CÓ PHẢI SAU BIỂU TÌNH CHỐNG THUẾ THÌ NGUYỄN TẤT THÀNH BỊ ĐUỔI KHỎI QUỐC HỌC HUẾ?

  • Tọa đàm & Trao đổi
  • Đối thoại

CÓ PHẢI SAU BIỂU TÌNH CHỐNG THUẾ THÌ NGUYỄN TẤT THÀNH BỊ ĐUỔI KHỎI QUỐC HỌC HUẾ?

  |  

30/12/2016

Có phải anh Nguyễn Tất Thành (hồi ấy mang tên là Nguyễn Sinh Côn) bị đuổi khỏi Quốc học Huế ngay sau ngày diễn ra cuộc biểu tình chống thuế ở Kinh đô, hồi tháng 5-1908(1) như các tài liệu sau đây:

Có phải anh Nguyễn Tất Thành (hồi ấy mang tên là Nguyễn Sinh Côn) bị đuổi khỏi Quốc học Huế ngay sau ngày diễn ra cuộc biểu tình chống thuế ở Kinh đô, hồi tháng 5-1908(1) như các tài liệu sau đây:

William J.Duiker trong sách “Hồ Chí Minh” (Hyperion New York 2000, bản dịch của Phòng phiên dịch Bộ Ngoại giao tháng 5-2001, được in từ máy vi-tính khổ 24×16), tập I, trang 24 viết:

– Lúc chín giờ sáng (10-5-1908), một viên cảnh sát Pháp đã tới trường cùng một toán cảnh sát và hỏi về cậu “học sinh cao và đen” đã tham gia cuộc biểu tình ngày hôm trước. Khi thấy Thành đang ngồi phía cuối lớp, viên cảnh sát đã nhận ra Thành và nói: “Tôi có lệnh yêu cầu người có hành vi quấy rối này phải thôi học”. Đó là ngày cuối cùng của Thành đến trường.

Chắc vì từ đó mà Hà Văn Thịnh trong bài “Nguyễn Tất Thành với Huế và phong trào Chống thuế năm 1908”, đăng trên Tạp chí Sông Hương số 228, tháng 2-2008 đã viết là:

– Khi vào Huế, Nguyễn Tất Thành và anh trai thi đỗ vào trường Quốc học. Rồi lúc biểu tình nổ ra thì: “Ngày hôm sau (10-5-1908) vào lúc 9 giờ sáng, khi Nguyễn Tất Thành đang học tiết thứ ba thì một toán cảnh sát đến tận phòng học và viên đội trưởng đã tuyên bố rằng, người có hành vi quấy rối là Nguyễn Tất Thành phải thôi học. Đó là lần cuối cùng Nguyễn Tất Thành được chính thức ngồi học trong một lớp học”.

Có phải các tác giả trên viết đúng?

Tất nhiên là người Pháp theo dõi một cách chặt chẽ về mọi cử chỉ của người học sinh Nguyễn Tất Thành. Nhưng họ làm việc theo thể thức hành chánh kín đáo chứ không phải sai bảo lính tráng hành động một cách hấp tấp, dễ dãi như Duiker và Hà Văn Thịnh viết. Ai đời, một viên đội trưởng cảnh sát mà lại có quyền “tuyên bố rằng, người có hành vi quấy rối là Nguyễn Tất Thành phải thôi học!”. Hành động ấy chỉ diễn ra đối với người phạm pháp (hai năm rõ mười) ở ngoài đường, ngoài chợ. Còn đến nơi như tại lớp học của một nhà trường thì nhân viên cảnh sát không được làm như thế. Quyết định buộc “phải thôi học” hoặc đuổi khỏi trường đối với một học trò Quốc học trong hoàn cảnh bình thường là phải do người trên quyền của Hiệu trưởng trường ấy ký, rồi đại diện nhà trường có trách nhiệm công bố nó trước một lượng công chúng nhất định. Mà Hiệu trưởng và hầu hết giáo viên trường Quốc học Huế hồi đó là người Pháp. Chứ một anh đội cảnh sát (dù là dân Tây) cũng không có quyền ra lệnh đuổi (hay bắt) học trò khi người ta đang ngồi trong lớp.

