Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội

CÁCH VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

Trong chương trình Ngữ văn THPT, chúng ta được làm quen với văn Nghị luận xã hội ở hai dạng chính:

1. Nghị luận về một hiện tượng đời sống

2. Nghị luận về một tư tưởng đạo lý.

Những vấn đề liên quan đến cách làm hai dạng đề này khá rộng, trong phạm vi bài viết này, tôi xin chia sẻ cách làm đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ ở phương diện hẹp hơn, nhưng khả năng xuất hiện trong đề thi thì cao hơn:

Nghị luận về một khía cạnh nhỏ trong một vấn đề lớn


1. Phân biệt hai phạm vi nghị luận:

1.1. Phân tích ngữ liệu:

Đề bài 1: Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về sự sáng tạo .

Đề bài 2: Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về vai trò của sự sáng tạo .

Giống nhau

– Dạng bài: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý

– Hình thức: Đoạn văn

– Dung lượng: 200 chữ

Khác nhau

Đề 1: Phạm vi nghị luận

rộng

(một vấn đề có ý nghĩa khái quát)

Đề 2: Phạm vi nghị luận

hẹp

(một khía cạnh nhỏ trong vấn đề lớn)

Đề 1: Đoạn văn triển khai đầy đủ

các ý

như một bài văn hoàn chỉnh được thu nhỏ trong một đoạn.

Đề 2: Đoạn văn tập trung triển khai

một ý

, ý này chính là một đoạn khi nó được đặt trong bài văn hoàn chỉnh.

Đề 1 phải trình bày các ý:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận

– Bàn luận:

+ Giải thích: Sự sáng tạo là gì?

+ Phân tích biểu hiện của sự sáng tạo

+ Phân tích vai trò của sự sáng tạo

+ Chứng minh bằng dẫn chứng

+ Bình luận phản đề: Nếu không có sự sáng tạo.

+ Bàn luận mở rộng: VD: Ngoài sáng tạo cần có những phẩm chất khác..

– Khái quát vấn đề nghị luận, nêu bài học nhận thức, hành động..

Đề 2 tập trung trình bày một ý:

+ Phân tích vai trò của sự sáng tạo

1.2. Thực hành phân biệt hai phạm vi nghị luận:

Anh/ chị hãy phân biệt phạm vi nghị luận của vấn đề được nêu trong các đề bài sau:

Đề 1: Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về lí tưởng sống. (phạm vi nghị luận: Vấn đề khái quát)

Đề 2: Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của những trải nghiệm khó khăn trong cuộc sống. (phạm vi nghị luận: Khía cạnh nhỏ)

Đề 3: Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về điều bản thân nên làm để có thể thành công trong cuộc sống. (phạm vi nghị luận: Khía cạnh nhỏ)

Đề 4. Hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói: “

Thời gian nhàn rỗi chính là thời gian của văn hóa và phát triển

.” (phạm vi nghị luận: Vấn đề khái quát)

Đề 5: Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về hậu quả của tự cao, tự đại. (phạm vi nghị luận: Khía cạnh nhỏ)

2. Cách viết đoạn nghị luận về một khía cạnh nhỏ trong một vấn đề lớn.

2.1. Các khía cạnh thường gặp trong đề bài:

+ Bàn về biểu hiện/ hiện trạng:

VD: “Sống đẹp là thế nào hỡi bạn?” Anh/ chị hãy trả lời câu hỏi trên của nhà thơ Tố Hữu bằng 01 đoạn văn khoảng 200 chữ.

+ Bàn về nguyên nhân:

VD: Theo anh/chị, những nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng bạo lực học đường/ Hãy viết về vấn đề này bằng 01 đoạn văn khoảng 200 chữ.

+ Bàn về vai trò, ý nghĩa:

VD: Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về vai trò của sự sáng tạo.

+ Bàn về hậu quả:

VD: Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về hậu quả của tự cao, tự đại.

+ Bàn về giải pháp, cách thức:

VD: Hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ nêu ý kiến của anh /chị về cách thức để mỗi người hình thành tâm thái tích cực trong cuộc sống.

2.2. Hướng dẫn cách viết đoạn

– Tìm hiểu đề:

+ Xác định hình thức: Đoạn văn 200 chữ.

