Biến cuộc sống trong mơ thành hiện thực với kế hoạch 3 năm

Khoảng cuối năm 2015, khi mới biết đến Phương pháp thiết kế và thực hiện cuộc sống trong mơ, tôi còn là một nghiên cứu sinh mới chập chững vào chương trình Tiến sĩ tại Mỹ, thiếu tự tin và hay so sánh, tôi không biết bắt đầu từ đâu để hiện thực hóa ước mơ của mình.

6 năm sau, tôi đạt được bằng Tiến sĩ, có công việc trong mơ là trở thành Giáo sư Đại học (college professor) tại Mỹ, có gia đình nhỏ hạnh phúc và một nền tảng tài chính ổn định. Tức là, có tới 90% những gì tôi từng mơ ước trước đây đều đã thành hiện thực — phần lớn nhờ vào phương pháp này.

Phương pháp thiết kế và thực hiện cuộc sống trong mơ là một phương pháp thiết kế cuộc sống (lifestyle design) dựa vào kế hoạch 3 năm (3-year plan), được chia sẻ bởi Mimi Ikonn, một nữ doanh nhân thành đạt.

Phương pháp này rất ưu việt vì nó không chỉ giúp ta nhận ra cuộc sống trong mơ mình hằng mong muốn (từ tận sâu trong tiềm thức) mà còn bao gồm các bước cụ thể để giúp ta hiện thực hóa giấc mơ ấy.

Bước 1: Tạo bảng tầm nhìn

Khi ta nhìn thấy (visualize) được ước mơ của mình, ta sẽ có thêm cảm hứng và động lực để hiện thực hóa nó hơn. Với tư duy này, bạn hãy tưởng tượng ra cuộc sống trong mơ của mình rồi tìm hình ảnh đẹp đại diện cho các mảng khác nhau của cuộc sống đó.

Nếu bạn muốn đi du lịch khắp thế giới, bạn có thể chọn in hình ảnh các địa điểm bạn muốn tới thăm. Bạn muốn tốt nghiệp đại học bạn có thể chọn hình ảnh 1 cô/cậu tú tài hay 1 tấm bằng đại học để thể hiện điều bạn muốn.

Nguồn Pinterest
Nguồn: Pinterest

Bạn có thể cắt ghép thủ công các hình ảnh trên tờ báo rồi dán lên tường/tranh khổ lớn; hoặc download ảnh trên mạng rồi đưa vào bảng Powerpoint hoặc Canva và sau đó in các slide này ra giấy.

Sau khi hoàn thành bảng tầm nhìn bạn có thể chọn treo ở nơi dễ nhìn để hàng ngày nhắc nhở bản thân biến ước mơ thành hiện thực hoặc cất nó đi và thỉnh thoảng lấy ra xem.

Bảng tầm nhìn giúp bạn nhìn được tổng thể cuộc sống trong mơ của mình như thế nào và từ đó, bạn hiểu hơn về mình và mơ ước của mình. Quá trình thực hiện vision board cũng là cơ hội để những ước mơ thầm kín của bạn được bộc lộ và bạn có thể dũng cảm thể hiện những mơ ước lớn hơn.

Tôi sẽ không chia sẻ nội dung toàn bộ vision board của mình để tránh ảnh hướng đến suy nghĩ cá nhân của bạn vì mỗi người có cuộc sống trong mơ khác nhau. Tuy nhiên, bạn có thể nhìn thấy một phần bảng tầm nhìn của tôi trong video từ phút 2:39.

Bước 2: Viết cho bản thân trong tương lai một bức thư (love letter)

Sau khi có bảng tầm nhìn, bạn sẽ dựa vào đó để viết một bức thư cho bản thân mình trong 3 năm tới. Bạn hãy tưởng tượng như là tất cả những gì bạn mơ ước đã trở thành hiện thực và bạn viết để bày tỏ sự tự hào về mình — bởi vậy đây có thể gọi là một bức thư tình (love letter) cho chính mình.

Ý nghĩa lớn nhất của lá thư là nó mang đến niềm tin cho bạn rằng bạn sẽ thực hiện được những điều bạn mơ ước.

