Ý nghĩa múa lân sư rồng đầu Xuân
Ý nghĩa múa lân sư rồng đầu Xuân
Từ lâu, múa lân, sư, rồng là một trong những hình thức múa dân gian với ước vọng cầu mong sự thịnh vượng, phát đạt, hanh thông và hạnh phúc. Với ý nghĩa đó, múa lân, sư, rồng thường diễn ra vào dịp Tết Thượng nguyên, Tết Trung thu và nhất là Tết Nguyên đán.
Tin liên quan
Sôi động trình diễn múa lân, sư, rồng chào Xuân Đinh Dậu 2017
Một màn múa rồng tại Liên hoan múa lân, sư, rồng Xuân Đinh Dậu 2017.
Tiếng trống rộn rã cùng đội múa lân, múa rồng còn hiện diện trong nhiều sinh hoạt đời sống như ở các lễ hội làng, lễ hội các đình chùa, lễ khánh thành các điểm tâm linh, khai trương thương hiệu, lễ ra quân phát động các phong trào và các hoạt động văn hoá, thể thao lớn… Từ khi tái lập tỉnh đến nay, đã thành thông lệ, cứ vào ngày mùng 3 Tết hằng năm, Trung tâm Văn hóa tỉnh lại tổ chức Liên hoan múa lân, sư, rồng, quy tụ những đội múa lân đặc sắc đại diện của 6 huyện, thành phố tham gia.
Gặp ông Nguyễn Văn Tại, Đội trưởng đội múa rồng thôn Đọi Tín (xã Đọi Sơn) đại diện cho huyện Duy Tiên tham gia tại liên hoan, ông cho biết: Mọi người thường gọi rồng Đọi Tín là rồng Tịch điền vì đội rồng của thôn chủ yếu phục vụ cho Lễ hội Tịch điền diễn ra vào đầu Xuân hằng năm. Đội rồng được thành lập năm 2009, cũng là năm Lễ hội Tịch điền được phục dựng. Hiện thôn vẫn duy trì hai đội múa rồng nam và nữ, mỗi đội có 11 người. Vì là rồng lễ, nên đội rồng Đọi Tín được huyện quan tâm đầu tư trang phục và thuê thầy về dạy khá bài bản. Theo tôi được biết, múa rồng có trên 30 điệu nhưng đội rồng của chúng tôi chủ yếu biểu diễn một số điệu phô diễn hình dáng như rồng chào, rồng lộn, rồng bay, rồng uốn khúc và rồng đảo.
Xem liên hoan múa lân, sư, rồng thấy rồng các đội được làm bằng vải, mỗi đoạn với khoảng cách đều nhau dưới lớp vải có một khối gỗ tròn dài hoặc chiếc lồng đan bằng tre cũng với hình dáng tròn dài tạo thành khúc, mỗi khúc gắn một chiếc gậy dài khoảng 1,5 – 2 m cho người cầm múa. Số lẻ của các khúc “xương” rồng được coi là tốt lành nên các con rồng thi đều có 7 – 9 khúc. Màu sắc thân rồng rực rỡ, đội của thành phố Phủ Lý màu đỏ đem lại sự may mắn; rồng màu vàng của huyện Lý Nhân mang ước vọng sung túc, phúc lộc cho tất cả mọi người; rồng màu xanh hoặc viền xanh của các đội rồng còn lại mang ý nghĩa cho sự yên bình và an lạc.
Đã tham gia nhiều lần liên hoan nên các đội khi biểu diễn đơn cũng như khi múa tập thể đều thể hiện được những điệu múa theo yêu cầu, đồng đều và nhịp nhàng. Những màn múa thể hiện rồng lộn, lượn sóng hoặc chui qua nhau, quấn quýt với nhau đã nhận được nhiều sự cổ vũ của người xem.
Các đội múa lân tuy số lượng ít nhưng lại sôi động hơn. Cũng như rồng, lân là con vật trong tứ linh (long, ly, quy, phượng). Truyền thuyết kể rằng, lân vốn là con vật sống ở biển, mỗi năm xuất hiện một lần bắt người và thú ăn thịt. Con vật lạ đó là nỗi kinh hoàng cho làng xa, xóm gần. Một ngày kia, có ông thổ địa xuất hiện (do Đức Phật Di Lặc hóa thân) với khuôn mặt có miệng cười toe toét, đôi mắt hiền từ, chiếc bụng phệ tay cầm cụm cỏ thi nhử con vật. Con vật đã theo ông, ông dạy cho nó biết ăn cỏ và dạy cho nó biết nhảy múa làm vui cho mọi người. Cuộc sống thanh bình trở lại và từ đó mọi người tin khi kỳ lân xuất hiện sẽ đem lại sự thái bình, an lạc, mọi người làm ăn phát tài, phát lộc.
Liên hoan năm nay, đôi lân của đội huyện Lý Nhân được mọi người chú ý hơn cả. Đây là đôi lân biểu diễn trong rất nhiều lễ hội và có kỹ thuật múa điệu nghệ. Từ xưa, lân là một linh vật thường được đặt tại các nơi tôn nghiêm ở các đền đài, lăng tẩm vua chúa, ở các đình chùa.
Do vậy, đầu lân và các điệu múa lân đều thể hiện sức mạnh, sự oai phong lẫm liệt. Vì thế múa lân phải giỏi võ, có thể lực tốt và sự dẻo dai. Người múa đôi lân này đều là các võ sinh của Võ đường Hùng Anh. Mỗi con lân có hai người múa, một người giữ đầu còn người sau bám vào eo người trước làm thân lân, mình phủ vải màu sắc sặc sỡ. Đôi lân tả xung hữu đột, tiến thoái nhịp nhàng, nhảy cao, quay trái, quay phải tượng trưng cho cái uy, cái dũng của một mãnh tướng. Cũng có lúc hai con lân thể hiện sự mềm mại, niềm hoan hỉ như tâm đầu ý hợp. Ông Địa do một người đóng giả với chiếc bụng phình to, đeo mặt nạ có nụ cười toe toét, hai hàm răng to đều tay cầm quạt chỉ huy đôi lân. Có những lúc ông Địa phe phẩy quạt cho đôi lân ngủ.
Liên hoan lân, sư, rồng chính là lời chúc an khang, thịnh vượng đầu năm mới nên mỗi kỳ liên hoan hằng năm đều nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của nhiều người dân du Xuân, chơi Tết.
Chu Bình