Xu hướng tìm việc: Sinh viên mới tốt nghiệp coi trọng mức lương cao

Thị trường lao động tại Hà Nội sôi động ngay từ ngày đầu khi mọi người trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, bởi các DN có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ghi nhận của phóng viên Kinh tế&Đô thị tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội cho thấy, từ ngày mùng 6 Tết Quý Mão đến nay, đã có hàng trăm DN đăng ký đơn hàng tuyển dụng lao động với rất nhiều chỉ tiêu, đa dạng vị trí việc làm.

Người lao động đăng ký tìm việc tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh. 
Người lao động đăng ký tìm việc tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh. 

Các DN tuyển dụng nhiều ở lĩnh vực sản xuất, chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là thương mại – dịch vụ, xây dựng, giáo dục. Đơn cử, công ty TNHH Thương mại quốc tế và dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long có nhu cầu tuyển 226 nhân viên quầy hàng, kho nhận hàng, bán hàng tiêu thụ mạnh và tươi sống, thu ngân, đơn hàng online, giao hàng. Công ty CP Mediamart Việt Nam tuyển 167 nhân sự ở vị trí nhân viên bán hàng, thu ngân, thiết kế, kế toán, chăm sóc khách hàng, kinh doanh, call center; quản lý ngành hàng, kho vận.

Trước Tết Quý Mão 2023, một số DN dệt may ở Hà Nội thiếu đơn hàng đã ảnh hưởng đến người lao động phải giãn việc, ngừng việc thì sau Tết đã có những công ty dệt may đẩy mạnh tuyển dụng lao động vào làm việc. Đó là, công ty TNHH Sản xuất Vinh Quang tuyển 33 công nhân may và 3 nhân viên đơn hàng, mua hàng, tính giá thành. Công ty Sản xuất Giày Trường Xuân tuyển 30 công nhân sản xuất giày…

Nhiều người lao động mong muốn tìm được công việc phù hợp với năng lực bản thân. Ảnh: Trần Oanh.
Nhiều người lao động mong muốn tìm được công việc phù hợp với năng lực bản thân. Ảnh: Trần Oanh.

Cùng với việc thông báo chỉ tiêu, mức lương phù hợp việc làm; ở những vị trí công nhân các DN chỉ yêu cầu người lao động có trình độ THPT, sức khỏe tốt, nhanh nhẹn, chăm chỉ. Mặc dù tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh mới được phục hồi vẫn còn khó khăn nhưng các công ty đều cố gắng trả lương như năm trước, thậm chí có công ty còn tăng chế độ. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết: Mức lương của các DN có những phân khúc khác nhau. Người lao động có trình độ phổ thông, làm công việc đơn giản lương từ 7 – 10 triệu đồng/tháng; nhân viên văn phòng lương 7 – 10 triệu đồng/tháng; lương 10 – 15 triệu đồng/tháng dành cho người lao động chất lượng cao. Ngoài ra còn có những vị trí được DN trả lương trên 20 triệu đồng, yêu cầu người lao động thật sự giỏi.

Lương là yếu tố hàng đầu người lao động quan tâm

Khảo sát các DN tuyển dụng, chúng tôi nhận thấy, nhiều người lao động khi đi tìm việc làm mới, yếu tố đầu tiên mà họ quan tâm là công việc, tiếp đến là môi trường làm việc, thứ ba là lương để đánh giá có phù hợp hay không.

“Ngoài việc trả lương 7 – 10 triệu đồng/tháng đối với vị trí nhân viên, công ty chúng tôi tạo môi trường làm việc công bằng cho tất cả mọi người và có cơ hội phát triển. Khi lao động vào làm việc, công ty có đưa ra lộ trình để họ phấn đấu, nếu làm tốt trong 1 – 2 năm thì được cân nhắc lên vị trí cao hơn, có mức lương tăng hơn” – ông Lương Võ Phong – Trưởng phòng Hành chính nhân sự công ty TNHH  Đầu tư và thương mại xuất nhâp khẩu Nam Khang cho hay.

Đại diện các doanh nghiệp đang phỏng vấn người lao động tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh. 
Đại diện các doanh nghiệp đang phỏng vấn người lao động tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh. 

Bà Trần Thị Vân – Phó Phòng Tổ chức hành chính nhân sự và quản trị công ty TNHH Du lịch và Thương mại sông Hồng phụ trách tuyển dụng nhân sự cũng nhận định: Hiện nay, nhiều ứng viên có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao khi ứng tuyển họ quan tâm nhiều đến công việc có phù hợp với bản thân, có tạo ra giá trị hay không, sau đó mới đề cập đến tiền lương. Cũng có nhiều ứng viên quan tâm đến bản thân có đáp ứng được yêu cầu công việc, thời gian làm việc, khoảng cách di chuyển từ chỗ ở đến công ty.

Nhưng với nhiều người lao động khác, trong đó có những sinh viên mới ra trường, khi đi tìm việc, thường quan tâm đến mức lương bao nhiêu, có đủ chi trả cho sinh hoạt hàng ngày không. Từ những lần đi tuyển dụng lao động, bà Luyện Diệu Linh là chuyên viên Phòng Dịch vụ chăm sóc khách hàng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Mobiphone, chi nhánh Hà Nội cho biết: Người lao động, đặc biệt là lao động trẻ ngày đều mong muốn có mức lương cao. Vì thế, công ty luôn cố gắng bảo đảm ngoài lương cơ bản còn có phần tăng thêm để hỗ trợ người lao động. Công ty TNHH Đầu tư và thương mại xuất nhâp khẩu Nam Khang đang duy trì mức lương như cuối năm ngoái để người lao động có nguồn chi tiêu và ra Tết sẽ điều chỉnh tăng lương lên dần.

Không chỉ muốn có lương cao khi ứng tuyển, trong quá trình làm việc, đa số người lao động đều muốn tăng lương, nhất là khi giá cả lương thực thực phẩm, giá xăng tăng. Báo cáo của Navigos Group về khảo sát thực trạng thu nhập của người lao động trong năm 2022 và kỳ vọng đối với năm 2023 đã chỉ ra: Có 45,6% trong số 4.100 ứng viên đang làm việc có mong muốn lương sẽ tăng đều hàng năm từ 10% trở lên. Một số ứng viên khác kỳ vọng có thêm nhiều phúc lợi từ các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, du lịch; trợ cấp vào các ngày lễ, nghỉ trong năm và tăng thêm các khoản phụ cấp cơ bản.

Ngoài kỳ vọng về tiền lương tăng cao, nhiều người lao động mong muốn có sự an toàn, ổn định nghề nghiệp trong các DN. Theo họ, lương, môi trường làm việc và văn hóa DN là 3 yếu tố quan trọng nhất để người sử dụng lao động giữ chân được người lao động.