+ Xác định dạng đề: Nghị luận về một tư tưởng đạo lí hay một hiện tượng đời sống

+ Xác định phạm vi bàn luận của đề: Nghị luận về một vấn đề khái quát hay một khía cạnh nhỏ

+ Xác định khía cạnh nghị luận đó là gì?

+ Xác định các thao tác lập luận.

– Lập dàn ý cho đoạn văn nghị luận:

+ Khái lược:

* Câu mở đoạn: Nêu ngắn gọn vấn đề nghị luận

* Các câu phát triển đoạn: Phân tích lí lẽ, dẫn dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

* Câu kết đoạn: Khái quát lại vấn đề nghị luận.

+ Định hướng cụ thể:

* Câu mở đoạn:

có thể nêu vấn đề trực tiếp, hoặc gián tiếp. Lưu ý: Ngắn gọn trong phạm vi một câu.

VD: Với đề bài bàn về vai trò của sự sáng tạo, ta có thể mở đoạn như sau:

Sáng tạo có vai trò vô cùng quan trọng đối với thành công của mỗi người.

(trực tiếp).

Hoặc:

“Chọn con đường đối lập với lối mòn, bạn gần như sẽ luôn làm tốt” – câu nói này của Jean Jacques Rousseau đã khẳng định vai trò quan trọng của sự sáng tạo

. (gián tiếp)

* Các câu phát triển đoạn:

Với đoạn văn bàn về biểu hiện/ hiện trạng: ta phân tích các biểu hiện của vấn đề, hoặc nêu hiện trạng vấn đề xảy ra trong thực tế như thế nào.

VD1. Với đề bài: Anh/chị hãy trả lời cho câu hỏi “Sống đẹp là thế nào hỡi bạn?”, ta có thể triển khai các lí lẽ:

Sống đẹp sống có lí tưởng, mục đích sống đúng đắn. Sống đẹp có sự hiểu biết sâu rộng về khoa học và đời sống. Sống đẹp có tâm hồn phong phú, tình cảm lành mạnh. Sống đẹp sống phù hợp với pháp lí, đạo lí, góp phần vào sự phát triển xã hội và phát triển bản thân. Sống đẹp hòa nhã, chừng mực trong giao tiếp, trách nhiệm trong công việc, đoàn kết, vị tha, tương thân tương ái trong các mối quan hệ, quyết đoán, có hiệu quả trong hành động, sự lành mạnh trong lối sống..

Sau đó, ta nêu tấm gương người tốt, việc tốt để chứng minh.

=> Với đoạn văn

bàn về biểu hiện

, ta chú ý kết cấu câu có chứa từ trọng chốt..

..

VD2. Với đề bài: Suy nghĩ của anh/chị về thực trạng văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay, ta có thể triển khai các lí lẽ:

Giới trẻ hiện nay có vẻ thờ ơ với việc đọc sách, chưa có thói quen đọc sách. Số ít người trẻ còn đọc theo phong trào, chưa có sự lựa chọn, chưa có mục đích đọc đúng đắn. Việc đọc trở nên chưa thật sự có ích. Không ít người trẻ lại lựa chọn “sách đen” để đọc, tiêm nhiễm vào đầu óc những tư tưởng thiếu trong sáng, lành mạnh. Nhiều người cho rằng đọc sách thời nay là lạc hậu vì ở thời đại thông tin phát triển như vũ bão của công nghệ mạng xã hội, lên mạng đọc nhanh và dễ hơn. Nhìn chung, giới trẻ ngày nay dường như không còn mặn mà với sách.

Sau đó, ta lấy dẫn chứng là số liệu về số đầu sách mỗi người đọc trung bình trong 1 năm để làm dẫn chứng.

=> Với đoạn văn

bàn về hiện trạng

, ta chú ý kết cấu câu có chứa từ trọng chốt..

hiện nay, ngày nay,

..

Với đoạn văn bàn về nguyên nhân: ta phân tích nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan dẫn đến hiện tượng.

