Cách tranh cãi lành mạnh với người yêu

Cãi nhau là điều hoàn toàn bình thường và lành mạnh trong bất kỳ mối quan hệ nào, từ đó hai bên có thể hiểu thêm về nhau và cải thiện tình cảm, tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Joshua Klapow (Mỹ) chia sẻ với Elite Daily.

Tất cả mối quan hệ đều cần một số thỏa hiệp. Cách bạn và người yêu cùng nhau đối mặt vấn đề quan trọng hơn nhiều so với sự khác biệt cá nhân.

Tuy nhiên, nếu mãi không tìm được tiếng nói chung, đó là dấu hiệu cho thấy cả hai đều không thực sự sẵn sàng cân bằng với nhau và sẽ còn xung đột tiếp trong tương lai.

Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy bạn và nửa kia cần xem xét lại chuyện tranh cãi của mình.

Cãi nhau nhiều lần về một vấn đề

Hãy lưu tâm khi một vấn đề được tranh cãi nhiều lần mà không đi đến thỏa hiệp. Điều này chỉ ra rằng một hoặc cả hai bên đều quá cứng đầu để sẵn sàng thực hiện những thay đổi cần thiết cho mối quan hệ.

Lảng tránh các cuộc trò chuyện về sự khác biệt

Nếu mãi không tìm ra giải pháp cho vấn đề gây tranh cãi nhiều lần, bạn sẽ bắt đầu lảng tránh nó bằng những cách không lành mạnh, chẳng hạn tự thay đổi thói quen và sở thích cá nhân để hạn chế phát sinh.

Song, hành vi này sẽ chỉ dồn nén thêm bực tức, cay đắng khi một người phải làm theo ý muốn của đối phương.

Đương nhiên, bạn và người yêu có thể tránh một số cuộc trò chuyện nhất định nếu chấp nhận rằng cả hai có quan điểm khác nhau.

Thế nhưng, nếu bất kỳ sự khác biệt nào ảnh hưởng đến hạnh phúc của bạn trong mối quan hệ tình cảm, và bạn từ bỏ việc thỏa hiệp với đối phương, đó có thể là một “red flag” (cờ đỏ).


Cách bạn và người yêu cùng nhau thỏa hiệp quan trọng hơn sự khác biệt mỗi cá nhân. Ảnh: Pavel Danilyuk/Pexels.

Cho phép tích tụ nỗi buồn và giận dữ

Nếu đôi bên đều không nỗ lực điều chỉnh hành vi của mình để sự khác biệt không ảnh hưởng đến hạnh phúc, rất có khả năng những cảm xúc tiêu cực đang dần tích tụ.

Để kiểm tra, hãy thử tự hỏi bản thân liệu bạn có giận dữ khi bất đồng chưa được giải quyết, hoặc cảm thấy không hài lòng với đối phương vì sự khác biệt.

Khi sự tổn thương tích tụ trong mối quan hệ, nó sẽ khiến bạn trở nên khó đồng cảm với quan điểm của người yêu, khiến cả hai càng gặp khó hơn để vượt qua khác biệt.

Cảm thấy không còn đáng để cố gắng

Bạn cũng không nên cảm thấy hài lòng, thỏa mãn về sự bất đồng quan điểm không thể hòa giải của cả hai. Hãy tự hỏi bản thân xem liệu bạn bỏ cuộc do không thể giải quyết khác biệt hay đơn giản là không đáng để thử thỏa hiệp.

Rõ ràng, cách duy nhất để bạn và người yêu vượt qua sự khác biệt của đôi bên là đầu tư thời gian, công sức và giải quyết từ khi mới phát sinh. Do đó, hãy chú ý nếu bạn bắt đầu cảm thấy vô ích hoặc không còn hy vọng nỗ lực thỏa hiệp.

Mặt khác, bạn và người yêu có thể tham vấn trị liệu tâm lý cho các cặp nếu thấy rằng mối quan hệ vẫn đáng để cứu vãn. Một chuyên gia được đào tạo có thể hòa giải, chỉ ra những sai lệch, thành kiến về cảm xúc và nhận thức, đồng thời giúp đưa ra cách nhìn mới về vấn đề.

Theo Zing