Vitamin K: Tác dụng, cách dùng, tác dụng phụ, thực phẩm chứa vitamin K
Nội Dung Chính
Vitamin K thuộc nhóm các vitamin tan trong chất béo có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Thế nhưng để biết tác dụng, cách dùng cũng như tác dụng phụ và thực phẩm chưa vitamin K như thế nào, hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm.
Vitamin K là một nhóm các vitamin tan trong chất béo có tác dụng trong quá trình đông máu, chuyển hóa xương và điều chỉnh nồng độ canxi trong máu. Loại vitamin này có nhiều trong các loại thực phẩm quen thuộc. Vậy cách dùng và tác dụng phụ của vitamin K như thế nào?
1Vitamin K là gì?
Vitamin K là một loại vitamin thuộc nhóm vitamin tan trong chất béo, nó có vai trò quan trọng việc giúp đông máu, từ đó giúp ngăn ngừa tình trạng chảy máu quá nhiều. Không giống các loại vitamin khác, vitamin K thường không được sử dụng như một loại chất bổ sung.
Loại vitamin đặc biệt này là một nhóm các hợp chất; quan trọng nhất trong các số hợp chất đó là vitamin K1 và vitamin K2. Vitamin K1 được tìm thấy nhiều rau lá màu xanh và một số loại rau khác. Vitamin K2 là nhóm các hợp chất được tìm thấy chủ yếu từ thịt, phô mai, trứng và được tổng hợp bởi vi khuẩn.
Vitamin K1 là dạng bổ sung vitamin K. Ngoài ra, một số người đã dùng vitamin K2 trong điều trị chứng loãng xương do steroid, thế nhưng vẫn cần thêm cần nhiều nghiên cứu để chứng minh cho tác dụng này. Hiện nay, vẫn chưa có đủ dữ liệu để về việc sử dụng vitamin K2 cho bệnh loãng xương.
2Tác dụng của vitamin K
Vitamin K có tác dụng cho một số tình trạng sức khỏe kể đến sau:
Vitamin K ngăn ngừa tình trạng xuất huyết ở trẻ sơ sinh
Bổ sung vitamin K1 bằng đường uống hoặc tiêm vào cơ có tác dụng giúp ngăn ngừa các vấn đề xuất huyết ở trẻ sơ sinh.
Vitamin K giúp làm giảm nguy cơ loãng xương
Bổ sung vitamin K2 và vitamin K1 có khả năng giúp cải thiện sức khỏe của xương và làm giảm nguy cơ gãy xương ở những người xương yếu. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh tác dụng này. Và vitamin K dường như không có lợi cho những người có xương vẫn còn chắc khỏe.
Vitamin K giúp cải thiện trí nhớ
Tăng nồng độ vitamin K trong máu đã được chứng minh có thể giúp cải thiện trí nhớ theo từng giai đoạn ở người lớn tuổi.
Trong một nghiên cứu, những người khỏe mạnh trên 70 tuổi có nồng độ vitamin K1 trong máu cao có hiệu suất ghi nhớ lời nói theo giai đoạn cao hơn so với người có hàm lượng vitamin này thấp hơn [1].
Vitamin K giúp ngăn ngừa vôi hóa mạch máu
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh vitamin K có thể giúp ngăn ngừa vôi hóa mạch máu, đặc biệt ở những bệnh nhân đang sử dụng warfarin. Theo một nghiên cứu cho thấy rằng lượng menaquinone (một dạng vitamin K2) trong chế độ ăn uống cao có liên quan đến việc giảm vôi hóa mạch vành. Do đó, lượng menaquinone đầy đủ có thể rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh tim mạch [2].
Vitamin K giúp giảm nguy cơ đột quỵ
Vitamin K có khả năng giúp cải ngăn chặn tình trạng cao huyết áp bằng cách ngăn chặn quá trình khoáng hóa – nơi khoáng chất tích tụ trong động mạch. Điều này giúp tim bơm máu tự do khắp cơ thể.
Quá trình khoáng hóa tự diễn ra tự nhiên theo tuổi tác, và nó là một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh về tim mạch. Do đó, bổ sung vitamin K đã được chứng mình có thể giảm nguy cơ đột quỵ.
