10 thất bại phòng vé nặng nề nhất lịch sử hãng phim Disney

Walt Disney Corporation là một trong những ông lớn truyền thông hàng đầu thế giới. Với nhiều công ty sản xuất dưới trướng, bao gồm Touchstone Pictures, Walt Disney Animation Studios, và Walt Disney Pictures, tập đoàn này đã tung ra hàng trăm bộ phim thuộc đủ thể loại, từ live-action, hoạt hình, và kết hợp của cả hai. 

Phần nhiều trong số những bộ phim đó đã được ghi danh vào lịch sử điện ảnh nhờ chất lượng tuyệt đỉnh, cũng như mang trong mình những đột phá so với các tác phẩm đi trước.

Tuy nhiên, đột phá không phải luôn mang lại kết quả tích cực. Disney hiển nhiên có không ít bộ phim thảm họa phòng vé, và một vài trong số đó thậm chí được xếp vào nhóm những bom xịt lớn nhất từng được sản xuất!

The Black Cauldron (Vạc dầu đen, 1985)

10 thất bại phòng vé nặng nề nhất lịch sử hãng phim Disney 

Taran là cậu nhóc được giao nhiệm vụ chăm sóc một chú lợn có khả năng nhìn thấy tương lai, nhưng luôn mơ trở thành một kỵ sĩ. Do bất cẩn, chú lợn bị lũ tay sai của Vua Horned hắc ám, kẻ đang săn tìm vạc dầu đen để triệu hồi đội quân undead. Cùng một sinh vật lông lá đam mê ăn táo, một công chúa đang chạy trốn hoàng tộc, và một nhạc sĩ già, Taran dấn thân vào cuộc đua nhằm tìm được vạc dầu trước khi nó lọt vào tay kẻ ác.

Disney kỳ vọng bộ phim này sẽ giúp họ thoát khỏi thời kỳ đen tối, do đó công ty quyết định đổ cả núi tiền và áp dụng những kỹ thuật làm phim tiên tiến, hơn hẳn các bộ phim trước đây của họ. Không may là, bộ phim này vướng vào một drama đầy rắc rối sau hậu trường do độ đen tối của nó, dẫn đến việc bị cắt bỏ đến 12 phút trong bản chiếu rạp. Khán giả không hài lòng với điều này, và kết quả là Vạc dầu đen bị một bộ phim hoạt hình khác là Care Bears Movie (Gấu trái tim) đánh bại về doanh thu phòng vé.

The 13th Warrior (Chiến binh thứ 13, 1999)

10 thất bại phòng vé nặng nề nhất lịch sử hãng phim Disney 

Một sứ thần Ả-rập do Antonio Banderas thủ vai gặp gỡ một nhóm lính Scandinavi, rồi được chọn tham gia nhóm 13 chiến binh tiến công phương bắc để hỗ trợ một vương quốc đang chống chọi với một mối đe dọa bí ẩn. Dù bị người Scandinavi châm chọc, anh dần học được ngôn ngữ của họ và từ đó dành được sự tôn trọng từ họ.

Chiến binh thứ 13 cũng vướng vào hàng loạt drama hậu trường, xuất phát từ xung đột giữa đạo diễn John McTiernan và tác giả cuốn tiểu thuyết gốc Michael Crichton. Nhiều cảnh phim phải quay lại và tái biên tập, khiến mạch truyện bị ngắt quãng và tiến trình phát triển nhân vật trở nên nghèo nàn. Dẫu vậy, trong vài năm trở lại đây, một số nhà phê bình đã tái đánh giá bộ phim này và nhận định nó vẫn là một bộ phim hành động giải trí tốt, dù không hoàn hảo.

Treasure Planet (Hành tinh châu báu, 2002)

10 thất bại phòng vé nặng nề nhất lịch sử hãng phim Disney 

Cuộc sống của Jim Hawkin thay đổi hoàn toàn, khi một người ngoài hành tinh đang hấp hối vô tình rơi xuống nhà cậu trong lúc bị lũ hải tặc truy sát, khiến nơi đây tan tành. Jim và mẹ thoát được, rồi phát hiện ra một tấm bản đồ dẫn đến Hành tinh châu báu, nơi chứa vàng bạc từ khắp nơi trong vũ trụ. Với một con tàu và thủy thủ đoàn hỗ trợ, Jim quyết lên đường tìm kho báu, mang theo trong mình hy vọng có thể làm được một điều đúng đắn dù chỉ một lần.

