Xem chi tiết – Trường Chính Trị Hậu Giang – Hậu Giang Portal

Nguyễn Ngọc Vẹn (TH)

Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

Tóm tắt: Bài viết đi sâu nghiên cứu tìm hiểu những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa lối sống thông qua các bài nói, bài viết của Người. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn giải mối quan hệ giữa văn hóa với các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Từ những tư tưởng ấy, bài viết nêu ra sự vận dụng về văn hóa lối sống được đảng ta khẳng định thông qua các kỳ Đại hội Đảng từ đại hội IV đến đại hội XIII của Đảng…..

Từ khóa: văn hóa, lối sống văn hóa, văn hóa qua các kỳ đại hội….

Lối sống được hiểu là một phạm trù khoa học khái quát toàn bộ hoạt động sống của các dân tộc, các giai cấp, các cá nhân trong những điều kiện của một hình thái kinh tế – xã hội nhất định và biểu hiện trong các lĩnh vực của đời sống, trong lao động và hưởng thụ trong quan hệ giữa người với người, trong sinh hoạt tinh thần và văn hóa. Tư tưởng, đạo đức, lối sống và môi trường văn hóa là nội dung cốt lõi làm nên nền tảng văn hoá dân tộc, phản ảnh sự tiến bộ, thịnh vượng hoặc biến chất, suy vong của xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng, Bác Hồ thường xuyên quan tâm vấn đề xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa cả trong chỉ đạo và tổ chức, nhằm gắn chặt hữu cơ giữa xây dựng lối sống, nếp sống mới với xây dựng con người mới.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa lối sống

Trong Mục đọc sách ở phần cuối tác phẩm Nhật ký trong tù được viết trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm từ 29-8-1942 đến 10-9-1943 tại Quảng Tây (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”

Người còn ghi thêm: “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc”

1. Xây dựng tâm lý: tinh thần dân tộc tự cường

2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng

3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội

4. Xây dựng chính trị: dân quyền

5. Xây dựng kinh tế

Như vậy, Hồ Chí Minh xác định văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất, tinh thần và phương thức sử dụng chúng do loài người sáng tạo ra nhằm đáp ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn. Và xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc là phát triển tất cả các mặt của đời sống: từ kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, tâm lý tư tưởng theo hướng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên có thể nói, đó là định nghĩa duy nhất của Người về văn hóa theo nghĩa rộng. Về sau, văn hóa thường được Người xác định là đời sống tinh thần của xã hội, là thuộc về thượng tầng kiến trúc. Văn hóa là một trong bốn vấn đề lớn có ý nghĩa quan trọng ngang hàng nhau trong công cuộc kiến thiết nước nhà gồm: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Và giữa bốn yếu tố đó luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó kinh tế quyết định văn hóa. Người viết “Văn hóa là một kiến trúc thượng tầng nhưng cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi văn hóa mới kiến thiết được và có đủ điều kiện phát triển được.

Người còn nói văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Văn hóa phải phục vụ các nhiệm vụ chính trị thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế. Vì vậy, trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ, cần thiết xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới, chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc xây dựng và phát triển văn hóa mới.

Trong quan niệm của chủ tịch Hồ Chí Minh, khái niệm lối sống thường được đề cập đến theo nhiều cách: đó là tư cách, là phương thức ứng xử, là lề lối, tác phong.

Hồ Chí Minh quan niệm văn hóa đạo đức và lối sống có quan hệ mật thiết với nhau. Theo Người, đạo đức là cái gốc của xã hội, của con người; đạo đức là nền tảng để hình thành và xây dựng lối sống mới của con người mới trong xã hội mới. Người cho rằng, đạo đức là những quy tắc, những chuẩn mực phù hợp với cuộc sống được con người và cộng đồng thừa nhận nhằm điều hòa mối quan hệ giữa người với người trong quá trình phát triển xã hội. Còn lối sống là cái biểu hiện bên ngoài, là hệ quả trực tiếp của đạo đức. Trong thực tế, các quan điểm, lối sống, lẽ sống của dân tộc, cộng đồng cũng chính là quan điểm, giá trị văn hóa đạo đức của dân tộc, của cộng đồng và ngược lại. Và những chuẩn mực, những khuôn mẫu đạo đức khi đã trở thành nếp, thành thói quen, tập quán xã hội thì đó chính là lối sống của một cộng đồng, một cá nhân.

Trong phạm vi cộng đồng xã hội, chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng vấn đề giáo dục văn hóa đạo đức cho cộng đồng, đặc biệt Người coi trọng xây dựng lối sống, lẽ sống, nếp sống xã hội nhằm mục tiêu xây dựng một đời sống mới, một nền đạo đức mới. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn coi trọng việc triển khai và thực hành tư tưởng về đạo đức và lối sống trong đời sống xã hội. Tư tưởng, đạo đức, lối sống Hồ Chí Minh được triển khai một cách toàn diện, trên mọi phạm vi, đối tượng, trong tất cả các mối quan hệ.

Xây dựng lối sống mới là toàn bộ nội dung được Hồ Chí Minh lúc sinh thời quan tâm nhiều nhất. Người quan niệm muốn xây dựng một xã hội mới và tốt đẹp thì phải tiêu diệt những thói hư tật xấu của xã hội cũ còn sót lại. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi chính quyền cách mạng non trẻ nhanh chóng giải quyết, trong đó có nhiệm vụ xây dựng lối sống mới phù hợp với chế độ mới. Người chủ trương phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở thành một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.

Đến năm 1947, mặc dù kháng chiến chống Pháp vẫn diễn ra quyết liệt nhưng với bút danh Tân Sinh, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đời sống mới” , mà toàn bộ nội dung toát lên là xây dựng một lối sống mới phù hợp với điều kiện mới. Từ quan điểm xây dựng văn hóa mới trước hết phải thanh toán cho xong nạn mù chữ, phải học đạo đức công dân, phổ thông chính trị để trả lời cho thế giới biết nước ta là nước văn minh.

Trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, Người quan tâm đến xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Theo Người chủ nghĩa xã hội không chỉ đem lại cho người dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc mà còn là sự thể hiện đời sống tinh thần phong phú.

2. Quan điểm của Đảng ta về xây dựng văn hóa lối sống mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngay từ những năm 1943, trong Đề cương Văn hóa Việt Nam, Đảng ta đã khẳng định 3 nguyên tắc vận động quần chúng xây dựng văn hóa là “Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa”. Tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam được xác định là “dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ “Nền văn hóa mới của nước nhà là lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”; “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị”. “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân”; “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”… “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”.

Đến đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV , Đảng ta đã xác định xây dựng nền văn hóa mới là quá trình xây dựng, vun đắp những tư tưởng đúng, những tình cảm lành mạnh, những phong tục, tạp quán tốt đẹp; đồng thời là quá trình đấu tranh không khoan nhượng chống tư tưởng tư sản, phê phán tư tưởng tiểu tư sản, quét sạch ảnh hưởng của văn hóa thực dân phong kiến, những nhân tố lạc hậu trong đời sống văn hóa của xã hội ta. Mục tiêu cuả việc xây dựng phát triển nền văn hóa mới là xây dựng con người mới, có nếp sống mới, sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ cho xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đến đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (1982) , Đảng tiếp tục khẳng định việc kiên trì xây dựng nếp sống mới lành mạnh, khoa học, tiết kiệm, giản dị; bảo vệ và phát triển các giá trị tinh thần. Kiên quyết bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, tiếp tục đấu tranh quyét sạch văn hóa thực dân mới và ảnh hưởng của các văn hóa phản động, đồi trụy khác. Như vậy, trong quan điểm của Đảng ta, xây dựng văn hóa mới luôn gắn liền với xây dựng lối sống mới, con người mới.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vai trò của văn hóa lối sống. Cụ thể, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) , Đảng ta chủ trương xây dựng nền nếp sống và làm việc theo Pháp luật; khôi phục trật tự kỷ luật, kỷ cương trong mọi hoạt động của Nhà nước và sinh hoạt của xã hội; nêu cao tính tự giác, ý thức tôn trọng của mọi người kết hợp với các biện pháp giáo dục và hành chính của các tổ chức xã hội và các cơ quan nhà nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996) đánh dấu bước phát triển trong tư duy của Đảng về văn hóa, vai trò văn hóa và nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng lối sống văn hóa lành mạnh. Đảng ta khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội.

Quan tâm đến vấn đề lối sống, Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa IX chủ trương xây dựng một xã hội có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần, kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương, phép nước, quy ước cộng đồng, có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái.

Như vậy, theo quan điểm của Đảng, lối sống là một trong ba lĩnh vực then chốt của văn hóa có tác động to lớn đến sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Đảng ta vẫn nhất quán với quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời truyền bá nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc một cách sâu rộng trong quần chúng nhân dân và nâng cao chất lượng nền văn hóa, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế – xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và việc xây dựng, hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam. Đại hội lần này cũng đề ra yêu cầu đa dạng hóa các hình thức hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống nhà văn hóa, bảo tàng, nhà truyền thống…

Trong Đại hội XI, tiếp tục khẳng định phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Trong giai đoạn tiếp theo, Đại hội đề ra mục tiêu là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật.

Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, trong đó, “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện” phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước; gắn xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng con người; lan tỏa, hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội; ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên. Đó là những khẳng định trong văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã được nhất trí thông qua và tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia… Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, du lịch và các lĩnh vực khác. Quan điểm trên cho thấy tầm quan trọng của hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa, đối với sự phát triển đất nước. Trong đó, quan tâm việc xây dựng văn hóa mới con người mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo phương châm mà đảng đã đề ra là “hòa nhập chứ không hòa tan”.

Như vậy, xây dựng văn hóa lối sống, môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể có vai trò quan trọng trong xây dựng nền văn hóa mới nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Một môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh sẽ hình thành nên những quan hệ văn hóa lành mạnh. Song song với việc xây dựng lối sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh là tạo điều kiện để những giá trị văn hóa tốt đẹp được nảy nở, phát huy; làm cho văn hóa Việt Nam có khả năng “đề kháng” với những tác động phản văn hóa từ bên ngoài, giữ vững những giá trị và bản sắc bên trong. Muốn vậy, toàn Đảng và toàn dân ta cần xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh từ trong gia đình, nhà trường đến toàn xã hội; suy cho cùng, trong tình hình mới hiện nay, văn hóa nói chung và các giá trị văn hóa truyền thống vẫn luôn là một “sự đảm bảo” và có vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục, đào tạo, xây dựng con người thuộc các lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế – xã hội… Do đó, văn hóa cần phải thường xuyên được củng cố, xây dựng và bồi đắp từ đó góp phần làm cho “con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.