Bổ sung chất béo cho trẻ ăn dặm: Những sai lầm không ngờ của các bà mẹ

Cập nhật: 6:7, 1/9/2022 Lượt đọc: 151

Bổ sung chất béo cho trẻ ăn dặm: Những sai lầm không ngờ của các bà mẹ

Thời công nghệ khi mọi thông tin cần thiết đều có thể tìm thấy trên Internet đã giúp cho nhiều bà mẹ Việt bớt bối rối hơn trong “công cuộc nuôi dạy con”. Trong số họ, vẫn còn có rất nhiều người phạm những sai lầm không ngờ ngay từ việc cho con ăn dặm, để rồi rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười “càng nuôi con càng… còi”.

 Hạn chế chất béo vì sợ con… béo phì

Thông tin liên tục về vấn nạn trẻ em thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng đã khiến nhiều bà mẹ Việt rơi vào trạng thái “ngờ vực”, “cảnh giác” thậm chí hạn chế tối đa việc hấp thu chất béo cho con mình. Song theo các chuyên gia dinh dưỡng, đó hoàn toàn là suy nghĩ cực đoan quá mức. Việc cho trẻ hấp thụ lượng chất béo ở mức nào là phù hợp phải dựa trên độ tuổi, thể trạng cụ thể của từng bé. Việc nói không hoặc hạn chế chất béo quá mức cần thiết đối với tới trẻ, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi ăn dặm, theo các bác sĩ, hoàn toàn là quan điểm và việc làm sai lầm.

Theo Tháp dinh dưỡng được xây dựng bởi Viện Dinh Dưỡng quốc gia, mỗi bữa ăn của trẻ cần đủ 4 nhóm: đường bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), chất béo, chất đạm và vitamin – khoáng chất. Trong đó, chất béo (bao gồm dầu thực vật và mỡ động vật) thuộc nhóm cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và duy trì sự sống. Cũng theo Viện dinh dưỡng, chất béo là nguồn dự trữ năng lượng quan trọng, tham gia vào cấu trúc của tất cả các mô và màng tế bào, giúp hình thành mô mỡ có chức năng điều hòa thân nhiệt. Chất béo còn tham gia vào nhiều phản ứng sinh hóa trong cơ thể người và là thành phần để tạo ra testosterone, estrogen (hormon giới tính), acid mật, là màng lọc của các tế bào. Chất béo trong dầu ăn là trung gian chuyên chở các phần tử dinh dưỡng, đồng thời đóng vai trò là dung môi hòa tan các vitamin A, D, E, K… giúp ruột hấp thụ các vitamin này. Vì thế, chất béo đặc biệt cần thiết cho sự phát triển của trẻ trong mọi giai đoạn từ bào thai, ăn dặm cho tới 8 tuổi, trẻ càng nhỏ thì nhu cầu về chất béo càng cao.

 Chất béo hỗ trợ tế bào não và hệ thần kinh của trẻ

Hỗ trợ phát triển tế bào não và hệ thần kinh của trẻ- Một điểm quan trọng bà mẹ cần biết đó là vài trò của chất béo. Chất béo tham gia vào cấu trúc của tất cả các mô và tế bào thần kinh, trong đó có những chất béo đặc biệt cần thiết cho não là Omega 3 và Omega 6. Trẻ được cung cấp đầy đủ sẽ phát triển hoàn chỉnh võng mạc sớm và phản ứng tốt hơn với các kích thích từ bên ngoài, do đó tăng chỉ số trí tuệ và thông minh hơn.

Gs.Bs. Michaelsen, Trưởng Đại diện khu vực Châu Âu của WHO, từng cho biết: “Từ khi sinh ra và đến 5 tuổi hoạt động phát triển trí não của bé là rất lớn và gắn liền với các hoạt động thể chất, việc cần 1 lượng đủ chất béo cho sự phát triển trí não là tối cần thiết. Đặc biệt các loại chất béo không bão hòa poly là Docosahexaenoic và arachadonic – cả hai loại này cơ thể các bé dưới 1 tuổi có sự tổng hợp rất ít. Docosahexaenoic (omega-3) là thành phần cần thiết cho giai đoạn não phát triển, việc thiếu hụt chất béo này thì cơ thể sẽ dùng chất béo khác thay thế, sự thay thế sẽ làm thay đổi chức năng của các tế bào thần kinh và dẫn đến sự khiếm khuyết của não bộ”. Hơn nữa, các chất béo không no dạng poly là linoleic và alpha-linolenic là những loại chất béo chỉ có thể tìm thấy từ thực phẩm, cơ thể các bé không thể tự tổng hợp.

 Trẻ ăn dặm dùng dầu mỡ bị… rối loạn tiêu hóa

Theo TS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám, tư vấn dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng Quốc gia, hiện nay nhiều bậc cha mẹ có con trong độ tuổi ăn dặm mắc phải rất nhiều sai lầm khi cho trẻ ăn dặm, trong đó một trong những quan điểm phổ biến là: trẻ con bắt đầu ăn dặm không nên dùng dầu mỡ bởi chúng sẽ khiến bé bị rối loạn tiêu hóa với các hiện tượng như tiêu chảy, táo bón. TS Phan Bích Nga khẳng định không có chuyện cho dầu ăn, mỡ vào thức ăn sẽ khiến trẻ bị tiêu chảy hay quan niệm không cho hoặc cho rất ít dầu mỡ vì quan niệm dầu mỡ là nguyên nhân gây cho trẻ bị táo bón là quan điểm sai lầm.

Điều cần lưu ý chỉ là việc nên cho trẻ sử dụng loại dầu ăn dinh dưỡng có công thức đặc chế cho trẻ em, vì loại dầu ăn này có bổ sung vitamin A, D, E, K, cũng như các chất béo thiết yếu như omega 3,6,9, EPA đã được đo đếm theo công thức, đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu hàng ngày của trẻ. Trẻ bắt đầu ăn dặm vẫn cần phải bổ sung 5 ml chất béo/bữa, trẻ một tuổi lượng chất béo cần tăng khoảng 7 ml/bữa.

Lựa chọn sai loại chất béo cho trẻ

Trong sự chưa hiểu đúng của các bà mẹ về vai trò của chất béo đối với cơ thể trẻ còn có sự đánh đồng giữa tất cả các loại chất béo, các loại dầu ăn khác nhau mà quên mất rằng mỗi loại chất béo đều có một công dụng nhất định, quan trọng là sử dụng chúng như thế nào cho đúng cách. Phần đa các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định, để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, nên cân đối việc sử dụng chất béo từ thực vật và động vật, theo hướng chất béo dầu thực vật hơn mỡ động vật (tỷ lệ 70%-30%).

Các bà mẹ cũng cần lưu ý rằng mỗi loại dầu ăn đều có ưu điểm riêng như dầu cá và những loại dầu từ hạt như dầu cải, dầu mè, dầu nành, dầu hướng dương… rất giàu omega 3, chất đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của não bộ, võng mạc và hệ miễn dịch; các loại dầu từ quả như dầu olive, dầu cọ, dầu bắp… giàu omega 6, có vai trò làm tăng phản ứng viêm, bảo vệ cơ thể; dầu gấc rất giàu beta carotene.

Đáng chú ý là dầu gấc cung cấp hàng loạt vi chất quan trọng, trong đó gồm Lutein và zeaxanthin (2 chất dinh dưỡng đặc biệt hữu ích cho mắt); Beta caroten, Lycopen và vitamin A (miễn dịch, tăng sức đề kháng); các nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt, coban, selen (giúp tăng hồng cầu, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa nhiễm vi rút). Bổ sung Dầu gấc vào khẩu phần ăn của trẻ ăn dặm sẽ giúp cho trẻ có thêm nguồn bổ sung vi chất hoàn toàn tự nhiên, an toàn và hiệu quả. Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thì tỷ lệ tiêu hóa và hấp thụ vào cơ thể từ Dầu gấc là 98%. Điều này rất có lợi cho hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện của trẻ.

Khi cho dầu gấc vào thức ăn của trẻ, các bà mẹ cần tuân theo những nguyên tắc sau: Những bữa đầu cho ăn ít sau tăng dần, mỗi bữa ít nhất ½ thìa cà phê (khoảng 2g dầu gấc) và tăng dần;  Lượng dầu mỗi bát bột hay cháo nên cho 1-2 thìa cà phê (khoảng 5-10g); Chỉ bổ sung dầu gấc sau khi thức ăn đã chín. Tốt nhất là lúc vừa tắt bếp xong, cháo bột còn nóng để giữ nguyên các vitamin và dinh dưỡng trong dầu gấc.

Trạm Y tế Phường Phú Thọ Hòa

Nguồn tin : Sức khỏe và đời sống