sống vật chất và phát triển văn hóa cho dân tộc Cơ Tu của huyện Hòa Vang.

Cụ thể và chuyển biến rõ rệt là việc ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 4271/KH-UBND ngày 8/6/2015 của UBND TP. Đà Nẵng về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Cơ Tu trên địa bàn đến năm 2020, với các giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn kịp thời các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở tại địa bàn người Cơ Tu sinh sống, góp phần phát triển loại hình du lịch văn hóa của thành phố.

Theo đó, UBND huyện Hòa Vang đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động như: tuyên truyền cho người dân biết giá trị của văn hóa truyền thống cộng đồng Cơ Tu; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu để đồng bào sử dụng nhiều hơn trang phục truyền thống của mình; tổ chức các lớp dạy nghề mời nghệ nhân từ huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) để truyền dạy lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho phụ nữ Cơ Tu của huyện. Mua, cấp phát trang phục truyền thống cho các học sinh là người Cơ Tu. Mua một số trang phục truyền thống cho đồng bào là hạt nhân văn nghệ; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để người dân hiểu thêm về văn hóa của tộc người mình, nỗ lực hơn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có giá trị văn hóa của trang phục truyền thống. Mở rộng diện tích, nâng cấp, tôn tạo các nhà Gươl theo hướng đảm bảo kiến trúc truyền thống, thuận tiện trong việc sinh hoạt của đồng bào…

Đà Nẵng thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu - Ảnh 1.

Lớp tập huấn mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng “Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu ở Đà Nẵng – Quảng Nam” tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, vừa được tổ chức vào tháng 11 vừa qua.

Những kết quả có được trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu thực sự là động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường lành mạnh, tiến bộ, đẩy lùi những tập tục, lạc hậu và tệ nạn xã hội vùng dân tộc trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Những chính sách và biện pháp trên đã mang lại kết quả tích cực đối với việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần và vật chất cho vùng có đồng bào dân tộc, làm cho mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào Cơ Tu được nâng lên rõ rệt.

Ngày 23/1/2017, UBND TP. Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 629/KH-UBND về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.

Cùng với đó, Đà Nẵng cũng đã tập trung triển khai các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng Cơ Tu gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Cơ Tu như: Ban hành Đề án xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ Tu tại thôn Tà Lang – Giàn Bí, xã Hòa Bắc; thu hút doanh nghiệp đầu tư khai thác du lịch cộng đồng thôn Phú Túc, xã Hòa Phú; phối hợp với điều phối viên quốc gia chương trình SGP-GEF xây dựng chương trình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Cơ Tu tại xã Hòa Bắc.

Ngày 16/11/2021, UBND TP. Đà Nẵng có Quyết định số 4398/QĐ-UBND về ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án nhằm khai thác tài nguyên sinh thái tự nhiên, tài nguyên văn hóa, làng nghề truyền thống hiện có ở các cụm bền vững, xây dựng thành những sản phẩm du lịch đặc thù, tăng số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm làm điểm nhấn thu hút khách du lịch; xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch cộng đồng của huyện Hòa Vang có chất lượng và có khả năng cạnh tranh.

Hơn 31 tỉ đồng đầu tư cho đề án mới

Quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế du lịch cùng những yếu tố khách quan trong quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa Cơ Tu đã đặt ra vấn đề: Cần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu.

Mặt bằng dân trí của đồng bào Cơ Tu ở huyện Hòa Vang hiện còn hạn chế, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn và sự đầu tư của Nhà nước cho bảo tồn văn hóa còn thấp, thiếu cán bộ chuyên trách về văn hóa dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, những người già, nghệ nhân am hiểu truyền thống dần dần mất đi nên đã có sự đứt gãy trong văn hóa của cộng đồng giữa, truyền thống và hiện đại.

Vì vậy, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề, nhiều thách thức cần giải quyết, cần vượt qua. Trước hết, đó là nguy cơ thất truyền, mai một của các loại hình di sản văn hóa, phong tục, lễ hội trước áp lực của sự phát triển, hội nhập. Áp lực của ngành kinh tế du lịch – dịch vụ tăng nguy cơ suy thoái về môi trường sinh thái – nhân văn. Tiếp đến là vấn đề nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, con người bố trí cho công tác bảo tồn văn hóa người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Thời gian gần đây, huyện Hòa Vang triển khai một số mô hình du lịch cộng đồng tại Hòa Bắc, Hòa Phong và Hòa Phú. Tuy nhiên các mô hình chỉ đang ở mức thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm cho từng khu vực và đang gặp phải nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ để từng bước phát triển. Điều này cũng hạn chế trong công tác phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Vì vậy, Đề án Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030 được cho là cần thiết, bởi văn hóa được xem là một trong ba yếu tố cơ bản để xây dựng và phát triển bền vững xã hội. Các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Cơ Tu nói riêng là tài sản quý giá được trao truyền qua nhiều thế hệ. Sự phai nhạt, mai một văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, lâu dài, ổn định cho vùng đất và con người ở Đà Nẵng.

Đà Nẵng thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu - Ảnh 2.

Điệu múa Tung tung da dá được bà con người Cơ Tu biểu diễn phục vụ du khách tại Khu du lịch Núi Thần Tài.

Theo đó, Đề án nói trên được đầu tư dự kiến hơn 31,3 tỉ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa, thực hiện ở 3 xã Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa, môi trường lành mạnh; đẩy lùi những tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội vùng dân tộc thiểu số; làm đa dạng đời sống văn hóa; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc…

Đề án đặt mục tiêu: Đến năm 2030, 100% thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu được bảo tồn và hoạt động hiệu quả; 100% lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu được phục dựng, lưu giữ thông qua tư liệu, hình ảnh, phim; phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm; 100% nghệ nhân là đồng bào dân tộc Cơ Tu được hỗ trợ trong việc trao truyền, đào tạo những người kế cận.

100% công chức văn hóa xã vùng đồng bào Cơ Tu được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

100% thôn vùng đồng bào Cơ Tu được hỗ trợ xây dựng các CLB văn hóa – văn nghệ truyền thống; được hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng và trang bị các dụng cụ tập luyện thể dục thể thao. 60-70% công chức các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) học và sử dụng tiếng Cơ Tu khi giao tiếp cộng đồng người Cơ Tu.

Các chính sách hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và truyền thông về giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu; hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ nghệ nhân, người nắm giữ đi sản văn hóa và người có uy tín trong cộng đồng; đào tạo, truyền dạy di sản văn hóa; mở rộng giao lưu văn hóa; bảo tồn và phát huy các thiết chế văn hóa truyền thống…

Khôi phục nhà Gươl truyền thống

Người Cơ Tu ở Đà Nẵng có 3 có nhà Gươl ở 3 thôn: Phú Túc (xã Hòa Phú), Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) thuộc huyện Hòa Vang.

Nhà Gươl là kiến trúc cộng đồng tiêu biểu của người Cơ Tu, là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng, là nơi tiến hành các sinh hoạt cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt, lễ hội chung của làng, nơi lưu giữ những hiện vật thiêng và quý của cộng đồng.

Vì vậy, việc khôi phục nhà Gươl truyền thống là khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu, giúp các thế hệ người Cơ Tu mai sau hiểu biết và kế thừa những giá trị văn hóa vật chất tinh thần của dân tộc mình.