Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là gì? Chương trình học tiêu chuẩn

Nội Dung Chính

Nếu bạn là người học trái ngành nhưng muốn làm trong ngành sư phạm, thì chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm chính là cánh cửa giúp bạn có thể hoàn thành mục tiêu đó. Với chứng chỉ này, bạn sẽ có thể trau dồi những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho ngành sư phạm. Thông qua bài biết này giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cũng như thông tin về các trường được phép cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho học viên. Cùng mình tìm hiểu ngay nhé!

thumb 

I. Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là gì?

Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là một loại văn bằng giúp chứng minh học viên đã hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Đây là loại chứng chỉ dành cho những đối tượng không được đào tạo chuyên sâu trong ngành sư phạm, được cơ sở giáo dục cấp cho người tham gia học và hoàn thành chương trình bồi dưỡng tương ứng. Với mỗi chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm sẽ có những mục tiêu khác nhau, dành cho các đối tượng khác nhau.

Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là gì?

Tại khoản 1, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 đã có quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Theo đó để trở thành giáo viên, những đối tượng chưa có bằng sư phạm bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ và bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp thì mới có thể công tác trong ngành sư phạm.

Tin tuyển dụng có thể bạn quan tâm – việc làm Hành chính Nhân sự:

– Chuyên viên Phát Triển Tổ Chức OD

– Nhân viên Đào Tạo TGDĐ/ĐMX/BHX

II. Trường hợp phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm

Trường hợp phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm

Theo điểm e, khoản 1, Điều 77 Luật Giáo dục 2005 có quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo là phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học; có bằng thạc sĩ trở lên đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận văn thạc sĩ; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận án tiến sĩ. Vì vậy, mọi viên chức chịu trách nhiệm giảng dạy tại các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học đều cần có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên.

Cũng trong điều 79 Luật Giáo dục 2005 có đề cập đến nhà giáo của trường cao đẳng, trường đại học như sau: Nhà giáo của trường cao đẳng, trường đại học được tuyển dụng theo phương thức ưu tiên đối với sinh viên tốt nghiệp loại khá, loại giỏi, có phẩm chất tốt và người có trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có nguyện vọng trở thành nhà giáo. Trước khi được giao nhiệm vụ giảng dạy, giảng viên cao đẳng, đại học phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm. Do đó, là sinh viên đủ các điều kiện để được tuyển dụng theo phương thức ưu tiên, bạn cũng cần phải được bồi dưỡng và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm trước khi nhận nhiệm vụ giảng dạy.

Tại Chương II Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV có quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, cụ thể là quy định về mã số, nhiệm vụ, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với các viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học. Một trong những tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của các cấp giảng viên đều đề cập đến yêu cầu: “Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên”. Chính vì vậy, nếu có ý định chuyển sang cấp giảng viên khác, bắt buộc bạn phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên thì mới có thể chuyển đổi.

III. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên tiểu học

Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên tiểu học

Ban hành kèm theo Thông tư số 11/2021/TT-BGDĐT là Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học. Trong đó đề cập đến các vấn đề sau:

1. Đối tượng bồi dưỡng

Chương trình quy định các đối tượng được tham gia bồi dưỡng bao gồm những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học ( m nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ), hoặc các tổ chức và cá nhân liên quan có nhu cầu bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

2. Về nội dung giảng dạy

Chương trình giảng dạy bao gồm 35 tín chỉ và được chia thành 2 phần như sau:

– Phần bắt buộc (BB) có 31 tín chỉ, trong đó:

+ Khối kiến thức chung: Gồm có các học phần là Sinh lý học trẻ em, Tâm lý học giáo dục, Giáo dục học, Giao tiếp sư phạm, Quản lý hành vi của học sinh, Quản lý nhà nước về giáo dục.

+ Khối kiến thức chuyên ngành: Gồm có các học phần là Chương trình giáo dục phổ thông và chương trình môn học, Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, Phương pháp dạy học (chọn 1 trong các phương pháp dạy học:  m nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ), Đánh giá học sinh, Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và dạy học

+ Thực tập sư phạm: Gồm có các học phần là thực tập sư phạm 1, thực tập sư phạm 2.