Ví dụ. Với đề bài: Anh/chị hãy trình bày quan điểm của bản thân về nguyên nhân dẫn đến sự mai một trong văn hóa đọc của giới trẻ ngày nay, ta có thể trình bày các lí lẽ sau:

Nguyên nhân khách quan dẫn đến sự mai một trong văn hóa đọc của giới trẻ ngày nay là do giới trẻ nói riêng và người Việt nói chung chưa có nhiều hành động để hình thành thói quen đọc sách. Mặt khác, do sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ mạng, các kênh truyền hình đầy ắp phim ảnh, thông tin phủ sóng toàn mạng xã hội mà không ít người trẻ không có thói quen đọc sách khi lên mạng đọc nhanh hơn. Thêm nữa, sự nhộn nhịp của quán xá với bao trò chơi giải trí lôi cuốn cũng khiến giới trẻ không có thời gian để ý đến việc đọc sách. Ngoài những nguyên nhân khách quan trên, thì những nguyên nhân chủ quan như việc chưa nhận thức đúng đắn ý nghĩa, vai trò của việc đọc sách, chưa hình thành thói quen đọc sách.. của mỗi người cũng là lí do khiến sự đọc ngày nay bị mai một.

Sau đó, ta lấy dẫn chứng chứng minh cho lí lẽ.

=> Với đoạn văn

bàn về nguyên nhân

, ta chú ý kết cấu câu có chứa từ trọng chốt..

do, lí do, bởi

..

Với đoạn văn bàn về vai trò, ý nghĩa: ta phân tích tác động tích cực của vấn đề đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội, phân tích ý nghĩa nhãn tiền, ý nghĩa lâu dài của những tác động ấy.

Ví dụ. Với đề bài: Anh/chị hãy trình bày quan điểm của bản thân về sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống, ta có thể trình bày các lí lẽ sau:

Niềm tin sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để con người vượt qua những khó khăn, trắc trở. Niềm tin vào bản thân đem lại cho chúng ta nguồn vui sống, lòng yêu đời, yêu người, hi vọng vào những gì tốt đẹp. Niềm tin vào bản thân giúp con người dần vững vàng, trưởng thành hơn qua từng chặng đường đời. Trong cuộc sống, có biết bao con người không may mắn, họ phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, bất hạnh. Nhưng càng khó khăn, bản lĩnh của họ càng kiên cường. Họ tin vào ý chí, nghị lực, khả năng của bản thân và họ đã vượt lên, chiến thắng tất cả. Vì cuộc đời không bao giờ lường hết cho ta những hiểm nguy, cuộc sống của chúng ta luôn trực chờ sự tổn thương nên cần có niềm tin để vượt qua. Niềm tin là nền tảng của mọi thành công: Để có được thành công, con người phải biết dựa vào chính bản thân mình chứ không phải dựa vào ai khác, khách quan chỉ là điều kiện tác động, hỗ trợ chứ không phải là yếu tố quyết định thành công. Như vậy, niềm tin chính là chìa khóa mở cho chúng ta một cuộc sống tốt đẹp với những giá trị đích thực, lâu bền.

Sau đó, ta lấy dẫn chứng chứng minh cho lí lẽ (gương tốt)

=> Với đoạn văn

bàn về ý nghĩa, vai trò

, ta chú ý kết cấu câu có chứa từ ngữ trọng chốt..

giúp, tạo nên, đem lại

..

Với đoạn văn bàn về hậu quả: ta phân tích tác động tiêu cực của vấn đề đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội, phân tích hậu quả nhãn tiền, hậu quả lâu dài của những tác động ấy.

Ví dụ. Với đề bài: Anh/chị hãy trình bày quan điểm của bản thân về hậu quả của lối sống ỷ lại của một bộ phận thanh niên, học sinh ngày nay, ta có thể trình bày các lí lẽ sau:

Đối với bản thân, thói quen ỷ lại sẽ khiến bản thân chúng ta càng ngày càng bị lệ thuộc vào người khác, sống không có lập trường, không tin tưởng vào năng lực của bản thân và sẽ làm ảnh hưởng tới cha mẹ, khiến cha mẹ lúc nào cũng phải canh cánh trong lòng không tin tưởng vào việc con mình làm. Sống ỷ lại không đem lại giá trị cho bản thân, không cho ta những thành công thực sự, cuộc sống vì thế cũng trở nên nhàm chán, tẻ nhạt, mất đi ý nghĩa đích thực, khiến tương lai mờ mịt, vô định, bị phụ thuộc. Đối với nhà trường, những học sinh quen ỷ lại sẽ ảnh hưởng tới thành tích của chính học sinh đó nói riêng và với lớp, trường nói chung. Nghiêm trọng hơn, những học sinh như vậy sau này bước ra xã hội sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội, dễ bị dụ dỗ lôi kéo sa vào các tệ nạn xã hội, nghiện ngập, cờ bạc.

