Cây đậu phộng trên cánh đồng mẫu lớn

Thứ Sáu 05/04/2013 , 12:35 (GMT+7)

Vụ ĐX 2012-2013, tỉnh Bình Định xây dựng 2 cánh đồng mẫu lớn SX cây đậu phộng (lạc) tại huyện Phù Cát. Với nhiều công thức bón phân mới, chi phí SX giảm mạnh, năng suất tăng cao.

Vụ ĐX 2012-2013, tỉnh Bình Định xây dựng 2 cánh đồng mẫu lớn SX cây đậu phộng (lạc) tại huyện Phù Cát. Với nhiều công thức bón phân mới, chi phí SX giảm mạnh, năng suất tăng cao.

Cây mũi nhọn trên đất nghèo

Có lẽ không đâu có nhiều diện tích đất nghèo như ở huyện Phù Cát, hầu hết là đất pha cát nặng, chỉ phù hợp với cây đậu phộng (lạc). Do đó, cây trồng cạn ngắn ngày này chỉ đứng sau cây lúa với diện tích hằng năm trên 3.500 ha, tập trung tại các xã: Cát Hiệp, Cát Trinh.

Tuy nhiên, đa số hộ SX theo cách làm truyền thống, được chăng hay chớ. Những người có tinh thần cầu tiến, học hỏi TBKT áp dụng vào SX thì còn tùy tiện, chưa hợp lý và không đồng bộ. Kể cả việc chọn giống để SX cũng chưa được quan tâm. Do đó, những cánh đồng đậu phộng thường xuyên bị bệnh héo rũ, héo xanh.

Tại 2 CĐML SX 100 ha đậu phộng ở xã Cát Hiệp, Cát Trinh nông dân được hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích hợp với phương thức giảm sử dụng thuốc BVTV, phân hóa học. Thay vào đó là dùng phân hữu cơ mùn dừa và phân sinh học WEHG do Cty TMDVTH Hùng Mạnh cung ứng.

Ông Lương Văn Khoa, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Phù Cát cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi đưa phân sinh học WEHG vào canh tác cây đậu phộng. Loại phân này có tác dụng phân hủy nhanh các dạng hữu cơ trong dất, nâng độ PH đất, tạo điều kiện cho các loài vi sinh vật có lợi hoạt động, đặc biệt là vi khuẩn nốt sần, giúp bộ rễ cây phát triển tốt, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng. Nhờ đó, giảm mạnh lượng thuốc BVTV trên đồng và giảm đến 20% lượng phân hóa học mà năng suất vẫn tăng cao”.

Hiệu quả

Theo ông Phan Sỹ Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, trên 2 CĐML SX cây đậu phộng, huyện đã đưa đến cho nông dân 2 loại giống chất lượng cao là HL25 và Mỏ Két, cùng 3 công thức bón phân mới. Cách thứ nhất là bón phân đơn (đạm, lân, kali) có sử dụng phân sinh học WEHG.

Đây là công thức chú trọng phân chuồng, phân hữu cơ, vi sinh; giảm mạnh phân đạm urê từ 2 – 3 kg/sào. Với công thức này, năng suất đậu phộng trong mô hình tăng được 3,9 tạ/ha. Sau khi trừ mọi khoản chi phí, nông dân còn lãi ròng gần 53 triệu đồng/ha.

Tiếp đến là công thức bón phân hữu cơ mùn dừa có sử dụng phân sinh học WEHG: Dùng 1.500 kg phân mùn dừa và 200 lít phân WEHG/ha. Công thức này làm giảm chi phí được trên 3 triệu đồng/ha, năng suất lại đạt trên 40 tạ/ha; tăng hơn 5 tạ/ha so với đối chứng. Đây là công thức cho hiệu quả kinh tế cao nhất, nông dân được lãi ròng đến hơn 55 triệu đồng/ha.

Công thức thứ 3 là bón phân hỗn hợp NPK có sử dụng phân sinh học WEHG. Công thức này giảm chi phí khoảng 2 triệu đồng/ha, năng suất đạt 39 tạ/ha. Với công thức này, nông dân có lãi ròng gần 52 triệu đồng/ha.

“Các công thức bón phân nói trên đều có chung mục đích làm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ được môi trường theo hướng canh tác bền vững. Từ kết quả khả quan của các CĐML, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn bà con nhân rộng”, ông Hùng nói.

“Các công thức bón phân mới chủ yếu sử dụng phân sinh học WEHG và các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh… áp dụng trên CĐML SX cây đậu phộng đã cho hiệu quả trông thấy. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị ngành chức năng chọn ra công thức ưu việt nhất để hướng dẫn cho nông dân sử dụng rộng rãi”, TS Nguyễn Thị Tố Trân, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Bình Định).

Nông dân Nguyễn Hữu Việt ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh làm 18 sào (500 m2/sào) đậu phộng phấn khởi: “Tui làm cây đậu phộng đã 15 năm nay nhưng chưa bao giờ đạt như vụ này. Nếu như vụ ĐX trước năng suất chỉ có 39 tạ/ha thì vụ này đạt đến 42 tạ/ha. Đặc biệt, năm nay dù thời tiết bất thuận mà cây đậu phộng vẫn thắng lợi lớn là nhờ vào những công thức bón phân mới”.

Rồi ông Việt minh chứng: “Trong vụ này, tui vừa trỉa đậu giống xong chừng 7 – 8 ngày thì bị mưa làm ngập úng. Nhờ khi làm đất có sử dụng phân sinh học WEHG nên ruộng đậu của tui chỉ bị thối khoảng 10% giống, những diện tích ngoài CĐML đều bị thối giống trọi lỏi, phải trỉa lại.

Đến 13 tháng Giêng lại có mưa lớn, nước ngập trắng đồng, lút đọt cây đậu phộng. Nhìn mấy đám đậu xũ hết lá, vợ tui định nhổ bỏ để lấy đất trồng dưa hấu. Tui cản, rồi dùng phân WEHG bơm xuống cầu may. Vậy mà chỉ 4 – 5 ngày sau cây đã gượng dậy, lá chuyển từ vàng qua xanh, đậu đâm rễ mới và phát triển bình thường và cho thu hoạch cao”.