Ý nghĩa của xông đất và lì xì ngày Tết
Ngày Tết là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, cũng đồng nghĩa với sự kiện quan trọng của một đời người, nghĩa là hết một tuổi cũ và chuyển sang tuổi mới.
Mặc dù giờ đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bây giờ, mỗi khi Tết đến, trong lòng nhà sử học Lê Văn Lan lại bồi hồi cảm xúc, nhớ về những ngày còn nhỏ khi được ông, bà, bố mẹ mừng tuổi vào dịp Tết Nguyên đán.
Ông kể: “Mừng tuổi thì có nhiều cách, như gia đình tôi chẳng hạn, là gia đình gia giáo ở Hà Nội từ cuối thế kỷ 19. Tôi còn nhớ, vào ngày Tết thì tục lệ mừng tuổi diễn ra ở gia đình chúng tôi rất trang trọng. Vào ngày mồng 1 Tết, cha tôi ngồi trên chiếc ghế đặt ở vị trí quan trọng nhất trong gian nhà chính, còn mẹ tôi ngồi cạnh và các anh chị của tôi thì đứng xếp hàng theo thứ tự. Tôi là con út nên đứng cuối còn anh cả đứng đầu. Mỗi người đều lần lượt tiến lên đến trước mặt cha mẹ của mình và nói một câu mà bây giờ hay gọi là “lời nói có cánh” để chúc mừng cha mẹ và đáp lễ.
Cha tôi lấy trong túi ra một đồng xu và thưởng cho lời mừng tuổi hay. Năm mới thì tuổi già của cha và tuổi trẻ của con đều thêm một tuổi, nên gia đình mừng nhau. Con thì mừng tuổi cha bằng những lời nói tốt đẹp còn cha thì mừng cho con bằng một đồng tiền tượng trưng nho nhỏ thôi nhưng ý nghĩa thì rất lớn”.
Ảnh minh họa: Báo Lao động
“Tôi nhớ, lúc đó đến lượt tôi, sau khi ấp úng, bập bẹ mấy lời chúc tụng thì nhận được một đồng xu của cha mình, lúc đó gọi là đồng “Bảo Đại”. Sau khi tôi nhận được tiền mừng tuổi của cha thì vội vàng chạy ngay ra ngõ và gặp hàng kẹo kéo ngày Tết; một đồng xu như thế mua được 1 thanh kẹo kéo. Tôi vui mừng và trầm trồ ngắm thanh kẹo rồi kéo dài thanh kẹo ra và bẻ “cấc” một cái, thế là tôi có được một thanh kẹo vừa giòn, ngọt ngày Tết”, nhà sử học Lê Văn Lan nhớ lại.
Phong tục mừng tuổi thanh nhã, cao quý và thậm chí vô cùng thiêng liêng. Sau này, khi xã hội phát triển, cuộc sống cũng thay đổi, tục lệ mừng tuổi được gọi là lì xì. Đến bây giờ thì xuất hiện bao lì xì và mọi người thường chọn màu đỏ bởi quan niệm màu đỏ là màu của sự thịnh vượng và việc để tiền mừng tuổi vào bao lì xì thể hiện sự lịch sự, trang trọng.
Theo nhà sử học Lê Văn Lan, vào ngày Tết, người Việt còn có tục xông đất. Tục lệ này liên quan ít nhất đến 2 phong tục khác. Thứ nhất đó là phong tục tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn giá trị của đất, biểu hiện thành phong tục khá kỳ lạ là kiêng quét nhà ngày Tết.
Việc này xuất phát từ tấm lòng của “người ta” mà “người ta” là hoa của đất nên hoa của đất biết ơn và nhớ đến công “sinh thành” ra mình. Vậy là phát sinh suy nghĩ “đất” làm việc quanh năm nên đến ngày Tết phải để cho “đất nghỉ”.
Do đó, quét nhà cũng là hình thức làm “mệt mỏi” cho đất. Ngày Tết với tâm thức để cho “đất” được “nghỉ ngơi”, không đụng chạm vào đất. Mặt khác, chính câu chuyện này lại liên quan đến một việc như sau: Sự tích kể rằng, có người là lái buôn mang một con vật vào trong nhà nuôi và sau đó vào ngày Tết, con vật nấp vào đống rác trong nhà và khi quét nhà thì vô tình quét cả con vật đi. Từ đó, người lái buôn làm ăn lụi bại. Những câu chuyện về đất đai, quét nhà ngày Tết là thể hiện sự yên ổn, “nghỉ ngơi” của đất.
Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng: “Tục xông đất còn liên quan đến phong tục nữa, đó là về tuổi tác và ảnh hưởng của tuổi tác đến số phận và môi trường, gia sản của gia đình. Vì thế, phải chọn tuổi nào thì hợp, tuổi nào thì xung. Những người có tang, gặp chuyện không may thì không được đi xông đất.
Những người tuổi hợp, hạnh phúc, gia đình yên ấm thì nên xông đất để mang lại hạnh phúc cho gia đình người khác. Vì thế mới có câu đối Tết “Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa/ Sáng mồng một rượu say lúy túy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà”.
Theo QĐND điện tử