Cuộc thi Khoa học kĩ thuật – Nơi hoài bão bay xa

(BTV) Nhằm kích thích sự sáng tạo trong học sinh, phát triển năng lực tự học, giúp học sinh bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học, rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh dành cho học sinh các bậc trung học năm học 2021-2022 năm nay đã đạt được nhiều kết quả tốt, với những đề tài hay ứng dụng trong cuộc sống.

Hai bạn Đỗ Tấn Bình lớp 9A2 và Ngô Minh Đức lớp 9A1 là học sinh Trường THCS Tiền An vừa đạt giải Nhất trong cuộc thi KHKT cấp tỉnh năm 2021-2022. Dự án “Chế tạo thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng dành cho người sau đột quỵ” của hai bạn được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao về tính ứng dụng trong thực tiễn, cùng với nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Ít ai biết được rằng, ý tưởng táo bạo trên được các bạn ấp ủ, nung nấu từ rất lâu rồi.

Đỗ Tấn Bình bên phải, Ngô Minh Đức bên trái

Chia sẻ với phóng viên, bạn Đỗ Tấn Bình cho biết: Bố mẹ em luôn nói với em rằng, khi lớn lên, “con phải làm một người tốt, một người có ích cho xã hội”. Câu nói đó là động lực, giúp em có những ước mơ, hoài bão cho riêng mình và em đã có những thành công đầu tiên cho bản thân. Đến bây giờ, em cảm thấy rất vui vì những gì mình đã làm được.

Qua tìm hiểu về căn bệnh đột quỵ, em thấy nó vô cùng nguy hiểm, để lại rất nhiều di chứng, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, một người thân của em đã từng xảy ra điều đáng tiếc này, nên em luôn có suy nghĩ trong đầu, làm sao để khắc phục những di chứng mà chúng để lại khi ta gặp phải. Đó cũng là nguyên nhân chính để em thực hiện dự án của mình. Bạn Bình chia sẻ.

Bạn Ngô Minh Đức cho biết, em và Bình chơi thân với nhau, tuy không học cùng lớp nhưng ngoài giờ học, chúng em thường gặp nhau để chia sẻ về việc học tập và những điều trong cuộc sống. Bình có chia sẻ về ý tưởng muốn tạo ra phương tiện hỗ trợ dành cho người sau đột quỵ với em, em vô cùng bất ngờ với ý tưởng táo bạo này. Sau một thời gian tìm hiểu, em với Bình bắt tay vào thực hiện dự án riêng của hai đứa. Với vốn kiến thức hạn hẹp, nhưng em và Bình vẫn mạnh dạn thực hiện, vừa chế tạo vừa tìm hiểu… Bạn Đức chia sẻ.

Với đề tài “Chế tạo thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng dành cho người sau đột quỵ” nhóm nghiên cứu của Bình và Đức phân chia công việc rất khoa học.

Theo đó, Bình phụ trách phần thiết kế, Đức lo phần lập trình bên trong. Để thực hiện đề tài nghiên cứu, các bạn đã thực hiện 3 bước gồm: Tìm hiểu cơ chế hoạt động của bo mạch, hệ thống vi mạch điều khiển; thiết kế bản vẽ, đo đạc kích thước khung mô hình; lắp đặt hệ thống và hoàn thiện.

Do đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các bạn học sinh phải học online, khiến cho quá trình hoàn thiện dự án gặp nhiều khó khăn. Song, các bạn vẫn cố gắng, tạo mối liên kết từ xa, để hoàn thiện dự án.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc, người chịu trách nhiệm hướng dẫn học sinh thi KHKT cho biết: Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các học trò, tôi đã hướng dẫn, định hướng cho cả hai em về việc xây dựng đề tài, sát với thực tế, xây dựng nội dung một cách logic và chính xác. Dự án được các bạn triển khai vào đầu năm 2021, tuy hai bạn là học sinh THCS với vốn kiến thức hạn hẹp nhưng các thầy cô và Ban Giám hiệu nhà trường luôn ủng hộ, truyền lửa cho các bạn. Giúp các bạn tự tin hơn, sáng tạo hơn trong việc thực hiện dự án của mình.

Không chỉ gây ấn tượng với đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao, trong học tập, Bình và Đức còn là những tấm gương sáng trong về học tập và năng nổ trong các hoạt động xã hội của trường lớp. Ngoài những kiến thức thu nhận được trên lớp, Bình và Đức tìm tòi những kiến thức mới về bài học trên internet để làm phong phú hơn cho vốn hiểu biết của mình. “Hiện tại, chúng em và cô giáo hướng dẫn vẫn đang nghiên cứu, tìm hiểu để hoàn thiện hơn về đề tài của mình. Hy vọng một ngày nào đó đề tài của chúng em có thể được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn cuộc sống”, bạn Đức chia sẻ.

Tham dự Cuộc thi KHKT cấp tỉnh có 53 dự án của học sinh các trường THCS, các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Giáo dục chuyên nghiệp – Giáo dục thường xuyên thuộc các nhóm lĩnh vực: Hệ thống nhúng; Kỹ thuật cơ khí, Năng lượng vật lý, Robot và máy thông minh… với tổng số 44 dự án đạt giải gồm: 3 dự án đạt giải Nhất, 9 giải Nhì, 17 giải Ba và 15 dự án đạt giải Tư.

Với mục đích, nhằm kích thích sự sáng tạo trong học sinh, phát triển năng lực tự học, giúp học sinh bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học, rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống.

Ngoài ra, cuộc thi cũng tạo cơ hội khởi nghiệp cho học sinh, góp phần đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động dạy và học, đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập, nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường.

Đặc biệt, cuộc thi đã giúp học sinh có cơ hội gắn kết với các môi trường xã hội (như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, địa phương…), là cơ hội để học sinh có những sản phẩm sáng tạo giúp ích xã hội. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng là sân chơi cho học sinh giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ đam mê nghiên cứu khoa học, thực hiện hóa những ước mơ của chính mình.

Văn Đức