Walmart – Thành công nhờ phương châm “bán rẻ-lời nhiều”
BNEWS
Đằng sau sự bền bỉ lớn mạnh của chuỗi siêu thị này nằm ở phương châm tưởng chừng như rất đơn giản của nhà sáng lập Sam Walton rằng “bán rẻ hơn sẽ bán được nhiều hơn và thu được nhiều lợi nhuận hơn”.
Xuất phát điểm chỉ là một cửa hàng tạp hóa bình thường ở Arkansas năm 1962, Walmart đến nay trở thành nhà bán lẻ có doanh thu lớn nhất thế giới. Đằng sau sự bền bỉ lớn mạnh của chuỗi siêu thị này nằm ở phương châm tưởng chừng như rất đơn giản của nhà sáng lập Sam Walton rằng “bán rẻ hơn sẽ bán được nhiều hơn và thu được nhiều lợi nhuận hơn”.
Mô hình phát triển của ông Sam Walton dựa trên một niềm tin mãnh liệt rằng cửa hàng giảm giá có thể phát triển tốt ở các thị trấn nhỏ với dân số khoảng 5.000 người hoặc ít hơn, và nếu bán các sản phẩm ở mức giá rẻ nhất có thể thì dần dần lợi nhuận sẽ tăng. Chỉ sau 6 năm, Walmart đã bắt đầu được mở rộng ra bên ngoài Arkansas, và xuất hiện ở hầu hết các bang trên toàn nước Mỹ. Đến năm 1972, Walmart chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York.
Một cửa hàng Walmart tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Nhiều chủ doanh nghiệp ở các nơi đã phản ứng mạnh trước chính sách giảm giá quá mức của Walmart, nhưng đây là khởi nguồn cho một “đế chế” bán lẻ lớn nhất nước Mỹ sau này.
Trong hành trình gần 60 năm phát triển của mình, Walmart còn mở rộng quy mô sang mở các hiệu thuốc, dịch vụ ô tô, và cửa hàng bán đồ trang sức. Và chiến lược hạ thấp giá thành sản phẩm của nhà sáng lập Walton vẫn luôn được áp dụng cho tất cả các loại mặt hàng từ hàng tiêu dùng thiết yêu đến các sản phẩm phục vụ các nhu cầu khác.
Walmart hiện sở hữu 4.756 cửa hàng bán lẻ ở Mỹ, con số này lớn hơn rất nhiều so với mức 500 cửa hàng của chuỗi Whole Foods thuộc Amazon tại Mỹ. Trong bối cảnh người tiêu dùng chuyển sang các hoạt động thương mại điện tử và giao nhận hàng do dịch COVID-19, Walmart cũng đầu tư rất nhiều vào hoạt động kinh doanh giao hàng trực tuyến, với hy vọng vượt qua đối thủ Amazon.com. Hiện Walmart đã triển khai nhiều kế hoạch khác nhau, từ chương trình thành viên Walmart+, các chương trình thử nghiệm giao hàng bằng máy bay không người lái (drone) cho tới việc chấp nhận giao phần lớn hơn cho các nhà bán lẻ bên thứ ba.
Mới đây, Walmart thông báo sẽ đầu tư vào công ty con sản xuất ô tô tự lái Cruise của tập đoàn sản xuất ô tô General Motors (GM), nhằm hướng tới phát triển một hệ sinh thái giao hàng nhanh chóng, chi phí thấp và có thể mở rộng. Walmart cho hay lựa chọn Cruise vì công ty này có thể giúp họ đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2040.
Trong khi xu hướng mua sắm trực tuyến này dự kiến còn kéo dài, khách mua sắm cũng đang quay trở lại các cửa hàng truyền thống khi chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi hơn. Theo công ty dữ liệu Placer.ai, số lượt ghé thăm các cửa hàng Walmart trên nước Mỹ đã tăng 21,7% trong tháng 4/2021.
Walmart cũng vừa ký một thỏa thuận kéo dài nhiều năm với Gap, nhà bán lẻ quần áo và phụ kiện đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ để tạo ra một thương hiệu hàng gia dụng. Động thái này diễn ra giữa bối cảnh Walmart đang muốn thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến, còn Gap hy vọng sẽ củng cố thương hiệu của mình trong lòng người mua sắm. Thương hiệu hàng gia dụng kết hợp giữa Walmart và Gap mang tên Gap Home sẽ ra mắt trên trang web của Walmart vào ngày 24/6 tới và sẽ mang những mặt hàng phổ biến nhất đến một số cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ của Walmart.
Walmart là một trong số ít các nhà bán lẻ đạt tăng trưởng về kinh doanh năm 2020 trong bối cảnh nhiều nhà bán lẻ bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19. Giữa tháng 5/2021, Walmart đã nâng dự báo thu nhập cả năm 2021 sau khi các khách hàng nhận được khoản hỗ trợ tài chính từ chính phủ đã quay trở lại các cửa hàng của họ.
Trước đó tháng 2/2021, Walmart thông báo mức lương của nhân viên tập đoàn này sẽ tăng lên từ 13 USD đến 19 USD một giờ từ ngày 13/3, tùy thuộc từng vị trí, đối với 425.000 nhân viên hoạt động trong các bộ phận kỹ thuật số và các cửa hàng bách hóa./.