Yếu tố con người trong đời sống thánh hiến
Sr. Thecla Trần Thị Giồng, CND
Mục lục
Nhu cầu căn bản nhất thuộc “thể lý”
Nhu cầu an toàn và được bảo vệ
Nhu cầu tình cảm và tương quan
Nhu cầu hoàn thiện bản thân
Nhu cầu cần được tin tưởng
WHĐ (20.04.2021) – “Người” và “Thánh” là hai thế giới quá khác biệt. Vì thế, đời thánh hiến nếu chỉ nhìn trên phương diện sức người thì thật khó ước mơ. Đề tài “Yếu tố con người trong đời Thánh hiến” thoạt nghe đơn giản nhưng chắc có nhiều điều để nói vì cuộc đời muôn mặt mà! Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài viết này, chỉ xin đưa ra hai góc độ.
Một mặt, chúng ta, những người thánh hiến cần sống và đối xử với nhau như những “con người” thật sự với những nhu cầu cơ bản để phát triển đời sống thể lý cũng như tâm lý, tự nhiên cũng như siêu nhiên hầu có thể “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10) như Đức Kitô mong muốn khi Ngài đến trần gian. Mặt khác, nhiều khi chúng ta lại sống và đối xử với nhau “quá người”, yếu tố siêu nhiên dường như vắng bóng hoặc quá lu mờ xa xôi khiến mạch sống đời Thánh hiến của nhiều người bị cản trở.
Chúng ta nghĩ gì về nhận định sau đây:
“Trong mỗi một con người, có một hứa hẹn cao cả về chất người và một đe dọa khủng khiếp về chất thú. Quá trình làm người là làm thế nào hiện thực hóa hứa hẹn cao cả về chất người và loại trừ được cái đe dọa khủng khiếp về chất thú.”
Câu nói này mô tả vắn gọn nhưng khá rõ nét về bản chất của con người. Và chúng ta, những người thánh hiến không thể tránh được sự chi phối của thực tế này. Đồng thời, giải pháp cho vấn đề cũng đã được làm sáng tỏ trong câu nói đó, nhưng việc thực hiện là một quá trình dài. Với giới tu hành còn cần sự nỗ lực lớn hơn gấp bội vì song song với quá trình làm người còn có những đòi hỏi của việc nên thánh nữa. Người thánh hiến chúng ta không phải là thiên thần. Hầu hết tu sĩ chưa phải là thánh mà đang ước mơ và cố gắng để tiến tới sự thánh thiện. Bản chất tu sĩ vẫn luôn là người – những con người rất tầm thường, rất nhỏ bé và mong manh đồng thời cũng thật cao cả vì đã được cứu chuộc, được đổi bằng giá máu của Con Thiên Chúa. Phận người của chúng ta đã được Đức Kitô thánh hóa và sẻ chia qua cuộc Nhập thể của Ngài. Điều này mang đến cho thân phận chúng ta một ý nghĩa và giá trị nữa.
Dựa trên thực tế, với kinh nghiệm đấu tranh của chính mình giữa con người thật và con người mình muốn trở nên, thật không dễ tí nào. Suốt cuộc hành trình của đời thánh hiến, chúng ta đã học và tập luyện rất nhiều “bộ môn” và mấy ai đã hài lòng rằng mình đã “thuộc bài”! Ngay cả trong cuộc đời bình thường này, con người phải không ngừng nỗ lực để hoàn thiện bản thân, huống gì nghĩ đến con đường hoàn thiện để nên giống CHA TRÊN TRỜI là ĐẤNG THÁNH thì thật là quá tầm nếu chỉ dựa trên sức mạnh của bản thân. Bên cạnh đó, chúng ta cần nghĩ đến việc làm sao để những người thánh hiến sống thật, sống vui, sống an bình, phát triển và đầy sức sống hơn. Thật ra, đó không phải là những gì người tu sĩ tìm kiếm vì đi tu là để tìm chính Chúa, là đáp trả tình Ngài. Tuy vậy, một người được yêu và sống trong tình yêu phải hạnh phúc, phải triển nở mới thu hút người khác đồng thời làm chứng cho tình yêu, cho Đấng mình đã lựa chọn để dâng hiến cuộc đời.
Có lẽ sau hơn hai mươi năm với những công việc khác nhau, được tiếp xúc rất gần với giới tu hành và nhất là tu sĩ trẻ, tôi có cảm tưởng có một cái gì đó đang RÀNG, đang BUỘC chúng ta. Theo cảm nhận chủ quan của mình, dường như nhiều tu sĩ chưa thật sự hạnh phúc và triển nở, chưa làm “vinh danh Thiên Chúa” qua cuộc sống của mình như thánh Irênê từng nói: “Vinh danh Thiên Chúa là làm cho con người được sống” và theo mong muốn của Đức Kitô khi đến trần gian: “Ta đến để các con được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Vậy làm sao để chúng ta SỐNG và SỐNG DỒI DÀO?
Theo thiển ý, không có con đường tắt hay con đường dễ dãi để nên thánh, để được hạnh phúc, có Chúa làm gia nghiệp. Hạnh phúc của người tu sĩ là quá trình chiến đấu với bản thân, với những cạm bẫy và sự mời mọc của thế gian của xác thịt mà Thánh Phaolô đã nói đến. Niềm hạnh phúc đích thật và sâu xa được mua bằng nước mắt, hay “chắt lọc từ nỗi đau” tức là từ việc bỏ mình, từ việc cắt đứt với nhiều thứ ràng buộc mình như tình, tiền, quyền, tự do, ý riêng… Ngoài sự tranh đấu và mò mẫm của mỗi người tìm đến sự hoàn thiện, chúng ta hầu hết đều sống trong một cộng đoàn, một nhóm, một dòng tu. Vậy những cộng đoàn mà chúng ta chọn làm gia đình của mình có thật sự giúp đỡ người tu được “sống và sống dồi dào” chưa?
Không gì được cho không cả. “Tiền nào của nấy” mà! Việc đầu tư vào đời thánh hiến của mỗi tu sĩ phải bắt đầu từ cái gốc là hoàn thiện con người trước khi tiến đến ước mơ nên thánh. Scott Peck, một nhà tâm lý nhưng có cảm nghiệm rất sâu sắc về đời sống siêu nhiên đã nhận định:
“Nẻo đường nên thánh là nẻo đường đi qua sự trưởng thành. Không có đường ngang lối tắt nhanh chóng và dễ dãi ở đây. Các vành đai bản ngã phải được xây lên rồi mới được phá đi. Một cá thể tính phải thành hình trước khi nói đến chuyện vượt qua nó. Ta phải tìm thấy cái bản ngã của ta trước đã rồi mới có thể đánh mất nó được.” S. Peck
Vì thế, chính bản thân người tu sĩ cũng như những người có trách nhiệm giúp người khác sống đời thánh hiến cần chú trọng đến phương diện này. S. Peck còn cho rằng ngay cả những người chọn cuộc sống thiên về tinh thần và siêu nhiên cũng trở nên tốt đẹp và gần Chúa hơn với một con người triển nở về nhân bản
“Qua gặp gỡ với các tu sĩ, tôi nhận thấy rằng những tu sĩ tuyệt vời nhất chính là những tu sĩ mến yêu Thiên Chúa nồng nàn nhất. Và để yêu Thiên Chúa cách nồng nàn, bạn phải là một con người nồng nhiệt, đam mê.” S.Peck
Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta vì tình yêu. Vì thế hạnh phúc của Ngài là được thấy những kẻ mình yêu thương được vui sống. Có lẽ điều cơ bản và sơ đẳng nhất trước hết để được vui sống chính là những nhu cầu của chúng ta được đáp ứng đúng mức. Nhu cầu của “con người” bao gồm những đòi hỏi, mong muốn, nguyện vọng về vật chất và tinh thần, tâm lý và tâm linh cần được đáp ứng để tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, mỗi người có những nhu cầu khác nhau tùy theo trình độ nhận thức, môi trường sống, những đặc điểm tâm sinh lý của từng người.