Tôi đã mở đầu như thế này trong “lá thư tình” gửi bản thân viết năm 2016: “Gửi Chi-Chi năm 2019: Mình đã rất vui khi thấy nụ cười trên gương mặt bạn ngày hôm nay. Bạn đã làm rất nhiều điều trong 3 năm vừa rồi và tôi rất tự hào về bạn…”

Trong lá thư, bạn nên dành thời gian viết một số đề mục lớn về cuộc sống, theo Mimi Ikonn, các đề mục đó nên là:

#1 Mental State – Sức khỏe tinh thần

#2 Physical State – Sức khỏe thể chất

#3 Relationships – Các mối quan hệ

#4 Career – Sự nghiệp

#5 Finance – Tài chính

#6 Lifestyle – Phong cách sống

#7 Public Impact – Ảnh hưởng cộng đồng

Ở trong từng đầu mục, bạn sẽ viết như thể bạn đã đạt được những điều bạn muốn ở những mảng trên rồi và ghi chú cụ thể các hoạt động (mà bạn nghĩ) giúp cho bạn thực hiện được những ước mơ đó.

Nguồn Unsplash
Nguồn: Unsplash

Trong bức thư viết năm 2016 gửi tới Chi năm 2019, tôi viết về Sức khỏe tinh thần: “Chi-Chi, mình rất tự hào về bạn vì bạn đã trở thành một người rất điềm đạm và an nhiên. Bạn có điều đó là vì bạn thiền, viết journal và biết ơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày…“

Tôi cũng viết khá nhiều về Sự nghiệp vì ở thời điểm năm 2016, đây là điều tôi lo lắng nhất. Mặc dù vậy, tôi vẫn tưởng tượng được ngày mình đạt được các ước mơ và viết: “Chi-Chi, nhìn bạn kìa, bạn đã có bằng Tiến sĩ và trở thành Giáo sư Đại học tại Mỹ” [điều này tới năm 2021 tôi mới đạt được trọn vẹn]

Ngoài ra, quá trình viết lá thư cho mục Ảnh hưởng cộng đồng chính là xuất phát điểm đầu tiên khiến tôi có ý tưởng xây dựng The Present Writer.

Vào năm 2016, tôi đã không biết viết gì trong mục này vì thời điểm đó tôi không có khả năng tài chính cũng như quyền lực để tạo ra điều gì to lớn cho cộng đồng ngoài việc ủng hộ một khoản tiền nhỏ cho người gặp khó khăn ở Việt Nam. Tôi thậm chí còn bỏ trống mục này trong một khoảng thời gian dài.

Sau một thời gian suy nghĩ, tôi hiểu ra rằng cuộc sống trong mơ là cuộc sống không chỉ mang lại hạnh phúc cho bản thân mà còn mang lại giá trị cho cộng đồng. Với xuất phát điểm là con số 0, tôi quyết định sẽ dựa vào khả năng viết lách tự thân và từ đó, blog The Present Writer ra đời.

Bước 3: Xây dựng kế hoạch hành động (Action plan)

Sau khi đã gửi tới bản thân một bức thư tình ngọt ngào, bạn sẽ quay lại từng mốc thời gian trong 3 năm kế hoạch để nêu lên các hành động bạn cần làm từng năm, từng tháng thậm chí là từng ngày (daily routines) để biến cuộc sống trong mơ thành hiện thực. Bản kế hoạch này cần càng cụ thể càng tốt.

Ghi ra ước mơ thocirci lagrave khocircng đủ bạn cần kế hoạch thật cụ thể để thực hiện noacute Nguồn The Present Writer
Ghi ra ước mơ thôi là không đủ, bạn cần kế hoạch thật cụ thể để thực hiện nó | Nguồn: The Present Writer

Đây chính là bước khiến phương pháp này khác biệt hoàn toàn với các phương pháp chỉ hô hào cổ động bình thường, bởi nó thực sự khiến bạn suy nghĩ và đưa ra hành động thực tiễn để biến giấc mơ thành hiện thực.

