Ý thức. Giải thích và cho ví dụ. – Self Healin
Khái niệm
+ Theo nghĩa rộng: Ý thức là tinh thần, tư tưởng của con người như ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức đoàn, ý thức lớp…
+ Theo nghĩa hẹp: Ý thức là một khái niệm được dùng để chỉ một cấp độ đặc biệt trong tâm lý con người. Ý thức là hình thức phản ánh tâm lý cao nhất chỉ riêng con người mới có, phản ánh bằng ngôn ngữ, là khả năng con người hiểu được các tri thức mà con người đã tiếp thu được (là tri thức về tri thức, phản ánh của phản ánh).
Có thể ví ý thức như “cặp mắt thứ hai” soi vào kết quả (các hình ảnh tâm lý) do “cặp mắt” thứ nhất (cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng, cảm xúc…) đem lại. Với ý nghĩa đó ta có thể nói: Ý thức là tồn tại được nhận thức.
Ý thức là hình thức phản ánh tâm lý cao nhất chỉ có ở người, là sự phản ánh bằng ngôn ngữ những gì con người đã tiếp thu được trong quá trình quan hệ qua lại dưới thế giới khách quan.
Ví Dụ: Tự ý thức bản thân.
Khi ta nhắc đến “cô giáo” ta sẽ hình dung ra hình ảnh cô giáo theo ý thức của chủ thể.
– Vai trò của ý thức: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”
– Ý thức không tham gia đầy đủ vào quá trình điều khiển, điều chỉnh hoạt động:
“No bớt ngon giận mất khôn”
Thuộc tính của ý thức
Ý thức thể hiện năng lực nhận thức cao nhất của con người về thế giới
Đây là khả năng ý thức một cách khái quát bản chất hiện thực khách quan. Con người muốn có ý thức đầy đủ, sâu sắc cần phải có tư duy khái quát về bản chất thế giới khách quan. Tức là muốn có ý thức trước tiên con người phải hiểu biết về thế giới khách quan.
Vì vậy ý thức giúp cho con người:
– Nhận thức cái bản chất, nhận thức khái quát bằng ngôn ngữ.
– Dự kiến trước kế hoạch, kết quả của hành vi làm cho hành vi mang tính chủ động.
VD: khi tham gia giao thông muốn con người có ý thức trong quá trình giao thông thì trước tiên họ phải biết về luật lệ giao thông. Từ đó mới hình thành nên ý thức con người và sẽ lường trước được những hành vi của mình là đúng hay sai. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng vậy con người muốn hình thành nên ý thức về một điều gì đó thì phải có nhận thức về điều đó.
Ý thức thể hiện thái độ của con người về thế giới
Con người phản ánh hiện thức khách quan bằng cách tỏ thái độ với nó. Những thái độ muôn màu, muôn vẻ là biểu hiện mức độ ý thức của con người về thế giới khách quan.
Có những biểu hiện tích cực của con người góp phần vào cải tạo thế giới khách quan. Ngược lại một số biểu hiện của con người phá hoại thế giới khách quan.
VD: một người có ý thức khi tham gia giao thông họ sẽ bình thản và tỏ thái độ vui vẻ khi dừng đèn đỏ trong khi đó một số người thì tỏ thái độ bực bội, thậm chí là vượt đèn đỏ. Thông qua thái độ của họ ta có thể đánh giá được ý thức của họ như thế nào.
Ý thức thể hiện năng lực điều chỉnh, điều khiển hành vi của con người
Người có ý thức là người biết điều chỉnh hành vi của bản thân sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh sống.
VD: mặc dù rất mệt mỏi nhưng Hoa vẫn cố gắng thức suốt đêm để hoàn thành đề án bài tập của mình.
Từ VD trên cho ta thấy Hoa là người có ý thức rất cao trong học tập, mặc dù rất mệt mỏi nhưng cô ấy vẫn cố gắn điều chỉnh hành vi của mình để hoàn thành bài tập.
Khả năng tự ý thức
Con người không chỉ ý thức về thế giới, mà ở mức độ cao hơn, con người có khả năng tự nhận thức về mình, tự xác định thái độ đối với bản thân, tự điều khiển, điều chỉnh hoàn thiện mình.
VD: Adam Khoo đã từng viết cuốn sách tôi tài giỏi và bạn cũng thế và đây là cuốn sách hay và được bán chạy nhất mọi thời đại. Trong cuốn sách ông đã kể về cuộc đời của mình từng là một cậu học sinh tệ nhất nhưng rồi cuối cùng ông cũng đã thành công vì ông đã nhận thức được khả năng của mình không chỉ là vậy. Đây thể hiện khả năng tự ý thức của ông.
Cấu trúc của ý thức
VD: Việc hút thuốc lá nơi công cộng.
-
Mặt nhận thức:
mùi thuốc, khói thuốc.
-
Mặt thái độ của ý thức:
Khó chịu, phản cảm.
-
Mặt năng động của ý thức:
tránh xa, nhắc nhở, phản đối.
Ý thức có cấu trúc phức tập bao gồm nhiều mặt là một chỉnh thể mang lại cho thế giới tâm hồn của con người một chất lượng mới.
Ý thức có 3 mặt thống nhất hữu cơ với nhau, điều khiển hành động có ý thức của con người.
Mặt nhận thức: Đây là sự nhận thức của ý thức, hiểu biết của hiểu biết.
Bao gồm 2 quá trình:
Nhận thức cảm tính: mang lại những tư liệu cho ý thức; cảm giác cho ta hình ảnh từng thuộc tính bên ngoài của sự vật, hiện tượng; tri giác mang lại cho ta những hình ảnh trọn vẹn bên ngoài của sự vật, hiện tượng. Những hình ảnh đó giúp chúng ta thấy được sự tồn tại thật của thế giới khách quan và đó là nội dung ban đầu và cũng là bậc sơ cấp của ý thức.
Nhận thức lý tính: mang lại cho ta hình ảnh khái quát bản chất của thực tại khách quan và mối liên hệ giữa các sự vật và hiện tượng. Đây là nội dung hết sức cơ bản của tri thức. Tri thức là hạt nhân cơ bản của ý thức. Do vậy ý thức là sự hiểu biết về thế giới khách quan.
Mặt thái độ: Nói lên thái độ lựa chọn, thái độ cảm xúc, thái độ đánh giá của chủ thể đối với thế giới.
VD: thái độ lựa chọn: khi đi mua đồ, hai bộ đồ mà chúng ta điều thích nhưng túi tiền có hạn chỉ có thể mua một bộ, lúc này trong tư duy của con người sẽ xuất hiện thái độ so sánh đối chiếu để chọn bộ đồ phù hợp và tốt nhất.
VD: thái độ cảm xúc: sự yêu thương, ghét, hờn… khi xem một vở kịch cảm động có người khóc, lúc này họ đã thể hiện thái độ cảm xúc.
VD: thái độ đánh giá: sự nhận xét về một người nào đó, đẹp, xấu… Mặt năng động:
Ý thức điều chỉnh, điều khiển hoạt động của con người làm cho hoạt động có ý thức.
Đó là quá trình con người vận dụng những hiểu biết và tỏ thái độ của mình nhằm thích nghi, cải tạo thế giới và cải biến cả bản thân. Một con người có ý thức hay không sẽ được đánh giá qua mặt này của ý thức.
VD1: Nhà của A và B ở cạnh nhau. Mặc dù là một người có học thức cao và hiểu biết vấn đề rộng nhưng vì muốn cho nhà mình sạch mà A cứ ném rác qua nhà B.
Phân tích VD trên ta thấy A là một người chưa có ý thức thật sự. Rõ ràng ông là người có nhận thức và khá hiểu biết hành động của bản thân mình là sai nhưng ông vẫn làm, vì trong cấu trúc ý thức của ông A chỉ mới hình thành 2 mặt đó là mặt nhận thức và mặt thái độ vẫn chưa có mặt năng động để điều chỉnh hành vi của mình.
VD2: Hoa là một sinh viên giỏi.
+ Mặt nhận thức: Hoa nhận thức được việc học của mình là rất quan trọng.
+ Mặt thái độ: Hoa rất thích việc học, luôn đi học đúng giờ và tự hoàn thành bài tập không để ai phải nhất nhở.
+ Mặt năng động: Hoa lên những kế hoạch cho học tập và thực hiện theo kế hoạch để đạt kết quả tốt trong học tập.
+ Qua ví dụ trên ta thấy Hoa là một người rất có ý thức trong học tập.