1. Huế – động lực chính hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cứu nước của Nguyễn Tất Thành

Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xã hội Huế có nhiều biến động sâu sắc, tác động mạnh mẽ đến cuộc sống, tư tưởng con người nơi đây và làm dấy lên những phong trào đấu tranh quyết liệt của “đồng bào”. Mười năm ở Huế (1895-1901 và 1906-1909) thật sự có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời của Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành. Tại Kinh đô Huế, Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến biết bao biến cố của dân tộc, cuộc sống lầm than, cơ cực của đồng bào dưới ách thống trị thực dân. Tại đây, Nguyễn Tất Thành cũng tiếp nhận những tư tưởng tiến bộ của Tân thư, Tân sách; tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc từ những người thầy đáng kính, để từ đó Nguyễn Tất Thành trưởng thành hơn trong nhận thức và hành động, tham gia phong trào Duy Tân, đấu tranh chống thuế cùng nhân dân Thừa Thiên… Tất cả những điều đó đã tác động rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách, tư tưởng yêu nước của người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành.

Từ việc khảo cứu một số tài liệu, chúng tôi cho rằng có bốn nhân tố cơ bản kết hợp với yếu tố chủ quan tạo thành động lực thúc đẩy sự hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cứu nước của Nguyễn Tất Thành.

– Một là, ảnh hưởng của đời sống chính trị Huế những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỉ XX đến Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Huế là kinh đô của triều đình phong kiến Việt Nam – nơi tập trung cao nhất những diễn biến chính trị và mâu thuẫn xã hội. Ngay tại Kinh đô, triều đình phong kiến nhà Nguyễn hoàn toàn bất lực, trở thành bù nhìn hoặc làm tay sai cho thực dân Pháp. Nỗi nhục mất nước, làm người nô lệ ngay trên quê hương mình đã nuôi dưỡng ý chí đấu tranh cho các sĩ phu và vua quan yêu nước. Tôn Thất Thuyết đứng đầu phe chủ chiến đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống Pháp nhưng bị thực dân Pháp truy quét, đàn áp dã man. Kinh đô thất thủ. Vua Hàm Nghi xuất bôn kêu gọi Cần Vương làm dấy lên phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp rộng khắp.

Sang những năm đầu thế kỷ XX, đời sống chính trị ở Việt Nam sôi động trước những luồng tư tưởng và trào lưu cứu nước. Phong trào Đông Du, Duy Tân liên tiếp nổ ra. Những sách báo Tây phương, tài liệu tân thư của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, của trào lưu tư tưởng khai sáng, những tác phẩm yêu nước của Phan Bội Châu, những tư tưởng cải cách của Phan Châu Trinh, Nguyễn Lộ Trạch… được chuyển bí mật vào Việt Nam, thổi bùng ngọn đấu tranh. Đất Thừa Thiên cũng dấy lên phong trào đòi cải cách thông qua nhiều hình thức vận động, trong đó có cuộc vận động cắt tóc ngắn – cái mà bọn thực dân Pháp gọi là “án đồng bào cắt tóc ngắn”.

Cũng vào khoảng thời gian này, Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành đã theo cha vào Kinh học tập và khám phá những giá trị mới. Cuộc sống tại chốn Kinh kỳ đã giúp cho Nguyễn Tất Thành chứng thực bức tranh tương phản của xã hội Huế, thấy được nỗi cùng cực “một cổ hai tròng” của nhân dân ta và hình thành tình cảm, tư tưởng yêu nước, nung nấu ý chí cứu nước, cứu dân. Đúng như lời khẳng định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh,[…], thời gian hình thành một con người lạ lùng, với những ý tưởng lạ lùng, đưa đến những thành tựu lạ lùng…”[1].

– Thứ hai, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và sự “dấn thân” của Nguyễn Tất Thành.

Lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga V.I. Lênin đã chỉ ra một luận điểm nổi tiếng: “Ở đâu có áp bức, thì ở đó không thể có tự do, không thể có bình đẳng,v.v…” và tất nhiên những nơi nó diễn ra các cuộc đấu tranh quyết liệt nhất. Xã hội Huế vào những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX dưới công cuộc “khai hoá văn minh” của thực dân Pháp tồn tại nhiều bất công, đời sống nhân dân cùng cực bởi sưu cao thuế nặng, trong khi bọn vua quan bù nhìn và đế quốc thực dân phè phỡn với chính sách cai trị của chúng.

Thừa Thiên – Huế buổi xế chiều của chế độ quan trường phong kiến, buổi sớm của chế độ thực dân, không thể tránh khỏi sự xuất hiện và bùng phát của các trào lưu cứu nước mới. Đầu thế kỷ XX, Phong trào Duy Tân được khởi xướng với đỉnh cao là cuộc nổi dậy của nhân dân kháng sưu thuế năm Mậu Thân (1908) ở Trung kỳ. Với khẩu hiệu “…Nếu cứ ngồi mà đợi chết. Chi bằng vùng dậy mà tìm lối sống!”[2] đã kích động tinh thần dân chúng lên cao, khí thế đấu tranh lan truyền đi khắp nơi. Ngày 11/4/1908, mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền thực dân lên cao, thực dân Pháp đàn áp đẫm máu cuộc đấu tranh. Những nhân vật quan trọng của phong trào hoặc có liên quan như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn… đều bị thực dân Pháp bắt giam, lưu đày và xử tử.

Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Tất Thành dù mới chỉ là một cậu học sinh vừa tốt nghiệp Tiểu học nhưng những hoạt động của Anh bị Khâm sứ Trung kỳ Silvain Lévecque giám sát ráo riết. Anh đã làm gì mà chính quyền Trung Kỳ quan tâm, theo dõi chặt chẽ đến vậy? Phải chăng Anh yêu nước và công khai chống Pháp? Sự thật là Anh “dấn thân” vào cuộc đấu tranh của đồng bào, Anh đã tham gia vào phong trào dân dậy kháng thuế của nhân dân Thừa Thiên (4/1908) bằng sứ mệnh “thông ngôn” cho đồng bào. Không những vậy, Thành và anh trai cũng có những lời lẽ đối nghịch với Pháp. Chuyện đó vang đến quê nhà Nghệ An khi mật thám Pháp đến hỏi tông tích của Nguyễn Sinh Cung, Lý trưởng làng Kim Liên đã khai rằng: “…khi những sự kiện (kháng thuế) năm 1908 diễn ra ở Huế, hai người này đã có thái độ công khai đối nghịch làm cho Hiệu trưởng của trường nhiều lần phải cảnh cáo nghiêm khắc”[3]. Bên cạnh đó, anh còn làm công tác bí mật, làm nhiệm vụ liên lạc với các sĩ phu yêu nước. Sau này, năm 1947, Trần Dân Tiên nhắc lại: “Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh đã tham gia công tác bí mật, nhận công tác liên lạc”[4].

Những năm đầu thế kỷ XX, ở Huế cũng như nhiều tỉnh Trung bộ nổi lên phong trào diễn thuyết về dân quyền, hô hào duy tân, cắt tóc ngắn, mặc Âu phục và gọi nhau là “đồng bào”. Người đứng đầu phong trào là nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Lê Đình Mộng, Trần Trinh Linh… Phong trào này hấp dẫn học sinh và những thanh niên, chí sĩ yêu nước. Thanh niên học sinh Huế vừa đi vừa phổ biến bài thơ Húi hề, húi hề vừa cầm kéo ra những chỗ đông người cắt tóc ngắn cho đồng bào, cổ động xây dựng nếp sống mới cho nhân dân. Nguyễn Sinh Côn là một trong những người hăng hái nhất tham gia phong trào cắt tóc (Les chveux coupes).

Mặc dù Nguyễn Sinh Côn – Nguyễn Tất Thành là con nhà quan, được học dưới Quốc gia học đường nhưng anh thực sự bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng tiến bộ của văn hoá Pháp qua sách báo tân thư, anh đã ra mặt chống Pháp một cách trực tiếp, tham gia phong trào chống thuế để ủng hộ đồng bào. Trong Anh đã có sự chuyển biến về chất từ nhận thức yêu nước thành hành động yêu nước. Chính những hoạt động cách mạng đầu tiên đã nung nấu trong Anh ý chí tìm ra con đường cứu nước, mở ra thời kỳ “dấn thân” cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc.

– Thứ ba, nền tảng giáo dục gia đình và tư tưởng “ái quốc, ái dân” của Nguyễn Sinh Sắc

Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà Nho có nhân cách cao quý, một con người yêu nước, thương dân. Tư tưởng và hành động yêu nước của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển tư tưởng yêu nước Hồ Chí Minh sau này. Ông rất quan tâm đến việc hình thành cho con một tư tưởng, nhận thức thật đúng đắn và sâu sắc về thời cuộc. Ông còn răn dạy các con “Vật dĩ quan gia vi ngô phong dạng”[5]. Khi nhậm chức ở Huế, ông quyết định cho các con theo học trường Pháp-Việt Đông Ba với mục đích “muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp, muốn biết Pháp thì phải học chữ Pháp”, và muốn con mình có thể đi tìm câu trả lời cho những từ mà cậu đã hỏi “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Để hiểu những từ đó, cũng như hiểu được cách đánh đuổi giặc Pháp chỉ có cách là phải hiểu văn hóa Pháp. Đây là một diễn biến quan trọng trong quá trình định hình tư tưởng và con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.

Quan điểm “… làm quan cốt sao giữ được cái tiết sạch giá trong; cái gì có thể giúp đỡ được dân chúng thì làm, chớ không phải làm quan để vơ vét của dân làm giàu” và “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ hựu nô lệ” đã khắc sâu trong tâm tưởng Nguyễn Tất Thành. Khi biết tin hai con trai của mình tham gia cuộc vận động Duy Tân và chống thuế cùng nhân dân Thừa Thiên, Nguyễn Sinh Sắc không tỏ ra phiền trách con mà trái lại còn như được cởi mở nỗi lòng, vì lẽ đó mà ông bị triều đình khiển trách. Tháng 6/1909, ông Sắc được cử đi làm tri huyện Bình Khê, Bình Định. Ông đưa hai con vào Bình Định gửi học ở nhà thầy Phạm Ngọc Thọ (cha bác sĩ Phạm Ngọc Thạch) đang dạy chữ Nho ở trường Quốc học Quy Nhơn. Nguyễn Tất Thành có lần từ Quy Nhơn lên Bình Khê thăm cha nhưng bị ông quở trách: “Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?”[6]. Lời dạy của ông Sắc là bài học quý báu cho Nguyễn Tất Thành về lòng yêu nước, là ngọn đuốc soi sáng những bước đi, là kim chỉ nam để Nguyễn Tất Thành vững bước trên con đường cứu nước.

Bên cạnh đó, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn có sức ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành bởi luận thuyết “ái dân” mà cụ hằng gửi bao tâm huyết. Tháng 4 năm 1946, cuốn tiểu sử Thân thế và sự nghiệp của nhà cách mệnh Nguyễn Ái Quốc của tác giả mang bút danh Việt Nam đã viết: “… Thấy vua Hàm Nghi bị bắt, thấy triều đình và triều thần chỉ còn là tôi tớ của giặc thực dân, Cụ Bảng nhà ta liền phủ nhận cái thuyết trung quân của nhà nho và cho trung quân không phải là ái quốc. Ái quốc là yêu nước. Mà nước là gì? Nước là dân. Vậy ái quốc phải có nghĩa là ái dân. Từ đây, cụ thường đem cái thuyết đó mà giác ngộ các bạn bè và các thanh niên đến thụ nghiệp. Cụ hô hào cải cách và duy tân, làm một đồng chí với cụ Phan Châu Trinh ở Quảng Nam chủ trương lấy dân làm hậu thuẫn cho tất cả các phong trào cải cách chính trị xã hội”[7]. Có thể khẳng định rằng thuyết “ái dân” của ông Nguyễn Sinh Sắc là một bước phát triển mới lúc bấy giờ. Ông Sắc đã làm một cuộc cách mạng “đảo lộn” trật tự của mối quan hệ thứ nhất trong “Tam cương” của Nho giáo. Ông đưa ra một giá trị mới “ái quốc, ái dân”. Chính giá trị mới này đã ảnh hướng lớn đến xu hướng chính trị và con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.

Trong mạch nguồn hợp thành động lực tác động đến Nguyễn Tất Thành, nhân cách và tư tưởng yêu nước của Nguyễn Sinh Sắc đã định hình cho Nguyễn Tất Thành từ cách sống, cách suy nghĩ đến chí hướng cách mạng và con đường cứu nước. Chính sự định hình này mà Hồ Chí Minh đã trở thành một anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

– Thứ tư, giáo dục nhà trường và trí tuệ mẫn cảm của Nguyễn Tất Thành

Trong quá trình áp đặt ách thống trị lên đất nước ta, thực dân Pháp đã duy trì một nền giáo dục phong kiến để tiếp tục củng cố trật tự xã hội và ràng buộc tầng lớp nho sĩ vào bộ máy chính quyền của chúng, đồng thời thực hiện chính sách “giáo dục khai hoá” ở mức độ vừa phải để tạo ra đội ngũ tay sai phục vụ mưu đồ khai hóa của chúng. Tại Thiên đường trường học, Nguyễn Tất Thành được chứng kiến bọn thực dân khinh rẻ, miệt thị, hành hạ người Việt Nam, nhà trường thì ca ngợi chế độ thực dân phong kiến v.v… Bằng sự mẫn cảm của người học trò thông minh, sự khát khao học hỏi chiếm lĩnh tri thức mới và tâm hồn của một thanh niên yêu nước đã giúp Nguyễn Tất Thành thâu nhận những giá trị của nền giáo dục mới, tiếp nhận tinh hoa văn hóa Huế, dân tộc và nhân loại. Thành được tiếp xúc với văn hóa Pháp, biết được những hành động yêu nước của vua Thành Thái, Duy Tân và được nghe kể các cuộc bàn luận về con đường cứu nước trong các sĩ phu yêu nước. Nhưng quan trong hơn cả, Nguyễn Tất Thành đã tiếp nhận trực tiếp tư tưởng tiến bộ, tinh thần tự tôn dân tộc từ những thầy giáo chân chính của mình.  

Thầy giáo Lê Văn Miến là tấm gương yêu nước của một trí thức Tây học chân chính đã ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức và chí hướng cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Lê Văn Miến (1873-1943) là một trí thức trưởng thành từ nền giáo dục phương Tây. Một người tinh thông Hán học, thấm nhuần những giá trị văn hoá Pháp như thầy Lê Văn Miến hẳn đã để lại nhiều ảnh hưởng tới học trò của mình. Chính thầy Miến khai mở cho Nguyễn Tất Thành “bài học yêu nước”: “nước mất mà không biết là bất trí, biết mà không chiến đấu cứu nước là bất trung, chiến đấu mà không quên mình vì nước là bất dũng…”[8]. Lời răn dạy của thầy đã giúp Thành nhận ra những hạn chế về con đường cứu nước và phương pháp cách mạng của các bậc cha anh, để lựa chọn con đường đi của riêng mình – sang phương Tây tìm hiểu rồi trở về giúp đồng bào mình.

Bên cạnh đó, tư tưởng yêu nước của thầy giáo Hoàng Thông cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành nhân cách và tư tưởng yêu nước của Nguyễn Tất Thành. Vào trường Quốc Học, Nguyễn Tất Thành không chỉ được học Hán văn mà còn được thầy Hoàng Thông chỉ dạy những bài học về cách cư xử, lối sống. Vin vào một câu trong cuốn “Tự trị thượng sách” thầy soạn để giáo dục thanh niên học sinh: “Nước dù bất hạnh mà mất, không phải mất nước của một họ (Nguyễn) riêng mà thôi; cùng với nước mất dân tộc bị diệt chủng”[9], thực dân Pháp đã tống giam thầy ở lao Thừa phủ. Lời dạy của thầy giữa muôn vàn nguy khó của thời cuộc như ngọn lửa soi sáng tâm trí Nguyễn Tất Thành. Đó là bài học củng cố thêm ý chí đấu tranh cho quê hương, con người, dân tộc; là động lực để Thành thực hiện chuyên hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

2. Phan Thiết – điểm hội tụ của những chí lớn và sức hấp dẫn của phong trào Duy Tân đối với anh thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và một số học giả đặt ra một nghi vấn về quyết định ra nước ngoài phải chăng bắt đầu từ Phan Thiết? Từ sự phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng, Bác Hồ bắt đầu hành trình “đường muôn dặm” từ Huế chứ không phải từ Phan Thiết, bởi ở Huế đã hội đủ các điều kiện khách quan và chủ quan cần thiết để Nguyễn Tất Thành quyết định nam tiến – chặng đường đầu tiên của cuộc trường chinh tìm đường cứu nước. Nói như vậy, không có nghĩa Huế và văn hóa Huế là nhân tố đơn nhất mà còn phải xem xét các nhân tố khách quan, các điều kiện lịch sử – xã hội khác tác động đến Người. Ở đây, cần phải làm rõ một số câu hỏi: Vì sao Nguyễn Tất Thành chọn Phan Thiết làm điểm dừng chân chứ không thẳng xuống Sài Gòn hay một địa phương nào khác? Phải chăng Phan Thiết là điểm hội tụ của những chiến sĩ phong trào Duy Tân bị truy quét?… Từ sự tổng hợp và phân tích một số tài liệu, chúng tôi xin đưa ra một số vấn đề góp phần làm sáng tỏ vùng đất “tị địa” Phan Thiết – Bình Thuận cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy sự hình thành và phát triển tư tưởng yêu nước và chí hướng cứu nước của Nguyễn Tất Thành.

Khoảng đầu tháng 9 năm 1910, trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết. Do hết tiền, anh phải xin làm trợ giáo, dạy môn thể dục tại trường Dục Thanh. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể lại: Đi đến Phan Thiết thì tiền nong dành dụm đã cạn, phải nghĩ đến việc tìm cách vừa sinh sống vừa dành dụm tiền đi tiếp. Quan trọng hơn cả, tại đây, Nguyễn Tất Thành tiếp xúc trực tiếp với với tân thư, tân sách, tiếp cận tư tưởng của Rút-xô, Môngtétxkiơ, Vônte,… những nhà khai sáng Pháp đã khởi xướng thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái… Điều này càng làm cho Nguyễn Tất Thành củng cố thêm ý chí và động lực để sang phương Tây tìm hiểu giá trị của tư tưởng “Tự do, bình đẳng, bác ái”.

Ngoài thời gian lên lớp, thầy Thành còn “tiếp xúc với bà con ngư dân ở bến cá Cồn Chà để hỏi cách đánh bắt cá, cách xác định phương hướng đi biển, cách chống say sóng, cách nhận biết những dấu hiệu của các cơn giông bão ngoài khơi”[10]. Liệu đây có phải là những dấu hiệu cho chuyến hành trình vượt đại dương của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành? Quả đúng là như vậy khi đối chiếu với đoạn trả lời phỏng vấn của Bác với nhà báo Mỹ: “Đất nước chúng tôi có bờ biển rất dài, tôi lang thang dọc bờ biển, tìm đến các bến tàu xem có cách nào ra nước ngoài được không?”[11].

Trên thực tế, Nguyễn Tất Thành không thể nào trở về quê nhà (Nghệ An và Huế) vì như thế chẳng khác nào tự đem nộp mình. Anh càng không thể vào ngay Sài Gòn vì lúc đó Sài Gòn là thuộc địa của Pháp, muốn vào phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp; mặt khác, Nguyễn Tất Thành cũng không biết nhiều về đường đi lối lại của xứ sở trực trị của Pháp ở Nam kỳ. Vì vậy, Anh phải dừng chân ở Phan Thiết để hoàn chỉnh giấy tờ cá nhân. Cạnh đó, Phan Thiết là vùng đất “tị địa”, do mâu thuẫn giữa Khâm sứ Trung kỳ và Công sứ Nam kỳ mà không khí chính trị ở đây dễ thở hơn so với các tỉnh ở Trung kỳ. Trong Báo cáo ngày 30/6/1889 của Công sứ Phan Thiết gửi Khâm sứ Trung kỳ ghi rõ: “Tỉnh Bình Thuận, một mặt ở rất xa kinh đô khiến triều đình chẳng có quyền lực nào hữu hiệu tại đây, và mặt khác lại tiếp giáp với Nam Kỳ là nơi nó chẳng có quyền hành, vốn lộ ra một sắc thái kỳ lạ của một vùng biên cương ẩn náu tất cả những kẻ đã xa lánh xứ sở quê quán vì mục đích chính trị…”[12]. Trong quyển sách chưa in của Liên Thành Thương quán nêu rõ: “Vào đầu thế kỷ XX, Bình Thuận là nơi gặp gỡ của nhiều sĩ phu yêu nước Nam – Trung – Bắc”. Cố giáo sư Trần Văn Giàu trong tác phẩm Vàng trong lửa cũng chỉ ra: “Những năm đầu thế kỉ XX, Bình Thuận là đầu mối giữa Nam Bộ và Trung Bộ, là chặng đường cuối của cuộc Nam du của các nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân, và cũng là nơi “tị địa” của các nhà nho yêu nước…”[13].

Từ sự luận dẫn trên, chúng ta có thể thấy rằng, Nguyễn Tất Thành trong hành trình vào Sài Gòn để sang phương Tây không còn lựa chọn nào khác vùng đất Phan Thiết – nơi những người cách mạng đang nuôi ý chí chống thực dân Pháp. Chính tại Phan Thiết, những đã chuẩn bị cho mình hành trang về tư tưởng, niềm tin và ý chí ra đi tìm đường cứu nước.

3. Sài Gòn – hành trình “đường muôn dặm” của người thanh niên giàu lý tưởng

Sau mấy tháng dạy học ở trường Dục Thanh, đầu tháng 2 năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết đi Sài Gòn để thực hiện hoài bão sang phương Tây để xem “họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào chúng ta”.

Từ Phan Thiết vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đi bằng phương tiện gì? Người đỡ đầu cho Thành là ai? Tại Sài Gòn, Anh đã sống ở đâu, làm gì và có xin vào học một trường kỹ thuật nào không?… Đó là những câu hỏi đã và đang được các nhà khoa học nghiên cứu, luận giải. Nhiều tài liệu cho rằng, Nguyễn Tất Thành được Trương Gia Mô và những người bạn của cụ Sắc trong Hội Liên Thành giúp đỡ trú ngụ tại trụ sở các chi nhánh của Liên Thành tại Sài Gòn như: số nhà 3, đường Tổng đốc Phương; nhà 128, Khánh Hội…

Đến Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm quen với những điều mới lạ của xứ “Nam Kỳ trực trị”. Tại đây, anh thấy rõ cách tổ chức cai trị, cách bóc lột tinh vi, tàn nhẫn của bọn tư bản Pháp; anh chứng thực được cuộc sống cùng cực của những người công nhân và nhân dân lao động. Chính mắt anh đã chứng kiến thái độ thô bạo của người Pháp đối với người Việt Nam, nhất là đối với phụ nữ. Càng thâm nhập vào đời sống của các tầng lớp lao động, Thành càng nung nấu cho một sự nghiệp lớn – cứu nước, cứu dân. Vì vậy, tại Sài Gòn, mọi hoạt động của Thành đều hướng đến một mục đích “sang phương Tây”. Do đó, Anh chú ý đến các hãng tàu, làm quen với các hiệu giặt là gần cảng Nhà Rồng, chuyên giặt áo cho các thủy thủ. Anh đi vào xóm thợ, làm quen với những thanh niên cùng trang lứa đang làm thợ hay học nghề ở trường Kỹ nghệ thực hành (Escole pratique d’ industrie), Trường đào tạo thợ máy Á Đông ở Sài Gòn (École des mécaniciens asiatiques de Saigon)…

Một chi tiết quan trong cần được làm rõ: Nguyễn Tất Thành có xin vào học một trường kỹ nghệ nào trước khi ra đi tìm đường cứu nước không? Tác giả Lưu Phương Thanh trong bài viết “Nguyễn Tất Thành từ Huế đến Sài Gòn” đã khẳng định: “Anh Ba quyết định học lấy một nghề gì để sống và để đi. Và anh quyết định học nghề cơ khí”[14]. Tác giả này đã xác minh, Thành đã học một trường kỹ nghệ nào đó chứ không học tại trường cơ khí Bác Tôn học (Trường đào tạo thợ máy Á Đông ở Sài Gòn). Xét theo lôgích, rất có thể Thành vừa làm thợ phụ vừa học việc ở Ba Son vì việc xin vào học và thôi học ở trường Ba Son dễ dàng hơn so với các trường khác. Điều này phù hợp với điều kiện thực tế của anh Ba lúc bấy giờ.

Nhà sử học Pháp S. Phuốcnhiô đã gạt bỏ việc xác định Thành học ở đâu, trường nào mà đánh giá trực tiếp: “Việc chuyển từ một thầy giáo thành một học sinh trường kỹ nghệ là một điều kỳ lạ ở một nước vốn khinh rẻ công nghệ và nghề thợ […] Cho nên anh thanh niên cách mạng ấy đến với trường kỹ nghệ không phải để tập sự một nghề mà chủ yếu để tiếp xúc với kỹ thuật phương Tây, với những con người tiến hành kỹ thuật đó, nghĩa là với giai cấp công nhân”[15]. Thêm vào đó, tại Sài Gòn, trong lúc so sánh con đường cách mạng của các bậc tiền bối để quyết định con đường cách mạng, Nguyễn Tất Thành thực sự bị cuốn hút bởi “những điều anh chưa hề thấy” ở quê hương Nghệ An và ở Huế. Anh được “xem đèn điện, xem chiếu bóng và máy nước”[16], được tiếp xúc với kỹ thuật tiên tiến cũng là một yêu tố thúc đẩy Thành sang phương Tây.

Những hoạt động của Nguyễn Tất Thành để lại ba dấu ấn quan trọng: một là, Thành bắt đầu tiếp xúc với kỹ thuật phương Tây; hai là, Thành bước đầu thâm nhập vào đời sống những người công nhân; Ba là, Thành tiếp cận những người thợ thuyền để chuẩn bị cho hành trình “đường muôn dặm” của mình.

Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, với tên mới Văn Ba, đã từ cảng Sài Gòn, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) lên con tàu Amiral Latouche Tréville của Pháp từ giã quê hương sang phương Tây với khát vọng tìm đường cứu nước để đem lại “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.

4. Như vậy, từ Huế đến Sài Gòn thực sự là những điểm nhấn trong quá trình hình thành và phát triển tư tưởng yêu nước và nhân cách Hồ Chí Minh. Tại Kinh đô Huế – trung tâm văn hóa chính trị – xã hội của cả nước, Nguyễn Tất Thành đã tiếp thu những giá trị của tinh thần yêu nước, thương dân, yêu quê hương, đất nước; lối sống đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau trong khó khăn hoạn nạn; lòng tự hào, tự tôn dân tộc của những người thầy dạy học và những nhà cách mạng tiền bối. Tại Phan Thiết – vùng đất “tị địa” của các chiến sĩ Duy Tân, Anh được tiếp xúc trực tiếp giá trị của tư tưởng “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của văn hóa Pháp; tư tưởng dân tộc, dân chủ của Tân thư, Tân sách… Tại Sài Gòn – thế giới “Nam Kỳ trực trị”, Thành chứng thực cái mới lạ và hào nhoáng của văn minh, kỹ nghệ phương Tây… Nhưng ở đâu, Anh cũng thấy dân mình đói khổ, lầm than, ở đâu cũng bất công và ở đâu cũng đang nung nấu ý chí đấu tranh đánh đuổi thực dân, phong kiến. Những tác nhân quan trọng đó đã tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển tư tưởng yêu nước và nhân cách của người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành. Anh đã “dấn thân” vào hành trình “đường muôn dặm” để xem nước Pháp và các nước khác, rồi trở về giúp đồng bào mình. Chính từ những cống hiến to lớn, khóa họp lần thứ 24 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.6.5, lấy năm 1990 nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.


[1] Chương trình KX.02, Tư tưởng Hồ Chí Minh (1993), Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh 3, Viện Hồ Chí Minh xuất bản, Hà Nội, tr.6.

[2] Nguyễn Đắc Xuân (2008), Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, Nxb Văn học, tr.177.

[3] Nguyễn Đắc Xuân (2008), Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, Sđd, tr.250-251.

[4] Trần Dân Tiên (2009), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr.12.

[5] Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh (2006), Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.29-30.

[6] Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (2009), Chuyên san: Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.100.

[7] Dẫn theo Giáo sư Song Thành trong Âm vang thời Bác Hồ ở Huế, Nxb Thuận Hoá, tr.132

[8] Trần Nam Tiến (chủ biên – 2008), 79 Câu hỏi đáp về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb Trẻ, tr.134.

[9] Trần Văn Giàu – Trần Bạch Đằng (2009), Vàng trong lửa, Nxb Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh, tr.52.

[10] Song Thành, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (2010), Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.50.

[11] Trần Văn Giàu – Trần Bạch Đằng (2009), Vàng trong lửa, Sđd, tr.69.

[12] Trần Văn Giàu – Trần Bạch Đằng (2009), Vàng trong lửa, Sđd, tr.68.

[13] Sđd, tr.67.

[14] Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (2009), Chuyên san: Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Sđd, tr.9.

[15] S. Phuốcnhiô (1970), Hồ Chí Minh đồng chí của chúng ta, Pari, tr.21.

[16] Trần Dân Tiên (2009), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr.13.

 

TS. NGUYỄN VĂN QUANG

Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế