Cách phòng ngừa và điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới tại nhà – VnExpress

Tập thể dục, thay đổi chế độ ăn uống là một trong các biện pháp giúp kiểm soát tình trạng bệnh suy giãn tĩnh mạch và cải thiện các triệu chứng.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới còn được gọi là suy giãn tĩnh mạch chân. Bệnh không chỉ gây mất thẩm mỹ với những mảng mạch máu nổi chằng chịt mà còn là thủ phạm gây mất ngủ vì cảm giác đau nhức khi đêm về. Nguy hiểm hơn, nếu không được điều trị và phòng ngừa đúng cách, suy giãn tĩnh mạch chi dưới còn gây ra những biến chứng nặng nề đe dọa sức khỏe người bệnh. Dưới đây là những giải pháp điều trị bệnh mà bạn có thể thực hiện tại nhà.

Tích cực vận động

Béo phì là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Vì vậy, kiểm soát cân nặng trong mức cho phép là một cách hữu hiệu để phòng ngừa bệnh hiệu quả. Theo các chuyên gia, người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch nên hình thành thói quen tập thể dục thường xuyên. Bởi cách làm này sẽ giúp kích thích mạch máu lưu thông ở chân tốt hơn. Một số bài tập tác động thấp giúp cơ bắp chân hoạt động mà không bị căng quá mức gồm bơi lội, đi bộ, đạp xe, yoga.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò không nhỏ trong quá trình điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch. Ảnh: Freepik

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò không nhỏ trong quá trình điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch. Ảnh: Freepik.

Thay đổi chế độ ăn uống

Thức ăn mặn hoặc giàu natri có thể khiến cơ thể giữ nước. Do đó, hãy cắt giảm các món ăn này để tình trạng trên. Ngoài ra, bạn cũng nên xây dựng chế độ ăn giàu kali và chất xơ. Các nghiên cứu cho thấy, thực phẩm giàu kali có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch bằng cách giảm giữ nước trong cơ thể. Trong khi đó, những loại rau củ quả giàu chất xơ lại có thể giúp ngăn ngừa táo bón. Từ đó, tránh tình trạng ách tắc trong ruột gây áp lực nặng nề hơn lên các mạch máu, khiến bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới trở nên tồi tệ hơn.

Bổ sung thực phẩm có chứa flavonoid

Các loại thực phẩm có chứa flavonoid có thể làm giảm chứng suy giãn tĩnh mạch nhờ vào khả năng cải thiện lưu thông máu. Ngoài ra, chúng cũng giúp giảm huyết áp trong động mạch và có thể làm giãn mạch máu. Do đó, bạn nên bổ sung thực phẩm giàu flavonoid bằng cách tăng cường hành tây, ớt chuông, rau bina và bông cải xanh, trái cây họ cam quýt và nho, anh đào, táo và việt quất, ca cao…

Tránh ngồi hoặc đứng trong thời gian dài

Đứng hoặc ngồi ở một tư thế trong thời gian dài khiến máu khó lưu thông trong các tĩnh mạch ở chân và gây áp lực trong tĩnh mạch. Về lâu dài, nó còn có thể khiến máu tụ quanh mắt cá chân; đồng thời mang lại cảm giác đau nhức, sưng ở bàn chân và bắp chân.

Bạn có thể tập thói quen di chuyển xung quanh khoảng 5-10 phút. Cách làm này sẽ giảm áp lực tĩnh mạch và cải thiện lưu thông máu. Nếu công việc không thể di chuyển lâu, bạn vẫn có thể thực hiện các động tác gập duỗi cổ chân hoặc nâng cao chân trong 15 phút để làm mắt cá chân không còn sưng và lưu thông máu tốt hơn.

Dùng vớ y khoa

Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy, những người sử dụng vớ y khoa cao đến đầu gối với mức áp lực 18 – 21 mmHg trong một tuần đều cảm thấy giảm được các cơn đau và nhức do giãn tĩnh mạch gây ra. Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân nên mang vớ vào mỗi buổi sáng và sinh hoạt bình thường. Sau mỗi 3 tiếng, bạn nên tháo ra khoảng một tiếng để chân máu có thể di chuyển dễ dàng xuống chân. Khi đi ngủ, cởi vớ ra giúp trọng lực trải đều cơ thể và tránh gây tê nhức, tím tái chân.

Huyền My (Theo Healthline, Medical News Today)