Với kinh phí 140 triệu USD, đây có lẽ là bộ phim hoạt hình truyền thống đắt đỏ nhất từng được thực hiện, chủ yếu bởi công nghệ hiện đại dùng để hòa trộn các yếu tố CGI và vẽ tay với nhau, ví dụ như trong phân cảnh đầu bếp của tàu, Long John Silver, biến thành cyborg. Không may là thời điểm ra mắt của phim trùng với Harry Potter và Căn phòng bí mật, và bạn biết kết quả rồi đấy!

Around the World in 80 Days (Vòng quanh thế giới trong 80 ngày, 2004)

10 thất bại phòng vé nặng nề nhất lịch sử hãng phim Disney 

Phileas Fogg là một nhà khoa học lập dị, với trợ lý là một gã trộm người Trung Quốc tự gọi bằng cái tên Passepartout. Khi bị dè bỉu bởi Bộ trưởng Khoa học, Fogg đề nghị đánh cược rằng nếu có thể du hành thế giới trong 80 ngày, vị trí Bộ trưởng sẽ thuộc về anh. Không may là, gã Bộ trưởng tìm cách gian lận để ngăn Fogg thành công, và cuộc hành trình càng khó khăn hơn khi kẻ thù từ quá khứ của Passepartout trở lại để truy sát bộ đôi này.

Dù cùng tên, phim lại không giống là bao so với tiểu thuyết của Jules Verne. Tuyến truyện của Passepartout, trong đó anh chàng này đánh cắp tượng Phật ngọc và đánh đấm với hàng tá đối thủ, dường như được vẽ ra chỉ bởi sự có mặt của Thành Long. Chưa kể phim còn nhồi nhét quá nhiều khách mời vào vai các hình tượng trong lịch sử, hay các nhân vật độc lạ. Kết quả là Around the World in 80 Days chỉ thu về 72 triệu USD, trong khi kinh phí sản xuất lên đến 110 triệu USD.

The Alamo (2004)

10 thất bại phòng vé nặng nề nhất lịch sử hãng phim Disney 

Trong cuộc chiến giữa Texas với Mexico, một toán lính được cử đến để bảo vệ Alamo, một nhà nguyện được chuyển đổi thành pháo đài. Họ nhanh chóng bị vây hãm bởi quân đội Mexico, dẫn đầu bởi Santa Anne, kẻ muốn nghiền nát quân kháng chiến. Không còn đường lùi, toán lính buộc phải chuẩn bị hết sức có thể cho trận chiến khó lòng tránh khỏi.

Dù phim đã diễn tả xuất sắc các cung bậc cảm xúc của nhân vật, thời lượng và sự lệ thuộc vào những khoảnh khắc chuyển động chậm khiến việc theo dõi diễn biến câu chuyện trở nên khá mệt mỏi. Phần lớn bộ phim là việc các nhân vật chờ đợi điều gì đó xảy ra – dù bản chất của phòng ngự là vậy – nhưng với một bộ phim giải trí thì điều đó không giúp ích nhiều. Dẫu vậy, các cảnh chiến đấu được quay ấn tượng, và Billy Bob Thornton đã thể hiện trọn vẹn anh hùng David Crocket của nước Mỹ thời loạn lạc.

A Christmas Carol (Giáng sinh yêu thương, 2009)

10 thất bại phòng vé nặng nề nhất lịch sử hãng phim Disney 

Jim Carrey vào vai Ebeneezer Scrooge, một gã chuyên cho vay ghét Giáng sinh. Vào đêm Giáng sinh, gã được hồn ma của người bạn Jacod Marley ghé thăm và cảnh báo nếu không thay đổi cách sống, không sớm thì muộn gã cũng chịu chung số phận như Marley, trở thành một linh hồn vất vưởng. Scrooge sau đó được ba hồn ma khác ghé thăm, đưa gã đến quá khứ, hiện tại, và tương lai để cho gã thấy lòng tốt và sự thân thiện sẽ mang lại những điều tốt đẹp gì.

Dù có dàn diễn viên khá thực lực, bao gồm Gary Oldman, Collin Firth, và Bob Hoskins, cũng như tiêu tốn của Disney từ 50 – 100 triệu USD cho sản xuất và quảng bá, phim vẫn nhận về nhiều đánh giá không mấy thiện cảm, chủ yếu do phong cách phim nhập nhằng giữa hoạt hình và tăm tối. Chưa kể phim tận dụng kỹ thuật bắt chuyển động chưa tốt, dẫn đến một số phân cảnh có thể được xếp vào hàng tệ của tệ xuyên suốt lịch sử phim bắt chuyển động của Robert Zemeckis.

Mars Needs Moms (Sao Hỏa cần mẹ, 2011)

10 thất bại phòng vé nặng nề nhất lịch sử hãng phim Disney 

Một đêm, Milo thức giấc và phát hiện ra mẹ mình đang bị người ngoài hành tinh bắt cóc. Nhảy lên tàu, cậu được đưa đến Sao Hỏa và phát hiện ra một giống loài ngoài hành tinh toàn nữ giới. Milo phải tìm và giải cứu được mẹ trước khi người ngoài hành tinh giết bà nhằm trích xuất “tinh chất mẹ” để đưa vào các robot vú em, phục vụ chăm sóc con cái của chính chúng.

Bộ phim là combo “tự hủy” của cốt truyện yếu kém, nhân vật khó ưa, và CGI thảm họa. Nó còn không nhất quán về phong cách, lúc thoải mái vô tư, lúc hài hước ngớ ngẩn, lúc khắc họa chân thật chủ nghĩa cầm quyền hà khắc, và còn gì đau khổ hơn cảnh những đứa trẻ thấy mẹ mình ra đi chỉ vì họ tốt bụng? Một bộ phim bắt chuyển động thất bại nữa của Robert Zemeckis.

John Carter (2012)

10 thất bại phòng vé nặng nề nhất lịch sử hãng phim Disney 

Sau cái chết bất ngờ của John Carter, cháu anh, Edgar Rice Burrows, tìm lại nhật ký của cậu mình. Trong đó ghi chi tiết cách Carter dịch chuyển lên Sao Hỏa, nơi mang lại cho anh những khả năng phi thường nhờ trọng lực của hành tinh. Và đó cũng là lúc Carter mắc kẹt trong vòng xoáy chính trị giữa các thế lực ngoài hành tinh đang gây chiến tại đây.

Do thất bại của Mars Needs Moms và Cowboys vs Aliens, Disney đã loại bỏ mọi chi tiết liên quan đến Sao Hỏa trong tiêu đề phim, chỉ để lại tên nhân vật chính, khiến khán giả không biết phim nói về chủ đề gì. Hãng còn phá nát câu chuyện nguyên bản để phim trở nên dễ xem hơn, nhưng cũng làm mất đi tính độc đáo của nó. Kết quả là phim thất bại toàn tập tại các phòng chiếu toàn cầu.

The Lone Ranger (Kỵ sĩ cô độc, 2013)

10 thất bại phòng vé nặng nề nhất lịch sử hãng phim Disney 

Vào cuối thập niên 1800, luật sư John Reid cùng anh trai Dan truy vết một người tên Cavendish. Tuy nhiên, họ bị phản bội và bắn hạ, Cavendish thì ăn mất trái tim của Dan. Khi cả hai được chôn cất bởi một thổ dân châu Mỹ tên Tonto, John tái sinh dưới hình dáng một linh hồn, và Tonto đồng ý giúp anh truy tìm Cavendish để đưa gã ra ánh sáng công lý.

Sau thành công của thương hiệu Cướp biển vùng Caribbean, Disney kỳ vọng đội ngũ sáng tạo của phim sẽ giúp họ mang về một núi tiền khác. Không may là phim bị ghét vì quá giống với loạt phim cướp biển, chủ yếu vì Johnny Depp vào vai nhân vật Tonto không khác là bao so với Jack Sparrow. Phim lỗ hơn 200 triệu USD!

Tomorrowland (2015)

10 thất bại phòng vé nặng nề nhất lịch sử hãng phim Disney 

Dựa trên một trong những công viên của Disney, phim theo chân Casey Newton, một cô gái trẻ phát hiện ra có thể thấy được thành phố tương lai Tomorrowland. Trong quá trình đến đó, cô gặp một người bạn cùng một nhà khoa học tạo ra cỗ máy dự đoán tương lai, nơi thế giới chấm hết. SỰ lạc quan của Casey đã khiến kết quả của cỗ máy thay đổi, do đó họ phải tìm cách quay lại Tomorrowland để đảo ngược ngày tận thế tưởng như không thể tránh khỏi.

Dù được đạo diễn bởi Brad Bird, người dứng sau The Iron Giant và The Incredibles, phim vẫn lỗ 150 triệu USD, do chiến dịch quảng bá nghèo nhàn, phát triển nhân vật không đến nơi đến chốn, và một cốt truyện chán không thể tả được. Tuy nhiên, phim vẫn có một lượng fan nhất định nhờ thông điệp lạc quan mà nó mang lại.

Tham khảo: Collider

Disney lật đổ Netflix, thành vị vua mới của thị trường streaming video