Các ngành truyền thông và xu hướng nghề nghiệp trong năm 2023

cac-nganh-truyen-thong-topcv

Khi đề cập đến các ngành truyền thông, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một công việc hấp dẫn với mức thu nhập đáng mơ ước. Có thể nói, truyền thông đang dẫn đầu xu hướng chọn ngành của giới trẻ. Hãy cùng Blog TopCV tìm hiểu đôi nét về ngành truyền thông trong bài viết dưới đây.

Các chuyên ngành trong ngành truyền thông

Trước đây, nhiều người có suy nghĩ, ngành truyền thông chỉ gói gọn trong việc làm báo hoặc quảng cáo. Nhưng trên thực tế, ngành truyền thông khá rộng và được phân thành nhiều nhóm. Cụ thể, ngành truyền thông được phân thành 4 nhóm sau:

Ngành truyền thông báo chí

Ở nước ta, nhiều bậc phụ huynh thường có quan điểm, làm truyền thông là làm báo chí. Điều này không sai nhưng cũng không đúng hoàn toàn. Bởi vì ngành truyền thông rất rộng, tuy nhiên báo chí là chuyên ngành có tuổi đời lâu nhất. Điều này vô tình “ăn sâu” vào suy nghĩ của nhiều người. 

Ngành truyền thông báo chí là gì?

Báo chí là một ngành của truyền thông, chịu trách nhiệm đưa thông tin đến người đọc một cách nhanh nhất và chính xác nhất. Những thông tin được báo chí truyền tải rất đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó có thể là tin tức về sự kiện hoặc phản ánh một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Cũng vì thế mà nhiều người thường gọi truyền thông báo chí là “quyền lực thứ tư” trong xã hội.

Hiện nay, báo chí được phát hành thông qua 4 loại hình gồm báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại thì báo điện tử rất phát triển. Vì báo điện tử dễ tiếp cận với người đọc, đưa tin nhanh chóng và đặc biệt là không mất phí. 

Trong tất cả các ngành truyền thông, ngành báo chí đòi hỏi người làm nghề phải luôn ghi nhớ một nguyên tắc, đó là tôn trọng sự thật. Do đó, tại nhiều trường đại học trên thế giới, chuyên ngành báo chí được tách hẳn với ngành truyền thông, trở thành một ngành riêng biệt. 

cac-nganh-truyen-thong-topcvBáo chí chịu trách nhiệm đưa thông tin đến người đọc một cách nhanh nhất và chính xác nhất

Sinh viên ngành truyền thông báo chí ra trường làm gì?

Học truyền thông báo chí, không nhất thiết bạn phải trở thành nhà báo sau khi ra trường. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành truyền thông báo chí có thể thử sức ở những công việc sau:

  • Phóng viên tác nghiệp
  • Biên tập viên
  • Quay phim
  • Dẫn chương trình (MC)
  • Phát thanh viên
  • Giảng viên tại các trường đại học
  • Nghiên cứu báo chí, phân tích sự kiện

Mức lương của ngành truyền thông báo chí

Trên thực tế, mức lương khởi điểm của sinh viên ngành truyền thông báo chí mới ra trường, chưa có kinh nghiệm không quá cao, chỉ dao động từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, đối với những ai có kinh nghiệm từ 2-3 năm hoặc đã có những thành tích cụ thể trong công việc như các bài báo, hình ảnh, video… được người đọc phản hồi tích cực sẽ có thu nhập khoảng 10 triệu. Riêng những nhân sự từ 5 năm kinh nghiệm trở lên sẽ có thu nhập khoảng 15 triệu đồng. 

Ngoài ra, mức lương của ngành truyền thông báo chí còn được phân theo vị trí công việc. Chẳng hạn, lương của phát thanh viên truyền hình dao động từ 7-11 triệu đồng, biên tập viên từ 7-10 triệu đồng và 8-10 triệu đồng đối với nghề quay phim…

cac-nganh-truyen-thong-topcvMức lương ngành báo chí dao động từ 10-15 triệu đồng/tháng

Ngành truyền thông thực hành

Truyền thông thực hành là một phân nhánh trong các ngành truyền thông. So với những ngành khác, truyền thông thực hành được nhiều bạn trẻ theo học vì cơ hội việc làm và mức thu nhập hấp dẫn. 

Ngành truyền thông thực hành là gì?

Đúng như tên gọi, ngành truyền thông thực hành sau khi tốt nghiệp là để đi làm. Trên thực tế, ngành này còn được phân thành nhiều chuyên ngành nhỏ, gồm:

  • Quan hệ công chúng (Public Relations): Là những hoạt động, chiến lược của cá nhân hoặc tập thể, nhằm thiết lập, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với công chúng. Bên cạnh đó, ngành quan hệ công chúng giúp cho cá nhân/tập thể xây dựng hình ảnh, thương hiệu và tên tuổi. 
  • Truyền thông doanh nghiệp (Corporate Communication): Thực hiện truyền tải thông tin từ doanh nghiệp đến khách hàng, đối tác và cả nhân viên. Nội dung truyền thông có thể là sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh hoặc thương hiệu.
  • Truyền thông phi lợi nhuận (Non-profit Communication): Là hoạt động truyền thông cho các tổ chức phi chính phủ (NGOs). Mục đích của hoạt động này là truyền bá thông điệp hoặc kêu gọi quyên góp.

cac-nganh-truyen-thong-topcvQuan hệ công chúng giúp xây dựng hình ảnh, thương hiệu của một cá nhân hoặc tập thể

>>>Tìm hiểu thêm: Ngành quan hệ công chúng và truyền thông giống và khác nhau thế nào?

