50+ mẫu Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em | Văn mẫu lớp 9 – PHÒNG GIÁO DỤC ĐÀO TẠO HUYỆN TRẠM TẤU

Tổng hợp 50+ mẫu Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em hay, chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh lớp 9
trên cả nước giúp học sinh lớp 9 có thêm tài liệu tham khảo từ đó biết cách viết Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em dễ dàng hơn.

Dàn ý Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em

1. Mở bài

   – Giới thiệu về cảnh đẹp quê hương: khu du lịch Tràng An

   – Đưa ra một vài nhận xét chung về cảnh đẹp đó: nơi hội tụ vẻ đẹp của sông núi, hang động; là một điểm du lịch hấp dẫn.

2. Thân bài

a, Giới thiệu về vị trí của cảnh đẹp

   – Tràng An nằm cách trung tâm thành phố Ninh Bình 7km về hướng Tây.

   – Cách di chuyển: gia đình em và các đoàn du lịch hay tới đây bằng xe ô tô, có nhiều cô chú, anh chị đi phượt bằng xe máy.

b, Những nét đặc sắc ở nơi đây

   – Về thiên nhiên:

   + Quần thể Tràng An – Tam Cốc rất rộng: hơn 6000 héc-ta.

   + Có hệ thống núi đá vôi lâu đời, khoảng 250 triệu năm, núi bao quanh hồ.

   + Có nhiều thung lũng, hồ, hang động: 31 hồ đầm, 48 hang động, trong đó có nhiều hang dài đẹp như Địa Linh, hang Mây… Bên trong hang, những nhũ đá vôi chảy xuống tạo thành nhiều hình thù đẹp mắt: hình con rùa, hình bầu sữa mẹ… Và còn rất nhiều hang khác với những tên gọi gắn liền với truyền thuyết như hang Nấu Rượu, hang Cơm…

   + Điểm đặc biệt: hệ thống hang động thông nhau, có thể đi tham quan Tràng An theo đường thủy thành một vòng khép kín.

   + Ngoài đầm hồ, còn có nhiều rừng ngập mặn, rừng núi đá vôi: có thể đi tham quan bằng đường bộ, leo núi.

   – Về con người: con người nơi đây thật thà, mến khách; những người chèo thuyền đưa khách đi tham quan chính là những hướng dẫn viên du lịch am hiểu lịch sử địa phương.

c, Giá trị văn hóa, lịch sử

   – Quá khứ: khi Đinh Bộ Lĩnh lập lên nhà Đinh, đóng đô ở Hoa Lư, Tràng An chính là Thành Nam của kinh đô, với núi rừng, ao hồ trùng điệp tạo thành lá chắn che chở cho kinh đô.

   – Hiện nay:

   + Được UNESCO công nhận là di sản thế giới: niềm tự hào của đất nước.

   + Là nơi bảo tồn thiên nhiên; là một trong những nơi phật giáo phát triển (chùa Bái Đính), được chọn làm nơi diễn ra nhiều lễ hội Phật pháp của quốc gia và khu vực.

   + Là một trong các địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách du lịch, giúp phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa quê hương.

3. Kết bài

   – Nêu cảm nghĩ: rất vui, tự hào về cảnh đẹp của Tràng An; thêm yêu mến quê hương đất nước; sẽ nỗ lực gìn giữ và đưa hình ảnh Tràng An ra giới thiệu với nhiều bạn bè trong nước và quốc tế.

Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em – mẫu 1

“Làng quan họ quê tôiTháng giêng múa hát hộiNhững đêm trăng hát gọiCon sông Cầu làng bao xanhNgang lưng làng quan họ xanh xanh”

Chỉ bằng ngần ấy câu ca thôi đã hiện lên trong ta bao nhiêu cảm xúc xốn xang về một lễ hội truyền thống được rất nhiều người dân chờ đón – Hội Lim. Nơi mà những câu ca quan họ đã ăn sâu thấm nhuần vào từng mạch máu thớ thịt của người dân Kinh Bắc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Nhắc đến vùng Kinh Bắc là nhắc đến một mảnh đất đã in đậm những dấu ấn đặc sắc của văn hóa và lịch sử dân tộc. Mỗi bước đi trên mảnh đất này, mỗi công trình kiến trúc đều in đậm dấu ấn của thời gian, của những thăng trầm mà dân tộc ta đã trải qua. Và Hội Lim chính là một dấu ấn khó phai ở đó.