Cũng cần biết, tên của anh Thành trong danh bạ nhà trường tại Huế hồi đó là: Nguyễn Sinh Côn. Và vì sao anh có tên gọi ấy?

Tên của anh trong sổ Khai sinh ở làng quê Kim Liên là Nguyễn Tất Thành (anh trai là Nguyễn Tất Đạt. Ý của hai cụ thân sinh là mong các con sẽ làm tốt những việc lớn trong cuộc đời họ). Còn tên thường gọi ở làng của Đạt là Khiêm và của Thành là Cung. “Khiêm” 謙, “Cung” 恭(2), hai chữ ấy hàm ý là khiêm nhường và cung kính. Đó là cách đặt tên theo lễ giáo của thuở trước. Khi ông Sắc lấy tên đi thi Hội là Huy, rồi đỗ Phó bảng thì theo tục lệ địa phương, trong xưng hô, con của các bậc đại khoa đều được tránh chữ húy (người Nghệ gọi là tên tục), cho nên “Cung” được gọi trệch thành “Công” (và “Khiêm” là “Khơm”). Vào Huế, cách phát âm ở trong ấy, giữa “Côn” và “Công” là khó phân biệt nên “Cung”  được gọi và cũng viết thành “Côn”. Rồi ông Sắc cũng như cậu Thành cho rằng, gọi là Nguyễn Sinh Côn, như thế cũng được. Chữ Côn 昆 này, tiếng Hán có nghĩa là “anh”, thì Cung cũng đã một thời được làm anh, khi bé Xin(3) đang còn ấy (chứ không phải cụ Sắc đặt tên con là “Côn” 鲲, tức một loại cá lớn, để mong con hóa thành “chim bằng” như lời bàn trong một số sách nào đó đã in!). Do vậy, trong danh bạ tại các nhà trường ở Huế cũng như trên các giấy tờ qua lại thuở bấy giờ, tên của anh Thành cũng được ghi là Nguyễn Sinh Côn. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng ta thống nhất viết tên anh là Nguyễn Tất Thành (trừ những lời trích dẫn).

Khi biểu tình chống thuế diễn ra tại Huế, anh Thành đang học ở trường nào? Các văn bản qua lại sau đây cho ta biết, bấy giờ anh chưa phải là học sinh Quốc học.

Nguyễn Huy Hoan viết trong bài “Một số sự kiện về thời niên thiếu của Nguyễn Tất Thành cần đính chính lại”, in ở tập Kỷ yếu hội thảo khoa học Nguyễn Tất Thành ở Bình Định (KYHTKHNTTƠBĐ) viết là: “Khi 15 tuổi, Nguyễn Tất Thành cùng Nguyễn Tất Đạt theo cha vào Huế. Nguyễn Tất Đạt làm thợ máy in ở tòa Khâm sứ, còn Nguyễn Tất Thành tiếp tục học trường Pháp-Việt”(4). Và khi biểu tình nổ ra (thời gian học thuộc niên khóa 1907-1908), anh đang học lớp Ba (Sơ đẳng – Cours Élémentaire) tức lớp cuối ở Trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba của tỉnh Thừa Thiên, đặt tại Huế. Năm học sau (1908-1909), anh xin sang học lớp Trung đẳng Tiểu học (Cours Moyen) ở trường Quốc học.

Nguyễn Đắc Xuân trên Báo Lao Động số Xuân Ất Dậu (2005) đã công bố bức thư của Su-kê (Chouquet), Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế trả lời Khâm sứ Trung kỳ Lơ-vếch (Levecque) rằng: “Tiếp theo hồ sơ 526 đề ngày 4 tháng 8 năm nay của ngài, tôi hân hạnh báo cho ngài rõ là có thể tiếp nhận vào Quốc học, học sinh có tên Nguyễn Sinh Côn, người gốc Nghệ An, học sinh trường Pháp – Việt tỉnh Thừa Thiên”.