Sinh viên ngành truyền thông thực hành ra trường làm gì?

Một trong những công việc được nhiều bạn hướng đến sau khi tốt nghiệp ngành truyền thông thực hành là chuyên viên PR. Đây là ngành nghề giúp xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm hoặc công ty. Qua đó thu hút sự chú ý của khách hàng và thay đổi hành vi của họ.

Mức lương của ngành truyền thông thực hành

So với những công việc khác thuộc nhóm ngành truyền thông, chuyên ngành truyền thông thực hành nói chung và chuyên viên PR nói riêng có mức lương khởi điểm khá cao, thường dao động từ 7-12 triệu đồng. 

Trong khi đó, những chuyên viên PR có từ 2 năm kinh nghiệm trở lên sẽ có thu nhập từ 11-19 triệu đồng. Riêng quản lý cấp cao tại những tập đoàn lớn thì con số này có thể lên đến 30-50 triệu đồng. 

Ngành phương tiện truyền thông

Khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, ngành phương tiện truyền thông trở nên thu hút giới trẻ. Ngành này mở ra những việc làm hấp dẫn liên quan đến công nghệ, máy móc, tư duy sáng tạo…

Ngành truyền thông phương tiện là gì?

Hay còn được gọi với cái tên quen thuộc là truyền thông Media. Khi theo học ngành truyền thông phương tiện, sinh viên sẽ được học cách sử dụng công nghệ thông tin hoặc các thiết bị hiện đại như máy ảnh, máy quay… để tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong ngành truyền thông. Đó có thể là phim tài liệu, TVC quảng cáo, MV ca nhạc hoặc infographic… 

Khác với báo chí và truyền thông thực hành, ngành truyền thông Media tập trung nhiều đến cách triển khai nội dung, đảm bảo các ấn phẩm truyền thông thu hút được khách hàng mục tiêu. Chính vì thể, ngành truyền thông phương tiện đòi hỏi tính sáng tạo, thích sự đổi mới, khả năng quan sát và linh hoạt…

cac-nganh-truyen-thong-topcvSinh viên học truyền thông Media sẽ được học cách sử dụng các thiết bị hiện đại như máy ảnh, máy quay…

Sinh viên ngành truyền thông phương tiện ra trường làm gì?

Như đã giới thiệu, ngành truyền thông media tập trung nhiều đến cách thức triển khai nội dung. Qua đó, chúng ta có thể thấy được sinh viên ngành truyền thông phương tiện sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các công việc như designer, video editor, motion graphic designer, creative content… 

Ngoài ra, sinh viên ngành truyền thông Media còn có cơ hội trở thành chuyên viên sản xuất phim quảng cáo TVC, MC ca nhạc…

Mức lương của ngành truyền thông phương tiện

Truyền thông phương tiện cũng được xếp vào ngành có thu nhập hấp dẫn trong các ngành truyền thông. Mức lương dành cho sinh viên mới ra trường dao động từ 8-10 triệu đồng và 10-15 triệu đồng cho những nhân sự có từ 2-3 năm kinh nghiệm. 

Trong khi đó, với những cá nhân có thâm niên từ 3 năm kinh nghiệm và có kỹ năng chuyên môn cao sẽ nhận được mức lương hấp dẫn hơn, dao động từ 15-20 triệu đồng. Thậm chí 30 triệu đồng đối với cấp bậc quản lý. 

cac-nganh-truyen-thong-topcvNgành truyền thông phương tiện có mức thu nhập rất hấp dẫn

Ngành nghiên cứu truyền thông

Chuyên ngành cuối cùng của truyền thông đó là nghiên cứu truyền thông. So với 3 nhóm ngành trên, nghiên cứu truyền thông thực hiện những công việc khác biệt hoàn toàn.

Ngành nghiên cứu truyền thông là gì?

Ngành nghiên cứu truyền thông không trực tiếp tạo ra các sản phẩm truyền thông. Thay vào đó, công việc của ngành này là quan sát các hiện tượng, vấn đề trong cuộc sống đang bị tác động bởi truyền thông. Sau đó, họ sẽ dựa vào các tài liệu, kiến thức hoặc số liệu thực tế để tiến hành đánh giá và đưa ra kết luận cuối cùng cho nghiên cứu. 

Tưởng chừng đây là ngành nghề tẻ nhạt. Nhưng trên thực tế, nghiên cứu truyền thông chính là nền móng của ngành truyền thông thực hành. Công việc nghiên cứu truyền thông giúp cho doanh nghiệp đưa ra những giải pháp phù hợp với xu hướng xã hội. 