Hội Lim là một lễ hội truyền thống thường được tổ chức thường niên mỗi năm vào ngày 13 tháng giêng âm lịch tại huyện Tiên Du. Đây được coi là một trong những đặc trưng văn hóa của vùng Kinh Bắc. Dù cho thời gian chuyển động không ngừng thì những giá trị đó vẫn không hề bị mai một và mất đi. Đến ngày nay Hội Lim không chỉ còn là một đặc trưng văn hóa trong vùng nữa mà nó đã vượt lên trên cả không gian trở thành một điểm dừng chân lí tưởng cho du khách buổi đầu năm.

Theo như truyền thuyết kể lại rằng lễ hội Lim được bắt nguồn từ hội chùa liên quan đến tiếng hát của chàng Trương ở làng quê vùng Lim. Giả thuyết này căn cứ dựa trên chuyện tình Trương Chi – Mỵ Nương và tính chất của Hội Lim cũng nghiêng về lễ hôi sinh hoạt văn hóa và hát quan họ.

Nói về tuổi thọ thì có lẽ hội Lim có lịch sử vô cùng lâu đời và phát triển từ quy mô hội hàng tổng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp hội Lim tạm ngưng hoạt động phải đến sau đổi mới nó mới bắt đầu quay trở lại với đời sống tinh thần người dân trong vùng.

Ngoài ra, hội Lim còn có một ý nghĩa đó là thể hiện sự kính trọng tưởng nhớ đến ông Hiếu Trung Hầu người sáng lập ra những làn quan họ ngọt ngào. Hội Lim diễn ra ở 3 xã chủ yếu là Nội Duệ, Liên Bảo và thị trấn Lim. Thời gian diễn ra lễ hội thường là 3- 4 ngày trong đó ngày 13 âm lịch là lễ chính bao gồm có nhiều hoạt động nhất như thi nấu cơm, hát quan họ, đấu vật….

Hội Lim mở đầu là màn rước kiệu với rất nhiều các thành viên mặc trang phục cổ trang, sau đó các liền anh liền chị sẽ đứng quanh lăng hát đối với nhau. Hội Quan họ được xem là phần hấp dẫn nhất của lễ hội Lim các liền anh liền chị sẽ ngồi trên thuyền thúng giữa ao sau đó hát đối những câu hát ngọt ngào. Đây cũng là dịp các bạn trẻ nam thanh nữ tú tụ họp để tìm ý trung nhân cho mình.

Hội Lim đã làm say lòng biết bao nhiêu du khách thập phương. Bằng những câu hát trao duyên ngọt ngào, trữ tình, những cử chỉ dịu dàng e ấp của các liền anh liền chị…. Nó không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống mà hơn thế còn thể hiện truyền thống yêu nước nhớ nguồn đáng quý của dân tộc.

Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em – mẫu 2

Đất nước Việt Nam của chúng ta không thiếu những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử khiến thế giới phải trầm trồ, ngưỡng mộ. Nếu như các bạn có dịp đến thăm Nam Định, mời bạn đến thăm thị trấn Cổ lễ huyện Trực Ninh. Và tôi sẽ dẫn bạn đến với chùa Cổ Lễ.

Chùa Cổ Lễ là một di tích lịch sử, nằm trên địa phận thị trấn Cổ Lễ- huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Từ trung tâm thành phố, qua cầu đò quan, xuôi theo quốc lộ 21, xuống phía Nam tới km số 16, ta sẽ bắt gặp ngôi chùa nằm ở phía Tây của thị trấn. Chùa Cổ Lễ hiệu là Thần Quang Tự là công trình kiến trúc Phật giáo được xây dựng từ thế kỉ XII dưới thời vua Lý Thần Tôn, là nơi thờ Phật và đức thánh tổ Nguyễn Minh Không.

Đức thánh tổ năm 29 tuổi đã xuất gia và là một y sư nổi tiếng đã cứu chữa cho vua Lý Thần Tôn khỏi bệnh nan y và được nhà vua phong làm Lý triều Quốc sư. Trước đây chùa được xây bằng gỗ theo lối kiến trúc cổ nhưng trải qua thời gian mưa, nắng, mối, mọt ngôi chùa cổ xưa đã xuống cấp nghiêm trọng.