Phải, nhu cầu chính là yếu tố thúc đẩy con người hoạt động. Chúng rất đa dạng và vô tận. Nhu cầu càng cấp bách thì khả năng chi phối con người càng cao. Nếu kiểm soát được nhu cầu đồng nghĩa với việc có thể kiểm soát được con người.
Nhu cầu căn bản nhất thuộc “thể lý”
Các nhu cầu này cần được đáp ứng tối thiểu để duy trì sự sống. Nhìn vào thực tế, nếu như cách đây hai mươi năm, cuộc sống vật chất của giới tu sĩ có nơi còn thiếu thốn, nhưng bây giờ, nhu cầu này không còn thật sự là mối bận tâm nữa. Mặt khác, với tâm thức của những người con luôn tín thác vào lời Ngài đã hứa:“Các con đừng lo phải ăn gì, mặc gì” (Mt 6,11). Ngay cả chim trời và hoa đồng nội mà Chúa còn lo huống gì chúng ta là những người con yêu dấu của Ngài? Vì thế xin được lướt qua phần này với lời nhắc nhở của một Vị khôn ngoan: “Mở cửa nhà bếp thì cửa nhà thuốc sẽ đóng”.
Nhu cầu an toàn và được bảo vệ
Nhu cầu này bao hàm an toàn thể chất lẫn tinh thần: Cảm thấy được bảo vệ, có cảm giác yên tâm và tránh được những sự sợ hãi, lo lắng. Có lẽ trong đời tu, an toàn tinh thần là nhu cầu tối cần để được an bình nội tâm. Nhưng thực tế thì sao? Dường như một số tu sĩ chưa cảm thấy an tâm và an toàn ngay trong chính nhà mình, cộng đoàn mình. Thái độ phòng vệ đối với nhau, sợ sệt, né tránh và dè chừng nhau không phải là chuyện lạ trong khung cảnh đời tu. Thật ra nguyên nhân rất đa dạng. Xin nêu một ví dụ nhỏ: có những thành phần gọi là “ăng ten” hay đi mách lẻo để lấy điểm, để cầu an cho bản thân. Những sự mách lẻo này đôi lúc được khuyến khích hay dặn dò phải dấu. Chính cái dấu kín này làm cho chúng ta phải thắc mắc về tính chính xác của nó. Những điều nói sau lưng ấy thường khó tránh sự chủ quan và thêu dệt hoặc suy diễn, không cho người khác có cơ hội giải thích hay làm sáng tỏ. Đây là yếu tố hủy hoại ghê gớm, nó như những con vi khuẩn đục khoét sự lành mạnh của cộng đoàn, của những con người đầy thiện chí tìm Chúa. Bên cạnh đó, có những người “lớn” nhưng hay “bắt khoan bắt nhặt” hoặc rình mò canh chừng từ xa, hoặc hỏi đon hỏi ren về người này, người kia, tạo bầu khí nghi ngờ nhau và khiến những người trẻ không thấy an toàn khi chia sẻ thật tình. Thật khủng khiếp và vô phúc cho những ai rơi vào bầu khí bất an và bịnh hoạn này! Chắc chắn chúng ta đều mong manh, không tránh khỏi những sơ hở, sai sót, nhưng nếu chỉ đôi lúc yếu đuối thì khác với cách thế giáo dục kiểu này. Ở đây chỉ đề cập đến một góc độ dễ thấy và có thể kiểm chứng được. Thực ra còn biết bao nhiêu sự bất an tinh thần khác như nghi ngờ, phê phán và ngay cả loại trừ nhau nữa. Điều quan trọng là chúng ta cần tỉnh thức để tìm hiểu nguyên nhân và hướng giải quyết thì mới mang sinh khí đến cho anh chị em mình.
Làm sao để mỗi thành viên lớn, nhỏ được cảm thấy an toàn? Đây là việc của mỗi tu sĩ. Nếu một cá nhân hay một cộng đoàn chẳng may rơi vào tình trạng này thì xin xét lại mình và nhất là không có cách thế nào tốt hơn là chạy đến với Chúa là nguồn an bình. Với lòng tin yêu phó thác, nhu cầu an toàn của chúng ta sẽ được Chúa bảo đảm. Đặc biệt, ta cần luôn mang tâm tình trẻ thơ, luôn hướng về Thiên Chúa là CHA, đồng thời là Mục Tử tốt lành.
“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui” (TV 130)
“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (TV 23)
Nhu cầu tình cảm và tương quan
Ngay từ khi chào đời, con người đã có thiên hướng tự khẳng định mình như một cá thể, nhưng đồng thời cũng là một con người xã hội với nhu cầu được sống và chia sẻ cùng người khác. Nhu cầu này bao hàm sự trao – nhận tình cảm, được tán thành, thừa nhận, được làm việc, sáng tạo và cảm thấy mình xứng đáng được người khác yêu thương, cần đến. Cảm thức thuộc về thành viên của một gia đình, một nhóm hay một đoàn thể là điều tối cần và giúp ta sống quân bình.
Khi có người hỏi: Người ta thích sống ở đâu nhất, văn hào Dostoievski cho rằng người ta “Thích sống trong tim và trong óc người khác.” Câu trả lời có vẻ cường điệu nhưng thực tế trên thế giới có đến hơn 90% các vụ tự tử vì tình chỉ vì một lẽ, đó là không được cư trú trong trái tim của ai đó. Sống trong trái tim của một người đã hạnh phúc, vậy thì sống trong trái tim của anh chị em mình hay trong muôn người khác sẽ hạnh phúc đến nhường nào! Tình huynh đệ đời tu là sống trong trái tim nhau, mở cửa lòng cho người khác vào và mình có thể đi vào cõi lòng của người khác. Người thánh hiến sẽ hạnh phúc biết bao khi có một chỗ đặc biệt trong Thánh Tâm Chúa Giêsu và các em của Ngài
Mặt khác, chúng ta cũng đừng quên rằng đặc điểm lớn nhất của tình yêu là biến mọi cái xấu trở thành cái tốt đến mức “thương nhau củ ấu cũng tròn”, là mở lòng ra để đón nhận nhau. Hạnh phúc hay khổ đau của con người nằm trong mức độ tình yêu mà chúng ta nhận được. Nguyên lý này vẫn rất thích hợp với cả những người sống đời thánh hiến. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở mọi tín hữu (chắc chắn trong đó có tu sĩ) biết mở lòng mình ra với Thiên Chúa, và biết vượt thắng tình trạng “toàn cầu hoá của sự thờ ơ” đang đe dọa trước sự lan rộng của cảm giác buồn sầu, bất lực và đang làm cho các cá nhân và cộng đoàn khép mình lại, khép lại “cánh cửa mà qua đó Thiên Chúa đi vào thế gian và thế gian đến với Ngài”.
Để sống, con người cần ngụp lặn trong bể yêu thương. Và chỉ cảm nhận được tình Chúa khi có kinh nghiệm cảm nhận được tình người. Khi bước vào đời sống thánh hiến, cộng đoàn dòng tu là nơi giúp chúng ta sống, hiểu và cảm nhận thế nào là yêu thương qua tình huynh đệ trong những con người cụ thể. Bên cạnh đó, chúng ta còn nhận được tình cảm ấm áp của biết bao người chúng ta gặp gỡ trên đường phục vụ. Làm sao sống được mà không yêu? Chúng ta là hình ảnh, là con của một vị Thiên Chúa tình yêu, yêu thương chính là bản chất đích thực của chúng ta.
