Thẳng thắn “tự soi”, nghiêm túc “tự sửa”

trung-tam-hcc-1598920176
Cán bộ. đảng viên Trung tâm hành chính công tỉnh luôn niềm nở tận tình hướng dẫn người dân và doanh nghiệp khi tới giải quyết thủ tục hành chính

PTĐT – Với tinh thần thẳng thắn “tự soi”, nghiêm túc “tự sửa” theo 27 biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong tỉnh được nâng lên rõ rệt. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, đơn vị được khắc phục triệt để, sai phạm của cán bộ, đảng viên được xử lý nghiêm minh đã góp phần ngăn chặn, cảnh tỉnh, răn đe những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Trước khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhận định về “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” là vấn đề khiến các tổ chức Đảng, đảng viên lúng túng trong việc chỉ ra được cụ thể là ai, ở đâu có những biểu hiện này. Khi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ra đời, với việc chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; cùng với đó, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW (ngày 24/9/2018) về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp kèm theo 82 biểu hiện cụ thể để nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã giúp mỗi tổ chức Đảng, đảng viên tự liên hệ, tự nhận thức một cách rõ ràng hơn về sự suy thoái thực sự ở đâu, những biểu hiện cụ thể nào, từ đó để có kế hoạch, lộ trình khắc phục.

Đồng chí Trần Văn Tình- Bí thư Đảng ủy xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn cho biết: “Ban đầu khi đề cập đến “suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống”, mỗi người đều nghĩ không hoặc chưa liên quan đến mình, nhưng quá trình kiểm điểm được tổ chức và đồng chí phân tích cặn kẽ thì ai cũng thấy mình trong đó để tự giác nhận khuyết điểm, từ đó cũng tự giác khắc phục”. 

Như vậy có thể khẳng định, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là sự “thức tỉnh” tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên nhận diện rõ và đúng hơn về mình. Và thực tế ở một số Đảng bộ cấp cơ sở, trên cơ sở, qua kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhiều đảng viên nhận diện được những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục, đồng thời cũng góp ý chỉ ra những khuyết điểm của đồng nghiệp, đồng chí mình để họ có kế hoạch tự sửa chữa. 

Tìm hiểu về việc “tự soi, tự sửa” ở một số chi bộ khối Văn phòng của các cơ quan đơn vị cấp tỉnh, huyện, chúng tôi được biết, trong các buổi sinh hoạt, trước tập thể, người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc nhìn nhận hạn chế, khuyết điểm của bản thân và làm rõ nguyên nhân chủ quan như: Chưa thật sự đổi mới phong cách làm việc; chưa tạo được bứt phá trong lãnh đạo thực hiện những định hướng lớn về phát triển kinh tế – xã hội; việc chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên một số mặt còn hạn chế… Có đồng chí tự nhận mình chưa kiên quyết trong xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, sự việc tồn đọng, vướng mắc kéo dài. Tinh thần gương mẫu tự phê bình của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của các cơ quan, đơn vị đã khơi dậy không khí dân chủ của buổi sinh hoạt. Các đảng viên mạnh dạn góp ý, “tự soi” và đưa ra những giải pháp để giúp nhau phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, yếu kém của mỗi người ngay sau cuộc họp.  

Bầu không khí dân chủ, nói thẳng nói thật không chỉ qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng mà còn tại các hội nghị, đợt sinh hoạt kiểm điểm “tự soi, tự sửa” cuối năm ở các chi bộ, Đảng bộ. Căn cứ 27 biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mỗi cán bộ, đảng viên liên hệ kiểm điểm bản thân và góp ý, phê bình đối với các đồng chí khác trong cuộc họp và đề ra kế hoạch cam kết khắc phục. Ông Bùi Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Khê thẳng thắn: “Dù đã nỗ lực nêu gương, tiên phong trong công tác nhưng không phải ai cũng nhìn nhận hết được hạn chế của bản thân, vì vậy trong các buổi sinh hoạt “tự soi, tự sửa” các ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên góp ý cho mình rất quý báu để bản thân rút kinh nghiệm và điều chỉnh phù hợp”. 

Ngoài cán bộ, đảng viên thẳng thắn “tự soi”, Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng bộ các cấp gợi ý kiểm điểm tập thể, cá nhân có những biểu hiện vi phạm, suy thoái. Trong 5  năm, đã có 406 tập thể, 431 lượt cá nhân được gợi ý kiểm điểm, trong đó cấp tỉnh 32 tập thể và 39 cá nhân, cấp huyện và tương đương 244 tập thể, 322 cá nhân; cấp cơ sở 130 tập thể, 39 cá nhân. Hàng năm, qua bình xét tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 90%; tỷ lệ cơ sở Đảng không hoàn thành nhiệm vụ dưới 1%; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân hàng năm đạt hơn 89%. 

 Cùng với đó, việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm của cán bộ, đảng viên, tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên có nhiều chuyển biến. Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, các cấp ủy Đảng đã tiến hành kiểm tra 4.344 tổ chức Đảng; 1.702 đảng viên; giám sát 1.540 tổ chức Đảng, 1.608 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra 134 tổ chức Đảng và 325 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giám sát chuyên đề đối với 1.274 tổ chức Đảng; đã thi hành kỷ luật 5 tổ chức Đảng và 1.607 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, nhắc nhở, uốn nắn, phòng ngừa sai phạm, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng; góp phần giữ vững kỷ cương và tăng cường kỷ luật của Đảng.

Công tác cán bộ được coi trọng, các khâu trong công tác cán bộ được chỉ đạo thực hiện đồng bộ, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định. Chất lượng đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp tiếp tục được nâng lên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Các cấp ủy Đảng đã quan tâm chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải quyết các kiến nghị của nhân dân; triển khai thực hiện quy định về trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong việc tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các đoàn thể nhân dân.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả thực hiện kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), cần phải nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, trước hết, phải quán triệt vai trò, trách nhiệm trong thực hiện Nghị quyết. Từng cấp ủy cần tập trung nhận diện, xác định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ để tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa”.

Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đòi hỏi cấp trên và người đứng đầu gương mẫu, tự giác để cấp dưới học tập, làm theo. Cần kết hợp kiểm điểm tự phê bình và phê bình với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm. Cấp ủy các cấp cần tập trung giao nhiệm vụ, đồng thời với kiểm tra, giám sát. Xem xét điều chuyển cán bộ nếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời kiên quyết xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên để xảy ra vi phạm. Quá trình kiểm điểm và đề ra giải pháp cần hướng mạnh vào mục tiêu nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách đảm nhiệm.