– Phần tự chọn (TC) có 4 tín chỉ, trong đó: Học viên được chọn 2 học phần trong 7 học phần. Các học phần tự chọn gồm có Tổ chức sinh hoạt chuyên môn, Xây dựng môi trường giáo dục, Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, Thiết kế và sử dụng đồ dùng dạy học, Phối hợp với gia đình và cộng đồng, Công tác chủ nhiệm lớp và công tác Đội, Tổ chức hoạt động trải nghiệm.

3. Về điều kiện cấp chứng chỉ

Theo chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên tiểu học có quy định, học viên được cấp chứng chỉ bồi dưỡng khi tham gia học tập đầy đủ các học phần quy định trong chương trình bồi dưỡng. Và có tất cả các bài kiểm tra học phần đạt từ 5 điểm trở lên. Ngoài ra còn có bảng điểm đính kèm chứng chỉ ghi rõ, đầy đủ tên học phần, điểm số mà học viên đã hoàn thành.

IV. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên THCS, THPT

Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên THCS, THPT

Ban hành kèm theo Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT là Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT). Trong đó đề cập đến các vấn đề sau:

1. Đối tượng bồi dưỡng

Chương trình quy định các đối tượng được tham gia bồi dưỡng bao gồm những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong các môn học của cấp THCS, cấp THPT có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS/THPT, hoặc các tổ chức và cá nhân liên quan có nhu cầu bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

2. Về nội dung giảng dạy

Chương trình giảng dạy bao gồm 17 tín chỉ khối học phần chung và 17 tín chỉ khối học phần nhánh THCS, hoặc nhánh THPT. Cụ thể như sau:

– Khối học phần chung, trong đó:

+ Học phần bắt buộc gồm có 15 tín chỉ với các học phần như Tâm lý học giáo dục, Giáo dục học, Lý luận dạy học, Đánh giá trong giáo dục, Quản lý nhà nước về giáo dục, Giao tiếp sư phạm, Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.

+ Học phần tự chọn gồm có 2 tín chỉ, bạn được chọn 1 trong số 10 học phần sau: Hoạt động giáo dục ở trường phổ thông, Kỷ luật tích cực, Quản lý lớp học, Kỹ thuật dạy học tích cực, Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, Tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở trường phổ thông, Giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống, Giáo dục vì sự phát triển bền vững, Xây dựng môi trường giáo dục.

– Khối học phần nhánh THCS hoặc nhánh THPT gồm có 17 tín chỉ, trong đó: 9 tín chỉ lựa chọn theo môn học, 6 tín chỉ thực hành, thực tập bắt buộc ở trường phổ thông và 2 tín chỉ tự chọn.

3. Về điều kiện cấp chứng chỉ

Theo chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên THCS, THPT có quy định, học viên được cấp chứng chỉ bồi dưỡng khi tham gia học tập đầy đủ các học phần quy định trong chương trình bồi dưỡng, có tất cả các bài kiểm tra học phần đạt từ 5 điểm trở lên. Ngoài ra còn có bảng điểm đính kèm chứng chỉ ghi rõ, đầy đủ tên học phần, điểm số mà học viên đã hoàn thành.

– Nếu bạn đã tham gia bồi dưỡng và hoàn thành khối học phần chung và khối học phần nhánh THCS thì sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THCS.

– Nếu bạn đã tham gia bồi dưỡng và hoàn thành khối học phần chung và khối học phần nhánh THPT thì sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THPT.

– Trong trường hợp bạn đã tham gia bồi dưỡng và hoàn thành khối học phần chung và 2 khối học phần nhánh THCS/THPT thì sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THCS, THPT.

V. Chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm cho Giáo viên Trung cấp chuyên nghiệp

V. Chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm cho Giáo viên Trung cấp chuyên nghiệp

Căn cứ theo Thông tư số 10/2013/TT-BGDĐT ban hành kèm Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trung cấp chuyên nghiệp;

Căn cứ theo Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT ban hành kèm Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

1. Đối tượng bồi dưỡng

Chương trình quy định các đối tượng được tham gia bồi dưỡng bao gồm:

– Giáo viên trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) nhưng chưa qua đào tạo sư phạm, hoặc chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

– Giảng viên giảng dạy trình độ cao đẳng, đại học chưa có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm và chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

– Người có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung cấp chuyên nghiệp.

– Sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy ở các ngành ngoài ngành sư phạm, có phẩm chất tốt, có nguyện vọng trở thành giảng viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

– Cán bộ nghiên cứu trong các viện nghiên cứu khoa học và cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp có bằng tốt nghiệp đại học có nguyện vọng làm giảng viên thỉnh giảng tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

2. Về nội dung giảng dạy

Chương trình giảng dạy bao gồm 25 tín chỉ và được chia thành 2 phần như sau:

– Nội dung khối kiến thức bắt buộc tối thiểu 21 tín chỉ, bao gồm các học phần: Tâm lý học sư phạm nghề nghiệp, Giáo dục học nghề nghiệp, Tổ chức và quản lý quá trình dạy học, Phương pháp và kỹ năng dạy học, Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, Giao tiếp và ứng xử sư phạm, Thực tập sư phạm.

– Nội dung khối kiến thức tự chọn tối thiểu 4 tín chỉ, bao gồm các học phần: Phát triển chương trình đào tạo TCCN; Kiểm tra, đánh giá trong giáo dục TCCN; Sử dụng phương tiện và công nghệ dạy học trong giáo dục nghề nghiệp; Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh; Quản lý chất lượng trong giáo dục TCCN.

3. Về điều kiện cấp chứng chỉ

Theo chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trung cấp chuyên nghiệp có quy định, kết quả học tập các học phần và đánh giá của các trường TCCN về thực tập sư phạm của người học là căn cứ để các cơ sở bồi dưỡng xét cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên TCCN.

Người học có các bài thi phải đạt từ trung bình trở lên và kết quả thực tập sư phạm từ đạt yêu cầu trở lên, không vi phạm quy chế thì đủ điều kiện được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên TCCN.

VI. Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên cao đẳng, đại học

Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên cao đẳng, đại học

Căn cứ theo Thông tư số 12/2013/TT-BGDĐT ban hành kèm Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học;

Căn cứ theo Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT ban hành kèm Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

1. Đối tượng bồi dưỡng

Chương trình quy định các đối tượng được tham gia bồi dưỡng bao gồm:

– Giáo viên trung học phổ thông, giáo viên trung cấp chuyên nghiệp chưa có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm và chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

– Giảng viên giảng dạy trình độ cao đẳng, đại học chưa có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm và chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

– Người tốt nghiệp đại học trở lên, chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và có nguyện vọng trở thành giảng viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học.

– Những sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy ở các ngành ngoài ngành sư phạm, có phẩm chất tốt, có nguyện vọng trở thành giảng viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

– Cán bộ nghiên cứu trong các viện nghiên cứu khoa học và cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp có bằng tốt nghiệp đại học có nguyện vọng làm giảng viên thỉnh giảng tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

2. Về nội dung giảng dạy

Chương trình giảng dạy bao gồm 20 tín chỉ và được chia thành 2 phần như sau:

– Nội dung khối kiến thức bắt buộc tối thiểu 15 tín chỉ, bao gồm các học phần: Giáo dục đại học thế giới và Việt Nam, Tâm lí học dạy học đại học, Lí luận dạy học đại học, Phát triển chương trình và tổ chức quá trình đào tạo đại học, Đánh giá trong giáo dục đại học, Sử dụng phương tiện kỹ thuật và công nghệ trong dạy học đại học, Tâm lí học đại cương, Giáo dục học đại cương.

– Nội dung khối kiến thức tự chọn tối thiểu 5 tín chỉ, bao gồm các học phần: Phương pháp nghiên cứu khoa học; Kỹ năng dạy học đại học; Thực tập sư phạm; Nâng cao chất lượng tự học; Sử dụng phương tiện, kỹ thuật dạy học chuyên ngành; Giao tiếp sư phạm.

3. Về điều kiện cấp chứng chỉ

Theo chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học có quy định, điểm thi các học phần là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm xét, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

VII. Tổng hợp trường được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm

Tổng hợp trường được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm

1. Các trường đại học sư phạm

– Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Là ngôi trường luôn giữ vị trí trường đại học sư phạm đầu ngành, trọng điểm. Với nhiều giảng viên là chuyên gia đầu ngành có uy tín trong cả nước lẫn nước ngoài. Đến nay, nhà trường có hệ thống phòng học, phòng chức năng được trang bị đầy đủ máy móc phục vụ tối đa cho việc học, cũng như nghiên cứu. Đây sẽ là lựa chọn của rất nhiều học viên không chỉ bởi danh tiếng của trường mà còn bởi sự uy tín, chất lượng.

– Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh: Là trường đại học sư phạm trọng điểm Quốc gia, với các khóa đào tạo đại học và sau đại học. Luôn tổ chức các chương trình nghiên cứu về giáo dục và các ngành khoa học khác để phục vụ tối đa các nhu cầu như: đào tạo giáo viên chất lượng cao, nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến,… nhằm phục vụ cho sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh thành phía Nam và trên cả nước. Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo trình độ Đại học cho 32 chuyên ngành, với 21 chuyên ngành sư phạm và 11 chuyên ngành ngoài sư phạm. Đây sẽ là ngôi trường chất lượng, uy tín giúp bạn tiến xa hơn trong mục tiêu công tác trong ngành sư phạm của mình.

– Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên: Đây là ngôi trường trọng điểm trong việc tổ chức đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đối với các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc. Với nhiệm vụ đào tạo và chuyên môn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Hiện nay, trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên đã có đến 13 chuyên ngành tiến sĩ, 23 chuyên ngành thạc sĩ, 27 chương trình đại học, cùng các chương trình cấp chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục. Bên cạnh đó còn là ngôi trường đã đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho cả nước.

– Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Huế: Là một trong những trường đại học đầu tiên của ngành giáo dục đào tạo tham gia vào chương trình kiểm định chất lượng giáo dục và được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Với sứ mệnh đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ khoa học cũng như quản lý giáo dục có trình độ đại học, sau đại học theo chuẩn quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Huế còn là một trong những ngôi trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục khu vực duyên hải Miền Trung và cả nước.

– Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội: Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực giáo viên giáo dục thể chất hàng đầu, chất lượng cao; bồi dưỡng nhân tài thể dục thể thao cho hệ thống giáo dục quốc gia và toàn xã hội. Đây là ngôi trường đào tạo, nghiên cứu thuộc lĩnh vực thể dục thể thao, giáo dục thể chất đạt trình độ tiên tiến. Không những vậy còn là trung tâm giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho học sinh, sinh viên. Trường đến nay có 11 bộ môn được giảng dạy phục vụ sư phạm thể thao như điền kinh, bóng đá, nghiệp vụ sư phạm,… Đây là ngôi trường thu hút khá nhiều sự quan tâm, và đăng ký của rất nhiều học viên có thể chất và năng lực tốt.

– Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh: Đây là trường đại học đào tạo giáo viên phụ trách thể dục thể thao trọng điểm ở phía Nam, đào tạo đầy đủ các cấp như đại học, sau đại học, tiến sĩ. Bên cạnh đó cũng tổ chức đào tạo liên thông từ hệ cao đẳng, tổ chức các khóa nâng cấp, bồi dưỡng năng lực cho giáo viên môn thể dục ở các trường. Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh còn tổ chức hợp tác, liên kết nước ngoài để đào tạo các ngành giáo dục thể thao sau đại học, phục vụ nhu cầu của các nghiên cứu sinh.

– Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương: Đây là ngôi trường đào tạo vào bồi dưỡng hàng ngàn giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý về nghệ thuật cho cả nước. Nhà trường không chỉ là cơ sở có lịch sử hình thành lâu đời, mà nó còn có uy tín, chất lượng lâu năm được nhà nước công nhận. Với tính chất đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực hội họa, âm nhạc, nghệ thuật. Đây còn là cơ sở, cái nôi để rất nhiều bạn trẻ hiện thực hóa ước mơ trở thành giáo viên giảng dạy nghệ thuật của mình.