Ngoài tình Chúa, có không ít những phút giây tu sĩ nếm cảm được sự “ngọt ngào tốt đẹp lắm thay. Anh/chị em được sống vui vầy bên nhau” (TV 133). Những phút giây đó chẳng khác gì nhiên liệu cho chiếc xe đời mình lăn bánh an bình đến với tha nhân và thẳng tiến về với Thiên Chúa tình yêu. Tạ ơn Chúa và cám ơn nhau vì những phút giây ấy. Chúng chính là những chất đề kháng giúp chúng ta có đủ sức lướt thắng những nghịch cảnh, những thất bại hay những lúc tình huynh đệ bị ô nhiễm bởi những tham sân si, hay những cách ứng xử quá mang nặng mùi “trần tục” của kiếp người mà những người thánh hiến vẫn còn vương vấn.
Mặt khác, tại sao có một số không ít tu sĩ chưa thực sự SỐNG chứ chưa dám nói đến “sống dồi dào” hạnh phúc nếm trải sự “ngọt ngào tốt đẹp”? Vì chưa cảm nhận được nhiều tình yêu trong đời nên họ còn sợ yêu thương? Yêu thương là liều bị từ khước, liều trải mình ra cũng như liều để người khác đi vào cuộc đời mình! Nhưng Tình yêu chính là thửa đất trên đó sự sống nẩy mầm. Yêu thương và tin rằng mình được yêu sẽ là chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống làm người mong manh khiếm khuyết này. Tình yêu sẽ hóa giải tất cả.
Có ai dám tự hào rằng mình xứng đáng để cha mẹ yêu hay để được Chúa yêu, thế nhưng chúng ta vẫn được yêu! Tiếc thay, trong không ít các cộng đoàn đời tu, luôn có những tu sĩ không cảm nhận được điều này. Đức Thánh Cha cũng cảm thấy có điều gì đó không ổn nên Ngài đã bày tỏ mong muốn tu sĩ chúng ta giúp nhau sống vui tươi, hạnh phúc và đầy sức sống: “Tôi ước mong rằng giữa chúng ta không có những khuôn mặt buồn rầu, những con người bực bội bất mãn, bởi vì “ai buồn bã đi theo Chúa thì việc đi theo Chúa đáng buồn”
Trong Tông Thư về đời sống sống Thánh hiến, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng ta: Người thánh hiến có đủ lý do để vui, để sống an bình dù “cũng như bao sinh linh khác, chúng ta cũng trải nghiệm những khó khăn, những đêm tối tinh thần, những thất vọng, bệnh tật, kiệt sức do tuổi tác. Chính trong hoàn cảnh đó mà chúng ta cần phải khám phá “sự hoan hỉ hoàn hảo”, học cho biết cách nhận ra khuôn mặt Đức Kitô, Đấng đã trở nên giống như chúng ta mọi đàng, và vì thế cảm nghiệm sự vui mừng vì biết rằng mình được nên giống kẻ vì yêu thương ta đã không khước từ thập giá.”
Tuy bất toàn và mong manh nhưng nếu biết dựa vào ơn Chúa, vào ơn cứu độ mà Tình yêu Thiên chúa đã ban nhưng không thì chúng ta vẫn luôn là người đáng yêu, đáng quý, vì chúng ta là CON mà! Chúng ta được thừa hưởng sự cao cả, sự đáng giá và vẻ đẹp của CHA mình. Vấn đề là con người cần có thái độ vừa khiêm tốn, vừa thấy mình đáng giá. Như nhà Tâm lý Trị liệu S. Peck vẫn luôn băn khoăn: “Cố gắng dạy cho họ biết họ quan trọng đến mức nào, họ dễ thương và đẹp đẽ đến mức nào trước mặt Thiên Chúa. Không có gì cản trở chúng ta tiến tới sự lành mạnh tâm thần, tiến tới sự lành mạnh xã hội, tiến tới Thiên Chúa … cho bằng cảm nghĩ rằng mình không quan trọng, mình không đáng yêu, mình là “đồ bỏ”. Đó là điều chúng ta cần xác tín!
Học khiêm nhượng cũng là học yêu chính mình đúng mức, biết chăm lo cho vẻ đẹp tinh thần, biết chân nhận mọi sự mình có đều đáng giá, và đều do tay Cha Nhân Lành ban tặng.
“Chúng ta hãy biết tự sửa soạn, và chúng ta hãy làm thế bằng cách học đi học lại cho biết rằng mình thật rất quan trọng, mình xinh đẹp lắm, mình đáng yêu lắm, chứ không như mình vẫn lầm tưởng. Và trong khả năng có thể của mình, Chúng ta hãy bước ra giữa đời, nói lên cho mọi người khác biết rằng họ thật rất quan trọng, họ rất đáng giá, rất đáng yêu, chứ không như họ vốn lầm tưởng”. S.Peck
Về khía cạnh này, dường như có lúc trong các nhà tu quá nhấn mạnh việc nên thánh mà quên rằng trước khi là thánh tôi phải thực sự làm người đã. Tôi là người! Về mặt giá trị làm người, không ai đứng trên ai, không ai có một giá trị cao hơn người khác, kể cả bố mẹ với con cái, bề trên và bề dưới. Người ta có thể dùng sức mạnh của quyền lực, luật lệ để ép, để buộc những kẻ khác phải vâng nghe, phải chấp nhận điều nọ, việc kia… nhưng đó chỉ là sự áp đặt chứ không phải ý thức tự nguyện. Nếu không tự nguyện hay làm với sự ý thức thì những hành vi đó mất đi giá trị của nó.
Điều đáng khao khát trong đời tu trước hết là sự chinh phục lòng người và cải hóa tự tâm chứ không phải sự áp đặt, ngay cả thúc ép những việc thiêng liêng. Vì thế, mục đích của huấn luyện và hướng dẫn trong đời tu là gây ý thức, là khơi dậy lòng mến và sự “tự hiến” để việc dấn thân của đương sự phát xuất từ cõi lòng do động lực yêu mến và tự nguyện. Chắc chắn hành động của một người “được đẩy” sẽ khác rất xa với những người “được cuốn hút vào.” Đề cập đến điều này, không có nghĩa là phủ nhận giá trị của sự hy sinh, của vâng lời, của từ bỏ nhưng để tâm được an, lòng được hạnh phúc và các hành động trở nên lâu bền cũng như có giá trị cao cả nếu chúng được làm từ trái tim, từ ý thức và từ sự chọn lựa tự do. Vai trò của những người lớn, người có trách nhiệm, nhất là người có vai trò dạy dỗ, huấn luyện và hướng dẫn thật quan trọng để sao cho những hành vi đạo đức hay ứng xử được khởi đi từ sự tự nguyện, làm vì kính phục và vì yêu mến. Đây cũng chính là thước đo lòng tôn trọng phẩm giá con người.
Mỗi tu sĩ đều mang thân phận hữu hạn nhưng trong đó lại mang những khát khao vô hạn. Cái hữu hạn đó tương đương với sự mỏng dòn, dễ vỡ. Tu sĩ không phải là bình hoa bằng nylon hay bức tượng bằng những hợp chất composit. Nếu tất cả mọi cái đều không thể hư hỏng, không thể vỡ bể, không thể hư hao thì người ta không cần bảo trì, không cần phải nương tay, phải sợ hay phải ân hận vì bất cứ việc lỡ tay nào. Và như vậy, chẳng còn có gì đáng quí nữa, chẳng có sự sống, chẳng có trái tim.
