Ý nghĩa đặc biệt của 5 loại bánh truyền thống ngày Tết nguyên đán
Bánh chưng, bánh tét, bánh in… là một trong các loại bánh truyền thống ngày Tết luôn xuất hiện trong mâm cơm mỗi gia đình Việt.
Bên cạnh nét đẹp về phong tục, ngày Tết Nguyên Đán Việt Nam còn có nền ẩm thực phong phú, đa dạng thể hiện qua các loại bánh trong hình dáng, màu sắc và nguyên liệu. 5 loại bánh truyền thống ngày Tết dưới đây giúp bạn tăng thêm sự tự hào về nó.
Bánh chưng
Tết cổ truyền không thể thiếu bánh chưng, nhất là khi bạn tới thăm các gia đình miền Bắc. Bánh chưng là sự kết hợp độc đáo của gạo nếp dẻo, đậu xanh, thịt mỡ béo ngậy và vị cay của hạt tiêu được gói bằng lá dong, buộc chắc chắn bằng những sợi lạt tạo nên những chiếc bánh có hình vuông đặc trưng. Chiếc bánh đơn giản nhưng lại là ký ức quen thuộc, hiện diện trong tâm hồn của mỗi con người Việt Nam, nhất là những người con xa xứ không có điều kiện về quê nhà ăn Tết.
Bánh chưng luôn xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc – Ảnh: tgddsales.com
Bánh chưng mang một ý nghĩa sâu sắc, xuất hiện từ thời vua Hùng, tượng trưng cho mặt đất, dành cho Mẹ. Không chỉ vậy, chiếc bánh được bao bọc chắc chắn bằng những sợt lạt, thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình, dân tộc. Ý nghĩa sâu xa này không phải ai cũng biết.
Bánh chưng mang ý nghĩa sâu sắc – Ảnh: www.youtube.com
Nguyên liệu làm vỏ bánh chưng là nếp. Cùng với truyền thuyết xa xưa ấy, chiếc bánh chưng gói ghém trong đó là cả nền văn minh lúa nước, như một lời khẳng định sự phát triển lâu đời của ngành nông nghiệp nước nhà đã nuôi sống con người từ bao đời nay.
Gói bánh chưng yêu cầu độ tỉ mỉ, cẩn thận – Ảnh: afamily.vn
Bánh nhân nổi bật với lớp vỏ màu xanh của lá dong, được bao bọc với phần nhân là gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ… được ninh nhừ trong 24 giờ. Khi ăn chỉ cần lọt lớp vỏ bên ngoài, sau đó cắt thành từng miếng, ngon hơn khi bạn ăn kèm với dưa hành chua chua ngọt ngọt mà không bị ngấy trong những ngày Tết.
Bánh chưng ngon hơn khi dùng kèm dưa món – Ảnh: www.nguoiduatin.vn
Bánh tét
Chẳng biết tự bao giờ, bánh Tét lại luôn xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết của người dân Nam Bộ. Phần vỏ bánh được gói ghém bằng lá chuối hoặc lá dong, phần nhân bên trong có nét tương tự với bánh chưng miền Bắc, tuy đơn sơ và mộc mạc nhưng bánh tét Nam Bộ cũng mang một ý nghĩa sâu sắc không kém.
Bánh tét đón xuân về – Ảnh: www.huongnghiepaau.com
Theo quan niệm của ông bà xưa, các loại bánh được sử dụng trong dịp Tết đều thể hiện sự thương nhớ người xưa, cầu chúc cho sự ấm no, sung túc. Không chỉ vậy, bánh tét còn mang một ý nghĩa mà chẳng ai có thể ngờ rằng. Được bao bọc bên ngoài nhiều lớp lá, bánh Tét tượng trưng cho sự chở che của người mẹ dành cho các con. Vì thế, bánh tét như một lời nhắc khéo léo về công ơn sinh thành của cha mẹ để mỗi người con luôn hiếu thảo để sau này khỏi phải hối tiếc.
Gói bánh tét nét đẹp truyền thống từ bao đời nay – Ảnh: www.vietravel.com
Tuy đơn giản nhưng món bánh lại mang tới nhiều ý nghĩa như vậy. Bánh tét được chia thành hai loại mặn và ngọt. Cách thưởng thức loại bánh này cũng khá đơn giản, bạn mở lớp vỏ lá bên ngoài, cắt thành từng khoanh và có thể chấm kèm với nước mắm hoặc dưa món. Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn bánh tét chiên cũng khá thú vị không kém.
Bánh tét lá cẩm ngày Tết miền Nam – Ảnh: www.vietravel.com
Bánh đậu xanh
Bánh đậu xanh là thức quà giản dị của Hải Dương được nhiều người yêu thích, dùng để chiêu đãi trong dịp Tết cổ truyền. Món bánh này từng được dâng lên vua Bảo Đại trong một lần nhà vua kinh lý đến Hải Dương và được khen ngợi.
Cũng giống như các loại bánh truyền thống ngày Tết khác, bánh đậu xanh mang một hương vị thơm ngon, nhẹ nhàng cùng với miếng bánh nhỏ thể hiện nét khéo léo của người làm bánh, tạo nên nét đẹp ẩm thực của người dân xứ này.
Bánh đậu xanh Hải Dương – Ảnh: news.zing.vn
Nguyên liệu chính làm bánh này là đậu xanh nguyên chất, đường tinh luyện và dầu thực vật. Loại bánh đậu xanh Hải Dương phù hợp tất cả mọi lứa tuổi, gắn kết mọi thế hệ trong gia đình trong các buổi trò chuyên tâm giao. Và dĩ nhiên, vị ngọt và độ đậm đà của bánh sẽ ngon hơn khi bạn nhâm nhi cùng với tách trà nóng hổi.
Bánh đậu xanh ngon hơn khi dùng kèm trà nóng – Ảnh: rongvanghoanggia.com
Bánh in
Bánh in là một trong những loại đặc sản đất Cố đô, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền xứ Huế. Được làm từ những nguyên liệu mộc mạc như bột nếp, bột đậu xanh, hạt sen… nhưng cách làm cực công phu và tỉ mỉ.
Bánh in nét đẹp ẩm thực xứ Huế ngày Tết – Ảnh: tapchicongthuong.vn
Bánh in có lịch sử bắt nguồn từ thời triều đại nhà Nguyễn. Vào dịp đầu năm mới, thức bánh này được dâng lên vua uống trà, cầu chúc cho ngài trường thọ và dần dần đã trở thành món bánh truyền thống ngày Tết nguyên đán.
Bên cạnh hương vị truyền thống, hiện nay bánh in đã được người ta tinh tế biến tấu với nhiều nguyên liệu hơn. Đầu năm, thưởng thức bánh in ngọt thanh cùng với tách trà nóng, hân hoan chào đón nhiều niềm vui quả là ý nghĩa vô cùng.
Thưởng thức bánh in Huế kích thích vị giác người dùng – Ảnh: baomoi.com
Bánh phu thê
Bánh phu thê hay còn gọi bánh xu xê, bánh su sê là đặc sản của Bắc Ninh, không chỉ góp mặt trong dịp cưới hỏi mà còn hiện diện trong các dịp lễ, Tết quan trọng.
Món bánh truyền thống này mang một ý nghĩa tượng trưng, thể hiện tấm lòng thủy chung son sắt của các cặp vợ chồng. Phần bột mỏng ôm trọn lớp nhân bên trong thể hiện sự sâu sắc ôm ấp, chở che của tình nghĩa vợ chồng.
Bánh phu thê loại bánh truyền thống ngày Tết – Ảnh: hnfood.vn
Ngày nay, bạn dễ dàng tìm mua loại bánh phu thê tại các cửa hàng, chợ, siêu thị… Vị bánh ngọt và dai rất kích thích vị giác người dùng, vì thế mà bạn không cần phải ăn kèm bất cứ thứ gì để khỏi bị ngấy.
Bên cạnh những mâm cỗ dành cả tình cảm và sự trân trọng để tưởng nhớ Tổ tiên, thì các loại bánh truyền thống ngày Tết cũng không thể thiếu, cũng được dành nhiều sự kỳ công và tâm huyết. Hy vọng bài viết này giúp bạn có thêm nhiều kiến thức liên quan tới ý nghĩa của các loại bánh quen thuộc, luôn hiện diện trong tâm hồn của mỗi con người Việt Nam.
Vi Trần