Và chỉ có Nguyễn Sinh Côn chứ người anh của cậu không học Quốc học.

Cũng cần nói rõ về khái niệm Trường Quốc học hồi đó.

Ta biết, tính đến tháng 8-1908, cả nước chỉ Huế mới có một ngôi trường mang danh hiệu là Quốc học. Ở Nam kỳ, có Trường Bổn quốc (Collège ChasseLoup-Laubat) lập năm 1874 và Trường Mỹ Tho (Collège Mỹ Tho) lập năm 1879… Về sau, các trường ấy cũng dạy bậc trung học nhưng không gọi là Quốc học. Tại Bắc kỳ, ngày 9-12-1908 Toàn quyền Đông Dương Klô-bu-cốp-xki (Klobukowski) mới ra Nghị định cho lập tại Hà Nội một trường loại như thế, tức Trường Thành chung bảo hộ  (Collège du Protertorat sau này gọi là Trường Bưởi, vì đặt ở ngôi làng mang tên ấy, rồi về lâu, nó được mở rộng lên cả bậc đại học). Còn Quốc học Huế thì được thành lập sớm hơn, theo Quyết định của Toàn quyền Đông Dương   Rút-xô (Paul Armand Rousseau) ngày 23-10-1896, mà người cho thực thi là Khâm sứ Trung kỳ Bi-e-rơ (Ernest Albert Bierre). Bấy giờ, trường này do Ngô Đình Khả làm Trưởng giáo (sau này gọi là Hiệu trưởng) và Nguyễn Văn Mại làm Phụ tá trưởng giáo, về sau, người Pháp nắm các chức danh ấy. Đó là ngôi trường Trung học được lập sớm nhất ở cả Trung và Bắc kỳ. Mang tên Quốc học, chắc vì trường được đặt tại kinh sư. Về sau (trong thời Pháp thuộc) các trường là trung học công lập mở ở các tỉnh cũng được gọi là quốc học (theo tiếng nói của dân gian) như: Quốc học Vinh (lập năm 1920), Quốc học Quy Nhơn (lập năm 1921)… Còn từ 1908 cho đến nhiều năm sau, khi nói trường quốc học thì đó là Quốc học Huế.

Nguyễn Tất Thành được vào Quốc học Huế sau khi cậu đã hoàn thành bậc Sơ học (Cours Élémentaire) để lên lớp Nhì (cours Moyen). Có việc đó vì trong trường trung học (Collège) lúc bấy giờ có cả các lớp thuộc bậc Tiểu học (tức các trò trung học nhỏ tuổi – Petit collège), cách tổ chức ấy, cơ bản, được người Pháp duy trì cho mãi đến 1945.

Như thế là lúc xẩy ra biểu tình chống thuế tại Huế, anh Thành đang học lớp Ba ở Trường Pháp – Việt Đông Ba. Xong năm học đó, anh mới xin và được nhận vào Trường Quốc học. Tuy vậy, khi tham gia đấu tranh, anh đã lên 18, tức đã ở tuổi thành niên. Tuổi nhận vào cho học trò tại cả các trường công lập hồi ấy còn rộng.

Nhắc lại như thế để thấy rõ rằng, không phải sau khi cuộc biểu tình chống thuế diễn ra ở Huế một vài hôm thì anh Thành bị đuổi học. Mà mãi về sau, chuyện ấy cũng không xẩy ra.

Tài liệu của Pháp duy nhất có liên quan đến anh Thành trong thời gian ấy mà ta sưu tầm được là bức Công văn mật số 711 của Chánh mật thám Trung kỳ (ký ngày 12 tháng 11 năm 1923) gửi Tổng mật vụ thuộc Phủ toàn quyền Hà Nội về lai lịch của ông Phó bảng Nguyễn Sinh Huy. Trong đó, đoạn có liên quan đến anh Thành là: “… Personnellement, Nguyễn Sinh Huy n’a jamais été susperté pendant son séjour en Annam. Il fut réprimandé eu raison de la conduite de ses deux fils, alors élèves au collège Quốc học qui avaient tennu devant leurs maitres des propos anti-francai à l’occasion des manifestations populaires de 1908”.

