15 câu hỏi thường gặp về bệnh cao huyết áp

1. Hai thông số hiển thị trên huyết áp là gì?

– Số trên (huyết áp tâm thu): Là chỉ số huyết áp cao nhất khi tim co bóp

– Số dưới (huyết áp tâm trương): Là chỉ số huyết áp thấp nhất khi tim nghỉ ngơi.

2. Huyết áp như thế nào là bình thường?

– Huyết áp bình thường: dưới 120/80 mmHg

– Tiền cao huyết áp: 120-139 / 80-89 mmHg

– Tăng huyết áp: lớn hơn 140/90 mmHg

3. Nguyên nhân chính gây cao huyết áp?

Những yếu tố của lối sống như hút thuốc lá, stress… có thể góp phần gây ra cao huyết áp nhưng với hầu hết mọi người thì cao huyết áp không rõ nguyên nhân. Một số yếu tố góp phần gây tăng huyết áp lại không thể kiểm soát được như tuổi tác, chủng tộc, tiền sử gia đình nhưng có thể kiểm soát được nhiều yếu tố nguy cơ khác như béo phì, sử dụng thuốc lá và rượu, ăn mặn hay ít vận động.

4. Đang khoẻ mạnh thì không cần quan tâm đến huyết áp?

Cao huyết áp có đặc tính là không gây ra dấu hiệu hay triệu chứng gì. Nếu chỉ căn cứ vào cảm giác khoẻ mạnh để coi là mình có huyết áp bình thường là không đủ. Cách duy nhất để biết có cao huyết áp hay không là kiểm tra huyết áp. Nhiều nước công nghiệp tỷ lệ cao huyết áp chiếm đến gần một phần ba dân số, ở Mỹ ít nhất có 65 triệu người bị cao huyết áp.

5. Có phải chỉ những người cao tuổi mới lo bị cao huyết áp?

Mặc dù người có tuổi có nguy cơ bị cao huyết áp lớn hơn nhưng họ không phải là đối tượng duy nhất; cả trẻ em cũng có thể bị cao huyết áp. Đừng cho rằng còn trẻ thì không cần quan tâm kiểm tra định kỳ huyết áp hay cần phải thay đổi lối sống như bỏ hút thuốc lá hay duy trì cân nặng lành mạnh. Bất cứ ai cũng có thể bị cao huyết áp.

6. Không điều trị huyết áp cao có sao không?

Huyết áp cao khiến thành động mạch phải chịu áp lực quá tải, nhiều cơ quan quan trọng bị tổn thương. Huyết áp càng để lâu thì tổn thương càng lớn, biến chứng càng nghiêm trọng, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Nên thường xuyên đo và kiểm soát huyết áp của mình bởi huyết áp là nguyên nhân chính gây suy thận, bệnh mạch vành, suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, …

7. Môn thể thao nào phù hợp cho người huyết áp cao?

Người mắc bệnh huyết áp cao nên tập thể dục 30 phút/ngày và tập đều đặn trong tuần. Môn thể thao phù hợp nhất cho người bệnh huyết áp cao là đi bộ nhẹ nhàng; ngoài ra người bệnh huyết áp cũng có thể tập các môn như: chạy chậm, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ, tập thiền, yoga, …. Vận động cơ thể thường xuyên, đều đặn sẽ giúp khí huyết lưu thông, huyết áp ổn định. Người huyết áp cao không nên tập các môn thể thao nặng và tốn sức như: cử tạ, leo núi, bóng đá, quyền anh, tennis, … sẽ gây tốn sức và tăng gánh nặng cho tim.

8. Có thể ngưng thuốc khi có tác dụng phụ hoặc huyết áp đã ổn định?

Huyết áp cao là bệnh có diễn biến âm thầm, ít có biểu hiện lâm sàng, do vậy nhiều người bệnh chủ quan theo dõi và điều trị đến khi xảy ra những biến chứng nặng nề thì đã muộn và lúc đó họ mới thấy vai trò vô cùng quan trọng của việc điều trị đúng và đủ.

Nguyên tắc điều trị quan trọng là điều trị lâu dài. Đa số người bệnh đều cảm thấy e ngại trước các tác dụng phụ của thuốc khi dùng lâu dài hoặc cảm thấy dùng thuốc hàng ngày là một việc phiền phức. Nhưng nếu ngưng sử dụng thuốc thì bệnh tăng huyết áp nhất định sẽ tái phát trở lại. Tuy nhiên bạn có thể chuyển từ sử dụng thuốc tây sang sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên. Tuy nhiên tác dụng đến từ thảo dược sẽ từ từ nên bạn không được phép dừng thuốc tân dược mà nên tham khảo ý kiến của chuyên gia.

