Bác Hồ và gia đình ở Thừa Thiên Huế giai đoạn 1906 – 1909 – Bác Hồ – Kỷ niệm thời niên thiếu

1. Bối cảnh xã hội Huế những năm 1906 – 1909.

duongdb_01Vào những ngày đầu khi Nguyễn Tất Thành bước chân vào học trường Pháp – Việt, cũng là lúc thực dân Pháp bắt vua Thành Thái đi đày sau âm mưu một cuộc nổi dậy bại lộ để rồi ngày 28/7 năm Đinh Mùi (5/9/1907), Nguyễn Vĩnh San lên ngôi vua lúc 7 tuổi. Năm 1908, Nguyễn Vĩnh San lấy hiệu là Duy Tân và đi tiếp con đường của Hàm Nghi và Thành Thái.

Thời gian này cũng là lúc thực dân Pháp đẩy mạnh việc khai thác toàn bộ tuyến đường xe lửa Đà Nẵng – Đông Hà, Người đã nhận thấy những thiệt thòi, tốn kém trong quá trình khai thác mà nhân dân ở khu vực miền Trung phải gánh chịu. Những năm 1906, 1907, 1908 còn là những năm phát triển mạnh mẽ của các phong trào như Đông Du, Duy Tân, Đông kinh nghĩa thục và đặc biệt là phong trào chống thuế của nhân dân năm 1908, tất cả các phong trào yêu nước ấy đều có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh.

2. Cuộc sống của Bác Hồ và gia đình tại ngôi nhà “Dãy Trại”

Vào sống ở Huế lần thứ 2, gia đình Người ở tại ngôi nhà “Dãy trại” (nay là 47 – Mai Thúc Loan – Huế).

Quan lại triều đình phong kiến lúc bấy giờ được chia làm hai loại: Đường quan và Thuộc quan. Đường quan được cấp dinh thự và có lính hầu. Thuộc quan ở trong các dãy nhà giản dị hơn gọi là “Thuộc viên”.

“Thuộc viên” – nơi gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống được xây dựng vào năm Thành Thái thứ 17 (1905) trên nền trại lính Tuần sát của Nha Hộ thành hà cũ (vì vậy thuộc viên còn được gọi là “Dãy trại”. Thuộc viên gồm 40 gian kế tiếp nhau thuộc hai dãy nhà hai bên đường Đông Ba (cũ). Cấu trúc mỗi căn hộ trong thuộc viên là 1 gian dài 12m, rộng 4,5m chia làm hai phòng có cửa thông nhau. Nhà xây bằng gạch, vôi cát có pha mật mía, nền đất, mái lợp ngói liệt, … nhà không có cột kèo và cũng không có trần. Phía sau có nhà bếp rộng 2m, dài 3m được chia cho 2 hộ. Gia đình ông Sắc được triều đình phân cho căn hộ thứ 19 của dãy bên trái tính từ cửa Đông Ba đi vào.

sodoLần thứ 2 vào Huế chỉ có ba cha con, ông Nguyễn Sinh Sắc, hai anh em Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành. Không có bàn tay người phụ nữ tảo tần chăm sóc, ba cha con phải làm hết công việc nội trợ trong gia đình, mà không thuê người giúp việc. Sống trong khu vực “làng quan” mà vẫn rất gần gũi với nhân dân lao động. Cuộc sống vất vả đã sớm tạo cho hai anh em ý thức tự lập, rèn luyện ý chí vươn lên.

Là một nhà nho đỗ đạt ông thấm nỗi nhục của một dân tộc mất nước, đau xót nhìn cảnh nước mất nhà tan mà “lực bất tòng tâm”. Chính vì vậy, những năm tháng sống tại đây, ông Nguyễn Sinh Sắc luôn đặt việc giáo dục nhân cách, đạo đức, khơi sâu tấm lòng ái quốc, ái dân của con lên hàng đầu. Với tầm nhìn xa trông rộng, thấu hiểu nhân tình thế thái, thấy được xu hướng phát triển tất yếu của xã hội, ông đã hướng cho hai con trai đi theo con đường Tây học, tìm hiểu về những nền văn minh tiên tiến của thế giới, góp phần định hướng con đường nhìn về phương Tây để tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc sau này.

Cũng với chủ trương đó ông giao du với những nho sỹ thanh bần, những người có chí hướng cứu nước cùng đàm luận thế sự tạo bầu không khí ái quốc giúp cho Nguyễn Tất Thành có điều kiện tiếp xúc học hỏi kinh nghiệm, hiểu biết của những người đi trước.

Ngôi nhà này đã chứng kiến những năm tháng miệt mài học tập của Nguyễn Tất Thành tại các trường Pháp – Việt, chứng kiến những trăn trở suy tư của Người trước những vấn đề chính trị, xã hội tác động mạnh mẽ đến vận mệnh dân tộc, chứng kiến sự trưởng thành của Người cả về thể chất lẫn tư tưởng, tình cảm làm tiền đề cho ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.

3. Nguyễn Tất Thành trước dòng xoáy của các tư tưởng tiến bộ, phong trào yêu nước ở Việt Nam nói chung và ở kinh đô Huế nói riêng:

Bước sang thế kỷ XX, Việt Nam trải qua những biến chuyển to lớn về mọi mặt kinh tế, xã hội kéo theo sự biến chuyển về tính chất của những cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân.

Kinh đô Huế là nơi tập trung những vấn đề chính trị nhạy cảm, cũng là đầu mối giao lưu của những luồng tư tưởng ái quốc.

Tư tưởng của các nhà tư sản Trung Quốc: Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng, Dương Thâm Tú được phản ánh qua những cuốn “Tân thư” truyền bá tư tưởng Duy tân. Qua tác phẩm của họ tư tưởng dân chủ tư sản của phương Tây với Rút – xô; Mông – tex – kiơ được giới thiệu với sĩ phu Việt Nam. Trên cơ sở sự biến đổi cơ cấu kinh tế của xã hội Việt Nam, cộng với ảnh hưởng của cuộc vận động hiến pháp từ ngoài vào, tư tưởng tư sản bắt đầu xuất hiện trên vũ đài chính trị Việt Nam.

Cùng với sách báo “Tân thư”, năm 1905 Nhật Bản thắng Nga hoàng mở ra trước mắt những sĩ phu Việt Nam con đường giải phóng, đó là, học tập Nhật Bản, cầu viện Nhật Bản giúp đỡ.

Ở Huế còn xuất hiện những nhà trí thức mới, họ được đào tạo Tây học, tận mắt chứng kiến sự phát triển kỳ diệu của phương Tây, họ chủ trương đất nước muốn phát triển đi lên thì phải biết tiếp thu những yếu tố tích cực, phát triển của văn hoá, văn minh thế giới.

Tất cả những luồng tư tưởng đó tác động một cách tích cực vào tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Tất Thành. Người suy nghĩ về những luồng tư tưởng mới, tìm hiểu các phong trào yêu nước từ khi người Pháp xâm lược để đi đến một nhận định: Cụ Phan Bội Châu là người yêu nước hăng say, sôi nổi, có ý chí đáng khâm phục nhưng lại chủ trương dựa vào Nhật để đánh đuổi thực dân Pháp, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Phan Chu Trinh là người yêu nước, nhưng cụ chỉ yêu cầu cải cách, không chủ trương đánh đổ thực dân Pháp, chỉ yêu cầu bỏ chế độ quan lại, không chủ trương đánh đổ hệ thống chế độ phong kiến. Cách làm như thế khác nào “xin giặc rủ lòng thương”. Cuộc khởi nghĩa nông dân vô cùng dũng cảm, nhiều mưu trí do cụ Hoàng Hoa Thám lãnh đạo bị thất bại vì không có đường lối rõ ràng, không có sự ủng hộ của đồng bào cả nước, vẫn trong khuôn khổ “cốt cách phong kiến”.

Đó là những kết luận chính trị đầu tiên khi đánh giá về những phong trào đã và đang diễn ra ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất kính trọng các cụ, nhưng không đi theo con đường của các cụ được. Người nung nấu ý chí tìm con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, muốn thế trước hết phải tìm hiểu rõ kẻ thù của mình. Học tập tại các trường Pháp – Việt là điều kiện để Nguyễn Tất Thành tiếp xúc một cách có hệ thống với văn minh Pháp và nhìn rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân đối với các dân tộc thuộc địa.

4. Nguyễn Tất Thành học ở trường Pháp – Việt Đông Ba và trường Quốc Học – Huế:

Sau khi ổn định nơi ăn, chốn ở, ông Nguyễn Sinh Sắc xin cho hai con vào học trường Pháp – Việt Đông Ba.

Tháng 9 năm 1906, Nguyễn Tất Thành vào học lớp sơ đẳng (E’lêmntaire) trường tiểu học Đông Ba.

Trường Pháp – Việt Đông Ba nằm ở ngài cửa chính Đông dựa trên cơ sở Đình chợ Đông Ba cũ. Đây là trường Pháp – Việt bậc tiểu học đầu tiên ở Huế. Nguyễn Tất Thành học ở trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba niên khoá 1906 – 1907 lớp nhì, 1907 – 1908 lớp nhất. Các môn học gồm Pháp văn (chủ yếu), Quốc văn, Hán văn, Sử, Địa, Khoa học, Tập vẽ. Trong thời gian học tập ở đây Người đã được học với các thầy Hoàng Thông, Ưng Thiều, Nguyễn Văn Thích…. Là một học trò ham học, thông minh, trong kỳ thi Primaire năm 1908 – Thành là một trong 10 học trò giỏi nhất của trường Pháp – Việt Đông Ba được thi vượt cấp vào hệ Thành chung trường Quốc Học.

Thời gian học tập ở đây là thời gian Nguyễn Tất Thành cùng bạn bè tìm hiểu, khám phá những điều bí ẩn giữa thực tế cuộc sống trái ngược với những điều trong sách vở, đặc biệt là khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”. Càng tiếp cận với nền văn minh Pháp, càng tạo cho Nguyễn Tất Thành tính tò mò muốn tìm hiểu những điều bí ẩn đằng sau nền văn minh đó. Những năm tháng học tập ở trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba cũng như ở trường Quốc Học sau này đã đặt nền móng đầu tiên cho sự nhận thức và hành động theo chí hướng cứu nước, cứu dân.

Sau khi tốt nghiệp trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba Nguyễn Tất Thành vào học lớp Trung học đệ nhị niên của trường Quốc học.

Trường Quốc Học là một trong số ít trường hiếm hoi được tổ chức có quy củ ở Việt Nam.

Lúc bấy giờ, xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX rơi vào tình trạng tụt hậu và trì trệ, dân trí thấp, kinh tế lạc hậu, kém phát triển, giáo dục vẫn bó hẹp trong giáo lý Khổng – Mạnh, tất cả những điều đó làm cho người Việt Nam kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhận thấy vấn đề lúc này cần phải có một đội ngũ quan lại am hiểu về tiếng Pháp và các môn khoa học kỹ thuật phương Tây để góp phần canh tân đất nước, vua Thành Thái – một trong những vị vua tiến bộ và yêu nước của triều Nguyễn đã quyết định thành lập một ngôi trường dạy tiếng Pháp và các môn khoa học kỹ thuật. Ngày 23/10/1896 vua Thành Thái ra chỉ dụ thành lập trường Quốc Học, trong đó có đoạn: “Phát triển giáo dục là phương tiện duy nhất để mở mang tri thức, để đào tạo đủ tài năng, hầu giải quyết các vấn đề chính sự và hành chánh, và điều hoà giáo dục đúng phương pháp, là phương tiện để khai thông dân trí, để đào tạo nhân tài. Nhưng muốn thành lập được trường thì phải được thực dân Pháp đồng ý, sau khi thương đồng với toàn quyền Đông Dương và Toà Khâm sứ Trung Kỳ, phía Pháp tuy không mặn mà nhưng cũng muốn nắm lấy trường để sau này đào tạo tay sai cho chúng. Chính vì vậy, “Một hội đồng đã được thiết lập để nghiên cứu công việc tổ chức và hoạt động của trường ấy. Đặt dưới quyền chủ toạ kế tiếp của ông Beaset – Phó Công sứ Hội lý lại, hội đồng này có ông chủ sự Ganter, Thượng thư bộ Hộ Trương Như Cương, Thượng thư bộ Lễ Huỳnh Vỹ, và Thương biện Ngô Đình Khả”. Ngày 18.11.1896 Phủ Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập trường Quốc Học. Trong Nghị định đề cập rất rõ:”Khoản 1: Nay thiết lập tại Huế do chính phủ Nam triều chủ trương một học đường lấy tên là Quốc Học. Trường sẽ đặt dưới sự kiểm soát của ông Khâm sứ Trung kỳ”. Điều đó chính tỏ rằng, ngay từ khi thành lập, ngôi trường đào tạo nhân tài cho người Annam đã nằm gọn trong tay thực dân Pháp.

quoc_hoc_400Địa điểm được chọn để xây dựng trường Quốc Học nằm ở bờ nam sông Hương, trong khu vực phố Tây, vốn là nơi đóng quân của Thuỷ quân Hoàng Gia. Miêu tả lại quang cảnh khu vực trại lính này ông E. LeBris tác giả bài Le Quoc Hoc trong “Những người bạn của đô thành Huế cổ” viết:”Cách đây 40 năm (1915) quang cảnh tại chỗ này rất khác. Từ sông đào Phủ Cam đến đập Thọ Lộc (trên sông Hương), có 15 dãy nhà dài, tường gạch, mái tranh là nơi đồn trú của 6200 người thuộc đạo thuỷ binh của các vua Annam. Các dãy nhà này được làm từ năm Gia Long thứ 5 (1806) và dùng làm trại lính cho đến vua Thành Thái”.

Sách Đại nam nhất thống chí viết dưới thời Duy Tân cũng ghi nhận về vị trí xây dựng trường Quốc Học nằm trên mảnh đất vốn là dinh Thuỷ sư cũ “ở nơi công thổ Tả doanh Thuỷ sư”.

Lịch sử kiến trúc trường Quốc Học được chia thành hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ 1896 đến năm 1915, khi trường còn là những dãy nhà của dinh thuỷ sư cải tạo lại, sườn nhà bằng gỗ, mái lợp tranh.

Giai đoạn 2: Từ năm 1915 đến nay, là ngôi trường được kiến trúc theo kiểu Tây âu, đồ sộ và tráng lệ.

Chương trình học lúc bấy giờ, theo quy chế giáo dục 1906 của Toàn quyền Beau, nằm xây dựng một đội ngũ tay sai giúp việc đắc lực cho chính quyền thuộc địa: “Nhà nước đại Pháp vừa muốn giữ cách học cũ ở bản xứ mà sửa sang lại, vừa dựng ra khắp hạt Đông Dương những trường Pháp – Việt để cho người bản xứ có thể giúp đỡ được cho người Pháp trong việc cai trị hoặc việc khai thác được tốt hơn” (Nhà sử học Charles B Mybon trong Notions d’ histoire d’ Annam, xuất bản năm 1911, trang 169). Giáo pháp trường trung học có ba môn: môn giáo quy Hán tự, môn giáo quy Nam âm, môn giáo quy Pháp tự, đó là chương trình áp dụng trên toàn quốc nhưng riêng trường Quốc Học phần lớn những môn trên đều học bằng chính tiếng Pháp.

Các thầy giáo dạy ở trường Quốc Học trong thời gian Nguyễn Tất Thành theo học: Thầy Chouquet: Hiệu trưởng; các giáo viên người Pháp: Queignee (dạy Luận văn); Henri Le Bris (dạy Toán); Eugeen Le Bris (dạy Khoa học), Xvonne Le Bris (dạy Sử Địa)…; các giáo viên người Việt có thầy Nguyễn Khoa Đạm (dạy Luận Quốc Văn); thầy Lê Văn Miến (dạy Vẽ); thầy Hoàng Thông (dạy Hán văn).

Thời gian theo học ở trường, trong các môn Người đặc biệt học giỏi môn: Hán tự, còn Pháp văn sẵn có tư chất thông minh, cộng thêm với mục đích muốn tìm hiểu tận cội rễ về nước Pháp nên chỉ trong thời gian ngắn Người đã có trình độ Pháp văn vững vàng.

Khi vào học trường Quốc Học, Người tiếp thu cách ăn mặc của học trò xứ Huế “mặc áo vải dù đen, cắt tóc ngắn, đội nón lá 16 vành. Anh cắt tóc ngắn như những bạn cùng lớp nhưng không chải ngược lên hay chải chém qua hai bên mà thường để mái tóc xuống trán, các thầy giáo Pháp khó tính cho đó là mái tóc bướng bỉnh” (Hồi ký của ông Lê Thanh Cảnh).

Trường Quốc Học là ngôi trường mà thực dân Pháp quản lý rất chặt chẽ cả về chương trình học, bổ nhiệm giáo viên giảng dạy, và thành phần học sinh, nhằm thực hiện mục đích giáo dục của chúng. Tuy nhiên ở đó vẫn có những thầy giáo rất tâm huyết với quốc gia, dân tộc, từ những thầy giáo này Người học hỏi được rất nhiều điều góp phần mở rộng tầm nhìn, mở mang tri thức, tác động mạnh mẽ vào quá trình hình thành tư tưởng cứu nước, cứu dân. Để vận động cách mạng, thầy Hoàng Thông viết cuốn “Tự trị thượng sách” trong đó có câu: “Nước bất hạnh mà mất, không phải mất nước của một họ riêng mà thôi… cùng với nước, dân tộc bị diệt chủng”. Thầy Lê Văn Miến thì thường hay nói với học sinh “… người Pháp từ người dân lao động cho chí các vị hàn lâm đều rất trọng những người Việt Nam ham học hỏi và có tư cách. Trên đất Pháp lại có nhiều thư viện, đủ các loại sách vở nói về các cuộc cách mạng của các nước trên thế giới vào đọc không mất tiền”.

Ngày nào vào lớp học, Nguyễn Tất Thành cũng trông thấy hai hàng chữ Pháp ở hai bên vách lớp:

Une ame saine dans un corps sain

(Một tâm hồn trong sáng trong một thân thể tráng kiện)

Liberte’, Egalite’, Praternite’ (Tự do – Bình đẳng – Bác ái)

Riêng ba từ “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” đã từng làm rung động trái tim Nguyễn Tất Thành ngay từ hồi mới bước chân vào trường Tiểu học Pháp – Việt. Giờ đây học lịch sử Pháp, nhất là lịch sử về cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789), Nguyễn Tất Thành càng muốn đi sâu tìm hiểu nguồn gốc phát sinh và ý nghĩa sâu xa của nó. Nước Pháp có nền văn minh thực sự. Nguyễn Tất Thành công nhận điều đó. Và anh không vì căm ghét những hành động của thực dân Pháp ở Việt Nam mà bài xích nền văn minh rực rỡ của Pháp. Vì vậy Người đã say mê tìm hiểu toàn diện cuộc cách mạng tư sản Pháp và bỏ công tìm cho ra những tác phẩm của các nhà văn, nhà triết học Pháp của thế kỷ ánh sáng như Voltaire, Monterquieu, RousSeau…

Nước Pháp, văn hoá Pháp mở ra trước mắt Nguyễn Tất Thành đầy mới lạ và nhiều ý tưởng. Người nhận thấy vô vàn sự mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tế mà những kẻ đi “khai hoá” đã áp dụng vào Việt Nam. Càng nhận rõ vấn đề, Người cáng có ý thức đi sâu học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu để phục vụ cho mục đích của mình. Sống, học tập tại nơi mà những mâu thuẫn xã hội nổ ra gay gắt nhất, bầu không khí chính trị luôn được hâm nóng bởi những luồng tư tưởng, những trào lưu cách mạng mới, từ đó Người ý thức được thân phận của một dân tộc nô lệ, bằng kiến thức có được khi theo học ở trường Quốc Học cộng với những bài học thực tế đã giúp Người định hình được con đường mà người muốn đi không giống bất cứ con đường nào của các nhà cách mạng tiền bối. Bởi bằng nhãn quan chính trị thiên tài Người sớm nhận ra chưa có phong trào nào có đủ sức thu hút, tập hợp được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, chưa có lý luận cách mạng nào có đủ sức giác ngộ tư tưởng quần chúng và giải phóng sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người.

Từ mái trường này Người đã tham gia những hoạt động yêu nước đầu tiên: Phong trào Duy Tân, phong trào chống thuế, để từ đó càng hun đúc thêm quyết tâm giải phóng dân tộc, đem lại cơm no, áo ấm, hạnh phúc cho nhân dân.

Người học ở trường Quốc Học tuy chỉ có một thời gian ngắn nhưng là một thời gian hết sức quan trọng tạo nên bước ngoặt lớn trên con đường hình thành tư tưởng cứu nước, cứu dân. Bởi đó là năm Người bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành, với những suy nghĩ kiên định và chín chắn, cũng là năm xảy ra sự kiện chính trị sôi động vào bậc nhất trong những năm đầu thế kỷ XX – phong trào chống thuế, sự kiện đó đã hối thúc Người cần nhanh chóng tìm một hướng đi đúng cho dân tộc.

5. Nguyễn Tất Thành tham gia các hoạt động yêu nước tại Huế:

Thời kỳ Nguyễn Tất Thành ở Huế lần thứ 2 cũng là thời kỳ hoạt động sôi nổi của nhà chí sỹ Phan Bội Châu. Thơ văn yêu nước của cụ như xoáy vào ruột gan mọi người, hừng hực lửa căm thù, có sức cổ dộng mãnh liệt tinh thần đoàn kết, quyết tâm cứu nước nhà. Cũng trong thời gian này khác với chủ trương bạo động của Phan bội Châu, cụ Phan chu Trinh cùng với các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Kiên dấy lên cuộc vận động Duy Tân ở Trung kỳ, lên án hủ tục mê tín dị đoan, hô hào bỏ áo dài, mặc áo ngắn, cắt tóc ngắn, dùng hàng nội hoá…

Từ những phòng trào sôi nổi ấy, ở Huế nảy sinh nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trong giới trí thức, học sinh. Nguyễn Tất Thành hăng hái tranh luận, tìm hiểu và tìm đọc Tân thư, Tân báo, Tân văn. Người còn hăng hái sung vào đội vận động Duy Tân, hăm hở mang giỏ kéo đứng ở chỗ đông người qua lại, hễ ai có búi tó thì kéo lại cắt rồi đọc mấy câu:

Cụ Nguyễn Sinh Sắc không những không ngăn cản các con mà chính cụ cũng tán thành mặt tích cực của cụ Phan Chu Trinh.

Phong trào Duy Tân và Đông kinh nghĩa thục phát triển mạnh mẽ đã làm cho thực dân Pháp lo sợ, chúng đóng cửa trường Đông kinh nghĩa thục ở Hà Nội, cấm lưu truyền các tài liệu học tập, giảng dạy, bắt giam cụ Lương Văn Can…

Nhưng chỉ sau sự kiện ấy ba tháng, một phong trào nông dân dữ dội bùng lên ở Trung Kỳ – Phong trào chống thuế.

Ở chương “Công lý” trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Năm 1908, nhân dân miền Trung không chịu nổi sưu cao thuế nặng và bao nhiêu sự hà lạm áp bức, đã phải biểu tình. Các cuộc biểu tình ấy mặc dù diễn ra rất ôn hoà nhưng đều bị đàn áp thẳng tay. Hàng trăm đầu rơi, vô số người bị đi đày”.

Phong trào kháng thuế năm 1908 là một sự kiện lịch sử có quy mô và tầm cỡ lớn trong lịch sử cận đại Việt Nam. Đây là một phong trào đấu tranh rộng lớn của nông dân miền Trung, diễn ra trên 9 tỉnh, làm chấn động cả nước và dư luận chính giới Pháp. Còn bọn thực dân và bè lũ phong kiến tay sai vô cùng hoảng sợ.

Phong trào chống thuế bùng phát từ chính sách thuế khoá nặng nề của thực dân Pháp và phong kiến đối với nông dân Việt Nam. “Nhà nước bảo hộ cứ mỗi năm lại tăng thuế mãi lên. Thí dụ năm 1890 đến 1896 thuế đã tăng lên gấp đôi. Từ năm 1896 – 1898 lại tăng lên một nửa và cứ như thế mà tăng lên mãi” (Tình cảnh nông dân Việt Nam – Đời sống công nhân, 04/01/1924).

Ở Thừa Thiên, được coi là mảnh đất “dưới xe vua”. Nông dân bị cột chặt vào mảnh ruộng cổ phần nhỏ bé ở nông thôn và phải đóng thuế. Vào đầu thế kỷ XX, Pháp không mở một công trình khai thác nào ở đây, ngoài nhà máy điện, nước và một vài cơ sở sản xuất nhỏ. Do đó, sưu dịch nông dân Thừa Thiên chủ yếu làm tại làng xã. Ruộng đất ở Thừa Thiên ít ỏi, xấu, hai huyện Phú Vang, Hương Thuỷ thường bị nhiễm mặn, mùa màng thường xuyên mất trắng, nhân dân vẫn phải đóng thuế nặng nề. Thực dân Pháp dùng nhiều thủ đoạn để tăng thuế ruộng. Từ năm 1897 trở đi, thực dân Pháp không chia theo hạng ruộng để đánh thuế mà đánh nhất loạt không kể ruộng tốt, xấu. Để tăng diện tích ruộng nộp thuế thực dân Pháp quy định đơn vị mẫu nhỏ lại. Mỗi mẫu Trung kỳ 5.000m2 nay chỉ còn 3.600m2. Năm 1908 thực dân Pháp lại ra nghị định tiếp tục tăng thuế.

Thuế khoá trở thành nỗi kinh hoàng của người nông dân, họ lao động cật lực quanh năm trên đồng ruộng mà vẫn không thoát khỏi đói nghèo. Từ sự nén chịu đi đến bất mãn và cuối cùng là vùng lên chống lại là hệ quả tất yếu.

Phong trào chống thuế ở Trung kỳ có tầm quan trọng to lớn: “Những cuộc biểu tình và bạo động năm 1908 thể hiện một sự kết thúc đồng thời là một sự mở đầu. Có thể coi chúng như là một cuộc bùng nổ cuối cùng theo kiểu cổ truyền… sự mở đầu của một thời đại mới đã đến vào năm 1908 như là kết quả của sự truyền bá tiến bộ của giới sĩ phu” (David G. Marr – Vietnamese anticolonialism – Los Ange 1971. tr185).

Phong trào phát triển rầm rộ nhất ở Quảng Nam, sau đó lan nhanh ra cả dải miền Trung đặc biệt là Huế vốn là nơi các lãnh tụ phong trào chống thuế ở Quảng Nam bị thực dân Pháp đưa về giam để xét xử. Phong trào chống thuế ở Quảng Nam đã kích thích thêm tinh thần phẫn uất của nhân dân Thừa Thiên Huế, nhất tề hưởng ứng phong trào.

Ngày 9/4/1908, hàng trăm nông dân từ các huyện Hương Thuỷ, Phú Vang kéo về Công Lương để biểu tình, bắt trói tên tay sai của công sứ Pháp khi hắn về can thiệp.

Đêm ngày 10 rạng ngày 11/04/1908, nhiều người tụ họp ở Đốc Sơ, Dương Xuân, Đốc Bưu, An Hoà, An Lưu cùng nhiều làng phụ cận chuẩn bị tiến vào Huế.

Ngày 11/04/1908, họ kéo vào thành phố theo từng nhóm. Đoàn “xin xâu” vào thành phố với những nét đặc biệt: áo quần rách rưới, mang bị, mo cơm, manh chiếu chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài… Hàng ngàn người từ các ngả đường tập trung đông đảo trước Toà Khâm sứ Trung kỳ đưa yêu sách đòi giảm thuế, chống phu phen tạp dịch. Đỉnh cao của phong trào là vào ngày 11/04/1908, có Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tham gia. Sau này khi nhớ lại những ngày sôi động ấy, Người đã kể: “Mình tham gia với tư cách là một người thông ngôn. Khi đồng bào nói chưa đúng thì mình thêm vào rồi chọi với bọn Pháp, khi bọn Pháp nói những gì làm cho uy thế đồng bào mình kém đi thì mình thông ngôn lại để dậy lên uy thế đấu tranh của đồng bào. Cứ thế đồng bào ùa lên làm cho bọn Pháp không thể nào ngăn chặn được”