Năm 1902, đệ nhất tổ sư Phạm Quang Tuyên trụ trì chùa đã trùng tu thiết kế lại ngôi chùa theo kiến trúc mới “ Nhất thốc lâu đài” với quy mô được mở rộng. Sau này, chùa cũng được tu sửa nhiều lần với các vật liệu xây dựng nhữ gạch, vôi, vữa, mật mía, giấy bản tạo lên độ vững cho kiến trúc ngôi chùa.

Nhìn từ xa, toàn bộ khuôn viên của chùa được bao bọc bởi những lớp cây cổ thụ rậm rạp. Bước vào cổng chùa hướng tay trái ta bắt gặp tòa “ Cửu phẩm liên hoa” được xây dựng từ năm 1926- 1927 thì hoàn thành tượng cho chín tầng hoa sen đang xòe nở. Tầng đổ tháp có 8 mặt đặt trên lưng một con rùa lớn hướng vào mặt chùa. Lòng tháp là một trụ lớn gồm 98 bậc cầu thang xoắn ốc lên tới đỉnh. Tương truyền tín đồ phật tử hay khách hành hương khi lên đến đỉnh tháp sờ vào tượng Phật thì sẽ gặp may mắn.

Từ đỉnh tháp du khách có thể phóng tầm mắt, quan sát và ngắm nhìn mọi vẻ đẹp của vùng quê. Chùa chính cao 29m, một chiều cao hiếm thấy ở các ngôi chùa cổ Việt Nam, được cấu tạo theo thế cửu trùng-gồm chín tòa khác nhau, nhiều tòa ngang dãy dọc liên kết thành một khối.

Nhìn chung, nét nổi bật ở đây là kiểu uốn khung, cuốn vòm dáng dấp hoa sen cách điệu được xây dựng bằng vật liệu là vôi, cát và mật. Tường trước cửa chùa có sáu cột lục lăng rỗng, ba mặt trước cột có trổ ô hình chữ nhật, gắn kính màu mỗi khi thắp đèn sáng bên trong hiện lên các màu xanh đỏ tìm vàng huyền ảo như màu cớ nước Phật. Vào trong chùa, trước khi ngắm những vòm tròn mái cong, trên trần trang trí họa tiết màu sắc rực rỡ như những tấm thảm kiểu Ba Tư, ta thấy ngay trên thượng điện có tượng Phật Thích Ca rất lớn.

Hàng năm hội chùa diễn ra từ ngày 10- 16/9 âm lịch trong lễ hội thường có nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, lễ dâng dương, những trò chơi dân gian như đua thuyền, cờ người,..Chùa đã được bộ văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, là trụ sở Phật giáo huyện Trực Ninh và là cơ sở trường hạ của hội Phật giáo tỉnh Nam Định.

Chùa mang giá trị tâm linh to lớn, đây là nơi giúp ta rũ bỏ hết mọi buồn phiền trong cuộc sống, là nơi mọi người có thể đến để cầu chúc bình an và may mắn cho gia đình và bản thân. Chùa cũng thể hiện giá trị tín ngưỡng sâu sắc, đây cũng là nơi để nhân dân tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến nhiều tăng ni Phật tử, những trụ trì của chùa đã hi sinh vì đất nước.

Chùa Cổ Lễ là một trong những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng, là một người con quê hương Nam Định, ta tự hào nhưng ta cũng cần phải có trách nhiệm bảo vệ tôn tạo để di tích trường tồn với thời gian. Hãy bắt đầu với những việc làm nhỏ nhất như khong vứt rác bừa bãi, không bẻ cành cây trong khuôn viên vườn chùa, không ném đất xuống hồ, ao trong chùa,..

Chùa Cổ Lễ là mảnh đất thiêng, có bề dày lịch sử văn hóa, cách mạng, một bảo tàng sống động về chữ “Đạo” hòa với chữ “Đời”. Những nét kiến trúc bề ngoài cũng đã cho thấy sự tiếp thu một cách sáng tạo tinh hoa nghệ thuật kiến trúc nhân loại, mang lại sự mới lạ, tinh tế cho cảnh quan và các hạng mục công trình trong chùa. Dù đi đâu ra thì em vẫn luôn tự hào về danh lam thắng cảnh này.

Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em – mẫu 3

Không những là thủ đô của đất nước, Hà Nội là địa danh lịch sử, văn hóa, chính trị quan trọng nhất trong lịch sử nhất ta. Trải qua mấy ngàn năm hình thành, tồn tại và phát triển, thủ đô Hà Nội trở thành trái tim của đất nước, là niềm tự hào lớn lao của con người Việt Nam.

Thủ đô Hà Nội ngày nay hình thành trong lịch sử dân tộc Việt Nam chính thức vào năm 1010 (mùa thu tháng 7 năm Canh Tuất) với tên gọi đầu tiên là Thăng Long. Trước đó có tên là Đại La. Nhờ vị trí đắc địa, vùng đất rộng lớn, bằng phẳng và trù phú ấy đã sớm trở thành trung tâm văn hoá và giao thương của Đại Việt.

Sau khi dẹp tan quân giặc, vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời dô từ Hoa Lư về thành Đại La để định kế phát triển đất nước. Khi đoàn thuyền của nhà vua vừa cập bến sông Nhị (sông Hồng) có rồng vàng hiện ra, thấy điềm lành, vua Lý cho đổi tên Đại La thành Thăng Long (Rồng bay lên). Thăng Long bắt đầu mang tên Hà Nội từ năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng. Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương và được người Pháp xây dựng, quy hoạch lại.

Thủ đô Hà Nội thuộc đồng bằng sông Hồng, được sông Hồng và các phụ lưu bồi đắp tạo nên, do đó Hà Nội gắn bó với sông Hồng mật thiết như con với mẹ. Xưa kia người ta đã gọi sông Hồng là sông Cái – sông Mẹ. Tên gọi Hà Nội có ý nghĩa là vùng đất bên trong sông.

Phía bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên, phía tây giáp tỉnh Vĩnh Phúc, phía đông giáp tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, phía nam giáp tỉnh Hoà Bình. Hà Nội nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng Bắc Bộ trù phú và nổi tiếng từ lâu đời. Vị trí và địa thế đẹp, thuận lợi để trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.

Bất cứ ai đã và đang sống ở Hà Nội, khi đi xa sẽ còn nhớ mãi hương thầm da diết của mùi thơm hoa sữa, cái se se lạnh khi mỗi độ thu về hay tiếng ve kêu râm ran mỗi buổi trưa hè, chút lãng đãng Tây Hồ và sắc hồng mộng mơ của hoa đào Nhật Tân,… Vì thế mà, từ xa xưa, Hà Nội đã đi vào thơ ca với nhiều hình ảnh, giai điệu ngọt ngào làm say đắm lòng người, gửi gắm nỗi nhớ da diết của những người xa quê hương, nuôi tiếc của người lữ khách.

Hà Nội là nơi có hệ thống các địa danh văn hóa, di tích lịch sử, thắng cảnh nhiều bậc nhất nước ta. Chùa Một Cột là di tích lâu đời của Hà Nội, tên chữ là chùa Diên Hựu, có nghĩa là phúc lành dài lâu. Chùa ở phía tây thành phố, xây dựng năm 1049 thời vua Lý Thái Tông. Nay Chùa Một Cột được quy hoạch vào quần thể lăng Hồ Chủ Tịch.

Với vẻ đẹp dịu dàng, trầm lắng, nét văn hoá khôi nguyên, hiền hoà, Hà Nội trở thành một niềm cảm hứng sáng tác của biết bao nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ. Biết bao tác phẩm văn học viết về Hà Nội đã ra đời ca ngợi vẻ đẹp thủ đô, ca ngợi hình ảnh của một Hà Nội với khí thế hào hùng và mạnh mẽ trong vị thế thủ đô trong cuộc đấu tranh vệ quốc, ca ngợi vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa của thiên nhiên, cảnh vật, con người, truyền thống lịch sử và nét thanh lịch độc đáo của Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội thường được xem như nơi tập trung những tinh hoa văn hóa của miền Bắc và cả Việt Nam. Trong hàng ngàn năm, vị trí kinh đô khiến thành phố này trở thành nơi quy tụ của những nhân vật ưu tú, những thương nhân, những nghệ nhân, những thợ thủ công lành nghề. Những danh nhân, nhân vật của Việt Nam phần đông xuất thân từ những vùng đất khác, nhưng kinh đô Thăng Long thường là nơi họ xây dựng nên sự nghiệp.

Bên cạnh một Hà Nội cổ kính là một Hà Nội hiện đại với những tòa nhà cao tầng, mang kiến trúc mới mẻ, hoành tráng, khẳng định thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hoá chính trị của cả nước ta. Trong những năm qua, nền kinh tế thủ đô Hà Nội cùng cả nước đã đạt được nhiều chuyến biến tích cực.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, gắn với vận mệnh của đất nước và dân tộc, Thăng Long – Hà Nội luôn là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị và truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam. Trên nền tảng truyền thống quý báu ấy, ngày 16-7-1999, Hà Nội được Tổ chức Khoa học, Văn hóa và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.

Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em – mẫu 4

Với những ai đã từng đến thăm mảnh đất Hải Dương, không thể không biết đến di tích lịch sử Côn Sơn Kiếp Bạc, đây được coi là một trong số các di tích đặc biệt cấp quốc gia gắn liền với những sự kiện lịch sử đầy oai hùng của dân tộc Việt Nam ta.

Quần thể di tích Côn Sơn Kiếp Bạc tọa lạc tại xã Cộng Hòa, Chí Linh, tỉnh Hải Dương, gắn liền với các chiến công đánh thắng quân Nguyên Mông của dân tộc vào thế kỉ XIII, cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh xâm lược ở thế kỉ XV đồng thời gắn với các vị anh hùng dân tộc, danh nhân lớn như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo.

Đến với quần thể Côn Sơn Kiếp Bạc, ta không chỉ được thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp nơi đây mà còn được tìm hiểu những kiến thức văn hóa lịch sử vô cùng hữu ích về chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc và các đền thờ (đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Hãn).

Trước tiên, cùng ghé thăm chùa Côn Sơn hay còn gọi là Thiên Tư Phúc Tự (chùa được trời ban phước lành), hoặc chùa Hun – gắn với sự kiện quân dân ta hun gỗ làm than, hỏa công hun giặc khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân (thế kỉ X). Ngôi chùa được xây dựng từ thời Đinh năm 1329 và được mở rộng hơn về quy mô dưới thời nhà Trần.

Chùa nằm ẩn mình dưới những vòm cổ thụ xanh rì bên chân núi Côn Sơn với lối kiến trúc độc đáo hình chữ công. Cấu trúc chùa bao gồm Thượng điện, Tiền đường, Thiêu lương, nhà Tổ. Nơi đây không chỉ thờ Phật mà còn thờ các vị Tổ có công tu tạo chùa như vua Trần Nhân Tông, thiền sư Huyền Quang, thiền sư Pháp Loa và là nơi gìn giữ rất nhiều cổ vật giá trị.

Tiếp đến là đền Kiếp Bạc, nằm giữa hai thôn nên tên đền là sự ghép tên của làng Kiếp (Vạn Yên) và làng Bạc (Dược Sơn) , thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh. Vị trí của đền một bên nằm gần Lục Đầu Giang, chính là nơi tụ hội của 6 con sông: Sông Cầu, Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy và sông Thái Bình; một bên được bao bọc bởi Đền cách thủ đô Hà Nội khoảng 80 cây số và khoảng 5 cây so với chùa Côn Sơn.

Lịch sử ra đời của đền Kiếp Bạc gắn với sự kiện Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn nơi đây làm nơi huấn luyện quân binh, cất giấu vũ khí, lương thực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Sau khi giành thắng lợi giòn giã, đến thế kỉ XIV, để tưởng nhớ công ơn của vị tướng kiệt xuất này, nhân dân đã xây dựng đền thờ Kiếp Bạc. Tại nơi đây, bước qua cánh cổng lớn, du khách sẽ nhìn thấy Giếng Ngọc mắt rồng, men theo con đường lát đá sạch sẽ là nơi để kiệu và một án thờ.

Đền Kiếp Bạc gồm tòa điện bên ngoài thờ Phạm Ngũ Lão, tòa tiếp thờ Trần Hưng Đạo và trong cùng là thờ công chúa Thiên Thành (vợ ông) cùng Nhị vị Vương cô (hai con gái). Ngoài những bức tượng đồng, trong điện còn trưng bày bài vị thờ các con trai Hưng Đạo Vương và hai tướng Yết Kiêu, Dã Tượng. Đền mở hội vào đúng ngày mất của Trần Hưng Đạo (20/8 Âm lịch hằng năm) với phần lễ và phần hội trang nghiêm nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của ông.

