Ý nghĩa 3 món đồ trang trí ngày Tết ở Nhật Bản và cách trang trí
Còn chưa đến một tháng nữa là sang năm mới rồi.
Nếu cuối năm nay bạn không về nước mà ở lại Nhật thì hãy thử trang trí ngày Tết theo phong cách Nhật Bản để năm đón mới rộn ràng hơn nhé.
Về cơ bản, trang trí ngày Tết ở Nhật chỉ cần 3 món đồ trang trí chính là: cổng Kadomatsu, vòng trang trí Shime Kazari và bánh Kagami Mochi.
“Ý nghĩa của những món đồ trang trí này là gì?”
“Người Nhật thường trang trí chúng như thế nào?”
“Trang trí ngày Tết ở Nhật thường bắt đầu từ ngày nào đến ngày nào?”
Nếu bạn cũng có những thắc mắc tương tự thì nhất định hãy đọc qua bài viết này nhé.
Bài viết không chỉ giúp bạn hiểu hơn về cách chào đón năm mới của người Nhật mà còn có thể tự tin trang trí ngày Tết cho căn nhà của chính mình.
Nào, cùng bắt tay vào trang trí để khởi đầu một năm nhiều may mắn nhé.
Nội Dung Chính
Đồ trang trí ngày Tết ở Nhật (1) cổng Kadomatsu
Món đồ trang trí ngày Tết đầu tiên mà bạn nên chuẩn bị đó là Kadomatsu (門松).
Chữ Kado (門) có nghĩa là “cổng” và Matsu (松) có nghĩa là “cây thông”, nên nghĩa đen của Kadomatsu có thể hiểu là “cổng cây thông”.
Cây thông vốn là cây thường xanh, lá xanh tươi ngay cả trong mùa đông khắc nghiệt nên ở Nhật từ ngày xưa, cây thông đã được xem là biểu tượng của sự trường thọ và sức mạnh vượt qua nghịch cảnh.
Kadomatsu có hình dạng giống 1 chậu cây, với 3 cây tre ở giữa và nhiều nhánh thông xung quanh.
Mặc dù tre nằm ở vị trí trung tâm nhưng những nhánh thông mới là thành phần quan trọng nhất của Kadomatsu.
Kadomatsu thường được người Nhật đặt trước cửa nhà như một dấu hiệu để Thần Toshigami – vị thần của năm mới xác định vị trí nhà của bạn và ghé qua ban phước lành.
Ở các trung tâm thương mại hoặc các tòa nhà công ty, Kadomatsu thường được đặt thành cặp ở 2 bên cửa ra vào.
Tuy nhiên, Kadomatsu không nhất thiết phải trang trí theo cặp.
Trường hợp là nhà riêng hoặc căn hộ có diện tích hạn chế, người Nhật thường chỉ đặt 1 Kadomatsu trước cửa mà thôi.
Bước vào tháng 12, các tiệm hoa ở Nhật sẽ bắt đầu mở bán Kadomatsu với nhiều kích cỡ và giá tiền khác nhau.
Chẳng hạn:
Kích cỡNơi đặtGiá tham khảo10cm ~ 30cmBàn ăn, sảnh Genkan1.000 yên ~ 2.000 yên/ cặp 50cm ~ 70cmSảnh Genkan8.000 yên ~ 10.000 yên/ cặp 100cm trở lênTrước cửa nhà, sảnh Genkan20.000 yên ~ 40.000 yên/ cặp
Không nhất thiết phải là Kadomatsu thật hoành tráng, nếu chỉ muốn trang trí đơn giản, bạn có thể chọn mua Kadomatsu phiên bản chỉ có nhánh thông thôi cũng rất ấm cúng rồi.
Kadomatsu phiên bản này được bán rất nhiều ở các siêu thị vào dịp cuối năm với giá chỉ tầm vài trăm yên một bó.
Vừa rẻ vừa dễ tìm mua nên ngày nay, rất nhiều người Nhật ưa chuộng trang trí năm mới bằng Kadomatsu phiên bản chỉ có nhánh thông như thế này.
Kadomatsu phiên bản đơn giản chỉ có nhánh thông
Đồ trang trí ngày Tết ở Nhật (2) vòng trang trí Shime Kazari
Món đồ trang trí ngày Tết tiếp theo cũng quan trọng không kém, đó là vòng trang trí Shime Kazari (しめ飾り).
Shime Kazari độc đáo ở chỗ tùy theo địa phương mà hình dạng và thành phần sẽ khác nhau.
Nhưng về cơ bản, Shime Kazari sẽ gồm 2 phần chính là dây Shime Nawa và vật trang trí mang ý nghĩa may mắn.
1. Dây Shime Nawa
Dây Shime Nawa được treo quanh cây thiêng trong một đền thần
Dây Shime Nawa là một sợi dây thừng làm bằng rơm hoặc cói.
Tùy theo địa phương mà dây Shime Nawa được tạo thành nhiều hình dạng khác nhau.
Thường thấy nhất là hình tròn, đôi khi dây Shime Nawa còn được tạo thành hình con hạc hay con rùa – những loài vật biểu trưng cho sự trường thọ trong văn hóa Nhật Bản.
Trong tôn giáo Thần đạo, dây Shime Nawa được sử dụng như một dấu hiệu để phân định giữa khu vực linh thiêng và thế giới thực tại.
Nếu đã từng đến một ngôi đền Thần đạo (Jinja, 神社), chắc hẳn bạn đã từng trông thấy dây Shime Nawa được treo ở cổng đền hoặc quanh những cây cổ thụ.
Đây là một dấu hiệu nhằm đánh dấu nơi Thần linh ngự trị và những linh hồn ma quỷ không thể xâm nhập.
2. Vật trang trí mang ý nghĩa may mắn
Từ trái qua: lá thông, quả Daidai, lá dương xỉ
Có rất nhiều món được dùng làm vật trang trí mang ý nghĩa may mắn cho Shime Kazari.
Phổ biến nhất có thể kể đến:
- Lá thông: tượng trưng cho sự trường thọ, sự bền bỉ vì dù thời tiết khắc nghiệt thế nào thì lá thông vẫn xanh quanh năm.
- Quả Daidai (cam đắng): tượng trưng cho hạnh phúc bền lâu vì Daidai là loại quả nhiều năm không rụng.
- Lá dương xỉ (Urajiro): tượng trưng cho sự thanh khiết vì mặt dưới của lá màu trắng, và cũng tượng trưng cho vợ chồng hòa thuận vì lá mọc đối xứng 2 bên.
Theo đúng tục lệ, ngày Tết cần phải có 2 vòng trang trí Shime Kazari, một sẽ được treo trước cửa nhà, một sẽ được đặt ở bàn thờ Thần đạo trong nhà.
Tuy nhiên, do số lượng nhà có bàn thờ Thần đạo ngày càng ít nên ngày nay, đa phần người ta chỉ treo một vòng trang trí Shime Kazari trước cửa.
Từ đầu tháng 12 là bạn có thể thấy người ta bán vòng trang trí Shime Kazari khắp nơi.
Chắc chắn siêu thị gần nhà bạn cũng có nên hãy tìm thử nhé.
Đồ trang trí ngày Tết ở Nhật (3) bánh Kagami Mochi
Để hoàn tất việc trang trí ngày Tết ở Nhật, bạn cũng đừng quên chuẩn bị bánh Kagami Mochi (鏡餅) nhé.
Chữ Kagami (鏡) có nghĩa là “chiếc gương” và Mochi (餅) có nghĩa là “bánh Mochi”, nên nghĩa đen của Kagami Mochi có thể hiểu là “bánh Mochi gương”.
Sở dĩ có tên gọi này là vì bánh Mochi có hình dạng tròn trĩnh giống với một chiếc gương đồng – một vật linh thiêng ở Nhật Bản ngày xưa.
Bánh Kagami Mochi gồm 3 tầng, với một bánh Mochi lớn bên dưới, một bánh Mochi nhỏ hơn ở giữa và một quả Daidai (cam đắng) trên cùng.
Mỗi tầng đều có ý nghĩa riêng.
Hai bánh Mochi tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, âm và dương, vận may và tài lộc.
Còn quả Daidai có ý nghĩa cầu chúc cho cả nhà hạnh phúc lâu dài, vì Daidai là loại quả nhiều năm không rụng mà cứ trụ mãi trên cành.
Người Nhật tin rằng vào ngày đầu năm, Thần Toshigami – vị thần của năm mới sẽ đến từng nhà ban phước lành, và Kagami Mochi được cho là nơi linh hồn Ngài ngụ lại.
Điều thú vị là không chỉ một bánh Kagami Mochi, người Nhật thường trang trí nhiều bánh Kagami Mochi cùng một lúc, ở nhiều nơi trong nhà.
Từ sảnh Genkan, phòng khách cho đến nhà bếp… bất cứ đâu mà họ tin là có Thần linh ngự trị.
Ở Nhật, từ khoảng giữa tháng 11 là các siêu thị đã bắt đầu mở bán Kagami Mochi với giá chỉ khoảng vài trăm yên/ phần.
Thậm chí những năm gần đây, bạn cũng có thể tìm thấy Kagami Mochi ở những cửa hàng đồng giá 100 yên nữa nhé.
Lưu ý khi trang trí ngày Tết ở Nhật Bản
Việc trang trí ngày Tết ở Nhật Bản khá đơn giản, tuy nhiên cũng có một số điều cần lưu ý như thời gian trang trí hay cách xử lý những đồ trang trí sau Tết.
Thời gian trang trí ngày Tết ở Nhật bắt đầu vào ngày nào?
Thời gian trang trí ngày Tết ở Nhật thường bắt đầu từ 13/12.
Nếu nhà bạn có trang trí Giáng Sinh thì có thể trang trí Tết ngay sau khi Giáng Sinh kết thúc, tức là ngày 26/12.
Riêng ngày 29/12 và 31/12 là 2 ngày không nên trang trí.
Lí do cần tránh ngày 29 là vì “ngày 29” (二十九) trong tiếng Nhật đọc là “Nijūku” – đồng âm với chữ “hai lần khổ” (二重苦).
Lí do cần tránh ngày 31 là vì người Nhật cho rằng sẽ là thất lễ nếu để đến cận giao thừa mới sửa soạn nghênh đón Thần linh. Mặt khác, do trang trí vào ngày 31/12 đồng nghĩa với việc chỉ “trang trí qua 1 đêm”, làm liên tưởng đến việc để người đã mất qua 1 đêm mới chôn trong nghi thức đám tang ở Nhật nên cũng bị coi là xui xẻo.
Vì những lí do trên mà ở Nhật, nhiều gia đình thường chọn ngày 28/12 để bắt đầu trang trí Tết.
Thời gian trang trí ngày Tết ở Nhật kết thúc vào ngày nào?
Việc trang trí ngày Tết ở Nhật sẽ kết thúc vào 7/1.
Tùy theo khu vực mà ngày kết thúc có thể sẽ khác nhau, nhưng trễ nhất là 15/1.
Vào ngày 7/1, hãy dọn dẹp cổng Kadomatsu và tháo vòng trang trí Shime Kazari xuống.
Riêng bánh Kagami Mochi thì bạn có thể trang trí đến 11/1 nhé.
Bánh Kagami Mochi hoàn toàn có thể ăn được nên bạn đừng vứt đi mà hãy luộc hoặc nướng để ăn nhé.
Đọc thêm:
angioNhat – Bánh Mochi cứng ngắc thì ăn làm sao? Tất tần tật cách ăn bánh Mochi của người Nhật nè
Bánh mochi của Nhật Bản được làm từ bột gạo nếp nên lúc mới mua về bánh còn rất cứng. Người Nhật thường nướng hoặc luộc để bánh mochi mềm ra rồi mới ăn. Cách ăn bánh mochi phổ biến của người Nhật là cho vào chè đậu đỏ làm thành món Oshiruko, hoặc trộn bột đậu nành thành Kinako mochi, phủ thêm xi rô đường đen Kuromitsu nữa là ngon bá cháy nha!
Cách xử lý những món đồ trang trí sau ngày Tết ở Nhật
Lễ hội Dondo Yaki
Có 2 cách xử lý những món đồ trang trí sau ngày Tết ở Nhật.
- Mang đến đền thần gần nhất để đốt.
- Thanh tẩy bằng muối (hoặc rượu) tại nhà và vứt như rác thông thường.
Vào ngày 15/1, các đền thần sẽ tổ chức lễ hội đốt lửa Dondo Yaki để đốt những vật trang trí năm mới.
Đây là cách tốt nhất để bạn có thể xử lý cổng Kadomatsu hay vòng trang trí Shime Kazari.
Nhất định hãy tham gia để có thể trải nghiệm trọn vẹn văn hóa ngày Tết của Nhật Bản nhé.
Trường hợp không thể đến lễ hội Dondo Yaki, bạn cũng có thể tự xử lý tại nhà bằng cách vẩy một ít muối (hoặc rượu) vào cổng Kadomatsu và vòng trang trí Shime Kazari để thanh tẩy.
Gói tất cả lại bằng giấy báo rồi vứt như rác thông thường (và cũng đừng quên phân loại rác nhé!).
Lời kết
Vậy là giờ đây, bạn đã hiểu vì sao nhà hàng xóm lại đặt những chậu thông hay treo những vòng dây thừng trước nhà rồi đúng không?
Cổng Kadomatsu, vòng trang trí Shime Kazari và bánh Kagami Mochi, hãy chuẩn bị 3 món này để trang trí ngày Tết cho ngôi nhà của bạn nhé.
Thần linh sẽ ghé qua và ban phước lành suốt cả năm.
Chúc bạn và gia đình một năm mới thật nhiều niềm vui và sức khỏe.