Cảm nhận về sách (số 46): DORAEMON

Cảm nhận về sách (số 46): DORAEMON

Nguyễn Võ Phụng Trân – Lớp 10/7 – Trường THPT Lạc Long Quân – TP Bến Tre – BÀI THAM GIA CẢM NHẬN VỀ SÁCH

      Chắc hẳn tuổi thơ chúng ta ai cũng từng cầm trên tay cuốn truyện tranh về chú mèo máy, thông minh đến từ thế kỷ 21. Tôi năm nay đã 16 tuổi cũng sắp bước qua tuổi vị thành niên nhưng vẫn thích nhất đó là truyện Đoraemon. Nói thế nào nhỉ? Tôi thường bị nhiều người trêu chọc rằng mình là “đồ trẻ trâu”. Lý do tôi vẫn thích đọc vì tôi thật sự trân trọng giá trị nhân văn mà bộ truyện tranh đã đem lại. Các bạn đã đọc nhiều tình huống phá cười nhưng có bao giờ các bạn nghĩ về giá trị của bộ truyện này chưa?

      Doraemon – Người bạn luôn ở gắn liền với tâm hồn trẻ thơ

      Doraemon được viết vào năm 1967, đối tượng ban đầu mà chuyện muốn hướng đến là trẻ em thiếu nhi. Nhưng khi phát hành, Doraemon nhận được sự đông đảo các tầng lớp từ trẻ em đến phụ huynh, học sinh, nhân viên văn phòng. Không chỉ thành công ở xứ hoa anh đào, chú mèo máy còn phủ sóng khắp các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Vậy điều gì dẫn đến sự thành công của Doraemon?

      Đầu tiên phải nói đến “tình yêu” mà bộ truyện truyền đến cho người đọc. Ẩn sau những khung truyện ngộ nghĩnh hấp dẫn đằng sau mỗi một mẩu chuyện nhỏ là một bài học sâu sắc về tình yêu trong cuộc sống. Tình cảm gia đình đơn sơ đầy đầm ấm, tình thầy trò cao cả và những kiến thức giáo dục. Và tôi trân trọng nhất là tình bạn chân thành, trong sáng. Doraemon đã đưa ta trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: “tôi cười về sự vụng về của Nobita, tôi khóc thấy Doraemon chia tay Nobita để đến tương lai, tôi thích thú khi thấy Nobita trả thù và nhỏ mọn, tôi hạnh phúc khi thấy khung cảnh ngọt ngào giữa Nobita và Xuka. Và tôi vui khi đọc truyện Đoraemon”.

     Cái tài hoạ sĩ Fujiko không chỉ dừng lại ở những bức vẽ nhân vật, điều đáng khâm phục là ông đã xây dựng tính cách từng nhân vật. Dường như mỗi nhân vật chính đại diện cho những tầng lớp khác nhau ở tầng lớp xã hội Nhật Bản vào những năm 80 của thế kỷ XX.

     – Cậu bé Nobita là tuýp người hậu đậu vụng về, mặt mũi trung bình, lười, học kém nhưng lại là một người hết lòng vì bạn bè. Đây có thể xem là một hình ảnh người sinh viên Nhật hồi đó họ cũng có những ước ao những khát vọng nhưng đa số bất lực nhìn về thực trạng xã hội. 

     – Xuka đại diện cho túyp người phụ nữ thông minh xinh đẹp và bản lĩnh nhưng lại không kiêu kỳ. Đó là ước mơ người Nhật vào những năm đầu của hậu thế chiến, đại diện cho những minh tinh nữ giám đốc đẹp vừa có sắc, vừa có tài.

     – Ai nói gì nói Xeko theo tôi là nhân vật thông minh nhất truyện, cái thông minh của Xeko không phải kiểu thông minh bác học như Dekisugi mà đó là sự mưu mô tính toán trải đời. Nhưng thỉnh thoảng lại hèn nhát, luồn cuối Chaien. Cậu đại diện cho tầng lớp quý tộc thương gia có thể là một người bạn rất tốt nhưng cũng có khi là một kẻ thù đáng sợ.

     – Chaien mạnh mẽ thô lỗ hay bắt nạt bạn bè nhưng thật ra rất nhiều khi còn là một người bạn nghĩa hiệp. Có lẽ Chaien đại diện cho tầng lớp dân anh chị những người làm do hoàn cảnh đưa đẩy, luôn đề cao danh dự về tình anh em.

     – Doraemon: Doraemon không đại diện cho tầng lớp nào cả, mà đại diện cho 1 thứ mà người Nhật say mê nhất: đó là công nghệ. Hình ảnh Nobita luôn vòi bảo bối của Doraemon thể hiện những khát vọng ngông cuồng, niềm khao khát về khoa học của người Nhật. Vì sao Doraemon lại tới với Nobita? Vì đa số dân Nhật lúc bấy giờ đều giống như Nobita, và quả thật khi Doraemon làm bạn với Nobita, tương lai của cậu đã thay đổi. Hai bảo bối mà Doraemon thường sử dụng là gì? “Máy thời gian” và “Cửa thần kỳ”. Tại sao? Có lẽ vì đó là hai điều mà Nhật Bản luôn tâm niệm: Sửa chửa sai lầm quá khứ, hướng tới tương lại và hội nhập với toàn thế giới. Tất nhiên, một đứa trẻ sẽ không hiểu hết ý nghĩa của truyện Doraemon (có khi tớ cũng chưa hiểu hết). Nhưng ít nhất, cái mà nó học được sau mỗi câu chuyện là tình bạn bè, ý chí, nghị lực, dám ước mơ, dám theo đuổi, để rồi một ngày chàng sinh viên có thể sánh vai cùng cô minh tinh, có thể nói chuyện cười đùa vui vẻ, ngang hàng với anh giang hồ, anh thương gia và anh tri thức.

      Đặc biệt truyện Doraemon còn ẩn chứa trong đó là những bài học truyền cảm hứng sống cho độc giả như:

     – Hãy luôn cố gắng nỗ lực.

     – Dù vấp ngã bao nhiêu lần bạn phải đứng dậy bằng chính sức mình.

     – Luôn có kế hoạch và hướng về tương lai tích cực.

     – Bên cạnh chúng ta luôn có những người sẵn sàng giúp đỡ mang lại hạnh phúc cho chúng ta.

     – Có tài không có đức thì làm gì cũng khó, có đức mà không có tài thì vô dụng.

     – Chúng ta không có cỗ máy thời gian của Doraemon, vì thế hãy cố gắng cho tương lai thay vì hối tiếc quá khứ.

     – Đừng nghiêm trọng hóa vấn đề.

     – Đừng cố gắng để tốt hơn người khác, hãy cố gắng để tốt hơn chính mình.

     – Hãy làm điều gì đó khiến bạn tự hào, thành công là một chuyến đi chứ không phải đích đến.

      Doraemon ơi bạn là ai là một nhân vật cổ tích, vừa thực vừa hư hay là một người bạn trong tâm hồn chúng tôi? Thời gian qua tôi lớn nhiều rồi nhưng những người bạn trong câu chuyện này ngày nào thì vẫn thế:” vẫn trẻ con, vẫn vô tư, hồn nhiên và vẫn hàng triệu người yêu mến” . Cảm ơn Doraemon cảm ơn cuốn sách đẹp mãi trong tâm hồn tôi và không chỉ riêng tôi mà là trong tâm hồn chúng ta – tâm hồn trong sáng những đứa trẻ tay hết thú cầm cuốn truyện tranh Doraemon ngày nào….