Sau đó, ta lấy dẫn chứng chứng minh cho lí lẽ (gương xấu)

=> Với đoạn văn

bàn về hậu quả,

ta chú ý kết cấu câu có chứa từ ngữ trọng chốt..

khiến cho, làm cho, ảnh hưởng, không đem lại

..

Với đoạn văn bàn về cách thức, giải pháp:

ta đưa ra các giải pháp cấp bách, các giải pháp lâu dài cho vấn đề.

Ví dụ. Với đề bài: Hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ nêu ý kiến của anh /chị về cách thức để mỗi người hình thành tâm thái tích cực trong cuộc sống, ta có thể trình bày các lí lẽ sau:

Muốn tư duy tích cực thì trước hết bạn cần nhận ra yếu tố tiêu cực nào đang nhấn chìm bạn và chấm dứt ngay việc nghĩ rằng bạn là nạn nhân của một tình huống éo le nào đó. Bởi lẽ, càng nghĩ mình là nạn nhân bạn chỉ càng thấy sự bất công mà thôi. Để hình thành tâm thái tích cực, chúng ta còn nên gặp gỡ, trò chuyện với những con người lạc quan, càng ở cạnh những người này, ta càng được lan tỏa nhiệt huyết sống, sự vui vẻ. Mặt khác, sẵn sàng giúp đỡ những người khác, tham các các hoạt động tình nguyện hay bảo vệ môi trường mỗi khi bạn bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực cũng là những việc làm cần thiết, bởi việc làm dù nhỏ nhưng nó sẽ tạo ra hiệu ứng vô cùng lớn giúp bạn biết trân trọng cuộc sống của mình hơn và không còn cảm thấy chán nản nữa. Thêm nữa, đọc sách, xem phim hay xem các video về sống ý nghĩa, sống vui, sống đẹp, tạo động lực hay truyền cảm hứng là một trong những cách tuyệt vời nhất để lấy lại niềm vui và năng lượng tích cực. Nếu có mục tiêu, hãy luôn hướng về mục tiêu của bạn khi bắt đầu suy nghĩ tiêu cực. Chắc chắn là bạn không thể nào gục ngã được khi vẫn còn quá nhiều thứ chưa hoàn thành và bạn luôn khát khao nó. Ngoài ra, bạn có thể dậy sớm hơn ngày thường và bắt đầu vận động. Hãy đi ra ngoài tập thể dục, hít thở không khí trong lành, dọn nhà hay tập thiền, yoga.. để cơ thể không còn “nhớ” cảm giác buồn chán khi cứ nằm mãi trên giường nữa.

Sau đó, ta lấy dẫn chứng chứng minh cho lí lẽ

=> Với đoạn văn

bàn về giải pháp,

ta chú ý kết cấu câu có chứa từ ngữ trọng chốt..

cần, nên, cần thiết, hãy

..

* Câu kết đoạn:

Khái quát lại vấn đề nghị luận, ngắn gọn trong 01 câu.

Ví dụ. Với đề bài: Anh/chị hãy trình bày quan điểm của bản thân về sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống, ta có thể kết đoạn ngắn gọn:

Như vậy, niềm tin là giá trị tinh thần cốt lõi và có ý nghĩa thực sự quan trọng đối với mỗi con người.

Trên đây là những chia sẻ của tôi về cách viết một đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ cho phạm vi đề bài bàn luận về một khía cạnh nhỏ trong một vấn đề lớn. Theo cá nhân tôi, phạm vi nghị luận chỉ là một khía cạnh, nên chúng ta chỉ nên xoay quanh khía cạnh đó, nếu chúng ta bàn thêm về các ý khác như giải thích, phân tích biểu hiện, phản đề bàn mở rộng vấn đề.. thì những ý này nên thật ngắn gọn, nếu các bạn quá sa vào những ý này, thì bài có thể bị lệch trọng tâm, bị trừ điểm xác định không đúng vấn đề nghị luận.

Xem tiếp bên dưới..