2. Các trường đại học có khoa/ngành sư phạm

– Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Là một trong những ngôi trường hàng đầu của nền giáo dục Việt Nam. Với chất lượng đào tạo được đảm bảo và luôn nghiêm khắc về kiến thức chuyên môn lẫn thực hành cho sinh viên. Về cơ sở vật chất, trường Đại học Bách khoa Hà Nội phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường và mở rộng thêm nhiều phòng học, hội trường lớn cùng một hệ thống các phòng hội thảo giúp nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như cải thiện môi trường học tập của sinh viên.

– Trường Đại học Ngoại ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội: Là ngôi trường được xếp nhóm trường đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam và được đánh giá là đại học đầu ngành bởi sự lâu đời về việc đào tạo, giảng dạy ngôn ngữ tại Việt Nam. Trường Đại học Ngoại ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội còn là nơi đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ ở nhiều cấp bậc khác nhau, bao gồm các trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Với đội ngũ giảng viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu ngôn ngữ hàng đầu giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn đảm bảo về uy tín và chất lượng giảng dạy với học viên. 

– Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Đây là cơ sở đào tạo chất lượng cao theo định hướng ứng dụng nhiều ngành, nhiều loại hình, nhiều cấp trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và quốc tế. Với chương trình đào tạo luôn được nâng cao và đảm bảo tính công khai giúp học viên có thể đánh giá được chất lượng học tập. Bên cạnh đó, trường còn tổ chức các chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường đại học nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và khảo thí tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp.

– Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội: Đây được xem là ngôi trường nghệ thuật uy tín và chất lượng tại Việt Nam. Cũng là một trong những ngôi trường chuyên đào tạo các văn nghệ sĩ biểu diễn, nhạc sĩ sáng tác, biên đạo múa chuyên nghiệp, cán bộ quản lý văn hoá – nhà văn – sân khấu – điện ảnh, sư phạm nhạc họa theo công cuộc hiện đại hoá, công nghiệp hóa của chính phủ. Sinh viên học tại đây sẽ được trải nghiệm môi trường nghệ thuật quân đội thiết thực vừa kỉ luật, vừa đậm chất văn hóa, văn nghệ. Với sự uy tín và chất lượng, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã trở thành bệ phóng vững chắc cho đam mê nghệ thuật của nhiều người trẻ.

– Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh: Là trường đại học đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn và tư duy sáng tạo, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam và khu vực. Với những đóng góp của mình, Trường Đại học Nông Lâm đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, trường còn đào tạo chuyên nghiệp đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học, sau đại học trong các lĩnh vực: Kinh tế, Ngoại ngữ, Sư phạm, Cơ khí, Công nghệ thông tin, Môi trường, Sinh học,… Đặc biệt rất nỗ lực để hướng tới mục tiêu trở thành trường đại học nghiên cứu có chất lượng quốc tế.

– Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM: Là ngôi trường tiên phong trong việc khai mở ra các ngành đào tạo mới, đáp ứng cho nhu cầu xã hội. Với các chương trình đào tạo đáp ứng tốt mọi nhu cầu học tập, nghiên cứu đa dạng của học viên, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, trường cũng đã tổ chức đào tạo các trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, cử nhân và các khóa đào tạo ngắn hạn khác theo nhu cầu xã hội. Đây còn là ngôi trường thu hút rất nhiều sự quan tâm của sinh viên, học viên trong và ngoài nước, không chỉ đến học tập toàn thời gian mà còn là nghiên cứu ngắn hạn hàng năm.

Xem thêm:

>> Top 9 lý do gây ra tình trạng thất nghiệp của sinh viên mới ra trường

>> Cách viết CV cho sinh viên chưa tốt nghiệp chuẩn, ấn tượng mạnh

>> Mẹo ghi sở thích trong CV gây ấn tượng với nhà tuyển dụng

Hy vọng bài viết đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và các chương trình học tiêu chuẩn, cũng như tổng hợp những trường được phép cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm uy tín. Chúc bạn thành công hơn nữa trong công việc, và đừng quên chia sẻ nếu bạn thấy bài viết này hay nhé!