Ngoài chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc, du khách đến với quần thể di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc còn được tham quan đền thờ Nguyễn Trãi – danh nhân văn hóa thế giới, được xây dựng trên khu đất rộng gần 10 nghìn mét vuông, tọa lạc tại chân núi Ngũ Nhạc và đền thờ Trần Nguyên Hãn – đại công thần nhà Lê, cũng là em con cậu ruột của Nguyễn Trãi với kiến trúc độc đáo, hòa hợp với thiên nhiên, đất trời.

Nếu có dịp, bạn hãy một lần tới thăm Côn Sơn, Kiếp Bạc để tận hưởng vẻ đẹp của cảnh sắc nơi đây, để cùng hòa mình vào thiên nhiên như năm xưa Nguyễn Trãi đã từng miêu tả trong những vần thơ trữ tình đặc sắc:

“Côn Sơn suối chảy rì rầmTa nghe như tiếng đàn cầm bên taiCôn Sơn có đá rêu phơiTa ngồi trên đá như ngồi đệm êmTrong rừng có bóng trúc râmDưới màu xanh mát, ta ngâm thơ nhàn…”

Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em – mẫu 5

   Lũng Vân ở độ cao 1200m thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, được mệnh danh là “nóc nhà” của xứ Mường Bi.

   Từ bao đời nay, Lũng Vân được gọi là “Thung Mây”. Hầu như bốn mùa mây phủ; đỉnh núi, lưng đèo, con suối, bản làng, mái nhà sàn đều quyện trong mây. Các cô gái Mường xinh đẹp trong bộ váy áo dân tộc như gắn mây xuống núi đi chợ.

   Đường lên Lũng Vân nhìn từ xa, từ trên cao giống như những sợi chỉ hồng mỏng manh vắt qua các con đèo, các dãy núi. Sớm sớm chiều chiều, mây trắng như mơ màng, huyền ảo.

   Lũng Vân đẹp nhất từ sau Tết đến tháng Tư âm lịch hàng năm, đó là thời gian có nhiều mây bao phủ nhất. Mây bắt đầu từ chiều tối và đến sáng sớm hôm sau thì tan dần, đến giữa trưa thì trời quang hẳn. Đó cũng là lúc ăn xôi nếp Mai Châu với thịt lợn nướng Mường Khến là thơm ngon nhất, du khách sẽ nhớ đời. Ai còn nhớ câu thơ của Quang Dũng viết năm 1948, trong bài “Tây tiến”: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” …

   Lũng Vân không chỉ là xứ sở của mây mà còn hấp dẫn du khách bởi những ruộng bậc thang trập trùng lớp lớp uốn lượn. Ruộng bậc thang của người Mường Bi không giống ruộng bậc thang của người Mông ở Lào Cai, Hà Giang … . Ruộng bậc thang của người Mông “leo” tít từ ngọn núi này qua ngọn núi khác, trái lại, ruộng bậc thang của đồng bào Mường thường uốn quanh các chân đôi, các thung lũng gần nguồn nước. Vào tháng sáu hoặc tháng mười, lúc chín làm cho Lũng Vân bao la một màu vàng tươi, tỏa hương thơm khắp suối đèo, làng bản. Tiếng cồng từ các bản mường lại rung lên khắp Thung Mây. Hàng đàn chim trời hót ríu rít khắp các lưng đèo như reo mừng mùa lúa mới.

   Mùa gặt ở Lũng Vân nhộn nhịp, đông vui như ngày hội. Các thiếu nữ Mường xinh đẹp thêm. Con suối cũng trong veo hơn. Trẻ em đến trường lại được bố mẹ mua cho quần áo mới.

Xem thêm các bài Văn mẫu phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 9 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:

Các loạt bài lớp 9 khác

Bạn thấy bài viết 50+ mẫu Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em | Văn mẫu lớp 9 có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về 50+ mẫu Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em | Văn mẫu lớp 9 bên dưới để pgddttramtau.edu.vn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: pgddttramtau.edu.vn của PHÒNG GIÁO DỤC ĐÀO TẠO HUYỆN TRẠM TẤU

Nhớ để nguồn bài viết này: 50+ mẫu Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em | Văn mẫu lớp 9 của website pgddttramtau.edu.vn

Chuyên mục: Văn học