Hồi ký của cụ Lê Thanh Cảnh – một người bạn học của Bác Hồ ở trường Quốc Học cũng viết: “Chúng tôi một nhóm học sinh ở chợ Cống đi đến gần trường Quốc Học thì thấy trò Côn hăng hái đến khuyến rủ lôi kéo chúng tôi, bảo: “Đồng bào người ta đi xin xâu, chúng mình phải đi theo ủng hộ họ để làm thông ngôn cho họ. Nào chúng ta đi xuống Toà Khâm”. Miệng nói, tay trò Côn lấy nón chúng tôi lật ngược lên, bề trong đội lên trời, tỏ vẻ chúng ta phản kháng quyết lật ngược tình trạng hiện tại”.

Ngày 12, 13/04/1908 nhân dân tiếp tục tập hợp thành các đoàn biểu tình tiến về Huế, đụng độ với binh lính càng làm cho tinh thần thêm hăng hái.

18 giờ ngày 13/04/1908, thực dân Pháp tăng cường lực lượng đàn áp dã man, xả súng bắn vào đoàn biểu tình, đoàn biểu tình bị giải tán.

Sau khi đàn áp được phong trào chúng bắt đầu lùng bắt các sỹ phu cầm đầu phong trào chống thuế như Phạm Toản, Lê Đình Mộng, Phan Đạm, Nguyễn Tấn Định, Thân Trọng Cảnh, Hoàng Bá Đàm… và kết nhiều mức án khác nhau (xử tử, lưu đày).

Hành động tham gia phong trào chống thuế của Nguyễn Tất Thành không phải là ngẫu nhiên, bột phát, mà đây là hành động có ý thức, có chiều sâu suy nghĩ, được phát triển một cách có logic từ nhận thức đến hành động. Dấn thân tham gia vào phong trào Nguyễn Tất Thành nhận thức một cách sâu sắc sức mạnh đoàn kết và quật khởi của người nông dân Việt Nam. Không có bức tường nào vững vàng hơn, không có sợi dây trói nào mềm dẻo hơn những cánh tay siết chặt của hàng ngàn nông dân vùng lên trước mũi súng kẻ thù. Có lẽ từ hiện thực sinh động này đã nuôi dưỡng trong lòng Hồ Chủ tịch tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và chiến tranh nhân dân sau này. Sự kiện này đã đánh dấu bước mở đầu cho hồ sơ chính trị của nhà cách mạng Hồ Chí Minh lỗi lạc sau này (Hồ sơ theo dõi Nguyễn Ái Quốc, thực dân Pháp lập năm 1920 ghi sự kiện Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế).

Sau sự kiện này ông Nguyễn Sinh Huy (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) bị triều đình Huế khiển trách vì có hai con tham gia phong trào chống thuế.

Tháng 7 năm 1909 ông Nguyễn Sinh Huy được bổ làm Tri huyện Bình Khê, một thời gian sau Nguyễn Tất Thành cũng rời Huế đi vào phía Nam, tìm đường ra nước ngoài.

Những năm tháng sống ở Huế của Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành tuy không trải dài nhiều năm tháng nhưng rất quan trọng trong cuộc đời của Người. Đó là những năm tháng cậu bé Nguyễn Sinh Cung cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp, tình thương, sự cao cả, nỗi đau, sự hy sinh của mẹ (bà Hoàng Thị Loan) đối với chồng và các con; là tình thương đối với đứa em Nguyễn Sinh Xin không may mắn; cảm nhận rõ rệt đạo đức trong sáng, sự tu chí học hành, sự lo lắng dạy dỗ, giáo dục con cái của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; đó cũng là thời gian Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành thâu nhận, thâm nhập vào trái tim và khối óc của chính mình nhiều tín hiệu của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.

Tất cả những gì trên đất Huế mà Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành đã nhận thức, đã từng trải và ngày ngày suy ngẫm đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một trong những cội nguồn quan trọng của tư tưởng – đạo đức Hồ Chí Minh, của tinh thần nhân văn Hồ Chí Minh về sau.

Nhắn tin cho tác giả