9. Nếu không ăn mặn thì không lo bị cao huyết áp?

Ăn ít muối là một phần quan trọng để kiểm soát huyết áp. Mỗi người cần ăn dưới 2.4 gam muối/ngày, tương đương với một thìa cà phê. Lượng muối như vậy là cho cả ngày, không phải là lượng ăn thêm trong bữa ăn. Đồ hộp dùng cho bữa ăn và các thực phẩm chế biến khác thường có nhiều muối. Cho nên nếu đọc nhãn thực phẩm để biết lượng muối, bạn sẽ ngạc nhiên là mình đã ăn quá quy định.

10. Cao huyết áp chỉ xảy ra ở những người luôn phải sống căng thẳng và có nhiều stress?

Ai cũng có thể bị cao huyết áp dù tính cách như thế nào. Nếu bạn có cuộc sống luôn phải tranh chấp, căng thẳng và lo lắng thì không nhất thiết là bạn sẽ bị cao huyết áp. Ngược lại, dù bạn luôn sống vô tư trầm tĩnh, ung dung tự tại thì cũng không phải sẽ đưọc miễn dịch với bệnh.

Kiểm soát stress vẫn là một yếu tố quan trọng vì những hoàn cảnh có nhiều stress có thể làm tăng huyết áp tạm thời; theo thời gian những stress liên tục xảy ra hay đi kèm với tăng huyết áp sẽ gây tổn thương các động mạch, cho tim, não, thận và mắt.

11. Nếu là người trưởng thành và không có tiền sử cao huyết áp, định kỳ bao lâu cần được kiểm tra huyết áp?

Nếu huyết áp bình thường, dưới 120/80 mmHg thì cần được kiểm tra huyết áp ít nhất 2 năm 1 lần hoặc nên đi khám sức khỏe định kỳ. Nếu có tiền sử cao huyết áp hay nếu có bệnh nào đó như tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận thì cần được kiểm tra thường xuyên hơn.

12. Nếu huyết áp luôn tốt khi đo ở nhà nhưng lại luôn cao khi đo tại phòng khám hay bệnh viện thì có đáng lo không?

Có thể do hội chứng áo choàng trắng tức tăng huyết áp tạm thời mỗi khi gặp bác sĩ với tâm trạng lo lắng. Bác sĩ sẽ giúp xác định đó là cao huyết áp chỉ xảy ra khi đi khám bệnh hay có bệnh cao huyết áp thực sự. Tuy huyết áp vẫn bình thường khi đo ở nhà nhưng vẫn nên kiểm tra thường xuyên hơn và vẫn nên theo chế độ kiểm soát huyết áp như thay đổi chế độ ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, thực hành vận động và giảm stress.

13. Huyết áp cao có di truyền không?

Nếu gia định bạn có người bị cao huyết áp thì con cái sinh ra sẽ có tỉ lệ cao huyết áp cao gấp 4-5 lần so với những đứa trẻ sinh ra trong gia đình không bị bệnh cao huyết áp. Tuy nhiên, bệnh cao huyết áp vẫn có thể kiểm soát được bằng chế độ ăn uống hợp lý, tuyệt đối không nên ăn quá mặn, ăn nhiều trái cây, hoa quả, rau xanh, uống nhiều nước trên 2 lít nước mỗi ngày. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, hít thở, yoga, đi bộ, thiền… tập thường xuyên đều đặn. Bên cạnh đó cần phải điều chỉnh cảm xúc để tránh cang thẳng, stress….

14. Muốn giảm huyết áp, loại chế độ ăn nào tốt nhất?

Loại chế độ ăn có nhiều rau quả cũng như những sản phẩm sữa ít mỡ có thể giúp giảm huyết áp nhưng phải thực hành chế độ ăn này trong 2 tuần mới có tác dụng. Người ta nghiên cứu một chế độ ăn gọi là DASH gồm thức ăn ít mỡ và cholesterol; sản phẩm làm từ hạt toàn phần, cá, gia cầm và giảm thịt có màu đỏ, kẹo và đồ uống ngọt.

15. Để giảm huyết áp, cần vận động thân thể ít nhất một giờ mỗi ngày?

Ít nhất 30 phút tập thể dục vừa phải hàng ngày hay 5 ngày mỗi tuần có thể giúp phòng hoặc kiểm soát cao huyết áp. Nếu quá bận thì chia làm nhiều lần mỗi lần 10 phút. Hoặc để ô tô xa cơ quan; xuống xe buýt trước vài bến đỗ để đi bộ; nửa giờ lau rửa xe, lao động ở vườn nhà…cũng có ích.

Nguồn: Tổng hợp