Một trong những minh chứng của nhóm ngành nghiên cứu truyền thông đó là Mỹ và Hàn Quốc. Bạn có thể thấy, truyền thông của 2 quốc gia này cực kỳ phát triển. Các sản phẩm truyền thông của họ phủ khắp thế giới. Đó là nhờ sự tập trung của các trung tâm nghiên cứu truyền thông. 

cac-nganh-truyen-thong-topcvNghiên cứu truyền thông là quan sát các hiện tượng, vấn đề xảy ra trong cuộc sống đang bị tác động bởi truyền thông

Sinh viên ngành nghiên cứu truyền thông ra trường làm gì?

Vì tính chất công việc là nghiên cứu, nên sinh viên sau khi tốt nghiệp nhóm ngành này có thể làm việc tại các trung tâm nghiên cứu truyền thông. Khi đã tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm, các chuyên viên nghiên cứu truyền thông thường có mục tiêu trở thành giảng viên hoặc tư vấn chiến lược truyền thông cho doanh nghiệp, tổ chức. 

Mức lương của ngành nghiên cứu truyền thông

Hiện tại, vẫn chưa có thông tin cụ thể về mức lương của nhóm ngành nghiên cứu truyền thông. Tuy nhiên, đối với vị trí chuyên viên tư vấn chiến lược truyền thông hoặc chuyên viên xây dựng chiến lược truyền thông thì mức lương có thể dao động từ 12-15 triệu đồng.

cac-nganh-truyen-thong-topcvChuyên viên tư vấn chiến lược truyền thông có thu nhập từ 12-15 triệu đồng/tháng

Các ngành truyền thông có dễ xin việc không?

Sự phát triển của công nghệ, kèm theo nhu cầu sử dụng mạng xã hội ngày càng cao của con người đã mở ra rất nhiều cơ hội việc làm trong ngành truyền thông. Sinh viên sau khi tốt nghiệp các ngành truyền thông có thể trở thành chuyên viên PR, chuyên viên marketing, biên tập viên… Đặc biệt, với những lĩnh vực liên quan đến truyền thông số như biên tập viên, designer, video editor … thì lại càng có nhiều cơ hội việc làm.

Tuy nhiên, ngành truyền thông có sức hút rất lớn với giới trẻ nên khó tránh khỏi sự cạnh tranh. Không những thế, ngành truyền thông được đánh giá là ngành đào thải khốc liệt. Do đó, nếu muốn theo đuổi ngành truyền thông, bạn cần phải có đủ kỹ năng, kinh nghiệm và tinh thần làm việc nghiêm túc. 

Suy cho cùng, xin việc trong ngành truyền thông không phải là điều quá khó vì cơ hội việc làm của ngành rất rộng mở, nhưng cũng không phải dễ dàng vì tỷ lệ cạnh tranh của ngành rất cao. 

cac-nganh-truyen-thong-topcvXin việc trong ngành truyền thông không phải là điều quá khó nhưng cũng không quá dễ dàng

>>> Tìm hiểu thêm: Xin việc ngành truyền thông và những điều bạn cần biết

Những tố chất cần có của người làm truyền thông

Theo đuổi ngành hot như truyền thông thì tất nhiên bạn phải có những tố chất phù hợp với nghề. Một người làm truyền thông cần có những tố chất sau:

  • Nghiêm túc và tập trung: Vì bản chất của truyền thông là đưa thông tin đến khách hàng. Do đó, người làm truyền thông phải thật sự nghiêm túc với những nội dung, ý tưởng của mình, để khách hàng có thể được những điều bạn muốn truyền tải. 
  • Thấu hiểu khách hàng mục tiêu: Để làm truyền thông thành công, bạn phải thật sự thấu hiểu khách hàng. Bạn có thể trả lời một số câu hỏi như: Khách hàng của bạn là ai? Họ đang gặp vấn đề gì?… để từ đó đưa ra nội dung và ngôn ngữ phù hợp.
  • Sáng tạo và nhạy bén: Đây là tố chất không thể thiếu của người làm truyền thông. Tính sáng tạo sẽ giúp cho những nội dung của bạn trở nên thu hút, hấp dẫn và “viral”. 
  • Quản lý công việc: Một chiến dịch truyền thông marketing thành công được kết hợp từ rất nhiều công việc khác nhau. Do đó, người làm truyền thông phải có khả năng tổ chức, sắp xếp, lập kế hoạch để mọi việc luôn được suôn sẻ.

Hy vọng bài viết có thể giúp bạn hiểu hơn về các ngành truyền thông, từ đó đưa ra định hướng cho tương lai. Nếu bạn đang tìm việc làm truyền thông, thì hãy đến ngay TopCV. Tại đây, chúng tôi có hàng ngàn công việc hấp dẫn với mức đãi ngộ tốt. Hãy thường xuyên truy cập Blog TopCV để nhận được những kiến thức hữu ích về công việc.