ĐẶC SẢN MIỀN TRUNG – MÍT NON TRỘN – Món ngon Bình Định

Mít non trộn là món ăn dân dã, phổ biến khắp các vùng quê, với các nguyên liệu đơn giản và cách chế biến không quá cầu kỳ. Món mít trộn truyền thống của người miền Trung chỉ đơn giản với mít non luộc, đậu phộng rang và rau thơm. Ngày nay, khi đời sống không còn khó khăn, người ta thêm vào thịt, tôm, mực,… làm cho món gỏi thêm đa dạng và ngon miệng hơn. Sau đây, MonNgonBinhDinh.vn giới thiệu tới các bạn cách chế biến với mít non, hi vọng sẽ giúp các bạn có thêm lựa chọn khi làm món gỏi.

Mít non trộn

Gỏi mít non là món dân dã, ít tốn công sức, mọi người đều có thể làm. Nhưng để được ngon và hấp dẫn như những gì người ta hay khen ngợi thì cần cả sự khéo léo và nghệ thuật.

Trước tiên để món mít ngon phải chọn những quả mít non, trái suông chưa nở gai, cắt ra có màu trắng ngà, luộc phải chín mềm. Gọt bỏ vỏ (phần gai xanh), lấy phần da trắng và thịt, cắt bỏ phần cùi, xẻ theo chiều dài của cuốn mít. Cắt thành miếng lớn, rửa với nước sạch hoặc dùng lá lau sạch (người xưa thường có thói quen dùng lá chuối, lá nhám…). Luộc mít với miếng lớn để giữ được vị ngon và ngọt.

Mít non luộc

Bắc nồi nước sôi cho mít vào luộc, trở đều hai mặt. Khi mít đã ngã màu thì dùng đũa xiên thử mít đã mềm hay chưa. Nếu đã chín mềm thì tắt lửa vớt ra, để nguội. Sau khi luộc mít thường có màu tím nhạt.

Lưu ý nhỏ, khi luộc, nên để lửa nhỏ, miếng mít sẽ chín đều mà không bị sống bên trong và quá chín bên ngoài.

Thái mít đã luộc thành từng sợi nhỏ vừa ăn theo sớ. Nguyên liệu cần cho món mít trộn rất đơn giản, gồm có nước mắm chanh tỏi ớt, lạc rang giã nhuyễn, rau răm thái nhỏ,… Để hấp dẫn hơn bạn có thể thêm vào thịt, tôm, mực luộc,.. cũng thái thành sợi nhỏ như mít luộc.

Linh hồn của món gỏi chính là phần nước mắm được pha với tỉ lệ vừa đủ, với những hương vị đậm đà đan xen giữa vị chua cay mặn ngọt. Cách làm nước mắm trộn gỏi cũng tương tự như khi pha nước mắm chua ngọt. Tuy nhiên, để món gỏi không bị mặn bạn nên pha với tỉ lệ loãng hơn. Bạn cũng có thể pha thêm nước sôi để nguội để khi ăn món gỏi sẽ vừa miệng hơn.

Khi đã chuẩn bị xong các nguyên liệu, cho mít cùng thịt, tôm,.. đã sơ chế vào tô to, rưới nước mắm, dùng đũa trộn đều. Sau đó thêm vào đậu phộng rang, các loại rau thơm, đảo đều và nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn. Vậy là đã xong món gỏi mít non.

Ăn gỏi mít non không thể thiếu bánh tráng nước hay bánh phồng tôm. Bẻ miếng bánh tráng, xúc một ít gỏi và thưởng thức bánh tráng giòn rụm, mít non ngọt, bùi như thịt gà, vị béo của tôm, mực, các vị mặn, cay, ngọt hòa lẫn nhau làm cho món ăn thêm phần đậm đà. Thật ngon phải không các bạn?

Quỳnh Hương