Con người là sự sống! Sự sống thường có ít nhất hai mặt. Muốn sống thì phải chết như hạt lúa rơi vào lòng đất. Muốn xây phải hủy cái cũ. Muốn có chồi non thì lá già phải rơi rụng…Con người là sinh vật sống và chia sẻ thân phận ấy. Phải, con người là sự kỳ diệu của yếu đuối và sức mạnh, là sự tuyệt vời của đau khổ và hạnh phúc, là sự kết hợp thâm sâu giữa hữu hạn và vô hạn. Có yếu đuối mới biết cái mỏng manh của số phận, có cái mỏng manh mới biết được điều gì là bền vững trong cuộc sống để cậy dựa, để xây dựng và tìm kiếm. “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cor 12,10). Có lẽ Thánh Phaolô cũng sống trong cảm nhận này. Sức mạnh của Kitô hữu, của tu sĩ là nhờ lòng tin – “tôi biết tôi tin vào ai…” 2Tm 1,12, nhờ tình yêu và nhờ cậy dựa vào Đấng mà tôi đã thuộc về (x. Rm 8/31)
Sự sống mầu nhiệm lắm, vì thế, cần yêu quý, trân trọng mỗi ngày ta có được. Chính vì yếu đuối mỏng dòn và hữu hạn mà chúng ta CẦN CHÚA. “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5/20). Chắc chắn, Ngài có đó vì Ngài đã hứa “Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Hơn nữa, chúng ta vẫn tin vào lời của Ngài “ơn ta đủ cho con”. Vì thế, tuy sống phận người, nhưng chúng ta có đủ bảo chứng để an tâm bước đi trong đời tận hiến vì Đấng mà chúng ta đã TIN, đã theo là Đấng Thánh, Đấng THIÊN CHÚA TÌNH YÊU và nhất là Đấng ấy còn là CHA của chúng ta.
Trước tầm quan trọng của nhu cầu yêu và được yêu thương này, có vấn nạn được đặt ra ở đây là liệu những người thánh hiến sống trong nhà Chúa có cảm thấy được yêu thương và quan tâm hay không? Chúng ta có cảm thấy mình là anh/chị em thật sự của nhau chưa, đã sẵn sàng để gánh vác nhau như cô bé trong câu chuyện kể sau đây của một nữ tu ở Đài Loan:
“Một cô bé ốm yếu khoảng mười tuổi, ngày ngày cõng một em nhỏ khoảng bốn tuổi. Ai thấy cũng tội nghiệp cho em vì cái gánh nặng trên lưng. Một hôm có người hỏi: “Này bé, con không cảm thấy nặng hay sao?” – “Dạ không, vì nó là em con”.
Đời sống cộng đoàn hay tình huynh đệ cũng có nghĩa là gánh vác nhau. Khi vào dòng, chúng ta đã chọn nơi này làm gia đình của mình. Vậy chúng ta có coi nhau là anh chị em thật sự chưa, hay có khi lại sống tuy gần mà xa, xa trong tâm tưởng, xa trong cõi lòng hay thậm chí có khi còn nhân danh Chúa, nhân danh sự thánh thiêng để loại trừ, triệt tiêu nhau thay cho cảm thương và thành thực xây dựng cho nhau? Phải chăng vì cái tâm chúng ta còn quá “tục” và cái “thiêng” của ánh sáng siêu nhiên chưa soi rọi vào tâm, vào trí và vào những hành vi lớn nhỏ của chúng ta? Phải, chất “người” còn quá nặng đến nỗi nhiều phen chúng ta không coi nhau như anh chị em, con chung một CHA
Nhu cầu tình cảm và tương quan bao hàm nhu cầu được HIỂU. Tình yêu thương thật sự gắn liền với trí tuệ vì nếu không hiểu nhau, không thể thương yêu sâu sắc và yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình yêu thương. Hiểu càng sâu thì thương càng rộng, hiểu càng rộng thì thương càng sâu! Hiểu là nhịp cầu nối kết giữa tình người, giữa ĐẤT với TRỜI. Vì thế, học để hiểu, tìm để hiểu về nhau sẽ giúp chúng ta sống tình huynh đệ quân bình và sâu sắc.
Tiếng Việt chúng ta thật hay, không tự nhiên mà chúng ta có thể hiểu nhau. Muốn hiểu phải đầu tư, phải lấy thì giờ mà tìm kiếm. Về bất cứ điều gì chúng ta cũng phải học, phải tìm mới biết huống gì là về “con người”, một hữu thể vô cùng nhiệm mầu, phong phú và phức tạp. Để sống tình huynh đệ sâu sắc và lâu bền, chúng ta không thể bỏ qua con đường học hỏi về con người và tìm hiểu nhau. Đời thánh hiến cũng thế, từ lãnh vực tự nhiên nối kết với siêu nhiên, từ con người mà vươn tới tầm cao, tới Thiên Chúa. Chúng ta cần nghiêm túc tìm hiểu và học hỏi về Chúa và về nhau để đời tu không chỉ dựa trên cảm tính mà thôi, nhưng trên những lý chứng vững chắc. Nói thế không có nghĩa là phủ nhận niềm tin và ơn thánh nhưng là kiện toàn chúng. Hiểu biết bảo đảm cho tính lâu dài và bớt đổi thay. Cảm xúc chỉ là khởi điểm, trí óc mới giúp duy trì. Trí óc đã mở cửa thì không dễ gì có chuyện hôm nay thế này, ngày mai thế khác.
Trong thực tế, nhiều người, và ngay cả những người thánh hiến cảm thấy không được hiểu. Họ “đói” tình thương và “đói” được hiểu. Gặp được người hiểu mình, thương mình là điều may mắn lớn trong cuộc đời. Tình yêu nảy nở từ đó, tình huynh đệ được phát sinh và nuôi dưỡng cũng từ đó. Nhưng …
– Làm sao hiểu nếu cứ mang mãi trong mình những định kiến, phán đoán, cố chấp luôn cho mình đúng và kẻ khác sai, mình thánh còn kẻ khác thiếu đạo đức? Có lẽ với những đặc tính của con người thời @ ngày nay, nhiều tu sĩ còn mang nặng tinh thần biệt phái – một thứ biệt phái còn nguy hơn thời Chúa Giêsu gấp bội.
– Làm sao hiểu nếu cái TÔI còn quá lớn, cái MÌNH còn quá quan trọng? Điều này khiến cho việc hiểu người khác chẳng khác gì hiểu cái bóng của chính mình qua những phóng chiếu của bản thân. Còn đâu nữa tính khách quan, chân thực!
– Làm sao hiểu nếu chỉ nghe vòng ngoài, nghe một chiều mà không có đối thoại trực tiếp? “Tam sao thất bổn” là chuyện thường tình, và điều này có lẽ xảy ra thường tình hơn trong đời tu. Tu sĩ của chúng ta đâu phải là những người khuyết tật, nhưng dường như lắm lúc tự mình làm cho mình trở nên khuyết tật bởi chỉ lắng nghe có một lỗ tai, chỉ nhìn với một con mắt, chỉ hiểu với nửa cái đầu và yêu với nữa con tim.
