Các bước tạo nên một bộ sưu tập thời trang – Chaubuinet

Sáng tạo chỉ là một phần của quá trình hình thành một bộ sưu tập thời trang thôi.

21/08/2021

Hôm nay, Châu cùng LCDF sẽ dẫn các bạn theo chân sinh viên thiết kế thời trang để biết họ đã phải trải qua những công đoạn nào trước khi cho ra một bộ sưu tập hoàn chỉnh nhé!

Nghiên cứu – phác thảo – thiết kế – chỉnh sửa –hoàn thiện – vốn là quy trình quen thuộc của công việc thiết kế cho dù là thời trang, đồ họa, nội thất… Tuy nhiên, để các bạn hình dung rõ hơn về hành trình làm nên một bộ sưu tập thời trang, chúng ta sẽ cùng xem tại Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội LCDF, các sinh viên thường trải qua các công đoạn cụ thể ra sao.

1. NGHIÊN CỨU

Không phải là vẽ đẹp hay may khéo, nghiên cứu mới chính là kỹ năng  cần có đầu tiên của một nhà thiết kế giỏi, là tiền đề tạo ra ra được giải pháp, ý tưởng.

Quán quân cuộc thi thiết kế thời trang bền vững lớn nhất thế giới Redress Design Award 2020 Lê Ngọc Hà Thu từng chia sẻ:  “Tôi luôn coi nghiên cứu là một trong những phần cơ bản nhất của việc sáng tạo và thiết kế. Mọi người có xu hướng chỉ tán thưởng phần sáng tạo của thiết kế mà không chú ý đến cách nghiên cứu, lý thuyết. Đó mới thực sự là nền tảng của thiết kế”.

Nghiên cứu ở đây không phải chỉ ngồi tổng hợp thông tin thập cẩm trên mạng mà phải là các nội dung có chủ đích như về xu hướng, khách hàng, dòng sản phẩm, chất liệu, bối cảnh…

2. PHÁT TRIỂN Ý TƯỞNG, CHỌN LỌC

Từ những gì đã nghiên cứu, các sinh viên bắt đầu chọn lọc để đưa vào moodboard (bảng ý tưởng). Moodboard cho thấy những nét đặc trưng trong bộ sưu tập như màu sắc, chất liệu, kiểu dáng, phong cách, kiểu trang trí. Nhà thiết kế sẽ bám vào đó, bắt đầu sáng tạo, phát triển chi tiết các ý tưởng.

Nhiều người cho rằng, sáng tạo thuộc về năng khiếu nhưng thực tế đây là một kỹ năng có thể nhờ rèn luyện, học tập mà có được. Ví dụ ở LCDF, nơi vốn có đặc sản là môn “tư duy sáng tạo”, sinh viên sẽ được hướng dẫn dùng tới nhiều phương pháp để tạo nên ý tưởng như brainstorm, mind-map hoặc phương pháp nối từ, liên tưởng kết nối cùng vô số mẹo khác.

“Think out of the box” là câu cửa miệng mà các giáo viên ở đây luôn nhắc để sinh viên tránh đi vào lối mòn tư duy.

3. VẼ PHÁC THẢO, MINH HỌA

Sau nhiều bản phác thảo bằng chì trên giấy, sinh viên sẽ tiến tới bản vẽ minh họa theo những quy chuẩn chung về tỷ lệ cơ thể…. Một bản vẽ minh họa thời trang tốt phải thể hiện được chuyển động cơ thể phù hợp với thiết kế, giúp người xem hình dung được về chất liệu, các chi tiết trang trí, nếp gấp… Đây là cơ sở để thiết lập các thông số kỹ thuật khi thiết kế bộ rập.

4. THIẾT KẾ RẬP

Thiết kế rập (Pattern) là một thuật ngữ chuyên ngành thời trang. Rập là khuôn mẫu gốc của sản phẩm, được cắt trên giấy theo tỉ lệ thật, sau đó ốp lên vải cắt, may ráp lại với nhau tạo thành sản phẩm.

Có nhiều phương thiết kế rập như dựng hình thủ công (draft) dùng các công thức may đo để lên rập; hình thức phủ vải (drape) phủ vải trên người thật, mannequin; phương pháp kết hợp. Có thể thiết kế thủ công hoặc dùng nhiều phần mềm hiện đại.

Đây là công đoạn khó, cần nhà thiết kế có tư duy logic về hình khối, sự tính toán. Nó quyết định sản phẩm thực có giống với hình vẽ minh họa hay không.


5. LÊN MẪU MỘC

Lên mẫu mộc hay mẫu đầu là công đoạn bắt buộc với tất cả sinh viên thiết kế thời trang LCDF. Để tránh hao phí vải, nhà thiết kế thường dùng chất liệu vải giá rẻ, dễ tạo hình như vải mộc (vải cotton thô) để lên mẫu đầu tiên. Với một số trường hợp đặc biệt như váy dạ hội dùng vải lụa, vải để may mẫu mộc cũng cần có độ rủ và chảy để đảm bảo phom dáng.

6. CHỈNH SỬA

Khi bản rập bằng giấy đã lên hình hài trên mannequin, các chi tiết bất hợp lý mà trước đó nhà thiết kế không thể tính toán trước sẽ lộ diện. Đó có thể là độ ôm ngực, phần vai phồng hoặc những chi tiết xếp ly không được như ý. Rất nhiều sự thay đổi sẽ được thực hiện ở đây, thậm chí biến đổi hoàn toàn so với bản vẽ ban đầu do ý tưởng không khả thi.

7. MAY MẪU THỰC

Khi bản rập đã được chốt, nhà thiết kế bắt tay vào may mẫu thật bằng vải và các nguyên phụ liệu đã chuẩn bị từ trước. Giai đoạn này yêu cầu kỹ năng may để sản phẩm đạt được độ hoàn thiện tinh tế. Thiết kế trong hình minh họa có thể đẹp, bộ rập có thể hoàn chỉnh nhưng kỹ thuật may kém đôi khi có thể khiến các chi tiết rập ghép lại không hoàn chỉnh, sai ý đồ. Hoặc cùng một mẫu rập, trình độ cắt may khác nhau cũng sẽ cho ra sản phẩm đẳng cấp khác hẳn nhau.

8. CHỤP HÌNH

Để giới thiệu sản phẩm, các sinh viên sẽ lên concept tổ chức chụp hình cho bộ sưu tập. Tùy vào điều kiện, có thể chụp đơn giản trong studio hoặc ngoại cảnh cầu kỳ với ekip chuyên nghiệp. Đây là quá trình giúp sinh viên tích lũy được vốn kiến thức cực kỳ hữu ích về nghề stylist, nhiếp ảnh.

Và đó là một quá trình từ bắt đầu cho đến lúc hoàn thiện một bộ sưu tập thời trang. Dù là thực hiện cho đồ án bài tập, dự án cá nhân hay cho các buổi trình diễn chuyên nghiệp thì hầu như các nhà thiết kế thời trang đều phải trải qua những bước như vậy. Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp mọi người có thêm những kiến thức hữu ích và thời trang, đặc biệt là những bạn trẻ đang có đam mê với lĩnh vực này.

LCDF

Đọc thêm bài viết cùng chủ đề #LCDFFashion.

Ảnh bìa: Infnewspaper