Vụ thai phụ tử vong sau khi nâng ngực: Bác sĩ phẫu thuật làm đúng!

Sở Y tế TPHCM đã có thông tin kết luận về vụ thai phụ S.B.T (22 tuổi, ở Cà Mau, tạm trú tại huyện Hóc Môn) tử vong sau khi phẫu thuật đặt túi nâng ngực tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.

Trước đó, bệnh nhân S.B.T thực hiện phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh. Khoảng 10 ngày sau khi làm đẹp, bầu ngực cô gái trẻ bị chảy dịch, có biểu hiện sốc nhiễm trùng nên được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhân Dân 115 trong tình trạng nguy kịch.

Tại buổi họp báo sáng 31-8, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, vào ngày 29-8, Sở Y tế đã họp Hội đồng chuyên môn để xem xét, làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân S.B.T.

Sau khi phân tích hồ sơ bệnh án, nghe các bệnh viện có liên quan báo cáo quá trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Hội đồng chuyên môn đã kết luận nguyên nhân tử vong của bệnh nhân là do đợt bùng phát cấp tính của bệnh lupus ban đỏ hệ thống tiềm ẩn trên bệnh nhân có thai 17 tuần không đáp ứng điều trị. Yếu tố góp phần thúc đẩy đợt bùng phát cấp tính của bệnh lupus ban đỏ hệ thống là có thai, phẫu thuật, sử dụng kháng sinh.

Hội đồng chuyên môn cũng nhận định, Bệnh viện Hóc Môn tiếp nhận ban đầu bệnh nhân đến khám vì mệt, khó thở sau uống 1 viên kháng sinh Zinnat đã xác định tình trạng bệnh nhân nặng, xử trí và chuyển viện kịp thời. Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận, chẩn đoán đúng, xử trí tích cực nhưng bệnh diễn tiến nặng, không đáp ứng điều trị.

Về BS Lê Tấn Hùng – người trực tiếp thực hiện phẫu thuật, bà Mai cho biết, phẫu thuật viên không có sai sót trong kỹ thuật đặt túi ngực, tuy nhiên đã không phát hiện bệnh nhân có thai mặc dù trong quá trình khai thác bệnh sử, khám thấy ngực hơi căng, bác sĩ có hỏi nhưng cả người bệnh và người nhà đều khẳng định bệnh nhân chưa có chồng, kinh nguyệt đều và sắp đến ngày có kinh nên bác sĩ đã loại trừ khả năng có thai của người bệnh.

Cũng theo bà Mai, BS Lê Tấn Hùng được Sở Y tế TPHCM cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 617 ngày 8-11-2013 với Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại địa chỉ 547A đường 3/2 (phường 8, quận 10) với phạm vi hoạt động chuyên môn: tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da vùng mặt vùng cổ; tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai.

“Ông Hùng có hợp đồng cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên môn y tế với Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh từ năm 2014 đến năm 2017. Như vậy, ông Hùng chỉ không được phép phẫu thuật thẩm mỹ tại phòng khám, nhưng thực hiện phẫu thuật này tại bệnh viện là không sai” – Bà Mai thông tin.

Sau vụ việc này,  Sở Y tế TPHCM yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh phải rà soát, củng cố các quy trình chuyên môn, tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình liên quan đến phẫu thuật, đặc biệt quy trình tư vấn và thăm khám trước phẫu thuật. Hội Phẫu thuật thẩm mỹ định kỳ phổ biến rút kinh nghiệm cho các hội viên về những sai sót chuyên môn để tránh lặp lại và phổ biến các quy định của pháp luật. Các bệnh viện tăng cường triển khai và giám sát các hoạt động đảm bảo an toàn người bệnh theo các khuyến cáo của Sở Y tế đã ban hành.