Vitamin K giúp ổn định thời gian đông máu của wafarin
Các bệnh nhân đang dùng thuốc làm loãng máu như warfarin thường được bác sĩ yêu cầu giảm lượng vitamin K vì người ta tin rằng loại vitamin này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Điều này là do vitamin K tương tác với quá trình đông máu của cơ thể và có thể can thiệp vào đặc tính làm loãng máu của thuốc.
Theo một thử nghiệm lâm sàng mới, những người dùng warfarin nên được bổ sung thêm vitamin K trong thực phẩm mà họ ăn hàng ngày. Đây là nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng đầu tiên thử nghiệm cách những người dùng warfarin phản ứng với sự thay đổi trong chế độ ăn uống, khi lượng vitamin K tăng lên [3].
Nghiên cứu theo dõi gần 50 bệnh nhân có tiền sử không ổn định về chống đông máu, tức là cơ thể họ không có khả năng duy trì mức độ đông máu ổn định. Một nửa số người tham gia nghiên cứu được tư vấn chung về dinh dưỡng; một nửa còn lại được tư vấn ăn tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin K.
Sau hai tháng nghiên cứu bắt đầu, kết quả cho thấy 50% người tham gia tăng lượng vitamin K trong chế độ ăn có thể duy trì mức chống đông máu ổn định. Trong khi đó, chỉ 20% những người được tư vấn dinh dưỡng chung có được sự cải thiện tương tự.
Vitamin K giúp cải thiện độ nhạy insulin
Trong một thử nghiệm mù đôi ngẫu nhiên, có đối chứng kéo dài 3 năm trên 355 bệnh nhân, vitamin K đã được chứng minh giúp cải thiện đáng kể độ nhạy insulin, giảm sự tiến triển của tình trạng kháng insulin ở nam giới mắc bệnh tiểu đường [4].
Vitamin K có khả năng ức chế sự phát triển ung thư
Vitamin K2 đã được chứng minh là có khả năng ức chế sự phát triển của các dòng tế bào ung thư ở người, bao gồm cả các dòng u gan, cũng như để điều trị hội chứng rối loạn sinh tủy.
Hai thử nghiệm đã chỉ ra rằng dường như liều vitamin K2 45mg/ ngày có thể làm giảm sự phát triển của ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) ở bệnh nhân xơ gan; và vitamin K2 làm giảm đáng kể sự tái phát của ung thư biểu mô tế bào gan ở những bệnh nhân sau khi điều trị HCC [5].
Trong những thử nghiệm kể trên cho thấy có rất ít tác dụng phụ đối với liều vitamin K2 45mg/ngày, thậm chí kéo dài đến 8 năm. Tuy nhiên, thử nghiệm còn hạn chế vì đều được thực hiện trên các bệnh nhân người Nhật Bản, do đó những dữ liệu này có thể không phổ biến cho những người thuộc dân tộc và vị trí địa lý khác.
Tác dụng của vitamin K đối với chạy thận nhân tạo
Một số dữ liệu cũng cho thấy rằng vitamin K2 có thể giúp cải thiện quá trình tái tạo xương ở những bệnh nhân chạy thận nhân tạo có nồng độ hormone tuyến cận giáp trong huyết thanh thấp [6]. Nghiên cứu cho thấy bổ sung ít nhất 200 µg menaquinone-7 (một dạng vitamin K2) mỗi ngày có thể giúp đạt được sự bảo vệ gần như tối đa đối với tình trạng vôi hóa mạch máu loãng xương và ung thư.
3Cách dùng vitamin K
Hiện nay, vẫn chưa có đủ thông tin khoa học để xác định mức vitamin K cho phép trong chế độ ăn uống (RDA). Vì vậy, dưới đây là khuyến nghị về lượng vitmin K đủ cho cơ thể hàng ngày (AI) cần được bổ sung:
– Trẻ sơ sinh 0-6 tháng: 2 mcg
– Trẻ sơ sinh 7-12 tháng: 2,5 mcg;
– Trẻ em 1-3 tuổi: 30 mcg;
– Trẻ em 4-8 tuổi: 55 mcg;
– Trẻ em 9-13 tuổi: 60 mcg;
– Thanh thiếu niên 14-18 tuổi: 75 mcg;
– Nam giới trên 19 tuổi: 120 mcg;
– Phụ nữ trên 19 tuổi (bao gồm cả những người đang mang thai và cho con bú): 90 mcg.
