CÁC HÌNH THỨC MUA BÁN DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM – luatsukpk.vn

CÁC HÌNH THỨC MUA BÁN DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

    “Mua bán doanh nghiệp” thường được một số nước thể hiện bằng cụm từ Mergers and Acquisitions (viết tắt là M&A), trong đó Mergers được dịch là sáp nhập hoặc hợp nhất; Acquisitions được dịch là mua bán hoặc mua lại.

    Ở Việt Nam, thuật ngữ “mua bán doanh nghiệp” được đề cập trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 (trước đó là Luật doanh nghiệp 2014), Luật Cạnh tranh năm 2018, Nghị định số 128/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (sau đây viết tắt là Nghị định số 128/2014 NĐ-CP).

    Tuy vậy, ngoại trừ Luật cạnh tranh 2018 thì cách tiếp cận vấn đề “mua bán doanh nghiệp” ở Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định số 128/2014/NĐ-CP chỉ mới nhắc đến việc mua bán doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước mà hoàn toàn không đề cập đến các loại hình doanh nghiệp còn lại.

    Theo đó, tại khoản 4 Điều 29, Luật cạnh tranh 2018 quy định:

    “Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại”.

    Và khoản 1 , khoản 4 điều 192 Luật doanh nghiệp 2020 quy định

    “Điều 192. Bán doanh nghiệp tư nhân

    1.Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác.

    4. Người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật này.”

    Với quy định như trên thì chủ thể mua doanh nghiệp (doanh nghiệp) tại Luật cạnh tranh không đồng nhất với chủ thể mua doanh nghiệp tư nhân được đề cập tại Điều 192 Luật doanh nghiệp 2020 (cá nhân, tổ chức) nhưng phần nào đó đã nêu rõ được hệ quả cần có của một giao dịch mua bán đó là: “việc mua lại doanh nghiệp phải dẫn đến việc bên mua kiểm soát, chi phối được toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại”.

    Ngày nay, nhu cầu mua bán doanh nghiệp ngày càng tăng. Điều đó thể hiện một nền kinh tế năng động, tuy nhiên doanh nghiệp cần rất cẩn trọng trong việc này.

    Để chủ động hơn khi lên kế hoạch mua bán doanh nghiệp, việc tìm hiểu các quy trình về mua bán doanh nghiệp theo quy định của pháp luật là hoàn toàn cần thiết.

    Qua bài viết này, Công ty luật KPK chúng tôi sẽ cung cấp cho quý bạn đọc quy trình “mua bán doanh nghiệp” theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp trong nước (không bao gồm doanh nghiệp nhà nước).

  Căn cứ pháp luật:

  • Luật doanh nghiệp 2020;
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
  • Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ kế hoạch và Đầu tư ban hành.

A. Những vấn đề cơ bản về “mua bán doanh nghiệp”:

    Khi nhắc đến khái niệm “mua bán doanh nghiệp” thì như đã đề cập ở trên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể mua bán được. Theo Luật doanh nghiệp 2020, việc mua bán doanh nghiệp trực tiếp chỉ được áp dụng đối với doanh nghiệp tư nhân. Đối với các loại hình doanh nghiệp khác (công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần), việc mua bán doanh nghiệp không được thực hiện trực tiếp mà gián tiếp. Trong đó, đối với việc mua bán công ty TNHH thì thông qua chuyển nhượng vốn góp trong công ty, đối với công ty cổ phần thì việc mua bán chủ yếu được thực hiện theo phương thức chuyển nhượng cổ phần.

    Sau khi hoàn tất thủ tục “mua bán”, cá nhân/doanh nghiệp mua tiếp quản toàn bộ tài sản, nhân sự, sổ sách, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị mua.

Các bước tiến hành mua bán doanh nghiệp:

  • Tìm kiếm doanh nghiệp mục tiêu, đàm phán sơ bộ.
  • Đánh giá doanh nghiệp mục tiêu.
  • Định giá, đàm phán giá mua.
  • Đàm phán các điều khoản và ký kết hợp đồng mua bán.
  • Thực hiện các thủ tục chuyển đổi theo quy định của pháp luật.

B. Quy trình “mua bán doanh nghiệp” của một số loại hình doanh nghiệp trong nước.

I. Doanh nghiệp tư nhân:

    Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 192 Luật doanh nghiệp 2020 thì:

    “Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác”.

1. Hình thức mua bán doanh nghiệp tư nhân.

    Thực hiện mua bán doanh nghiệp giữa bên mua và bên bán

    Bước 1: Xác định cá nhân, tổ chức mua doanh nghiệp phải là cá nhân, tổ chức có quyền thành lập, góp vốn thành lập, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và không thuộc trường hợp không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại luật này;

    Bước 2: Đàm phán, soạn thảo hợp đồng mua bán doanh nghiệp;

    Bước 3: Các tài liệu chứng minh việc mua bán doanh nghiệp tư nhân đã hoàn thành (giấy biên nhận tiền mua bán doanh nghiệp, Biên bản thanh lý hợp đồng mua bán doanh nghiệp tư nhân và thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp cho người mua).

*Lưu ý: Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.

2. Đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân:

    Căn cứ pháp lý: Điều 54 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp được Chính phú ban hành ngày 04/01/2021.

    a) Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bán doanh nghiệp thì người mua phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người bán và người mua
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người mua, người được tặng cho doanh nghiệp tư nhân, người thừa kế;
  • Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán trong trường hợp bán doanh nghiệp tư nhân; hợp đồng tặng cho trong trường hợp tặng cho doanh nghiệp tư nhân; bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế trong trường hợp thừa kế.
  • Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định đối với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.

    b) Người nộp hồ sơ: Người mua lại doanh nghiệp tư nhân.

    c) Nơi nộp hồ sơ: Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

    Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

II. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (công ty TNHH MTV):

1. Hình thức chuyển nhượng phần vốn góp:

    Do đặc điểm của công ty TNHH MTV là là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty) do đó việc “bán doanh nghiệp” của công ty TNHH MTV được thực hiện thông qua hình thức chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong công ty của chủ sở hữu cho người “mua doanh nghiệp.

    Chủ sở hữu công ty TNHH MTV sau khi góp đủ vốn điều lệ vào công ty thì được thưc hiện chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty. Và việc thực hiện chuyển nhượng thông qua hình thức  thực hiện lập hợp đồng chuyển nhượng theo quy định của pháp luật với các điểu khoản liên quan.

2. Thủ tục Đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

    Căn cứ theo Điều 53 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 04/01/2021 thì hồ sơ đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp gồm:

    a) Hồ sơ bao gồm:

  • Thông báo thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu cũ và chủ sở hữu mới hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu mới ký;
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp người nhận chuyển nhượng là cá nhân hoặc bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức, bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người được ủy quyền và bản sao văn bản cử người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp người nhận chuyển nhượng là tổ chức.
  • Đối với chủ sở hữu là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Bản sao Điều lệ sửa đổi, bổ sung của công ty;
  • Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng phần vốn góp;
  • Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

    b) Người nộp hồ sơ: Người nhận chuyển nhượng phần vốn góp.

    c) Nơi nộp hồ sơ: Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

    Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

III. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (công ty TNHH):

1. Hình thức chuyển nhượng phần vốn góp:

    Đối với loại hình doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, việc “mua bán doanh nghiệp” là chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong công ty. Tuy nhiên, các thành viên trong công ty TNHH hai thành viên không được tự do chuyển nhượng phần vốn góp mà sẽ phải tuân theo các điều kiện để được chuyển nhượng và trình tự, thủ tục chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể là:

  • Phải chào bán cho các thành viên khác của công ty trong cùng điều kiện; theo tỷ lệ phần vốn góp.
  • Nếu kể từ ngày chào bán 30 ngày mà không có ai mua hoặc không mua hết thì thành viên có thể chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức không phải là thành viên.

    Một số ngoại lệ:

  • Trường hợp mà thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại theo đúng quy định tại Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2014 mà thành viên có yêu cầu công ty mua lại, công ty không mua lại trong thời hạn 15 ngày từ ngày có yêu cầu thì thành viên có quyền chuyển nhượng vốn tự do.
  • Trường hợp thành viên thực hiện việc trả nợ bằng vốn góp.

    Sau khi có người đồng ý mua lại phần vốn góp thì các bên tiến hành thực hiện chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên trở lên:

  • Các bên ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp.
  • Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp.
  • Tổ chức cuộc họp Hội đồng thành viên về việc chuyển nhượng phần vốn góp.
  • Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký thành viên của công ty.
  • Tiến hành đăng ký thay đổi thành viên theo quy định.

2. Thủ tục Đăng ký thay đổi thành viên do chuyển nhượng góp vốn và thủ tục đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn.

    a) Hồ sơ thay đổi thành viên do chuyển nhượng phần vốn góp:

    Căn cứ theo Điều 52 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 04/01/2021. Trường hợp thay đổi thành viên do chuyển nhượng phần vốn góp, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm các giấy tờ sau đây:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
  • Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Danh sách thành viên phải bao gồm chữ ký của thành viên mới và thành viên có phần vốn góp thay đổi, không bắt buộc phải có chữ ký của thành viên có phần vốn góp không thay đổi;
  • Hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng;
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp thành viên mới là cá nhân hoặc bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức, bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và bản sao văn bản cử người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp thành viên mới là tổ chức.
  • Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

    b) Người nộp hồ sơ: Công ty có nhu cầu thay đổi thành viên góp vốn, thay đổi người đại diện.

    c) Nơi nộp hồ sơ: Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

    *Ngoài ra:

    Sau khi được bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký thành viên của công ty và tiến hành đăng ký thay đổi thành viên theo quy định, người mua doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH để cụ thể hóa quyền sở hữu của mình đối với doanh nghiệp.

    Căn cứ Điều 50 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 04/01/2021. Thủ tực đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn như sau:

    a) Hồ sơ gồm:

  • Trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty, công ty gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
  • Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật;
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật mới;
  • Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật.
  • Người ký thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật là một trong các cá nhân sau đây:
  • Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật thì người ký thông báo là Chủ tịch Hội đồng thành viên mới được Hội đồng thành viên bầu;

    b) Người nộp hồ sơ: Công ty có nhu cầu thay đổi người đại diện.

    c) Nơi nộp hồ sơ: Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

    Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

IV. Công ty cổ phần:

1. Hình thức thực hiện chuyển nhượng cổ phần:

    Đối với loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần, việc “mua bán doanh nghiệp” được thực hiện bằng cách chuyển nhượng cổ phần.

    Việc chuyển nhượng cổ phần không được vi phạm khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020.

    Hình thức chuyển nhượng cổ phần được thực hiện như sau:

  • Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
  • Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.
  • Tổ chức cuộc họp Đại Hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần.
  • Thông báo cho công ty và tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty.
  • Tiến hành đăng ký thay đổi cổ đông theo quy định.

2. Đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần:

    Sau khi được bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty và tiến hành đăng ký thay đổi cổ đông theo quy định, người mua doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần để cụ thể hóa quyền sở hữu của mình đối với doanh nghiệp.

    Căn cứ Điều 50 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 04/01/2021. Hồ sơ đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty cổ  phần gồm:

    a)Hồ sơ gồm:

  • Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật;
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật mới;
  • Nghị quyết và bản sao biên bản họp Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật làm thay đổi nội dung Điều lệ công ty; nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật không làm thay đổi nội dung của Điều lệ công ty ngoài nội dung họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020.
  • Người ký thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật là một trong các cá nhân sau đây:
  • Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật thì người ký thông báo là Chủ tịch Hội đồng quản trị mới được Hội đồng quản trị bầu.

    b) Người nộp hồ sơ: Công ty có nhu cầu thay đổi người đại diện theo pháp luật.

    c) Nơi nộp hồ sơ: Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

    Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

    Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của chúng tôi nhằm hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp, để biết thêm thông tin chi tiết và tư vấn cụ thể hơn về vấn đề của Khách hàng, vui lòng liên hệ với chúng tôi – Công ty Luật TNHH Một thành viên KPK thông qua các hình thức sau:

    Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ tại 300 Lê Thanh Nghị, Hải Châu, Đà Nẵng

    Liên hệ qua số điện thoại 0913842187 hoặc Email: [email protected].

    Với đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động tư vấn cho các Doanh nghiệp. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ cho khách hàng các dịch vụ uy tín, chất lượng. Sự hài lòng của khách hàng là niềm vinh dự của chúng tôi.