Bảo Hiểm Xã Hội Doanh Nghiệp là gì? Những Thay Đổi Trong Bảo hiểm Xã Hội Doanh Nghiệp năm 2018

Trong tình hình kinh tế phát triển như hiện nay, tất cả các doanh nghiệp đều quan tâm đến vấn đề Bảo Hiểm Xã Hội của Nhà nước. Bởi vì, vấn đề này cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến các nguồn ngân sách trong doanh nghiệp. Sau đây là những thay đổi của Nhà nước trong Bảo Hiểm Xã Hội Doanh Nghiệp năm 2018.
 

Bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp là gì?
 

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp cho một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập như ốm đau, thai sản, thất nghiệp, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội để góp phần đảm bảo an toàn đời sống của người lao động và gia đình của họ, đồng thời cũng góp phần đảm bảo an toàn xã hội.
 
Bảo hiểm xã hội có hai loại chính bao gồm Bảo hiểm xã hội bắt buộc và Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

  • Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức, người lao động và người sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia.

  • Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức nhưng người tham gia có thể lựa chon mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Ngoài ra, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Những thay đổi trong bảo hiểm xã hội doanh nghiệp 2018

 

Trong năm 2018, Nhà nước đã đưa ra bốn thay đổi lớn trong chính sách Bảo Hiểm Xã Hội như sau

1. Thêm hai đối tượng phải tham gia Bảo Hiểm Xã Hội bắt buộc.

Bắt đầu từ ngày 01/01/2018, Nhà nước đã thêm hai trường hợp phải bắt buộc tham gia đóng BHXH, ngoài những người tham gia đóng BHXH bắt buộc theo quy định lâu nay. Hai trường hợp phải tham gia BHXH bắt buộc bao gồm người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ một tháng đến ba tháng và người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt nam cấp.

2. Bổ sung nhiều khoản thu nhập phải đóng trong Bảo Hiểm Xã Hội bắt buộc.

Trước đây, mức đóng BHXH bắt buộc hàng tháng bao gồm mức lương cộng với phụ cấp lương. Từ ngày 01/01/2018, mức đóng BHXH bao gồm mức lương cộng phụ cấp lương và cộng các khoản bổ sung ( khoản bổ sung phải được xác định rõ ràng mức tiền cụ thể cùng với mức lương thoả thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương).
 

3. Phạt đến 7 năm tù đối với người có nghĩa vụ nhưng không đóng Bảo Hiểm Xã Hội cho người lao động.

Nhà nước nhằm để hạn chế tình trạng nợ đọng hay trốn đóng BHXH bắt buộc cho người lao động. Bộ luật hình sự 2015 đã được bổ sung tội phạm quy định liên quan đến hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Mức phạt cao nhất của điều lệ này là phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm trong trường hợp trốn đóng bảo hiểm 1 ty đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên và không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hay đã khấu trừ của người lao động.
Theo các thông kê BHXH Việt nam, có 600.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có 250.00 đơn vị đóng BHXH cho người lao động. Hơn 2 triệu người lao động đang trong tình trạng nợ đóng BHXH ở các doanh nghiệp nhỏ.

4. Tăng dần số năm đóng Bảo Hiểm Xã Hội để được hưởng mức lương hưu tối đa.

Theo Luật BHXH 2014 đưa ra mức hưởng lương hưu tối đa là 75% mức tiền lương bình quan tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Bắt đầu từ ngày 01/01/2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu là 45% mức bình quân tiền lương hàng tháng đóng BHXH. Bắt đầu từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%, từ đó, người lao động đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa là 75% thay vì 25 năm như hiện nay.
Trước đây, lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ 2018, lao động nam phải đóng đủ 16 năm để hưởng mức lương hưu trên, đến năm 2022 phải đóng BHXH 20 năm mới được hưởng 45% mức lương hưu. Nếu lao động nam muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75% thì lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm thay vì là 30 năm như hiện nay.
 

Ngoài ra, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì bị trừ 2% mỗi năm.

Nhìn chung, mục đích chính của quỹ Bảo hiểm xã hội là trợ cấp vật chất cho người bảo hiểm khi gặp rủi ro. Do đó, quỹ Bảo hiểm xã hội luôn được nhà nước quan tâm và cải cách sao cho phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước.