“Công nhân trả lời phỏng vấn theo bản năng, chưa trả lời theo kỹ năng nên dễ mất điểm”

“Công nhân trả lời phỏng vấn theo bản năng, chưa trả lời theo kỹ năng nên dễ mất điểm” Anh Nguyễn Qui Hoàng – Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành

Anh Nguyễn Qui Hoàng làm công tác nhân sự cho doanh nghiệp đã 14 năm. Trước khi chuyên trách về công tác nhân sự, anh từng đảm nhận vị trí cán bộ lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp với quy mô từ 100 đến 6.000 lao động. Điều khiến anh yêu thích công việc này là được thường xuyên tiếp xúc, giúp đỡ người lao động từ khi họ chưa bước vào doanh nghiệp.

Chia sẻ về nghề nhân sự, anh Hoàng cho biết: “Quy trình tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp cơ bản gồm các bước như hoạch định nhu cầu tuyển dụng, tìm nguồn ứng viên, sàng lọc – tuyển chọn, phỏng vấn tuyển dụng, thử việc, duy trì và phát triển nhân lực. Cán bộ tuyển dụng thường tận dụng chính nguồn lao động là do công nhân trong công ty giới thiệu. Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động theo giá trị cốt lõi của mình”.

Đơn cử, một công ty chú trọng các giá trị “trách nhiệm, hợp tác, tận tâm” thì khi phỏng vấn, cán bộ tuyển dụng sẽ đưa ra những câu hỏi giúp ứng viên bộc lộ được những phẩm chất này. Buổi phỏng vấn sẽ phân loại, đánh giá được ứng viên có phẩm chất phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp hay không. Do đó, công nhân cần có kỹ năng trả lời phỏng vấn và tự tin thể hiện năng lực riêng biệt của mình để không “mất điểm” từ khâu này.

“Công nhân trả lời phỏng vấn theo bản năng, chưa trả lời theo kỹ năng nên dễ mất điểm” Anh Nguyễn Qui Hoàng (người ngồi, đầu tiên, bên phải) làm tiếp nhận đơn ứng tuyển của công nhân. Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021

“Những câu hỏi tôi thường đặt ra cho ứng viên là: Nếu trúng tuyển, anh/chị cam kết làm việc cho công ty bao lâu? Khi gặp khó khăn anh chị giải quyết thế nào? Giao anh chị làm việc 8 tiếng/ngày nhưng hết 8 tiếng chưa xong việc thì anh chị làm thế nào?… Đó là bộ câu hỏi nhằm đánh giá thái độ, tư duy của người lao động. Trên thực tế, đó cũng là những câu hỏi lao động phổ thông dễ “mất điểm” khi ứng tuyển. Và cách trả lời sẽ quyết định bạn có được nhận vào doanh nghiệp hay không.” – anh Hoàng cho biết.

Theo anh, thay vì trả lời “làm việc đến khi nào bị đuổi hay đến đâu hay đến đó”, công nhân nên nói “sẽ cố gắng hết sức có thể” vì không công ty nào muốn sa thải lao động đủ nhiệt tình và tích cực trong công việc.

Đối với câu hỏi “gặp khó khăn anh chị giải quyết thế nào”, “hết 8 tiếng nhưng chưa xong việc anh chị sẽ làm thế nào”: Thay vì vô tư trả lời “hết giờ thì về”, công nhân nên đưa ra câu trả lời có kỹ năng hơn như “với em không có khái niệm hết giờ làm việc, khi công việc chưa hoàn thành” để không mất điểm.

“Công nhân trả lời phỏng vấn theo bản năng, chưa trả lời theo kỹ năng nên dễ mất điểm” Anh Nguyễn Qui Hoàng (hàng đầu, ở giữa) được tôn vinh chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu của tỉnh Tây Ninh

“Tôi thường đưa ra lời khuyên cho các bạn không trúng tuyển nên dành tâm huyết vào buổi phỏng vấn và cố gắng hết sức gắn bó lâu dài với công ty. Trong nghề nhân sự có quan điểm, đi phỏng vấn tức là bán sức lao động của mình. Hãy bán những gì người ta cần, đừng chỉ rao bán những gì mình có. Hãy nêu ra cho nhà tuyển dụng thấy sự khác biệt của bạn. Do đó, đừng nói “không phù hợp sẽ nghỉ việc”. Vì chính bạn phải xác định mình có phù hợp với công ty hay không ngay từ khi ứng tuyển vào vị trí mong muốn” – anh Hoàng cho biết.

Anh chia sẻ, nhà tuyển dụng đánh giá rất cao “thái độ” ở lực lượng lao động phổ thông. Đây cũng là hạn chế của nhiều công nhân hiện nay. Theo anh, lao động phổ thông vẫn tồn tại thái độ không tôn trọng công việc của mình, suy nghĩ đơn giản rằng có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nên làm ở đâu cũng được. Những người như vậy khi mắc lỗi trong quá trình làm việc sẽ không tự nhận ra khuyết điểm của mình, sẵn sàng nghỉ việc khi bị khiển trách. Thay vào đó, họ nên nhìn nhận đúng mức về lỗi của mình và phản hồi với cấp trên mong muốn được xử lý giải quyết theo hướng sửa chữa hơn là nghỉ việc.

“Thái độ” sẽ quyết định lao động đó có giá trị ở công ty hay không. Người nhìn ra điểm sai của mình và sẵn sàng giải quyết sẽ là người có cơ hội phát triển và mong muốn phát triển. Trong doanh nghiệp, ai tự coi mình là quan trọng sẽ khiến họ có giá trị ngày càng thấp đi trong mắt lãnh đạo và đồng nghiệp. Người dù không có trình độ chuyên môn cao nhưng có kỹ năng giải quyết vấn đề, có vốn sống, tự đánh giá được những mặt tốt và chưa tốt của mình sẽ được doanh nghiệp trân trọng và đầu tư phát triển” – anh Hoàng chia sẻ.

“Công nhân trả lời phỏng vấn theo bản năng, chưa trả lời theo kỹ năng nên dễ mất điểm” Anh Nguyễn Qui Hoàng (thứ hai, từ trái sang)

Ngọc Lành, một lao động phổ thông đã vượt qua kì thi ứng tuyển và hiện là công nhân Công ty cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành cho biết, những kinh nghiệm mà anh Hoàng chia sẻ đã giúp cô tích lũy được rất nhiều kỹ năng trong công việc. Trước hết, cô chú trọng rèn luyện thái độ nghiêm túc và trân trọng công việc mình đang có.

Không chỉ chia sẻ kiến thức về kinh nghiệm công tác với đồng nghiệp, cán bộ công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, anh còn kết bạn với hầu hết công nhân trong doanh nghiệp. Anh luôn lắng nghe, tháo gỡ khó khăn và giúp đỡ họ trong công việc. Tuy vừa người đại diện, bảo vệ người lao động, vừa “ăn lương” của ông chủ nhưng anh quan niệm, dù “ở vai nào” đều phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Khi người lao động “mắc lỗi”, cán bộ công đoàn cần tư vấn cho lãnh đạo có hình thức xử phạt theo hướng để người lao động sửa chữa và không đẩy tranh chấp lao động lên cao. Để làm được điều này, cán bộ công đoàn viện dẫn và lập luận các căn cứ pháp luật logic, đúng pháp luật mới khiến doanh nghiệp và người lao động cảm thấy thuyết phục.

“Công nhân trả lời phỏng vấn theo bản năng, chưa trả lời theo kỹ năng nên dễ mất điểm” Anh Nguyễn Qui Hoàng và người lao động có hoàn cảnh khó khăn của công ty. Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021