Mặt khác, bầu khí huynh đệ trong một số cộng đồng tu sĩ như thế nào mà thực tế lại có những người bày tỏ ước muốn trở nên người đa tật vừa khiếm thị lại vừa câm điếc; có nghĩa là đừng nghe, đừng nhìn thì có khi dễ sống hơn, câm thì có lợi hơn, an tâm và an toàn hơn! Thật đau lòng khi tôi được nghe như thế từ một số tu sĩ và có lẽ không phải là ít những người thánh hiến đã có lần bị cám dỗ như trên, ít là trong sâu kín lòng mình. Mỗi người có những nỗi niềm, những khổ đau, bức xúc riêng. Nếu không hiểu sẽ không thương mà giận hờn, trách móc, thậm chí còn kết án nhau nữa. Có lẽ nhiều lúc chúng ta đã quên lời Chúa “Ngươi là ai mà dám xét đoán tha nhân?” (Gc 4,11) hay “Ai đặt ngươi làm quan án?”, “Sao không lấy cái xà trong mắt người trước đã” (Mt 7,1-5).
“Có hiểu mới có thương”. Nói theo kiểu nhà Phật là hãy lấy “lòng từ bi hỷ xả” hay theo Kitô giáo là hãy lấy “lòng bác ái” mà đối xử với nhau. Có lẽ nói đến lòng bác ái, chúng ta đã quá quen và quá nhàm. Vì thế ở đây xin đề cập đến tinh thần từ bi hỷ xả được thể hiện trong đời sống huynh đệ:
– Từ là khả năng hiến tặng cho người mình yêu thương. Yêu thương không phải là vấn đề nhận lãnh hay hưởng thụ. Yêu thương ai thật sự nghĩa là làm cho người khác hạnh phúc, đem điều lợi ích, sức sống đến cho họ. Từ tâm là lấy lòng rộng lượng, hiền từ mà đối xử với nhau.
– Bi là khả năng lấy đi những khổ đau ra khỏi mình và người mình yêu thương. Đó mới là tình yêu đích thực. Từ bi trong tình yêu không phải tự dưng mà có nhưng cần tập mỗi ngày và cần thời gian kiên nhẫn để quan sát, lắng nghe, thấu hiểu những nỗi niềm nhằm giúp người ấy tháo gỡ những gì còn vướng mắc, băng bó vết thương để làm tăng thêm bình an, niềm vui và hạnh phúc cho người.
– Hỷ là niềm vui, bản chất của tình yêu chân thật. Càng yêu càng vui và càng làm lan tỏa không gian hạnh phúc cho cả gia đình, cộng đồng và xã hội; đem lại sự ấm áp, cảm thương và sức sống, năng lực cho người.
– Xả là không phân biệt. Yêu ai thì khổ đau hay hạnh phúc của người kia chính là của mình. Khi yêu thương, hai người không còn là hai thực thể riêng biệt nữa. Khổ đau, hạnh phúc không còn là chuyện cá nhân mà là chuyện chung, chuyện của chúng ta.
Nhu cầu cơ bản mang tính người là hiến dâng sự yêu thương cho người khác. Thật ra, khi bộc lộ tình yêu hoặc lòng từ bi với người khác thì không chỉ có lợi cho người nhận mà cả người cho. Các nhà sinh học phát hiện rằng, ở những hòn đảo hoang sơ, những cây cối nào ra nhiều hoa thơm trái ngọt thường mời mọc chim trời đến ăn. Càng nhiều chim đến ăn, hạt giống càng được gieo vãi và cây đó càng mọc lên thành rừng ở khắp nơi. Đúng là càng đem cho, càng có nhiều lên.
Theo cách hiểu đó, phận người chúng ta cần sự yêu thương dựa trên những nhu cầu và khát vọng cơ bản của chính mình. Về điều này, giáo sư Cao Huy Thuần kể về một nghiên cứu: trên cùng một khoảnh đất, trồng 2 cây cùng loại, cách không xa nhau lắm, điều kiện chăm sóc như nhau. Chỉ có khác là một cây người ta thường xuyên trò chuyện. Ngày nắng ngày lạnh, có lời hỏi thăm, lúc bình minh đẹp thì chia sẻ, xem cây lá có vui không … Kết quả là cái cây này lên nhanh hơn cây kia, ra nhiều hoa hơn, cho quả ngọt hơn. Cây mà còn như thế huống gì là con người ?
Nhu cầu được tôn trọng
Nhu cầu cần được quý trọng, kính mến, được tin tưởng có thể ví như nước và khí trời cho sự sống. Sự tôn trọng tạo cho con người lòng tự tin và tính độc lập. Khi nhu cầu tôn trọng không được đáp ứng, người ta tin rằng họ không được người khác chấp nhận nên trong lòng thường có cảm giác hụt hẫng, cô độc và tự ti.
Thật ra, tự trong đáy lòng ai cũng cho mình là quan trọng. Vì thế tôn trọng phẩm giá có nghĩa là nhìn nhận những cảm xúc và phẩm chất tốt đẹp của tha nhân, thể hiện bằng niềm tin rằng họ là những con người có nhu cầu tự khẳng định bản thân, tự trọng, lương thiện và hướng thiện. Tôn trọng phẩm giá còn là lắng nghe không những tiếng nói mà còn nghe cả tiếng lòng và những khát mong âm thầm của mỗi người.
Tôn trọng, nếu xét về mặt ý nghĩa, là cách cư xử giữa người với người. Nếu đặt vào các mối quan hệ trong xã hội, tôn trọng là thứ vô cùng quan trọng để giúp cho các mối quan hệ bền vững theo thời gian, từ hôn nhân cho đến tình bạn và các mối tương quan khác. Tình huynh đệ cũng không thể bỏ qua được nguyên tắc này. Peter Gray (2012) trong cuốn Freedom to Learn đã khẳng định: “Trong những mối quan hệ, sự tôn trọng thậm chí còn quan trọng hơn tình yêu”
Triết gia Kant cho rằng người ta chỉ được trọng vọng ngang với những gì người ta hiến dâng cho người khác. Cũng như các điều khác, tôn trọng cũng có hai chiều. Ở đời, chưa từng có ai được trọng vọng suông, nghĩa là chẳng hiến gì cho đời mà cũng được trọng vọng cả:
Thế gian chuộng của chuộng công,
Nào ai có chuộng người không bao giờ.
Tuy nhiên, với những người Kitô hữu, những người làm con Chúa thì khác. Người càng nhỏ bé, yếu đuối lại càng được Chúa ưu ái trọng vọng hơn. Trở về với thực tế đời tu, trong các cộng đoàn tu trì, dường như điều này có khi bị quên lãng. Xu hướng tự nhiên thường được thể hiện trong cách đối xử giữa các thành viên: Những ai đẹp, giàu, giỏi hay chức cao thường được ưu đãi, trọng vọng hơn. Sự phân biệt đối xử không phải là chuyện lạ. Trong nhiều cuộc tiếp xúc, tôi vẫn thường nghe nỗi lòng của một số anh chị em “thấp cổ bé miệng”. Họ đau khổ âm thầm trong lúc vẫn thường nghe những bài ca về bác ái huynh đệ…
Sự tôn trọng chính là trụ cột cho tất cả mọi nền giáo dục. Lòng tôn trọng của giáo viên dành cho học sinh, của phụ huynh với con cái, của học trò với thầy và với cha mẹ. Tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng bản thân là những gì mà giáo dục phải khơi dậy. Nếu xã hội của chúng ta không còn đủ sự tôn trọng, chắc chắn nguyên nhân chính là do vấn đề của giáo dục và nuôi dạy. Đây cũng là tiền đề cho việc huấn luyện trong đời thánh hiến. Người thụ huấn nếu không cảm thấy được tôn trọng, và ngược lại, nếu họ không có lòng tôn trọng cấp trên thì việc huấn luyện sẽ rất ít hoặc không mang lại hiệu quả gì. Điều đáng lo là mỗi người cứ âm thầm mang nỗi niềm của mình mà thiếu tinh thần cởi mở để có một cuộc đối thoại chân tình và tôn trọng nhau, nhất là trong những vấn đề nhạy cảm. Lâu dần tâm hồn chúng ta ngày càng trở nên chai cứng, thái độ chúng ta càng chua cay và cách biệt, và rồi chúng ta bị đẩy xa khỏi tha nhân, xa cách ngay với những người cùng chung chí hướng, trong một nhóm, một cộng đoàn, hay trong lòng Giáo Hội. Tình trạng này nếu không tỉnh thức và quan tâm kịp thời thì đến một lúc nào đó, bất hòa, giận dữ, thiếu dung thứ, thiếu kiên nhẫn, thiếu tôn trọng và thiếu đức ái sẽ làm tê liệt cộng đoàn và chia rẽ những người thiện tâm với nhau. Khi đó, những người đi theo Đức Giêsu được kêu gọi để noi theo gương yêu thương của Ngài sẽ trở nên như thế nào?
