Bỏ phố về quê: Người khởi nghiệp kiếm tiền tỷ, người chọn cuộc sống thảnh thơi

Bỏ phố về quê đang là xu hướng mà nhiều người trẻ muốn trải nghiệm. Có người an nhàn, thảnh thơi nhưng cũng có không ít người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Tuy nhiên đổi lại, họ đều vui vẻ tận hưởng cuộc sống của riêng mình.

Dương Ngọc Trường – Bỏ học đại học, chàng trai 25 tuổi trở thành ông chủ từ ý tưởng về cánh đồng sả quê nhà

Dương Ngọc Trường (sinh năm 1997) quê Thạch Thành, Thanh Hóa hiện tại đang là chủ của một doanh nghiệp với 2 xưởng sản xuất và hàng trăm đại lý trên toàn quốc về tinh dầu và các loạt sản phẩm toner chăm sóc da mặt.

Đáng chú ý, anh lựa chọn bỏ dở việc học tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân để về quê làm nông nghiệp sạch, theo đuổi niềm đam mê với lá cây của mình.

nullKhởi nghiệp từ khi chỉ mới 17 tuổi, Ngọc Trường từng thất bại bởi không có kinh nghiệm, không có thị trường cũng chẳng có khách hàng (Ảnh: VnExpress).

Phải đến năm 2017 khi tròn 20 tuổi, chàng trai này mới bén duyên với công việc mang đến nguồn thu cho mình hiện tại.

Ý tưởng sản xuất tinh dầu được Ngọc Trường nghĩ ra trong một lần đi ngang cánh đồng sả ở quê nhà.

Anh thấy người nông dân chỉ thu hoạch củ nhưng bỏ lại lá nên đã quyết định thu mua về nghiên cứu sản xuất.

nullChưa thành công ngay từ bước đầu, Ngọc Trường vẫn kiên trì vừa làm vừa chỉnh từng bước (Ảnh: VnExpress).

Cuối cùng, mẻ tinh dầu đầu tiên của anh cũng chính thức có mặt trên thị trường – một sản phẩm Việt hoàn toàn từ nguyên liệu đến quy trình sản xuất.

Cứ như vậy, Ngọc Trường mở thêm cơ sở thứ 2, phát triển sản xuất cả nước hoa hồng chăm sóc da.

nullCông việc này không chỉ đem lại thu nhập đáng mơ ước mà Ngọc Trường còn giúp đỡ, tạo việc làm cho vô số người dân tại chính quê hương của mình (Ảnh: Vnexpress).

Anh chàng từng có một “thương vụ” giải cứu sả cho bà con miền Trung vào mùa bão lũ 2018 khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Mỗi năm doanh nghiệp của Trường tiêu thụ khoảng 500 tấn nguyên liệu, chế xuất hàng nghìn lít tinh dầu và hàng trăm nghìn sản phẩm được đưa ra thị trường.

Các sản phẩm tinh dầu, nước hoa hồng của Trường xuất hiện ở các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, cửa hàng hiệu thuốc hay chuỗi mỹ phẩm cũng tin dùng sản phẩm sạch từ công ty anh để sản xuất.

Kim Phùng Thủy – Từ bỏ công việc văn phòng ổn định, về làm nông trại canh tác và sản xuất cà phê

Sau 6 năm học tập và làm việc tại Đà Nẵng, thêm 3 năm sinh sống tại Đà Lạt, Kim Phùng Thủy (30 tuổi) quyết định trở về quê hương Gia Lai của mình để làm nông nghiệp.

Lựa chọn này của cô khiến nhiều người bất ngờ bởi trong khoảng thời gian 10 năm nơi phố thị, Phùng Thủy có công việc ổn định, mức lương cao nhưng cô vẫn từ bỏ để về quê sống gần gia đình.

Hiện tại, Kim Phùng Thủy đang sinh sống và làm việc tại một nông trại chuyên về canh tác và sản xuất cà phê ở Pleiku (Gia Lai) do chính cô sáng lập.

nullCũng lựa chọn làm nông nghiệp sạch, cô từng đối mặt với không ít khó khăn (Ảnh: Facebook Kim Phùng Thủy).

