Chế độ tuần làm việc 4 ngày ghi nhận một số tiến triển trên thế giới

Được ca ngợi là bước ngoặt giúp người lao động đạt được cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc, ý tưởng cắt giảm thời gian làm việc, đặc biệt là chế độ một tuần làm việc 4 ngày đang ngày càng nhận được sự chào đón ở nhiều quốc gia.

2 năm vừa qua ghi nhận nhiều thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu như đại dịch Covid-19, giá năng lượng tăng mạnh và tình trạng thiếu lao động. Việc người lao động buộc phải làm việc ở nhà do các đợt phong tỏa phòng chống dịch bệnh lây lan của các chính phủ đã khiến ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân của nhiều người bị mờ đi, từ đó gây tác động tiêu cực tới sức khỏe tâm lý.

Với nguyên nhân cải thiện điều kiện làm việc cho nhân viên cũng như tiết kiệm chi phí và gia tăng năng suất, nhiều công ty trên khắp thế giới đang bắt đầu chú trọng việc cắt giảm thời gian làm việc. Ý tưởng một tuần làm việc 4 ngày đang là một ý tưởng nhận được sự đón nhận của nhiều người lao động và nhà tuyển dụng.

Tuy vẫn còn cách rất xa ý tưởng một tuần làm việc 15 giờ được dự đoán bởi nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes vào năm 1930 như kết quả của quá trình tự động hóa hàng loạt, đã có nhiều quốc gia thông qua các kế hoạch cắt giảm thời gian làm việc cho người lao động.

Vương quốc Anh

Quốc gia này là nơi diễn ra thử nghiệm lớn nhất thế giới về một tuần làm việc 4 ngày trong khoảng thời gian nửa năm từ tháng 6 tới tháng 12/2022. Tham gia vào thử nghiệm này bao gồm nhân viên tại 61 công ty thực hiện chế độ làm việc 4 ngày một tuần với tổng số giờ làm việc là 34 giờ trong khi vẫn nhận được mức lương hiện có.

Kết quả của thử nghiệm này rất tích cực khi có tới 56/61 công ty, tương đương với 92%, lựa chọn tiếp tục chế độ làm việc này. Đặc biệt, có 18 công ty trong số 56 lựa chọn biến chế độ làm việc này thành một chính sách vĩnh viễn của mình. Thêm vào đó, một số nhân viên tham gia còn báo cáo khả năng duy trì công việc cũng như khả năng tuyển dụng của công ty được cải thiện trong quá trình thử nghiệm.

Chế độ tuần làm việc 4 ngày tiếp tục được thử nghiệm trên thế giới ảnh 1

Tây Ban Nha

Hồi tháng 12/2022, chính phủ Tây Ban Nha đã khởi động một dự án thí điểm để giúp các công ty công nghiệp vừa và nhỏ cắt giảm ít nhất nửa ngày làm việc trong tuần mà không ảnh hưởng đến lương với mục tiêu nâng cao năng suất các doanh nghiệp nói chung. Gã khổng lồ viễn thông Telefonica của nước này thậm chí cũng đưa ra lựa chọn tuần làm việc 4 ngày cho nhân viên của mình, tuy nhiên mức lương sẽ bị giảm 12%.

Italy

Ngân hàng lớn nhất nước này là Intesa Sanpaolo trong năm 2022 đã đề xuất với nhân viên của mình chế độ làm việc 4 ngày một tuần với mức lương không đổi bắt đầu từ tháng 1/2023. Đây là động thái đầu tiên liên quan tới việc cắt giảm thời gian làm việc được thực hiện bởi một nhà tuyển dụng lớn tại Italy.

Theo Reuters trích dẫn Intesa, việc rút ngắn thời gian làm việc trong tuần của nhân viên nhằm hướng tới mục tiêu hạn chế hóa đơn tiền điện đang ngày càng tăng.

Đức

Đức vẫn luôn là một trong các quốc gia đi đầu thế giới về việc điều chỉnh thời gian làm việc trong tuần như một phần của các nỗ lực thương lượng tiền lương hoặc tránh tình trạng dư thừa trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Hồi tháng 4/2022, chính phủ Đức đã thông qua một thỏa thuận trả lương cho hàng chục nghìn người lao động tại các ngân hàng công của Đức. Ngoài các điều khoản về lương, thỏa thuận này cũng bao gồm việc giảm số giờ làm việc trong tuần từ 39 giờ xuống 38 giờ từ năm 2024.

Chế độ tuần làm việc 4 ngày tiếp tục được thử nghiệm trên thế giới ảnh 2

Chile

Công ty dịch vụ nghề nghiệp People&Partners có trụ sở tại Santiago là một trong những công ty Chile đầu tiên áp dụng chế độ làm việc một tuần 4 ngày trong đại dịch COVID-19. Theo thông báo từ công ty, chính sách này được truyền cảm hứng từ các cuộc biểu tình rầm rộ ở quốc gia này năm 2019 về chi phí gia tăng và tiền lương thấp cũng như khó khăn về kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Bắc Âu

Một số cơ quan hành chính công ở Đan Mạch và Iceland đã áp dụng tuần làm việc 4 ngày trong khi công ty du lịch Nordic Visitor với văn phòng ở Iceland, Scotland và Thụy Điển cũng tiên phong trong việc giảm số giờ làm việc trong tuần từ 40 giờ xuống còn 35 giờ cho nhân viên của mình. Nhận định về kết quả, công ty cho biết chế độ làm việc mới khiến mức độ hài lòng của nhân viên tăng lên, số ngày nghỉ ốm ít hơn và lợi nhuận nhiều hơn.

New Zealand

Tại quốc gia này, công ty tiên phong thử nghiệm chế độ làm việc một tuần 4 ngày từ năm 2018 là công ty quy hoạch bất động sản Perpetual Guardian hiện đã biến nó thành chính sách vĩnh viễn của mình. Công ty cho biết nguyên nhân là vì năng suất tăng và tỷ lệ vắng mặt của nhân viên thấp hơn.

Ngoài công ty này, gã khổng lồ hàng tiêu dùng Unilever cũng đang thử nghiệm chế độ một tuần làm việc 4 ngày cho nhân viên địa phương.