Để cứu vãn, chúng ta cần trở về với những nguyên tắc căn bản mà thánh Phaolô căn dặn trong 1 Cor 13,4-7: tôn trọng, nhân ái, thông hiểu, nhẫn nại, và rộng lượng đối với nhau… đặc biệt là với những người đối lập mình. Đồng thời ta cũng không quên rằng chúng ta đang cùng ở với nhau trong một gia đình và mỗi người cần có nhau; cần cố gắng vươn lên để giữ mình ở một tầm mức cao; cần đón nhận chuyện xấu bằng lòng tử tế, giận dữ bằng thương xót, đối nghịch bằng thông hiểu, phỉ báng bằng đức ái. Hãy chú ý đến tinh thần này: chỉ có “chúng ta” chứ không có “tôi hay chúng tôi”
Sự tôn trọng còn thể hiện ở việc chấp nhận sự khác biệt. Mọi sự trong cuộc sống này đều tồn tại hai khía cạnh, hai thái cực khác biệt, không gì là hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, vấn đề chỉ là cách nhìn nhận khác nhau. Chúng ta thường có xu hướng nhìn đời, nhìn người khắt khe hơn nhìn mình. Chính điều này gây trở ngại cho tình huynh đệ. Vậy làm sao để khắc phục trở ngại ấy? Có lẽ cần tận dụng con mắt bao dung của mình, lưu tâm đến những phẩm chất tốt và sự tử tế của người khác để giúp xóa bớt những điều khó chịu, khó gần trong giao tiếp.
Tôn trọng sự khác biệt là văn hóa ứng xử tối thiểu cần phải có của một người sống trong xã hội này, huống gì là trong đời tu. Đó cũng chính là sức mạnh của trí tuệ và cũng là sức mạnh của Tin Mừng. Nguyên tắc cơ bản và rất giản đơn của cuộc sống là: “khác không phải là sai hay là xấu” mà chỉ là khác thôi! Người giỏi toán, kẻ giỏi văn. Người quá tỉ mỉ thứ tự thì thiếu sáng tạo và trái lại. Trong một cộng đoàn hay một nhóm, có đủ loại sở thích, người yêu hoa hồng, kẻ thích hoa huệ, vậy hoa nào đẹp? Ai mà chẳng biết rằng cái mình thích là nó đẹp, nó ngon, nó hay! Đơn giản có thế. Con cái Chúa thì muôn vẻ, tạo vật của Chúa thì muôn sắc. Đó mới chính là sự tuyệt vời của Chúa. Đó chính là sự phong phú của cuộc sống. Mỗi người chúng ta đều có một giá trị riêng. Khi chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt và giá trị của người khác cũng là khi ta trân trọng chính mình. Vì thế, không cần phải chỉ trích ai để khẳng định giá trị của bản thân.
Chúng ta cần tôn trọng sự khác nhau trên nhiều mức độ và lãnh vực. Theo gương Chúa Giêsu, Ngài yêu hết các môn đệ của mình, nhưng Ngài lại gần hơn với Phêrô, Gioan, Giacôbê và Anrê. Gioan yêu Chúa cách nhẹ nhàng kín đáo và sâu sắc. Phêrô lại yêu Chúa cách mạnh bạo, bồng bột và đầy nhiệt tình. Cả hai đều đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô, nhưng theo cách khác nhau. Hai thánh Phêrô và Phaolô, hai cột trụ của Giáo hội cũng hoàn toàn khác biệt nhau về gốc gác, trình độ và quan điểm sống cũng như hướng phục vụ. Phêrô theo đường lối bảo thủ, giữ gìn truyền thống và theo sát luật lệ, làm việc cho và với dân Do Thái. Thánh Phaolô cởi mở, gần gũi với những dân tộc khác, sáng tạo trong việc loan báo Phúc Âm. Nhờ sự táo bạo của Phaolô mà Tin Mừng được lan rộng. Nhờ lòng nhiệt thành nắm giữ truyền thống của Phêrô mà Giáo hội đứng vững. Gốc vững chắc, ngọn mới vươn cao, vươn xa được. Nếu không có Phaolô dám vượt biên, và sau này các vị truyền giáo, thừa sai cùng có một lòng nhiệt huyết, táo bạo như Phaolô thì chúng ta, những đất nước xa xôi, văn hóa khác biệt làm sao biết được Đức Kitô để tin và yêu mến Ngài?
Giáo hội đã trở nên phong phú và vươn xa nhờ phát huy tính khác biệt từ hai cây cổ thụ Phêrô và Phaolô này. Tuy có nhiều sự bất đồng và nhiều phen tranh cãi gay cấn, nhưng các ngài đã không tìm cách triệt tiêu nhau. Chính thái độ tôn trọng con người và sự khác biệt mới làm phát triển giáo hội. Giả như xưa kia thánh Phêrô đã dùng quyền mà cấm Phaolô rao giảng và phát triển đường lối, giáo huấn của Ngài thì ngày nay chúng ta sẽ ra sao?
Chắc chắn không ai dám so sánh mình với hai cột trụ của giáo hội, nhưng đó là gương mẫu chúng ta cần nhìn lên để thán phục và nhìn xuống thân phận và thực tế của mình để mà suy ngẫm. Chính sự khác biệt sẽ làm phong phú hóa cho mỗi người và tập thể. Là những người con của Cha nhân lành và cao cả, tinh thần của chúng ta phải rộng đủ để chứa đựng sự đa dạng và khác biệt, đồng thời đủ sáng suốt để biến nó thành sức mạnh thay vì nghi kỵ và triệt tiêu hoặc vô hiệu hóa nhau. Chúng ta cố gắng theo bước chân Đức Kitô, mặc cho mình tâm tình của Ngài “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29).
Mặt khác, khi đòi hỏi được tôn trọng, mỗi người phải bắt đầu bằng việc tôn trọng bản thân, nghĩa là những hành vi, ứng xử của mình được thúc đẩy bởi các giá trị và nguyên tắc đạo đức. Người biết tự trọng sẽ khơi nguồn cho sự tôn trọng của người khác. Bên cạnh đó, còn một yếu tố khác ít ai chú ý đó là vai trò của lòng khiêm tốn, khiêm tốn nhưng cũng cần tự tin. Rất nhiều người trong chúng ta lầm tưởng khiêm tốn và tự tin là hai điều đối nghịch nhau, nhưng thực ra chúng có mối liên hệ rất mật thiết. Một người được nhiều người tôn trọng phải đòi hỏi có một sự cân bằng giữa hai yếu tố này.
Bậc thầy về giao tiếp Anthony K. Tjan đã từng nói rằng: “Bạn cần có đủ tự tin để thu hút người khác. Tuy nhiên, sự khiêm tốn là con đường hướng tới sự tôn trọng, trong khi sự tự tin là con đường phát huy nó”. Một nghiên cứu của nhà khoa học Davis Et Al năm 2012 đã phát hiện tính khiêm tốn của con người có khả năng gia tăng sự bền chặt giữa các mối quan hệ. Đặc biệt hơn, người khiêm tốn thường dành nhiều thời gian giúp đỡ và quan tâm đến người khác nên họ sẽ nhận được sự quý trọng nhiều hơn một người tự kiêu. Câu chuyện về tổng thống Washington sẽ cho chúng ta thấy một cách cụ thể về điều này.
“Một buổi sáng nọ, sương mù dày đặc một mình Washington ra khỏi doanh trại. Ông mặc một chiếc áo tới đầu gối, binh lính không ai nhận ra (khi đó ông đang là thượng tướng).
Ở một địa phương nọ ông thấy một viên hạ sĩ đang chỉ huy binh lính dưới quyền xây lô cốt ngoài phố. Hạ sĩ này hai tay bỏ vào túi áo, hò hét kêu gọi. Trong khi binh lính đang vất vả khiêng những tảng đá nặng. Và dù ông có la hét nhưng đám lính kia không tài nào đưa đá lên đúng vị trí. Washington thấy thế xắn tay áo giúp một tay. Một lát sau những tảng đá cuối cùng cũng đã được xếp ngay ngắn.
Những người lính cám ơn ông, ông bước tới chỗ viên hạ sĩ và nói: “Sao ông không giúp họ thay vì bỏ tay vào túi mà hò hét chỉ mệt người chứ chẳng giúp được gì họ. Viên hạ sĩ tỏ ra bực tức trước lời góp ý, anh ta trả lời với thái độ thị uy và đầy kêu ngạo: “Thế ông không biết tôi là hạ sĩ cấp cao sao?”. Washington cười và cởi bỏ áo ngoài để bộ quân phục lộ ra và nói: “Theo quân hàm tôi là thượng tướng, nhưng lần sau anh có cần khiêng vác như thế này nữa thì cứ gọi tôi”.
Sự khiêm tốn khơi thông những tắc nghẽn và làm cho cuộc sống của mọi người được an bình: “Nhẫn một chút trời yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Hơn ai hết, những người thánh hiến sống trong những cộng đoàn sẽ cần thực thi sự khiêm tốn để cộng đoàn bớt sóng gió, vì khiêm tốn chính là bài học mà Đức Kitô tha thiết muốn chúng ta học hỏi nơi Ngài nhất. (Mt 11/29)
Nhu cầu hoàn thiện bản thân
Khi giúp mỗi thành viên tận dụng tối đa các nén vàng Chúa trao hay các tiềm năng của mình là thực hiện mong muốn của Đức Kitô như Ngài đã bày tỏ qua dụ ngôn các nén bạc (Mt 25/14-30). Ngay cả trên phương diện tự nhiên của con người, vẫn luôn có nhu cầu tự hoàn thiện bản thân. Đây là mức cao nhất trong hệ thống phân loại nhu cầu của Maslow. Nhu cầu này bao gồm thực hiện mục đích của mình, sáng tạo, thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, làm cho tiềm năng phát triển tới mức độ tối đa. Nhu cầu hoàn thiện bản thân diễn ra trong suốt đời, nó chỉ xuất hiện khi các nhu cầu dưới nó được đáp ứng trong những chừng mực nhất định. Các nhu cầu cơ bản càng được đáp ứng thì càng tạo ra động lực sáng tạo và tự hoàn thiện ở mỗi cá thể. Trái lại, nếu những nhu cầu bậc thấp chưa được thỏa mãn thì chúng sẽ hối thúc con người hành động khi chúng chưa được đáp ứng….điều này có thể đưa đến một số lệch lạc trong các hành vi. Đây có thể là nguyên nhân của một số hành vi “lạ đời” và khó hiểu của một số tu sĩ, đặc biệt của những người ở tuổi về chiều?
Thiết nghĩ trong môi trường tu trì, nhu cầu trở nên hoàn thiện nhân bản sẽ làm nền cho việc hoàn thiện đời sống siêu nhiên.
Nhu cầu cần được tin tưởng
Sự tin tưởng, yếu tố tối cần trong các mối tương quan: tình bạn, tình yêu, đồng nghiệp… Sự tin tưởng luôn cần thiết trong bất cứ mối quan hệ nào. Nếu thiếu sự tin tưởng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được sự bình yên và thanh thản nội tâm, nhất là trong hôn nhân, trong gia đình. Còn trong cộng đoàn tu trì thì sao? Chắc chắn đó là yếu tố cốt lõi như xương sống của một cơ thể, như cốt sắt trong khối bê tông để giữ vững ngôi nhà. Sự tin tưởng chính là khung nối kết để các thành viên có thể chung vai xây đắp ngôi nhà chung là gia đình, cộng đoàn cũng như dòng tu, nhất là khi người ta sống chung quá gần gũi sát cánh bên nhau.
Gia đình mà không tin tưởng nhau thì rạn nứt và đổ vỡ chỉ là yếu tố thời gian. Cộng đoàn thiếu tin tưởng thì sẽ tạo nghi ngờ, xa cách và sau đó là chia rẽ, là phe cánh. Thiếu tin tưởng là nguyên nhân đầu tiên tạo mối nghi ngờ, và sự suy diễn là điều khó tránh theo sau khiến cho cuộc sống trở nên “tuy gần mà xa”. Kết quả là sống bên nhau nhưng thường xuyên cảm thấy lạnh lùng, đơn côi và không có hoặc ít khi cảm thấy hạnh phúc thật sự.
Nhiều lần tôi tự hỏi đâu là nguyên nhân tạo nên sự thiếu tin tưởng? Chắc mỗi người mỗi cảnh, mỗi nhà mỗi cách khác nhau nhưng có vẻ như do sư ghen tuông, cạnh tranh, đố kỵ và thiếu lòng khoan dung, thiếu tình thương chân thành với nhau và nhất là thiếu tình Chúa. Khi tình người đã thiếu thì tình Chúa cũng lu mờ và ngược lại mà gây ra chăng? Các thành viên trong nhà tu thiếu mặc lấy tâm tình của Đức Kitô? Dù đã rời cha mẹ, xa người thân để cùng theo Đức Kitô, nhưng một số tu sĩ dường như đã quên rằng “Tình yêu chúa Kitô đã đoàn tụ hợp nhất chúng ta”, quên đi chiều kích siêu nhiên mà chỉ sống với bản năng của con người tự nhiên.
Nếu không bao giờ tin tưởng một ai, chúng ta đang làm cho cuộc sống mình mất ý nghĩa và những khoảng cách luôn xuất hiện trong các mối quan hệ. Bên cạnh đó là thái độ dè chừng, đề cao cảnh giác, nghi kỵ lẫn nhau. Thường tình, một khi đã mang cái bệnh nghi ngờ rồi thì dù cho người kia có thề thốt hay có làm gì thì cũng khó thay đổi suy nghĩ của mình. Chỉ khi nào chúng ta nhận thức được rằng người kia đáng tin chúng ta mới lắng nghe và tin tưởng họ một cách chân thành.
Có bao giờ chúng ta cảm thấy chán nản và mệt mỏi vì không được tin tưởng? Nhiều nơi, sự thiếu tin tưởng được thấy rõ nét hơn đối với những người trẻ. Có những phụ huynh cũng như người có trách nhiệm trên giới trẻ nghĩ rằng “trứng không khôn hơn vịt” được. Chúng ta cũng đừng quên câu nói: “hậu sinh khả úy” và cũng đừng coi thường “nghé con”. Họ đầy năng lực, sáng tạo và không sợ nghịch cảnh. Nếu người lớn đặt niềm tin vào người trẻ, họ sẽ tự tin hơn để đối diện với các vấn đề trong cuộc sống, và sẽ đem hết sức ra để cống hiến. Không tin tưởng người khác sẽ đem lại thiệt hại cho cả đôi bên. Vì không ai có thể thành nghiệp lớn, cũng không ai có thể trở thành vĩ nhân nếu không được người khác đặt hết niềm tin nơi họ. Mặt khác, nếu tin tưởng người khác, thì họ mới tin tưởng và trung thực với mình.
Tôi nhớ có lời khuyên: “Hãy lấy phong độ của một vĩ nhân mà đối với người khác thì họ mới có thể biểu hiện ra cái phong độ vĩ nhân mà họ có với bạn”. Lòng tin cũng chính là bàn đạp thực tế. Cầu thủ trẻ Varance đang lên người Pháp mới đây đã lên tiếng cảm ơn thầy và anh đã phát biểu với báo giới: “Tôi cần phải cảm ơn huấn luyện viên của tôi, với việc ông ấy đã tin tưởng và đem lại cho tôi sự tự tin. Chính ông ấy đã giúp tôi phát triển thêm về mặt năng lực.” Trong thực tế còn biết bao nhiêu cuộc đời đã thay đổi, đã vươn lên nhờ đã có người thật sự tin tưởng vào mình. Các nhà tâm lý thường chủ trương: “Cứ tin đi rồi người ta sẽ trở nên đáng tin, và trái lại….” Qua quá trình cuộc sống, tôi thấy điều này khá đúng, dĩ nhiên cũng có luật trừ vì đời này có gì tuyệt đối đâu?
Trên phương diện nào cũng thế thôi, niềm tin tạo sức mạnh và đem lại cho mỗi người lòng tự tin và niềm vui sống. Vậy chúng ta, những người thánh hiến đã bỏ mọi sự để theo Chúa, để cùng sống, cùng làm và cùng tìm Chúa với nhau, nếu chúng ta không tin anh chị em mình thì tin ai? Vẫn biết, có những lúc sự yếu đuối của anh chị em mình làm cho chúng ta mất niềm tin nơi họ, nhưng đó chỉ là những khoảnh khắc tạm thời thôi. Chúng ta cần phải tin vào thiện chí và tính hướng thiện của mỗi anh chị em mình thì tình huynh đệ mới mong cải tiến lên được.
Sống với nhau là một nghệ thuật, có lẽ chúng ta cần học cách sống chan hòa của thiên nhiên như bài thơ sau đây đã diễn tả;
Tôi hỏi đất: đất sống với nhau thế nào?
Đất trả lời: chúng tôi làm nền móng cho nhau.
Tôi hỏi nước: nước sống với nhau thế nào?
Nước trả lời: chúng tôi hoà lẫn vào nhau.
Tôi hỏi gió: gió sống với nhau thế nào?
Gió trả lời: chúng tôi nâng cánh cho nhau.
Tôi hỏi mây: mây sống với nhau thế nào?
Mây trả lời: chúng tôi tan biến vào nhau.
Tôi hỏi cỏ: cỏ sống với nhau thế nào?
Cỏ trả lời: chúng tôi hoà quyện và réo rắt bên nhau.
Tôi hỏi cây: cây sống với nhau thế nào?
Cây trả lời: chúng tôi che chở và leo quấn vào nhau.
Tôi hỏi người: người sống với nhau thế nào?
Không ai trả lời
Không ai nói gì cả… (Hỏi – Hữu Thỉnh – Cùng ý với thơ của Christa Reining)
Tại sao, tại sao con người lặng thinh không trả lời? Nếu là câu hỏi được đặt khác đi – Tôi hỏi tu sĩ, các vị sống với nhau như thế nào, chúng ta trả lời sao đây? Xin dành câu trả lời này cho mỗi chúng ta, những người sống đời thánh hiến!
Cuộc sống, con người và đời thánh hiến là những chủ đề mênh mông, vô hạn. Lần này chỉ xin được đề cập đôi nét mà theo thiển ý và sự chủ quan của mình, tôi thấy dường như cần chú ý hơn một chút để đời Thánh hiến của mỗi chúng ta thêm sức sống và “sống dồi dào” vì chúng ta là những người được yêu, được chọn giữa muôn người. Và nếu anh chị em nào còn cảm thấy đời tu nặng nề, nhiều Thánh giá thì xin tự an ủi mình với câu chuyện Con bò khoẻ và con bò yếu sau đây:
Đệ tử của một đạo sĩ Do thái thưa với thầy mình rằng: Thưa thầy, tại sao những người lành lại phải đau khổ hơn những người xấu?
Vị đạo sĩ trả lời: Hãy nghe đây! một người nhà nông có hai con bò, một con khoẻ và một con yếu, ông ta sẽ đặt ách kéo cầy lên con nào? Chắc chắn là trên con khoẻ. Vị đạo sĩ kết luận:
Chúa là Đấng hay thương xót cũng hành động như thế. Để kéo thế giới tiến tới, Ngài đặt ách lên những người tốt.”
Có lẽ không mấy ai dám nhận mình là người tốt, nhưng nhận mình là người được yêu thì chắc chúng ta không ngại. Trước những khó khăn trong đời tu tôi vẫn thường nghe tu sĩ an ủi nhau: “Chúa yêu thương ai, Ngài thường gởi thánh giá đến cho người đó.” Có lẽ cần có một đức tin mạnh mẽ mới có thể chấp nhận điều này trong bình an. Xin Chúa thương và ban thêm đức tin cho chúng ta vì chúng ta là những “con người” quá bất xứng trước tình Chúa như lời của ca khúc Xin thương xót con đã diễn tả:
Theo Chúa nhưng con sợ thập giá đời,
Con mong thỏa hiệp với tình trần gian.
Con đến với Ngài nhưng lòng còn mơ,
Mơ theo thói đời quyền thế, bạc tiền,
Theo Chúa nhưng con còn thường ngoảnh lại…
Ngài vác thập giá, còn con đứng nhìn,
Ngài tìm thiên ý, còn con tìm mình…
Chúng ta là những con người của cõi tục mà muốn vươn lên cõi thiêng, chắc chắn con đường ấy chẳng trơn tru vì “Ai muốn theo ta, thì hãy vác thập giá mình mà theo” (Lc 9/23). Nhưng “ơn Ta đủ cho con”,(2 Cor 12/9) “Ta sẽ ở với các con mọi ngày…”( Mt 28/20). Vâng, tin vào Lời Ngài, chúng ta an tâm tiến bước.
* * *
Cuối cùng, xin được nói lên một lời tạ lỗi với anh chị em, những người đang nỗ lực sống đời thánh hiến, nhất là xin tạ lỗi với những thế hệ sau tôi vì những gì tôi chia sẻ, dù chỉ vài nét chấm phá trong bức tranh toàn cảnh của đời tu nhưng cũng có thể làm phiền lòng một số người. Khi đề cập tới một một số điều yếu đuối của con người, tôi thừa nhận mình cũng chia sẻ thân phận ấy chứ không như một người nhận định cách bàng quan. Phải thành thật nhìn nhận rằng chúng tôi, những thế hệ đi trước không biết bao giờ mới thoát được phận người mỏng dòn. Một số chúng tôi chưa sống đúng nghĩa của một người thánh hiến hay làm đầy đủ bổn phận với các thế hệ đến sau. Tôi không dám thay mặt ai để xin lỗi, chỉ xin lỗi cho cá nhân tôi, song tôi nghĩ nhiều người ở thế hệ tôi cũng chia sẻ cùng một tâm trạng.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 88 (Tháng 5 & 6 năm 2015)