Cách cúng ông Công ông Táo không theo hủ tục

Thoắt cái, đã lại một năm qua đi. Năm nay, cảm giác Tết đến còn nhạt nhòa hơn những năm qua. Và có khi ngày càng như vậy. Ngày xưa, cứ tầm này là người người, nhà nhà đi mậu dịch xếp hàng mua tiêu chuẩn Tết( tí bóng, tí miến, gói chè, hộp mứt, tí mộc nhĩ, hạt tiêu, thếp bánh đa nem. Tất cả được đóng trong một cái tíu nilon gọi là “túi hàng tết”. Nhất định không được quên mua thêm bánh pháo. Rục rịch chờ chia thịt hoặc kiên nhẫn xếp hàng mua theo tiêu chuẩn để gói bánh chưng, lau chùi bày biện ban thờ, dọn nhà đón Tết.

Bây giờ, cuộc sống đã thay đổi, kinh tế phát triển nên sự chệnh lệch giàu- nghèo ngày một rõ dệt. Mọi người không còn lo gói bánh chưng hay mua sắm này nọ nhiều nữa. Tết giống như một kỳ nghỉ bù cho một năm làm việc vất vả. Người giàu thường đón giao thừa và lễ đầu năm xong là đi du lịch. Người nghèo, cũng đặt mua sẵn mỗi thứ một chút cho đủ lệ bộ chứ cũng không bày vẽ làm gì nhiều. Tất cả tùy theo điều kiện đều có thể lựa chọn dịch vụ trọn gói. Cũng có một số người vẫn thích tự tay làm một số bánh mứt hay món ăn truyền thống vì đam mê ẩm thực.

Năm nay bà ốm, nhà lại chưa sơn sửa nên mẹ cũng không có tâm trí bày vẽ gì. Coi như một kỳ nghỉ phép cho năm. Hôm qua con gái xé lịch và nhắc mẹ đã 19  rồi. Mấy ngày  nữa là đến ngày ông Công ông Táo. Ngồi buồn, tản mạn một chút và chia sẻ về phong tục truyền thống quan trọng của năm này.

Truyền thuyết được kể lại nhưng tích là từ Trung Quốc. Người Việt mình vỗn xưa kia nhiều phen chịu cảnh ngoại xâm và đồng hóa nên phong tục tập quán nhiều khi chịu ảnh hưởng của người Trung Hoa là điều không tránh khỏi. Chỉ có điều không biết mà cứ để cho một số người lợi dụng rồi bày đặt ra cho mình chạy theo thì thật buồn.  Cũng như vậy, Tháng 7, nghe thấy nói phóng sinh để tạo phước liền đi mua cho được chim thật nhiều về để thả. Chim bị những người kinh doanh xấu cho ăn thuốc nên thả ra đâu có bay được xa loanh quanh lại ngã xuống con yếu chết, con khỏe còn và lại bị bọn bắt chim nhặt về bán quay vòng. Nghe đồn thổi phóng sinh rùa đem tới nhiều tài lộc thế là đua nhau mua rùa tai đỏ về phóng sinh Rùa tai đỏ là một giống phàm ăn, sinh sản tốt nên có rất nhiều sinh vật khác bị chúng chén sạch. Như thế là tạo phước hay tội đây?

Cá chép cũng vậy, Ngày ông công ông Táo đến, nhà giàu đặt mua những con chép cả cân để cúng. Nhà vừa phải mua chép lửa cỡ vừa vừa, nhà ít điều kiện hơn mua chép giấy để đốt. Chỗ này thả cá, cách đấy mươi mét là người đứng vớt cá. Sau mười phút chưa biết cá vừa thả xuống đã kịp hoàn hồn chưa thì đã lại bị vớt lên bỏ chậu mang ra ngay đầu chợ. Có khi chả đầy tiếng sau, mấy chú cá tội nghiệp đó lại bị mua về, thêm thời gian một tuần hương chúng lại được đổ ào xuống… và đầu kia cái lưới lại sục xuống nước… Phải phục là cá chép rất khỏe mới có thể chạy sô được như thế để  kịp chở các Táo lên thiên đình!!!

Lửa khói ngùn ngụt, tro bay khắp nơi, nào áo nào mũ, nào hia, chỉ thiếu mỗi quần. Và cả cá chép giấy nữa cũng vào lửa để lên thiên đình cho nhanh. Đi đường thủy nhanh hay đường hỏa nhanh nhỉ???

Chỉ là cảm nhận của riêng mình nên xin mọi người không “ném đá”. Mỗi người đều có một quan điểm riêng để nhìn nhận hay đánh giá vấn đề. Cá nhân mình, mình là người có tín ngưỡng và không mê tín nên mình đánh giá theo cách của mình. Ngày ngày chúng ta đều cúng lên ban thờ thanh bông, hoa quả thật, sao tiền vàng, quần áo, cá chép lại là giấy? Sao không mua những đồ thật để cúng??? Nếu mình hỏi như thế mọi người sẽ trả lời ngay: ” tượng trưng thôi mà, chỉ là chút tâm thành” Nếu đã là tâm thành sao cứ phải là vàng mã cá chép??? Đã có ai trong chúng ta nhìn thấy các ngài Táo mặc gì, cưỡi gì và lên thiên đình như thế nào đâu nhỉ??? Ơ hơ!!! thế mà nghe mấy bà bán đồ mã, mấy ông thầy cúng nói cứ như đúng rồi. Vậy phải chăng đó là niềm tin???

Mình cũng có niềm tin. Mình tin vào luật nhân quả. Mình tin vào Chư Phật vì Chư phật là sự thị hiện từ tâm. Nó giống như cái bóng của chính mình vậy. Mình đứng yên, bóng đứng yên, mình chạy, bóng đuổi, mình ngã bóng đè lên. Khi tâm chúng ta an lành thì chúng ta thấy cuộc sống thảnh thơi vàn an lạc. Nơi đó là nơi CHư Phật và các thần linh ngự trị.

Mình thường cúng ngày ông Công Ông táo như sau:

Ông Công ông Táo là ai???

Cá nhân mình Ông Công ông Táo là ba vị thần linh ở khu vực đất nhà mình ở:

1 – Ngài THÀNH HOÀNG BẢN XỨ ( là vị thần khai khẩn đất đai từ đầu tiên vùng đó vì từ xa xưa nơi chúng ta ở là đất hoang vu, hay ao hồ rừng rậm chứ không phải như bây giờ. Môt vị nào đó bỏ công sức ra gây dựng biến tạo,bảo vệ vùng này, qua nhiều thời gian người nọ nối người kia sinh sống và tiếp tục lưu giữ phát triển thêm cho tới ngày hôm nay)

2- Ngài THẦN LINH THỔ ĐỊA: Là vị thần trực tiếp quản lý nơi cư ngụ của mình đang sinh sống. Ngài sẽ che chở và bảo vệ cho gia chủ được an lành.

3- Ngài TÁO CHỦ THẦN QUÂN( ĐÔNG TRÙ TƯ MẠNG ĐỊNH PHÚC TÁO THẦN QUÂN): là vị Đại Thiên Thần ở cõi trời Sắc giới giáng xuống trần gian để trực tiếp cai quản tại nội chính nhà mình, ngài tiếp dẫn thực phẩm, tài bảo, cai quản bếp núc đem tới sự ấm cúng và thịnh vượng cho gia chủ.

Dưới ngài TÁO QUÂN là Ngũ phương ngũ thổ Địa mạch Long thần

Tiền hậu địa chủ tiếp dẫn Tài Lộc thần Là các vị thần hộ vệ đức TÁO QUÂN giúp TÁO QUÂN trong việc cai quản tiếp dẫn phẩm vật tài bảo cho gia chủ.

Mỗi mồng một hay ngày giằm và 23 tháng chạp, ta đều cúng lễ tới ba vị này với lòng thành tâm, cảm ơn các ngài đã che chở, bảo vệ, ban tới những điều tốt đẹp cho chúng ta và cho phép chúng ta tiếp tục được sinh sống an lành nơi đây.

Lễ cúng: Quan trọng nhất chính là lòng thành tâm, tri ân sâu sắc tới các ngài đã tác phúc, tác lộc, trừ họa, trừ tai, che chở quanh năm cho gia đình mình.

Từ 20-21 Lau chùi ban thờ sạch sẽ, Lau chùi dọn dẹp bếp núc, nồi niêu bát đũa cho  cho sạch sẽ, ngăn nắp.

Trong ngày 22 hoặc trước 12 giờ ngày 23 tháng chạp dâng lễ trên ban thờ như sau:

Hương thơm 1 thẻ, Hoa thơm 3 thứ hoặc 3 màu, Quả chín 5 loại ( mỗi thứ 1 quả cũng được ko cần nhiều ) trầu cau, nước sinh thủy ( nước lọc trắng) một cốc to, chén trà nóng, xôi gấc, mứt sen, hoặc chè sen, 9 ngọn nến, sớ cầu phúc lộc thọ. Không cúng rượu thịt, vàng mã, tiền âm, mũ áo hia, cá chép giấy… ( Đó là hủ tục mê tín)

Nếu ban thờ bạn chưa có, thì mua một đôi chĩnh sứ cỡ như chiếc cốc nhỏ, trong đó một cái đựng gạo, một cái đựng muối. Mua gạo và muối mới về rồi đong vào 2 chĩnh để trên ban thờ dâng các ngài. Để quanh năm cho tới 20. 21 tháng chạp năm sau, khi dọn ban thờ thì bỏ ra cho vào thùng gạo và lọ muối của gia đình để dùng bình thường rồi mua đồ mới lại cho vào chĩnh đem dâng cho năm tiếp. Điều này là cầu ngài gia trì cho xin thực phẩm quanh năm được no đủ. Gạo muối và nước là ba thứ không thể thiếu trong đời sống của con người mà.( Đừng nhầm lẫn với việc cúng gạo muối rồi rắc ra cửa nhà như mọi người vẫn làm nhé.).

Có thể cúng trên ban thờ hoặc nếu không có ban thờ thì Đặt mâm sạch kê cao cúng ở sân sạch hay hành lang ngoài trời đều được. Mặc quần áo tử tế, đứng trước mâm lễ vật ngoài trời(  quay nặt về hướng đông) hay trước ban thờ tại gia chắp tay khít ngón nghiêm trang mà khấn như sau:

Nam mô adi đà Phật ( 3 lần)  Con xin kính lạy chín phương trời mười phương đất chư phật mười phương. Con xin kính lạy Ngọc hoàng thượng đế, kính lạy các vị chư thiên thiện thần hộ pháp, các vị linh thần cai quản trong mười phương, chủ chì cai quản trong các lĩnh vưc đời sống của muôn loài.

Con xin kính lạy ngài Thành hoàng bản xứ, ngài thần linh thổ địa, ngài táo phủ thần quân cùng các chư vị ngũ phương ngũ thổ địa mạch long thần, tiền hậu địa chủ tiếp dẫn tài lộc thần chứng minh công đức

Gia chủ con là …. tuổi … hiện ở tại số nhà…

Hôm nay nhân ngày 23 tháng chạp năm… Chúng con lễ bạc tâm thành khấu đầu trước ban thờ xin các ngài chứng giám cho. Gia chủ chúng con trẻ già trai gái môt lòng thành kính cảm tạ tất thảy các ngài đã ban phúc trừ tai cho gia chung chúng con một năm qua an lành hạnh phúc, áo ấm, cơm no, bệnh ách tiêu tán, hung hạn tiêu trừ.

Nay con thành tâm dâng cúng lễ vật cảm tạ các ngài cùng nghênh tiễn ngài TÁO QUÂN nhất gia chi chủ, ngũ tự chi thần, Tư hầu thiệt  ư Bắc đẩu, sát thiện ác ư Đông trù về trời. Thành tâm nghênh tiễn.

Xin ngài hoan hỉ và cho phép gia chủ chúng con tới dịp năm mới lại được thỉnh đón ngài Giáng lâm trở về Định phúc định an, ban phước, ban lộc, giáng họa trừ tai cho gia chủ chúng con. Con xin khấu tạ.

Khi hết hương, lúc đó mới dọn một mâm cơm mặn để ở ban thấp hơn ban thờ một chút Thắp hương ở bát hương gia tiên để thỉnh mời gia tiên về ăn cơm. ( nếu nhà chỉ có một bát hương duy nhất thờ thần linh thì muốn cúng gia tiên phải xin phép khấn lúc hương của các quan thần linh gần hết, còn chừng 3 đốt ngón tay. ” Hôm nay nhân dịp…. gia chủ con có mâm cơm cúng lễ gia tiên tỏ lòng hiếu thuận. Con xin phép các ngài cho phép hương linh gia tiên họ … cùng các vong linh….táng tại… được phép lô giáng chân hương, hưởng tuần lễ vật con cháu dâng cúng. Con xin cảm tạ.” Sau đó khi hết hương thì bày cỗ, thắp nén hương mới rồi khấn thỉnh gia tiên về.

Tâm linh, tôn giáo là nhân duyên và xuất phát từ niềm tin của mỗi cá nhân. Nếu bạn có duyên đọc được bài này, có thể tin và làm theo. Cũng có thể bạn tin theo truyền thuyết và tục đốt vàng mã cá chép như bên Tàu mà  dân gian ta vẫn theo  làm . Tất cả là quyền tự do lựa chọn của các bạn. Trong lĩnh vực tâm linh, cuối cùng cũng là để tâm ta an lạc, mở lòng khoan dung, có niềm tin và lòng biết ơn. Tất cả tuyệt đối không khiên cưỡng.

Chúc các bạn và gia đình mọi sự như ý.

Advertisement

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…