Bạn có thể bổ sung vitamin K vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày cùng với bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ có chứa chất béo.
Bởi vì hầu hết mọi người đều nhận đủ vitamin K thông qua chế độ ăn uống, do đó không nên dùng chất bổ sung vitamin K liều cao trừ khi có chỉ định của bác sĩ; mặc dù vitamin K bổ sung này nhìn chung an toàn và không có các tác dụng phụ đáng kể.
4Tác dụng phụ khi sử dụng vitamin K
Khi dùng bằng đường uống: Hai dạng vitamin K (vitamin K1 và vitamin K2) rất an toàn cho hầu hết mọi người khi được dùng một cách thích hợp. Liều vitamin K1 10 mg mỗi ngày và vitamin K2 45 mg mỗi ngày được sử dụng an toàn trong vòng 2 năm.
Hầu hết mọi người không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào khi bổ sung vitamin K đúng với lượng khuyến nghị mỗi ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bổ sung vitamin K có thể bị đau bụng hoặc tiêu chảy.
Khi bôi lên da: Vitamin K1 được đánh giá có thể an toàn cho hầu hết mọi người khi bôi dưới dạng kem có chứa 0,1% vitamin K1.
Khi tiêm qua đường tĩnh mạch: Hai dạng vitamin K (vitamin K1 và vitamin K2) an toàn với hầu hết mọi người khi được tiêm vào tĩnh mạch một cách thích hợp.
5Thực phẩm chứa nhiều vitamin K
Vitamin K1 chủ yếu được tìm thấy trong các loại rau xanh, ngoài ra các loại đậu và một số loại quả mọng như: cải xoăn, cải bó xôi, măng tây, bông cải xanh và một số loại đậu.
Một số thực phẩm từ động vật như trứng, thịt bò hoặc gan (gan gà, gan bò hoặc gan ngỗng) có chứa vitamin K2. Ngoài ra, cơ thể cũng có thể chuyển đổi vitamin K1 thành K2, tuy nhiên nhiều nhà khoa học cho rằng bổ sung vitamin K2 qua thực phẩm giàu vitamin K hiệu quả hơn dựa vào quá trình chuyển đổi của cơ thể.
Có một số thắc mắc là bạn có thể bổ sung vitamin K thông qua thực phẩm hay không? Câu trả lời là có. Bạn có thể nhận được đủ lượng vitamin K thông qua một chế độ ăn uống đa dạng. Hầu hết mọi người không cần dùng chất bổ sung vitamin K qua đường uống hoặc tiêm nếu không có các tình trạng sức khỏe cần điều trị với vitamin K qua chỉ định của bác sĩ.
Bài viết trên đã cung cấp cái nhìn tổng quan về tác dụng, cách dùng, tác dụng phụ của vitamin K cũng như những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin K. Hi vọng bạn có thêm nhiều kiến thức về loại vitamin quan trọng cho cơ thể này!
Nguồn: WebMD, Getroman, Healthline, NIH
Có thể bạn quan tâm:
>>>>> Thực phẩm chứa nhiều vitamin K
>>>>> Liều dùng, cách dùng vitamin K
Nguồn tham khảo
-
Vitamin K status and cognitive function in healthy older adults
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23850343/
-
High dietary menaquinone intake is associated with reduced coronary calcification
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18722618/
-
OR36-04-19 – Increasing Dietary Vitamin K Intake Stabilizes Anticoagulation Therapy in Warfarin-Treated Patients with a History of Instability: A 24-week Randomized Controlled Trial
http://www.eventscribe.com/2019/ASN/fsPopup.asp?Mode:presInfo&PresentationID:545052
-
Effect of vitamin K supplementation on insulin resistance in older men and women
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18697901/
-
Effect of vitamin K2 on the recurrence in patients with hepatocellular carcinoma
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18251162/
-
Effects of vitamin K2 in hemodialysis patients with low serum parathyroid hormone levels
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/15003806/
Hơn 1 năm trước
235
0