11 thương hiệu thời trang giá trị nhất thế giới 2018 và 2019 – MaddixDesign

11 thương hiệu thời trang giá trị nhất thế giới 2018 và 2019

Trong hai năm 2018 và 2019, theo thống kê của Interbrand, chỉ có 11 thương hiệu thời trang góp mặt trong danh sách TOP 100 thương hiệu có giá trị lớn nhất toàn cầu bao gồm 2 thương hiệu thời trang thể thao, 2 thương hiệu thời trang nhanh, còn lại những cái tên xa xỉ quen thuộc mà chúng ta không lấy làm lạ. Các thương hiệu đến từ Pháp chiếm gần 1/3 trong danh sách này, trong đó dẫn đầu là thương hiệu thời trang thể thao Nike xếp hạng thứ 16 (năm 2019) trong TOP 100, bỏ xa Adidas (vị trí 45/100 năm 2019). Theo sau lần lượt là Louis Vutton và Chanel. Thứ tự trước sau của 11 thương hiệu thời trang dường như không thay đổi, chỉ có Hermès từ vị trí đứng sau 2 ông lớn thời trang nhanh Zara và H&M (năm 2018) vươn lên TOP 4 danh giá năm 2019 (lần lượt Nike – Louis Vuitton – Chanel – Hermès). Năm 2019, giá trị của các thương hiệu thời trang tăng từ 4% (Burberry) đến cao nhất là 23% (Gucci), chỉ có mặt hàng thời trang nhanh Zara và H&M giảm 3% so với năm 2018, bên cạnh đó là Prada giảm 1%.

11 thương hiệu thời trang giá trị nhất thế giới 2018 và 2019

Ông lớn ngành thời trang Louis Vuitton có giá trị tăng đến 4 tỷ đô la so với năm 2018, trong đó Gucci (vị trí 33/100) thấp hơn Chanel (vị trí 22/100) năm 2019 nhưng có giá trị tăng đến 3 tỷ đô. Trong hai năm 2018 và 2019, chưa thấy thêm một thương hiệu thời trang nào mới thuộc TOP 100 này, đây quả là một ngành cạnh tranh khốc liệt khi thị trường ngày một khó khăn và luôn thay đổi không ngừng. Để đứng vững, những thương hiệu xa xỉ thường chọn cách về chung đội với các tập đoàn lớn như LVMH, Kering, Richemont, Labelux hay OTB. Điển hình Louis Vuitton và Dior sở hửu bởi tập đoàn LVMH, Gucci gia nhập Kering từ năm 1999, chỉ có Chanel và Hermès là một trong số ít thương hiệu cố đứng độc lập trên thương trường. Không dễ dàng gì tự thân đi tìm các nguồn cung, thị trường đầu ra và chi trả cho các chiến lược marketing đắt đỏ, sẽ an toàn hơn khi được bao bọc bởi các tập đoàn lớn trước những khủng hoảng nằm ngoài dự tính và một nền kinh tế biến động như sóng thần. 

Trước đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp và ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, ngành thời trang được cho là đang đối diện với “ngày tàn” sắp tới. Tuy nhiên, các thương hiệu xa xỉ này đã và đang nắm tay nhau vượt qua khủng hoảng bằng nhiều cách như kêu gọi gây quỹ vực dậy ngành thời trang thông qua chiến dịch A COMMON THREAD, đóng góp hàng tỷ đô cho bệnh viện và các viện nghiên cứu, cho nhân viên nghỉ có lương, sản xuất nước rửa tay và khẩu trang. Mặc dù doanh thu bị sụt giảm nhưng giá trị thương hiệu có thể tăng thông qua những hoạt động mạng tính thực tế, ý nghĩa như trên hay đơn giản là thông điệp xoa dịu nỗi đau và tuyên truyền những suy nghĩ tích cực đến cộng đồng.

Research source: Interbrand 2019 & Interbrand 2018