Xem xét cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh cho bác sĩ y học dự phòng

Ngày 27.11, phó giáo sư – tiến sĩ (PGS.TS) Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đã có kết luận chỉ đạo liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh ban đầu tại trung tâm y tế và trạm y tế.

Theo đó, PGS.TS Tăng Chí Thượng đã chỉ đạo các cơ quan, phòng ban liên quan tiếp tục đẩy mạnh tiến độ chuyển đổi trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, đảm bảo đến năm 2025 có tối thiểu 50% số trạm y tế thực hiện chuyển đổi; tham mưu cho lãnh đạo Sở Y tế việc cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đối với các bác sĩ có văn bằng về y học dự phòng và có tham gia hoạt động khám chữa bệnh ban đầu nhằm bổ sung nguồn lực cho tuyến y tế cơ sở.

Theo PGS.TS Thượng, qua thống kê số liệu khám chữa bệnh trong các năm qua cho thấy số lượt khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở (trung tâm y tế, trạm y tế) chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với toàn ngành y tế TP.HCM.

Một số đơn vị vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, thuốc… Một số đơn vị chưa chủ động cập nhật các quy định của ngành dẫn đến chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về hồ sơ bệnh án, báo cáo sự cố y khoa, đơn thuốc ngoại trú, phát đồ điều trị, công tác dược, nhân sự… mặc dù Sở Y tế đã có nhiều hướng dẫn, hỗ trợ trung tâm y tế, trạm y tế.

Trong một diễn biến khác, theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM có tổng cộng 4.629 nhân sự thuộc hệ y tế dự phòng đang công tác tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, 24 trung tâm y tế và 319 phường xã. Trong số này, bác sĩ chỉ chiếm 807 người (17,4%), 71 nhân sự ngành y tế công cộng.

Sở Y tế TP.HCM nhận định y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được xem xét là gốc, là căn bản; người dân chưa nhận thức và thực hành dự phòng chủ động, ngày càng lệ thuốc quá nhiều vào khám chữa bệnh dẫn đến hậu quả là người dân phải sống chung theo cách chịu đựng bệnh tật, dẫn đến quá tải bệnh viện và những hệ lụy của quá tải là gia tăng chi phí của ngân sách và tiền túi mà không một quốc gia nào có để đảm đương.