Cách tôi làm năm 2016 là mình chia nhỏ từng đầu mục đã nêu trong bức thư. Chẳng hạn, về Sức khoẻ tinh thần, tôi đặt mốc thời gian cụ thể để thiền hàng ngày, viết nhật ký, đi bộ, gần gũi với thiên nhiên… để tự cân bằng cuộc sống.

Đặc biệt, tôi cũng ghi rằng mình sẽ đặt lịch hẹn với chuyên gia tâm lý để được tư vấn và thực hiện đúng như lời hứa của mình — chính những cuộc hẹn tư vấn này đã làm thay đổi cuộc đời tôi những năm sau đó một cách tích cực hơn rất nhiều.

Với những kế hoạch “khó nhằn” và lâu dài, bạn thậm chí cần phải cụ thể hơn nữa. Ví dụ như khi đặt ra mục tiêu Sự nghiệp trở thành Giáo sư Đại học tại Mỹ, tôi đã lên kế hoạch phải xuất bản ít nhất 1 bài báo trong vòng 4 tháng để khi ra trường có 10 bài báo xuất bản.

Để đạt được mục tiêu, tôi đặt lịch viết hàng ngày, thiết lập các hệ thống thông minh để theo sát ý tưởng, cộng tác với giáo sư, viết chung với đồng nghiệp, không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức và kỹ năng.…

Và đúng là đến khi nộp hồ sơ vào vị trí Giáo sư Đại học, tôi đã có hơn 10 bài báo xuất bản — yếu tố đặc biệt khiến tôi có thể vượt qua hàng trăm ứng cử viên nặng ký người bản xứ.

“Dreams don’t work unless you do” — Ước mơ chỉ có thể thành hiện thực khi ta thực sự nỗ lực, dùng những hành động hàng ngày, dù là nhỏ nhất để hiện thực hóa nó.

Được gì sau 6 năm thực hành phương pháp này?

Sau gần 6 năm thực hiện phương pháp này (bắt đầu từ chu trình 3 năm đầu tiên: 2016-2019 và hiện ở chu trình 3 năm thứ 2: 2020-2023), tôi nhận thấy tới 90% những gì mình mơ ước ban đầu đã trở thành hiện thực. Nói cách khác, tôi hiện-đang-sống cuộc sống trong mơ của mình.

Đối với tôi, phương pháp này thành công vì nó dựa vào các kiến thức tâm lý học tích cực (positive psychology) và thông qua 3 bước tuần tự để thúc đẩy bản thân dám mơ ước (dream), tin vào chính mình (believe) và hành động (act) để đạt được điều mình mong muốn.

Tocirci hiệnđangsống cuộc sống trong mơ của migravenh sau 6 năm thực hiện phương phaacutep nagravey Nguồn The Present Writer
Tôi hiện-đang-sống cuộc sống trong mơ của mình, sau 6 năm thực hiện phương pháp này | Nguồn: The Present Writer

10% còn lại là những giấc mơ dang dở.

Một phần trong số đó tôi không còn muốn thực hiện nữa vì khi trưởng thành hơn, cuộc sống thay đổi, tôi nhận ra đó không còn là ước mơ của mình nữa (ví dụ: sống tại một thành phố lớn tại Mỹ). Một phần khác tôi vẫn muốn thực hiện nhưng vì nhiều lý do khách quan nên chưa thể làm được và tôi vẫn sẽ nỗ lực trong những năm tới để hoàn thành nốt những ước mơ bỏ ngỏ này (ví dụ: đặt chân tới châu Âu và châu Phi).

Nhìn lại, tôi nghĩ rằng phương pháp này về bản chất không có gì quá cao siêu hay độc đáo. Tuy nhiên, bí quyết lớn nhất và đặc biệt nhất tạo nên sức hút của nó là ở quá trình thực hiện.

Phương pháp như một tấm bản đồ, một chiếc la bàn chỉ cho bạn hướng đi, nhưng những gì bạn học được trong cuộc hành trình và quyết tâm để đến tận cùng con đường, đó mới là điều thú vị nhất.