Cho đến nay, nông trại của bà chủ 9X đã bước vào năm thứ 3 của lộ trình thực hành nông nghiệp bền vững, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ, kích thích, hoá chất độc hại.

Cô đặc biệt xem trọng việc phục hồi và bảo vệ đa dạng sinh học của vùng nguyên liệu, sự hoà hợp giữa con người và môi trường sinh sống, với mục tiêu mang đến cho người dùng sản phẩm cà phê chất lượng cao, vì sức khỏe cộng đồng.

nullNgoài ra, Phùng Thủy còn phát triển thêm mảng dịch vụ, quán cà phê, lưu trú trải nghiệm du lịch kết hợp nông nghiệp (Ảnh: Facebook Kim Phùng Thủy).

Từ dân công sở trở thành người làm nông, Phùng Thủy đã tạm biệt hoàn toàn những đôi giày cao gót, làn da sạm đi trông thấy vì ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

nullTuy nhiên, điều này không khiến cô cảm thấy tự ti hay buồn bã mà còn vui vẻ, tự hào với cuộc sống hiện tại của mình (Ảnh: Facebook Kim Phùng Thủy).

Trần Bảo Tân và Võ Thùy Mỵ – Cuộc sống thảnh thơi trên mảnh vườn 2000m2 sau khi bỏ phố về quê

Sau 10 năm học tập và làm việc ở Sài Gòn, đôi vợ chồng Trần Bảo Tân và Võ Thùy Mỵ (cùng SN 1990, ở Long An) đã có quyết định táo bạo – bỏ phố về quê, đắp đất xây nhà và chọn lối sống gần gũi thiên nhiên.

Bảo Tân học ngành xây dựng trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, còn vợ tốt nghiệp ngành tài chính tại một trường Đại học ở Long An.

nullSau khi tốt nghiệp, vì kỳ vọng của gia đình, anh làm kỹ sư xây dựng, giám sát công trình tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Cafeland).

Thế nhưng vì không thấy vui và phù hợp, Bảo Tân nghỉ việc kỹ sư, chuyển sang dạy tiếng Anh online và bán bánh vỉa hè.

Sau những lời ra tiếng vào của những người xung quanh, Tân gặp và bén duyên với Thùy Mỵ, người ủng hộ và đồng hành cùng anh trên con đường bỏ phố về quê.

Thời gian đầu khi tạo dựng cuộc sống mới ở quê, vợ chồng Bảo Tân – Thùy Mỵ chỉ có 40 triệu đồng.

nullĐể không mang gánh nặng tài chính, hai vợ chồng tự tay bốc đất xây nhà (Ảnh: Cafeland).

Sau những nỗ lực, ngôi nhà đất hai tầng xuất hiện: tầng một có diện tích 50m2 là không gian làm việc, sinh hoạt; tầng 2 là gác ngủ, có diện tích 9m2; tường đất nhà dày 30cm, mái lợp lá.

Ngoài ra, công việc hằng ngày của vợ chồng anh Tân xoay quanh mảnh vườn 2000m2, cùng nhau trồng rau, nuôi gà.

Thu nhập chính của hai vợ chồng Tân đến từ việc dạy tiếng Anh online.

nullNguồn thực phẩm tự cung tự cấp cũng giúp cả hai “tự do” về tài chính, không quá phụ thuộc vào tiền bạc (Ảnh: Cafeland).

Hiện tại, Bảo Tân đang xây thêm một quán nhỏ ở trong khu ruộng gần nhà, vẫn làm bằng nguyên liệu đất và cố gắng tận dụng những gì có sẵn.

Anh dự định đây sẽ là nơi dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ trong xóm và để bà xã kinh doanh thêm những món chè.

nullAnh Tân cũng hướng đến việc bảo vệ môi trường, chỉ sử dụng những vật phẩm thân thiện, không dùng túi nilon (Ảnh: Cafeland).

Cuối cùng, bỏ phố về quê sống tốt không là do suy nghĩ và năng lực của mỗi người, quan trọng là hài lòng và vui vẻ với cuộc sống hiện tại thì ở phố hay về quê cũng sẽ không phải là vấn đề.