Công dụng, cách dùng Tô mộc

Mô tả cây

  • Cây nhỏ, cao 5-7m, có khi hơn. Thân có nhiều gai. Cành non có lông min, sau nhẵn, có gai ngắn và những lỗ bì hình chấm trắng. Gỗ thân rắn, màu đỏ nâu hay đỏ vàng.
  • Lá kép lông chim, mọc so le, gồm 9 đôi cuống lá phụ, mỗi cuống có 12 đôi lá chét hoặc hơn, lá kèm biến đổi thành gai hình nón.
  • Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùm dài. Cánh tràng 5, mỏng màu vàng, 4 cánh ngoài hình mắt chim, có móng ngắn, cánh trong có phiến trơn và móng rộng, có rãnh; nhị 10, chỉ nhị có lông.
  • Quả hình trứng, thuôn dẹt, rất cứng, dài 5-6cm, rộng 3-4cm, hình giống như con dao bầu, có sừng nhọn ở đầu, hạt 3-4 màu vàng.
  • Mùa hoa tháng 4-6. Mùa quả tháng 7-9.

Phân bố, thu hái và chế biến

Cây mọc hoang và được trồng nhiều ở nhiều nơi trong nước ta vì gỗ được dùng làm thuốc nhuộm gỗ và làm thuốc với tên tô mộc. Người ta dùng gỗ chẻ mỏng phơi khô.

Thành phần hóa học

Trong cây tô mộc có tanin, axit galic, chất sappanin C, chất brassilin C và tinh dầu.

Brassilin là một chất có tinh thể màu vàng.Với kiềm cho màu đỏ, khi oxy hóa sẽ cho brassilin C. Cấu tạo của chất brassilin và brassilein gần giống chất hermatoxylin và hermatein (do hermatoxylin oxy hóa) là chất màu lấy ở gỗ cây hermatoxylon campechianum L. cùng họ.

Tác dụng dược lý

1. Phòng đông y thực nghiệm Viện vi trùng Việt Nam (1961) đã nghiên cứu thấy nước sắc tô mộc có tác dụng kháng sinh mạnh đối với vi trùng Staphylococcus 209P (vòng vô khuẩn (1,2cm), Salmonnella typhi (0,4cm), Shiga flexneri (0,7cm), Shigellasonnei (0,2), Shigella dysenteria Shiga (1cm), Bacillus subtilis (1cm). Tác dụng kháng sinh này không bị nhiệt, dịch vị và dịch tụy tạng phá hủy.

2. Theo M.Gabor (1951) brasilein có tác dụng kháng histamin. Nếu tiêm brasilein vào màng bụng chuột bạch trước thì có thể đề phòng hiện tượng thay đổi ở mắt chuột bạch do tiêm dung dịch 1,5% histamin clohidrat.

3. Theo M.Gabor B Horvath, L, Kiss và Z. Dirner (1952), brasilein và brasilin đều có tác dụng làm mạnh và kéo dài tác dụng của hocmon thượng thận đối với mẩu ruột cô lập của chuột bạch hoặc tử cung cô lập của thỏ và đối với huyết áp của thỏ.

4. Tù Tá Hạ và Diêm Ứng Bổng (1954-1955, 1956, Trung hoa y học tạp chí) nghiên cứu toàn diện áp dụng dược lý của tô mộc đã đi đến kết luận sau:

  • Tô mộc có tác dụng làm tăng sự co bóp của tim ếch cô lập.
  • Nước tô mộc không có ảnh hưởng đối với hô hấp và huyết áp của chó bị gây mê. Nếu phối hợp với histamin hoặc hocmon thượng thận cũng không thấy tác dụng hiệp đồng.
  • Dùng nước tô mộc cho thỏ, chuột bạch, chuột nhắt uống hoặc tiêm tĩnh mạch hay dưới da hoặc thụt đều gây ngủ, lượng lớn có thể gây mê và có thể chết.
  • Nước tô mộc có tác dụng đối kháng với tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh do stricnin hoặc cocain gây ra.

Tính vị công năng

Tính vị theo đông y: vị ngọt, bình, không độc, vào 3 kinh tâm, can và tì. Tác dụng hành huyết, khứ ứ, chỉ thống, tán phong hòa huyết, chửa đẻ xong ứ trệ, kinh nguyệt bế, ung thũng, bị đánh tổn thương , không ứ trệ cấm dùng.

Công dụng và liều dùng

Tô mộc chữa đau bụng do kinh nguyệt bế, sau khi đẻ huyết ứ trướng đau, chấn thương, ứ huyết, choáng váng, hoa mắt, mất nhiều máu sau khi đẻ. Còn dùng chữa lỵ ra máu, chảy máu ruột, tiêu chảy do nhiễm trùng.

Ngày dùng 6-15g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Có thể chế cao lỏng và làm thuốc bôi ngoài. Ở một số vùng, nhân dân dùng tô mộc nấu nước uống thay nước chè. Dùng ngoài, sắc đặc tô mộc để rửa vết thương.

Kiêng kỵ:

Phụ nữ có thai, huyết hư không ứ trệ, không nên dùng.

Bài thuốc có tô mộc

  1. Bài thuốc chữa kinh nguyệt không đều hoặc đẻ xong đau bụng từng cơn: Tô mộc 10g, huyền hổ sách 6g, sơn tra 10g, hồng hoa 3g, ngũ linh chi 8g, đương quy thân 10g, nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày
  2. Đẻ xong ra huyết nhiều: Tô mộc 12g, huyền sắc với nước 200ml, sắc còn 100ml.
    Chia 2 lần uống trong ngày.
  3. Chữa đau bụng kinh, bế kinh: Tô mộc, rễ bưởi bung, rễ bướm bạc, mỗi vị 12g; rễ thiện niên kiện, rễ sim rừng, mỗi vị 8g. Sắc uống.
  4. Chữa đau bụng từng cơn sau khi đẻ: Tô mộc 10g, sơn tra 10g, đương quy 10g, ngũ linh chi 8g, huyền hồ sách 6g, hồng hoa 3g. Sắc chia 3 lần uống trong ngày.
  5. Tiêu viêm điều trị hỗ trợ gãy xương: Tô mộc 10g, lá móng tay, ngải cứu, huyết giác, mỗi vị 12g, nghệ 8g. Uống thuốc sắc hay nấu thành cao để uống trong ngày.

Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc