VĨNH THUẬN
Bột bắp là bột gì? Công dụng của bột bắp ra sao? Có thể sử dụng bột bắp làm món gì? Đây đều là những câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc. Có thể bạn đã từng nghe nhắc đến rất nhiều về bột bắp, và lâu lâu bạn vẫn thấy loại nguyên liệu này xuất hiện trong một vài món ăn nhưng bạn vẫn không biết chính xác bột bắp là bột gì.
Để giúp các bạn rõ hơn về bột bắp, hôm nay Vĩnh Thuận sẽ giới thiệu với bạn một cách rõ ràng về loại bột này cũng như trả lời cho câu hỏi bột bắp dùng để làm gì. Cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Bột bắp là bột gì?
Bột bắp hay còn gọi là bột ngô, đây là loại bột mịn, được làm từ nội nhũ (phần lõi của hạt bắp khô). Bột bắp có màu vàng nhạt hoặc trắng ngà tuỳ thuộc vào loại bắp là bắp tẻ (màu vàng) hoặc bắp nếp (màu trắng). Bột bắp chứa nhiều chất dinh dưỡng từ hạt bắp, chứa các thành phần như chất béo, natri, kali, cacbonhydrat, chất xơ, đường, protein, vitamin A, vitamin B6, magie, canxi, sắt.
Bột bắp có phải là bột năng không?
Nhiều người thắc mắc liệu bột bắp có phải bột năng không và nhầm lẫn giữa hai loại bột này. Nhưng thực ra, bột bắp và bột năng là hai loại bột hoàn toàn khác nhau, mặc dù chúng đều có công dụng kết dính các loại thực phẩm nhưng thành phần thì lại khác nhau.
Bột bắp như đã nói ở trên là được làm từ lõi hạt bắp, còn bột năng được làm từ khoai mì, có khả năng tạo độ kết dính và độ sánh cao hơn. Cũng chính vì vậy mà bột năng thường được sử dụng trong chế biến thạch, chè, bánh bột lọc, bánh da lợn hay những viên trân châu trong trà sữa,…
Trong một số trường hợp bột năng và bột bắp có thể thay thế cho nhau như nấu súp, nấu chè,… tuy nhiên trong một số công thức khác, việc thay thế nguyên liệu bột bắp bằng bộ năng có thể làm thay đổi hoàn toàn kết cấu, hương vị và hình dáng của món bánh, do đó tốt nhất chúng ta nên sử dụng đúng công thức có dùng bột bắp hay bột năng.
Có thể thay bột bắp bằng bột gì?
Như chúng ta đã biết, bột năng có thể dùng để thay thế bột bắp trong một vài trường hợp như nấu súp, nấu chè… Ngoài ra, bạn có thể dung bột mì, hoặc dùng bột khoai tây để thay thế. Tuy nhiên những loại bánh có yêu cầu sử dụng bột ngô thì nên sử dụng đúng bột, chẳng hạn như những loại bánh như Chiffon, Japanese Cottony Cheese cake hay những loại bánh có độ xốp thì không thể thay thế nguyên liệu bột bắp.
Cách làm bột bắp
Sau khi đã biết bột bắp là bột gì chúng ta cùng đến với cách làm bột bắp nhé! Công nghệ chế biến hiện nay tách ly bắp làm 4 thành phần: tinh bột, mầm bắp, chất xơ và chất đạm. Sau khi được tách ly, chất xơ và chất đạm sẽ được chế biến làm thức ăn chăn nuôi gia súc, mầm bắp được tinh lọc làm dầu bắp. Chỉ có tinh bột được sử dụng đa dạng trong chế biến thực phẩm hoặc làm bánh kẹo.
Tinh bột bắp là một sản phẩm bột được sản xuất từ bắp qua quá trình ngâm, nghiền, tách, lọc và sấy khô. Bắp được ngâm trong nước từ 30 đến 48 giờ để lên men từ từ. Mầm của bột bắp được tách ra từ nội nhũ, hai thành phần đó tách ra khỏ hạt bắp (bắp vẫn được ngâm). Sau đó lọc lấy phần lõi của hạt bắp. Tiếp theo nó được làm khô bởi máy ly tâm(sản phẩm dư thừa qua mỗi công đoạn được sử dụng làm thức ăn gia súc và các sản phẩm khác). Cuối cùng tinh bột có thể được dùng cho mục đích cụ thể.
Bột bắp có tác dụng gì?
Nói đến công dụng của bột bắp, đầu tiên phải kể đến vai trò của loại bột này trong chế biến các món ăn. Vậy bột bắp làm món gì? Thường người ta dùng bột bắp làm đặc, làm chất tạo độ kết dính cho các món ăn như nước sốt, súp, bánh pudding và các loại kem. Ngoài ra, bột bắp còn được dùng làm bột phụ trợ cho đồ nướng, các loại bánh nướng, bánh quy để giúp bánh có hương vị thơm ngon và giòn hơn. Ngoài ra, nó còn dùng để sản xuất dextrose acid amin, rượu, bột ngọt…
Ở Việt Nam, bột bắp còn được sử dụng để chế biến cà phê, các nhà sản xuất cà phê cho khoảng 10% bắp rang để lấy độ keo, 90% còn lại là cà phê.
Đối với sức khoẻ con người, bột bắp cũng có giá trị rất lớn, nó giúp cân bằng lượng mỡ trong máu, ngăn ngừa bệnh tim mạch. Tuy nhiên những loại bột bắp làm từ tinh bột tinh chế sẽ ít còn giá trị bổ dưỡng vì không bao gồm thành phần chất xơ và chất đạm cũng như một số sinh tố và khoáng chất vốn dĩ có nhiều trong phần vỏ ngoài của hạt bắp và mầm bắp.
Một số công dụng khác:
-
Khử mùi mốc trong các cuốn sách cũ: Để làm được điều này, bạn chỉ cần rắc một chút bột bắp lên những trang sách, để qua đêm rồi hôm sau phủi sạch.
-
Khử mùi giày, vớ: Giày, vớ sử dụng thường xuyên thường có mùi khó chịu, bạn rải chút bột bắp vào sẽ giúp hút mùi hôi hiệu quả.
-
Làm dịu da cháy nắng: Khi da bị cháy nắng gây cảm giác khó chịu, bạn cho bột bắp vào bồn tắm với nước ấm rồi ngâm mình trong khoảng 20 phút để làm dịu da.
-
Đánh bóng bạc: Khi các đồ dùng bằng bạc bị xỉn màu, mất đi vẻ sáng bóng như ban đầu, bạn hãy trộn bột bắp với chút nước cho sệt, đắp lên đồ bạc, để khô rồi dùng vải mềm đánh bóng lại.
-
Làm bóng đồ đỗ: Đồ gia dụng bằng gỗ sau khi đánh bóng thường bị vương lại vài vết bẩn, bạn chỉ cần rắc bột bắp lên trên, quét sạch rồi dùng vải mềm lau bóng.
-
Tẩy sạch vết dầu mỡ trên vải: Khi có vết dầu mỡ trên vải (quần, áo), bạn dùng khăn giấy lau bớt đi rồi rắc chút bột bắp lên vết bẩn, để khoảng 10 phút rồi phủi sạch bột bắp bằng khăn giấy. Chấm một chút giấm trắng lên rồi đem quần áo đi giặt bình thường.
-
Diệt gián: Trộn bột bắp và thạch cao theo tỉ lệ 1:1, rắc vào những khe hở mà gián thường sinh sống.
-
Trị vết cắn côn trùng, nổi mẩn ngứa: Bột bắp trộn với chút nước cho hơi sệt, thoa lên vết cắn hay chỗ bị ngứa, để khô rồi rửa lại bằng nước.
-
Làm phấn thơm: Đổ bột bắp vào một hộp nhỏ, thêm vài giọt tinh dầu yêu thích, lắc cho tinh dầu thấm đều vào bột rồi sử dụng như một loại phấn thơm bình thường.
-
Tẩy vết máu trên quần áo: Khi quần áo bị dính vết máu, bạn hãy trộn bột bắp với nước thành dạng sệt, đắp lên vết máu, đem phơi khô rồi chải sạch. Có thể lặp lại bước này vài lần cho đến khi không còn vết máu.
-
Trong dược phẩm: Dùng làm binder
-
Trong công nghiệp dệt: là một loại hồ cứng, tăng khối lượng vải, tăng độ bền kéo đứt của sợi dọc, tăng độ láng sản phẩm, hạn chế đổ lông.
-
Trong công nghiệp giấy: là chất bảo lưu, tác nhân cán tráng.
-
Tinh bột bắp sử dụng trong sản xuất mem vi sinh, công nghệ sinh học, xử lý môi trường.