Tạm dịch: “Về cá nhân, trong thời gian ở Trung kỳ, Nguyễn Sinh Huy chưa bao giờ bị tình nghi. Ông ấy (có) bị khiển trách vì hạnh kiểm của hai con trai lúc bấy giờ là học sinh Trường Quốc học Huế. Hai người con này đã nói trước mặt thầy giáo những lời bài Pháp trong dịp dân chúng biểu tình năm 1908”.

Lời báo cáo của Mật thám Trung kỳ nói trên là thiếu căn cứ. Nội dung ấy được viết vào năm 1923(5), tức 15 năm sau khi diễn ra cuộc biểu tình, thời gian đã làm nhòa đi rất nhiều về sự thật lịch sử trong dân gian. Mà vào mùa Xuân 1908, Nguyễn Tất Thành chưa phải là học sinh Quốc học và anh Đạt cũng không học tại trường ấy. Lời lẽ nói trên của Sở Mật thám Trung kỳ chỉ là cách kiếm cớ để nhà cầm quyền Pháp chú ý theo dõi Phó bảng Nguyễn Sinh Huy khi mà con trai nhỏ của ông đã là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người ra sức chống chủ nghĩa thực dân và chế độ thuộc địa, từng nhiều năm nổi tiếng tại Pháp và đã sang hoạt động tại Nga. Còn ông cựu tri huyện Huy thì đang được nhân dân Nam kỳ che chở. Bởi, bấy giờ, cụ chỉ là một “Ông thầy Huế” dạy học và làm thuốc giúp dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Thứ nữa, nếu hồi kia, hai con của ông đã có thái độ như vậy với các giáo sư người Pháp thì sao khi sang niên khóa mới, năm 1908 ấy Nguyễn Sinh Côn lại được nhận vào Quốc học, nếu không phải là anh Thành đã tham gia biểu tình mà người Pháp cố tình chưa tính đến, cốt để theo dõi. Và, ông Phó bảng Huy thì sang năm sau (1909), từ chân Thừa biện (làm văn thư) ở Bộ lễ lại được thăng chức Tri huyện (mà hàm là tri phủ), là quan cai trị, đi nhậm chức tại huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định).

Như thế là cả với bản báo cáo của Khâm sứ Trung kỳ nói trên, cũng không có chuyện anh Nguyễn Tất Thành bị đuổi khỏi Quốc học Huế sau khi tại Kinh đô nổ ra cuộc biểu tình chống thuế mà anh đã tham gia.

Biểu tình xong, sang năm mới, anh Thành được nhận vào Quốc học Huế với trình độ là lên lớp Nhì, theo như Công văn của Hiệu trưởng trường này trả lời Khâm sứ Trung kỳ mà ta đã biết. 

Trên Báo Lên Đàng xuất bản tại Sài Gòn năm 1947, Nguyễn Tài Tư viết: “Năm Canh Tuất, Duy Tân thứ tư (1910), cậu Nguyễn Tất Thành đã đỗ Thành Chung”(6).

Rõ ràng là Thành chưa đủ sức để thi mà lấy bằng đó nhưng anh học cho đến khi gần xong lớp Nhất niên khóa (1909-1910) của bậc Tiểu học trong Trường Quốc học thì bí mật rời Huế ra đi. Bởi thế về học lực của mình, sau này Hồ Chủ tịch cũng chỉ nhận là mình mới học xong lớp Nhì(7). Điều đó phù hợp với hồi ký của Giáo sư Lê Thước, còn lưu tại Viện Sử học – Hà Nội vào năm 1960, rằng: “Cuối năm học 1909 – 1910, tôi học ở Quốc học Huế. Trong giờ nghỉ, chúng tôi thấy một cậu học trò trạc độ 19, 20 tuổi còn học ở lớp dưới có lần đứng lên diễn thuyết. Cậu nói về nghĩa tự cường và nghĩa hợp quần rất sôi nổi… Mãi đến 1922 (hay 1923), báo “Courier Hải Phòng” của Pháp khi chỉ trích hành động của Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường thì có nhắc đến cả Nguyễn Ái Quốc. Ông Trần Kinh, bạn của tôi (hồi ở Đông Ba-Huế) nói cho tôi hay, Nguyễn Ái Quốc chính là người diễn thuyết ở Quốc học Huế năm 1910”.

Mùa Xuân năm 1910 cũng là khi từ Huế, anh Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước và bước hành trình đầu tiên của anh là lần đường đi về phía Nam của Tổ quốc.

 

Chú thích

(1). Về thời gian biểu tình chống thuế lan đến Thừa Thiên, Wikipédia viết: Đầu tháng 4, nhân dân Thừa Thiên biểu tình. Công sứ Pháp tỉnh Thừa Thiên là Gariod, Phó công sứ Boudineau liền điều lính nổ súng ngăn chặn. Bị cản trở, đoàn người bị áp bức liền xông lên đánh nhau với đội lính rồi bắt trói  viên Phó lãnh binh và bắt viên Phủ doãn phải dẫn đầu đoàn biểu tình (11-4)… Để cổ vũ phong trào, học sinh Quốc học và Trường Quốc tử giám còn đến đọc thơ ca, hò vè mang nội dung yêu nước…”.

(2). Các chữ Hán trong bài viết này là do chúng tôi thêm vào cho rõ ý khi xét thấy cần thiết.

(3). Nguyễn Sinh Xin sinh năm 1910, tại Huế. Sau khi mẹ là bà Hoàng Thị Loan qua đời ở trong ấy thì cậu được đưa về quê, rồi không lâu thì cậu mất.

(4). Kỷ yếu do Tỉnh ủy Bình Định ấn hành, 2009, Tr.70.

(5). Bản báo cáo ấy, trên mục đề năm tháng ghi là “Huế, 21 Janvier 1920” nhưng ngày ký ở cuối thì lại là “Huế, le 12 Novembre 1923”. Tất nhiên, người đọc chỉ căn cứ vào ngày ký. Và nơi lưu giữ là Trung tâm Lưu trữ II, tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 1982.

(6). Đỗ Quyên dẫn trong sách “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định”, Ban Tuyên giáoTỉnh ủy Bình Định in năm 2008, Tr.75.

(7). Nguyễn Huy Hoan trong bài đã dẫn viết rằng: “Tối ngày 27-8-1945, ông Vũ Kỳ được một số đồng chí lãnh đạo chọn làm thư ký giúp việc Bác. Để kiểm tra trình độ cán bộ, Bác đọc một bài tiếng Pháp cho đồng chí Kỳ viết… Sau khi xem lại, nhân đó Bác nói với ông Vũ Kỳ rằng: “Bác học chính thức trên ghế nhà trường chỉ hết lớp Nhì của bậc Tiểu học”, KYHTKHNTTƠBĐ. Tr.72.

Chu Trọng Huyến

Cùng chuyên mục

  • https://khxhnvnghean.gov.vn/Một số sai sót về lịch sử đô thị Vinh trong các sách của PGS. Nguyễn Quang Hồng

    Một số sai sót về lịch sử đô thị Vinh trong các sách của PGS. Nguyễn Quang Hồng

  • https://khxhnvnghean.gov.vn/Bàn về khai thác sử liệu trong “Khoa bảng Nghệ An”

    Bàn về khai thác sử liệu trong “Khoa bảng Nghệ An”

  • https://khxhnvnghean.gov.vn/Có nên áp dụng Luật phá sản đối với Ngân hàng thương mại?

    Có nên áp dụng Luật phá sản đối với Ngân hàng thương mại?

  • https://khxhnvnghean.gov.vn/Thúy Kiều tuổi Mão (phiếm bàn)

    Thúy Kiều tuổi Mão (phiếm bàn)

  • https://khxhnvnghean.gov.vn/Nghệ An Những nỗ lực ứng phó với biển đổi khí hậu

    Nghệ An Những nỗ lực ứng phó với biển đổi khí hậu